Đại học, đừng học đại!

Nhiều người hay nói đại học đừng học đại, một vài người lại nói lên đại học nhàn lắm. Vậy bức tranh đại học là như thế nào?

Đại học không giống cấp ba. Không còn là học sinh, người học đại học được gọi là sinh viên. Không đơn giản chỉ thay đổi cách gọi, cách học giữa hai khái niệm này cũng hoàn toàn khác nhau. Là một học sinh, chúng ta có nhiệm vụ phải học, còn khi là một sinh viên, học hay không, còn tùy thuộc vào quyết định của bạn. 

Mỗi lựa chọn sẽ đưa đến một hành trình khác nhau trong ngã rẽ của con đường đại học. Trên chuyến xe ngày hôm nay, chúng ta có ba "tài xế" Hải Sơn, Mẫn Nhi, Cảnh Luân và hành trình đại học của họ. 

Đội mũ, thắt dây, chúng ta sẽ đi vào con đường của ba nhân vật này.

dai hoc dung hoc dai - anh 0

Mình tên Trần Hải Sơn, sinh năm 1997. Năm lớp 12, mình quyết định lựa chọn ngành Tài chính Ngân hàng của Học viện Ngân hàng. Mình mất 6 năm để hoàn thành chương trình đại học - thời hạn tối đa của sinh viên được học tại trường. Là sinh viên ngành Tài chính, nhưng công việc hiện tại lại là Truyền thông, đôi khi chính mình cũng tự hỏi: "Này Sơn, mày đã phải đi con đường nào đấy?".

Mơ hồ tuổi 18

Hồi đấy, mình suy nghĩ phải làm bác sĩ, kỹ sư chỉ vì những người xung quanh cho rằng đó là những nghề nghiệp chuẩn mực, là bước tiến chắc chắn dẫn tới thành công. Ngược lại, những ngành nghề thiên hướng nghệ thuật thường được coi là không ổn định. Tại thời điểm đó, mình cũng không được định hướng tương lai rõ ràng như thế hệ bây giờ. 

dai hoc dung hoc dai - anh 0

Việc học đại học nên xếp ở mức độ cần thiết. Khi xã hội ngày càng phát triển, người trẻ có nhiều cơ hội hơn, đại học không còn là sự lựa chọn duy nhất để thành công. Người ta thường nói "Đại học đừng học đại" để ám chỉ trách nhiệm của mỗi người khi quyết định lựa chọn môi trường học tập. Quyết định này có sức ảnh hưởng đến tương lai, đòi hỏi cân nhắc về giá trị, sở thích, khả năng.

Chứng "sợ đến trường"

Mình nhận ra bản thân không phù hợp với ngành học từ lúc vào trường. Đến năm 3, mình càng mường tượng rõ hơn bức tranh nếu học tiếp. Đã có nhiều người nhận xét mình - một đứa giỏi về giao tiếp, thuyết trình - không hợp với ngành Tài chính. Bản thân mình cũng không hứng thú với những môn nghiệp vụ. 

Có vài người bạn học cùng mình lúc đó đã quyết định từ bỏ Tài chính để theo đuổi những đam mê khác. Nhưng lúc đấy, với mình đó là quyết định mạo hiểm.

Từ đó, mình đối diện với chứng "sợ đến trường". Thậm chí, mình luôn đeo khẩu trang để không ai nhận ra. Bạn bè cùng khóa đã tốt nghiệp được 2 năm, họ có công việc đúng ngành đúng nghề, lương cao, con đường thăng tiến rõ ràng. Mình bị áp lực bởi thành tích và thu nhập của các bạn trong khi bản thân còn chưa thể hoàn thành bậc đại học. Có khoảng thời gian mình không giao lưu với bạn đại học, họ hay chọc: "Mày ra trường chưa?" nên mình cũng đáp lại: "Khi nào ra trường, tao sẽ quay lại chơi với bọn mày"

Bố mẹ mình khá nghiêm khắc và có những định kiến với việc học đại học. Nên việc hoàn thành chương trình học cũng chứng minh trách nhiệm bản thân với gia đình. Nên dù không yêu thích ngành học nhưng mình quyết tâm lấy được tấm bằng. Nói đi cũng phải nói lại, đại học cũng cho mình những kỹ năng cần thiết có thể áp dụng vào cuộc sống.

Kẻ tay mơ rẽ ngã mới

Nếu được quay lại, mình vẫn sẽ chọn học ngành Tài chính. Bản thân mình tin vào hiệu ứng cánh bướm, khi có một điều xảy ra sẽ ảnh hưởng tới những việc khác, tạo thành chuỗi sự việc liên quan mật thiết. Nhờ học tại môi trường đó, mình mới có nhiều trải nghiệm và chọn được ngã rẽ mình yêu thích.

dai hoc dung hoc dai - anh 0

Mình đến với nghề MC và các công việc ở mảng truyền thông khá tình cờ. Khi quá chán nản với ngành Tài chính, mình tham gia câu lạc bộ phát triển kỹ năng mềm. Tưởng chừng duyên số sắp đặt với lĩnh vực này, nhưng khi trải qua chặng đường vòng vèo, mình nhận ra đó không phải là duyên, mà là hệ quả của việc không hiểu rõ bản thân khi đã chọn đại ngành học. 

Mình luôn có một sự tự ti nhất định với những bạn được đào tạo và làm việc đúng với chuyên ngành Truyền thông. Nhưng khi không có khuôn mẫu nhất định, mình có cơ hội đi theo những thứ mình thích, thứ mình nghĩ là đúng. Và mình là người thích trải nghiệm hơn kết quả. 

Sau những chặng đường vòng, mình có cơ hội vào Schannel. Đây là thời điểm chứng minh cho ba mẹ thấy mình hợp với thiên hướng nghệ thuật hơn tài chính. Mình cũng tham gia thêm vài chương trình với vai trò MC và tham gia cuộc thi Đường tới cầu vồng của đài truyền hình Việt Nam.

Buổi chung kết, bố mẹ đến cổ vũ nhưng lại giấu. Và mình nhận ra bản thân đã được ủng hộ 100%, không còn lăn tăn cho ngã rẽ mới.

Để đảm bảo sự thành công cho chương trình, người ta thường đề cao MC có kiến thức. Không giống những nghề khác, MC cần tính định danh cao. Nếu một bản hit gây tiếng vang cho ca sĩ, diễn viên nổi tiếng từ một bộ phim, còn MC không thể chỉ qua 1, 2 chương trình mà gầy dựng được tên tuổi. Nó đòi hỏi sự tổng hoà những trải nghiệm của người MC. 

Kẻ tay mơ cũng có thể chạy vào đường đua, cảm giác đi qua từng góc cua thực sự là trải nghiệm điên rồ.

Chi phí cơ hội khi chọn "học đại ở đại học"

Dù xuất phát từ nhiều ngành khác nhau, nhưng đôi khi sẽ có cùng đích đến. Với những bạn có công việc đúng với sở thích, nghiệp vụ sẽ có con đường suôn sẻ và ổn định hơn. Còn những bạn lỡ chọn sai, "học đại" thì sẽ phải đánh đổi thời gian, công sức và cả những đánh giá xã hội.

Trong kinh tế, đây gọi là chi phí cơ hội.

Khi chọn đại một trường để học, các bạn sẽ thoải mái lúc ban đầu. Nhưng về sau, khi nhận ra mình đang đứng giữa ngã ba đường, các bạn mới hiểu tại sao cần có trách nhiệm với quyết định của bản thân. 

Việc chọn ngành học cũng giống lấy chồng, lấy vợ. Có thể con đường đi khác nhau nhưng suy cho cùng tất cả mọi người đều hướng đến sự hạnh phúc. Mỗi người có một hệ giá trị khác nhau nên các bạn cứ trải nghiệm và hoàn thành tốt những mục tiêu trong hệ giá trị riêng của bản thân. 

dai hoc dung hoc dai - anh 0

Nếu các bạn còn quyền quyết định về ngành, trường học, cố gắng hiểu bản thân trước khi đưa ra lựa chọn. Ít nhất, khi được làm những thứ mình thích, đam mê, các bạn sẽ không hối tiếc. Với các bạn đã chọn sai ngành, không cần quá tiêu cực, vững vàng lên, hoàn thành tốt nhất có thể và sẽ tìm được nơi thực sự thuộc về. 

dai hoc dung hoc dai - anh 0

Nói về học đại học, đa phần các bạn sẽ dành trọn 4 năm cho 1 chuyên ngành tại ngôi trường mơ ước. Nhưng có lẽ, mình may mắn hơn khi được trải nghiệm 2 trường đại học cùng một lúc. Con đường này liệu có hào nhoáng như nhiều bạn tưởng tượng hay nhuộm đầy dấu chân cố gắng ngày đêm? 

Học 2 trường đại học, tại sao không?

Mình tên Nguyễn Cảnh Luân, tốt nghiệp ngành Kinh tế Đối ngoại Đại học Ngoại thương và Kinh tế Tài chính Đại học RMIT. Khi đã học một thời gian ở Đại học Ngoại thương, mình nhận được tin đậu học bổng toàn phần ở RMIT. 

Mình chọn học song song 2 trường để tăng trải nghiệm nhiều môi trường học tập, tăng khả năng hiểu biết. Hiện tại, mình là giáo viên tiếng Anh.

Học tập ở hai môi trường cho mình hai tấm bằng danh giá. Nhưng mình không nghĩ bằng cấp là thứ trực tiếp giúp kiếm việc mà kiến thức, kỹ năng là điều quyết định. Sẽ không có chuyện mình đi nộp đơn vào công ty và nói rằng tôi có hai tấm bằng đại học thì được tuyển ngay. 

Điều quan trọng khi học ở cả hai trường đại học với mình là cách sắp xếp thời gian. Mình có một checklist điểm qua những việc cần làm và lên kế hoạch trước cho cả một tuần. Qua đó, mình cũng ôn tập kiến thức hiệu quả và tránh việc trễ deadline. Nhờ vậy mà mình cân đối được việc tham gia lớp học của cả hai trường mà không cảm thấy bị ngột ngạt hay quá tải.

Môi trường ở hai ngôi trường cũng khác nhau. Ở RMIT, vấn đề tự học được đặt lên hàng đầu vì giờ học trên lớp khá ít. Còn với Ngoại thương nói riêng và các trường công lập nói chung ở Việt Nam, giờ học sẽ dày đặc hơn. Giảng viên có thời gian để truyền đạt nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong các giờ lên lớp, đòi hỏi các bạn sinh viên cần chú ý nghe giảng. 

dai hoc dung hoc dai - anh 0

Xuất phát điểm là sinh viên Kinh tế nhưng lại dạy Tiếng Anh, mình nghĩ đa phần là do duyên số. Dạy tiếng Anh là công việc bán thời gian từ lúc mình còn là sinh viên. Nhờ bạn bè giới thiệu, mình làm trợ lý nghiên cứu ở trường RMIT. Ban đầu mình đơn giản nghĩ rằng công việc này giúp mình có kinh nghiệm, nhưng khi làm lâu thì nó trở thành cái nghề, cái nghiệp.

Mình khá tự tin về khả năng Tiếng Anh, nhưng gặp khó khăn với kỹ năng sư phạm ở thời điểm ban đầu. Sau đó, mình tự trau dồi cho bản thân bằng kinh nghiệm dạy qua nhiều lớp. Miễn là mình nhận ra được điểm yếu kém, điểm thiếu sót của bản thân và chịu khó tìm hiểu sẽ cải thiện được.

Tuy không có công việc đúng với ngành học ban đầu nhưng đại học cho mình rất nhiều thứ, nhất là nhìn nhận cuộc sống theo tư duy khác. Đồng thời, nhờ những kỹ năng từ thời gian đại học, mình có thể linh hoạt vận dụng vào công việc hiện tại.

Phao cứu sinh mang tên "Đại học"

Việc học đại học rất cần thiết, tăng khả năng kiếm được việc làm tốt và ổn định. Tấm bằng đại học sẽ cho ta một khởi đầu thuận lợi hơn cũng như một bước lùi nếu công việc sau này không được như mong đợi. Nếu không, khi công việc không thành công, chúng ta sẽ dễ rơi vào trạng thái lạc lõng. 

Kiến thức đại học sẽ có những môn cao siêu, mang tầm vĩ mô nhưng cũng có những môn mang lại kiến thức thực tế, gần gũi. Việc học đại học nhàn hay không là do bản thân quyết định. Các bạn mong muốn đạt điểm cao, được thực hành nhiều, săn học bổng thì phải trải qua khoảng thời gian khổ luyện.

dai hoc dung hoc dai - anh 0

Việc tự học đóng vai trò vô cùng quan trọng, các bạn phải nỗ lực và tìm tòi kiến thức bên ngoài rất nhiều. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoại khóa cũng tạo dựng sân chơi cho các bạn áp dụng những kiến thức đã học. Tổng hòa từ những yếu tố trên thì việc học đại học nhìn chung khá nặng và không hề dễ dàng. 

Ngược lại, với những bạn sinh viên có tư tưởng chỉ cần qua môn, lấy tấm bằng, thì chắc chắn thời gian học đại học sẽ vô cùng nhàn hạ. Tuy nhiên, lúc đi làm các bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để làm quen khi thực hành với những thứ đã học. 

Các bạn có quyền quyết định học tập và rèn luyện trong môi trường nào. Mỗi sự lựa chọn sẽ dẫn đến điểm đích và thành công khác nhau. Đó là lý do vì sao từ những năm học đại học, các bạn nên cố gắng tận dụng quỹ thời gian để trau dồi kinh nghiệm, học tập, cọ xát và tham gia thật nhiều các hoạt động. 

Hồi đó mình nhận ra bản thân giỏi tính toán nên dễ dàng trong việc định hướng tương lai. Nhưng nếu chỉ học qua loa, đôi khi bản thân sẽ bỏ lỡ nhiều điều trong hành trình khám phá chính mình. Sau đại học, mình đã rèn luyện tính tự lập, khả năng tự tìm tòi và kỹ năng làm việc nhóm. Đại học không chỉ cho mình môi trường, kiến thức để phát triển mà còn là những mối quan hệ tới tận bây giờ. 

Không ngại từ bỏ

Khi đang học mà nhận ra mình chọn ngành trái thì đừng ngại từ bỏ. Hầu hết, mọi người khi đang làm điều gì đó, luôn có tâm lý không muốn rời bỏ vì tiếc công sức và thời gian. Nhưng đó không nên là thứ ảnh hưởng tới quyết định cuối cùng. Các bạn nên lựa chọn dựa vào định hướng tương lai và đừng ngại chuyển sang ngã rẽ khác phù hợp với mình hơn.

dai hoc dung hoc dai - anh 0

Khi tốt nghiệp cấp 3, đôi khi chưa xác định được con đường muốn đi thì các bạn cứ chọn đại học làm điểm dừng chân. Đại học có thể coi là môi trường cho các bạn trải nghiệm để khám phá bản thân mình. Đôi khi qua các môn học, các bạn sẽ nhận ra điều gì mình thích thú và còn thiếu sót ở đâu. 

Mỗi năm đến kỳ tuyển sinh, một số bạn cảm thấy buồn rầu, tồi tệ vì mình không đậu với kết quả như mong đợi. Đại học đúng là một bậc thang giúp tiến đến thành công dễ dàng hơn. Nhưng ngược lại, không phải rớt đại học là tương lai sẽ chấm dứt. Có thể, sẽ có cánh cửa khác mở ra và điều các bạn cần làm là có cái nhìn tích cực hơn để nhận ra cơ hội cuộc sống cho mình là gì để nắm lấy.

dai hoc dung hoc dai - anh 0

Mình là Mẫn Nhi, từng học Tâm lý tại trường Erasmus University Rotterdam, Hà Lan. Hiện tại mình là sinh viên năm 3 ngành Truyền thông tại Macquarie University, Úc. Con đường chọn đại học mình đi có nhiều gian nan và ngã rẽ. Cùng lên xe, mình kể các bạn nghe về hành trình đó.

Mình không hợp...

Mình từng học ngành Tâm lý bởi khả năng phát triển của nó trong một tương lai dài tại Việt Nam. Nhất là trong thời đại genZ, sức khỏe tinh thần được đề cập trong mọi mặt cuộc sống. Gia đình mình cũng quan tâm đến chủ đề này, họ thường xuyên nhắc nhở mình về lối sống tích cực, lạc quan.

Mình nhớ từng đọc một bài viết rằng nếu bạn đau về tâm lý, thì cảm giác nhận được không khác gì nỗi đau khi gặp vấn đề về sức khỏe thể chất. Ví dụ, người ta hay nói thất tình như nhói trong tim là điều hoàn toàn đúng.

Càng tìm hiểu về tâm lý, mình càng cảm thấy nó là vấn đề quan trọng. Vốn dĩ mình thích trở thành một bác sĩ nhưng lại sợ máu, mình đã nghĩ tại sao không trở thành bác sĩ tâm lý khi nó vẫn giúp ích được cho rất nhiều người. Cuối cùng, mình quyết định theo học ngành Tâm lý tại Hà Lan.

dai hoc dung hoc dai - anh 0

Sau khi trải nghiệm được một thời gian, mình nhận ra bản thân không hợp với ngành tuy mình vẫn rất quan tâm đến những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Là một đứa thích nói và chỉ hứng thú với môn học có tính sáng tạo, tương tác với bạn bè, giờ đây việc mình làm là ngồi cả ngày để đọc và nghiên cứu.

Bên cạnh đó, mình cảm thấy không hợp với Hà Lan. Nói công bằng, Hà Lan có môi trường giáo dục tốt. Tuy nhiên, cộng đồng người Việt khá ít, thời tiết u ám với mưa quanh năm làm ảnh hưởng khá nhiều tới tâm trạng mình. Ở đây càng lâu, mình càng cảm thấy khó khăn. Mình không muốn phí thời gian và tiền bạc bố mẹ đầu tư để học 3 năm đại học cùng những trải nghiệm không mong muốn. 

Vốn dĩ những mong muốn đổi ngành, đổi trường chỉ nằm gọn trong những suy nghĩ mông lung. Tuy nhiên, khi những người bạn thân học chung ngành gặp vấn đề tâm lý và quay về nước,  khoảnh khắc đó chính là giọt nước tràn ly.

Khó khăn với ngành học, môi trường sống cộng với sự cố của những người bạn đã đẩy bản thân đến những cảm xúc bi quan và mong muốn trở về nhà ngay lập tức. Sự việc ấy tuy gây cho mình nhiều tiêu cực nhưng đồng thời cũng giúp mình đối diện với câu hỏi bản thân luôn né tránh bao lâu nay: "Mình có nên lựa chọn ngành lại từ đầu?"

Lý do mà mình cảm thấy đây là một câu hỏi lớn và khiến mình hoang mang đến như vậy, có lẽ là do mình không dám đối diện với những sự thay đổi quá lớn. Tại thời điểm đó, xung quanh mình không có ai gặp vấn đề tương tự. 

Mình lo lắng cho tương lai một nhưng sợ mọi người xung quanh đánh giá tới mười. Là người hay suy nghĩ, mình sợ rằng nếu đổi ngành, đổi trường, đổi cả nơi ở sẽ làm những người xung quanh hoang mang. Liệu họ có gay gắt về vấn đề đó không? Có khi nào họ quay lưng lại với mình?... Nghĩ lại, mình cảm thấy vô cùng ngốc bởi những suy nghĩ về một Mẫn Nhi thất bại chỉ vì đổi ngành, đổi trường.

Đi tìm con đường mới 

Trong khoảng thời gian học tại Hà Lan, vì muốn lưu giữ lại khoảng thời gian đi du học và có thêm một công việc sáng tạo trong những lúc rảnh, mình đã tìm tới công việc sáng tạo nội dung trên YouTube. Càng làm mình lại càng cuốn vào công việc này.

Khác với khi học tâm lý, mình có thể dành cả ngày, cả đêm để quay dựng clip, nghĩ nội dung cho kênh YouTube mà vẫn thấy vui vẻ. Cũng nhờ công việc này mà mình nhận ra bản thân có đam mê với ngành Truyền thông.

dai hoc dung hoc dai - anh 0

Để hỏi mình có còn thích ngành Tâm lý không, câu trả lời vẫn sẽ là có. Tuy nhiên, trở thành bác sĩ tâm lý giống như mơ ước thuở bé hơn là thứ mình sẽ theo đuổi hiện tại. Gạt bỏ hết những suy nghĩ tiêu cực, mình quyết định bày tỏ mong muốn chuyển ngành, chuyển trường với bố mẹ.

May mắn được bố mẹ ủng hộ, mình về Việt Nam. Thời gian này, mình cũng suy nghĩ về con đường tiếp theo sẽ đi. Sau nhiều cân nhắc, mình tin rằng học tập tại Úc sẽ là lựa chọn hợp lý.

Hoàn cảnh của mình chắc cũng giống với nhiều bạn khác, bố mẹ chỉ có một khoản tiền nhất định đầu tư việc du học. Ở Hà Lan, mình đã dùng hết ⅓ số tiền đó, học tập tại Úc lại đắt đỏ hơn rất nhiều. Trong khoảng thời gian chuẩn bị hồ sơ đi Úc, bố mẹ cho mình học British University VietNam (BUV) như là một kế hoạch B phòng khi không xin được học bổng sang Úc thì không bị lỡ thời gian và tốt nghiệp sau bạn bè.

Vì BUV khá mới nên có rất ít sự lựa chọn, mình tiếp tục học một ngành khác không phải Tâm lý hay Truyền thông. Nhưng mình có thêm cơ hội để nhận ra truyền thông mới là "real love".

Thời gian này, mình phải xoay sở thi IELTS, duy trì mức học tốt ở BUV và làm hồ sơ xin học bổng. Tuy khó khăn nhưng mọi nỗ lực được đền đáp khi mình nhận được học bổng từ tất cả các trường đại học Úc mình đã nộp. Kết quả đó đã giúp mình thêm rất nhiều tin tưởng vào phương châm sống bấy lâu nay mà mình luôn nghĩ: "Nếu bạn cố gắng hết sức, mọi việc sẽ đi đúng hướng". 

Khép lại hành trình ngắn ngủi ở BUV, mình sang Úc học ngành Truyền thông. 

Nhìn lại, mình thấy gì?

Đồng ý có rất nhiều người đi làm trái ngành, mình cũng cho rằng việc học đại học có thể cân nhắc: Học hoặc không. Nhưng với bản thân, khi bố mẹ bỏ một số tiền lớn đầu tư, mình muốn học gì đó giúp ích cho công việc sau này thay vì cố học cho xong để ra trường làm công việc khác.

Phải nói thêm, khi quyết định bỏ một ngành, chúng ta cần chắc chắn bản thân có thực sự đam mê với ngành tiếp theo mình lựa chọn hay không. Đồng thời, việc trau dồi bản thân và có thêm nhiều những trải nghiệm thực tế đối với ngành học là điều thật sự nên làm, thay vì chỉ nghe về sự hấp dẫn và mặt tích cực của ngành đó.

dai hoc dung hoc dai - anh 0

Lấy bản thân làm ví dụ, trong khoảng thời gian học Tâm lý, mình có nửa năm thực tập với ngành Truyền thông trên một số nền tảng, do đó mình có thể tự tin đổi sang một ngành học khác. Khi cho bản thân cơ hội thay đổi, chúng ta không thể quyết định một cách liều lĩnh, sự chắc chắn là yếu tố cần đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh việc học đúng ngành, mình nghĩ chúng ta cần phải học cách hoạt động đúng ở đại học. Nhiều ý kiến cho rằng hoạt động ngoại khóa là "vô thưởng, vô phạt", làm thì tốt, không làm cũng chẳng sao. Quan điểm của mình ngược lại hoàn toàn.

Đối với mình, hoạt động ngoại khóa như tham gia câu lạc bộ, tổ chức dự án, chương trình là một môi trường rất tốt để phát triển kỹ năng. Khi đã hoàn thành hoạt động ở một nơi, mình có thể nâng cấp bản thân ở một dự án, một chương trình chuyên nghiệp hơn, quy mô hơn để từ đó học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm và phát triển bản thân nhiều hơn.

Review ngành Hàn Quốc học: Đầu vào chót vót, đầu ra có gì hot?

Top ngành học có điểm chuẩn cao nhất năm 2021 các sĩ tử 2k4 cần chú ý

Lưu nhanh tips làm bài thi Toán THPT Quốc Gia đạt 8+ từ thầy Nguyễn Tiến Đạt

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ