Tị nạnh thu nhập của một người tốt nghiệp Đại học và việc kinh doanh của... cô bán bún bò? Có quá khập khiễng?
Chuyện nên hay không nên học Đại học luôn là vấn đề tranh cãi từ trước đến nay, khi người ta luôn lấy ví dụ những người thành công nhưng không học Đại học, hoặc học Đại học 4 năm phí thời gian nhưng lại ra làm trái ngành... Và hàng loạt những lý do khác để phủ nhận giá trị của tấm bằng Đại học.
Giờ đây, sự phủ nhận tấm bằng Đại học đã "tiến hóa" lên một cấp bậc mới và gây ra tranh cãi dữ dội khi có người so sánh thu nhập của một người tốt nghiệp Đại học và công việc kinh doanh của... cô bán bún bò!
Cụ thể, bài viết chia sẻ rằng: "Cô bán bún bò bán 30.000 VNĐ/bát. Mỗi ngày cô bán được 80 bát. Lãi mỗi ngày cô được 800.000 VNĐ. 1 tháng thu nhập khoảng 24 triệu. Trong khi tôi đi làm nhân viên văn phòng lương 8 triệu/tháng. Vậy bằng đại học có giá trị gì?".
Đích đến cuối cùng của việc học Đại học có phải là kiếm tiền?
Bước chân vào một môi trường Đại học, ai cũng sẽ có cho mình một mục đích và lý tưởng riêng. Nhưng mục đích bài bản nhất mà ai cũng "cùng chí hướng" đó là: Có thể học được một cái nghề để sau này ra trường, tìm được một công việc ổn định với mức lương kha khá nhờ vào kiến thức và kỹ năng mà mình được dạy.
Suy cho cùng, mục đích lớn nhất vẫn quy về kiếm tiền để nuôi thân, lớn hơn một tí thì có thể lo lắng cho ba mẹ hay thậm chí là lo cho gia đình nhỏ của riêng mình. Nhưng, rõ ràng là, tấm bằng Đại học có cho bạn một mức thu nhập mơ ước?
Để trả lời cho câu hỏi của "khổ chủ" đã chia sẻ dòng trạng thái gây tranh cãi, hot TikTok Hải Ninh - một người từng trượt tốt nghiệp đến 2 lần đã diễn giải cụ thể dưới phần bình luận như sau:
"Thứ nhất: Bán bún bò phải có nghề mới bán được, cái nghề nó phải có duyên, bạn nghĩ ai cũng nấu ra rồi có khách à?
Thứ hai: Bạn có bằng đại học, có thể năm nay 8 triệu, nhưng mà 10 năm sau vẫn 8 triệu là do bạn kém, bạn kiếm ít tiền không phải do đại học, do thực lực không đủ, không có!
Thứ ba: Học có thể giúp bạn tiến tới những công việc trí óc, không học tỉ lệ cao bạn làm tay chân, bạn lựa cái nào?
*Kinh nghiệm của một học sinh trượt 2 lần tốt nghiệp: Học đi, mấy ông tỉ phú bỏ học khởi nghiệp là cựu sinh viên mấy trường top như Harvard đấy, chứ có phải học mấy trường làng nhàng đâu, với người ta cũng có hướng đi rõ ràng rồi, đại học nó không phải con đường tới thành công nhưng nó cho bạn kiến thức để thành công" - Hải Ninh bổ sung thêm phần bình luận của mình
Trên thực tế, rõ ràng có không ít bạn lên đại học và "học đại" như đúng nghĩa đen của nó, hoặc có không ít bạn chọn nhầm hướng đi nhưng quay đầu lại đã không còn kịp. Thậm chí Tiến sĩ Phí Hồng Minh, Nguyên giảng viên tại trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã từng khẳng định với rằng: "Hầu hết, các bạn sinh viên ra trường đều không làm công việc mình đã được học, dù đó là tấm bằng Đại học xuất sắc".
Nhưng... tri thức luôn bền bỉ hơn với sự tồn tại dài hạn!
Chia sẻ với , bạn Dạ Ngân, một sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, đồng thời cũng đang làm một công việc văn phòng đã chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề trên: "Mình nghĩ đây là một quan điểm rất phiến diện và so sánh khập khiễng. Mọi công việc đều đáng quý, đều nên được trân trọng. Nhưng có một sự thật đó là tri thức thì luôn bền bỉ hơn với sự tồn tại dài hạn.
Các bạn đừng nên tập trung vào cái trước mắt, cái ngắn hạn là số tiền cô bán bún bò kiếm được 1 tháng mà bỏ đi một cái giá trị lâu dài đó là sự phát triển của các bạn trong tương lai. Cô bán bún bò có thể kiếm được hơn 20 triệu/ tháng nhưng số tiền 20 triệu/ tháng đó có thể duy trì trong 5-10 năm và vẫn y như vậy. Thế nhưng nếu bạn nghiêm túc đầu tư vào giáo dục, khởi điểm có thể bạn không bằng nhưng biết đâu, 5-10 năm sau, bạn lại có được gì có hơn thì sao?" - Ngân chia sẻ thẳng thắn quan điểm của mình về vấn đề.
Theo Ngân, việc học Đại học vẫn vô cùng quan trọng dù cho bạn ra trường làm trái ngành với công việc mà mình đã học. Để trả lời cho câu hỏi, bạn đã nhận được những gì khi học Đại học, Ngân cho biết bản đã học được nhiều kỹ năng mền, kiến thức và đặc biệt là vòng tròn mối quan hệ chất lượng - là những thứ mà những người không học Đại học chưa chắc đã có được.
"Thực sự thì ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều cách để kiếm tiền rồi. Quan trọng là nhu cầu ở các bạn thôi. Đúng là tiền bạc, lương bổng, những cái phúc lợi xã hội,... sẽ là một trong những thứ mà chúng ta để ý và xem xét nhất khi ứng cử vào 1 công ty để kiếm việc, kiếm tiền. Tuy nhiên với kinh nghiệm và kiến thức của một sinh viên mới ra trường, mình nghĩ để có một mức tiền cao thì bạn cũng phải upgrade (nâng cấp) bản thân cao để xứng đáng với nó" .
Tiền chỉ là kết quả, kiến thức mới là phương tiện cốt lõi để kiếm ra tiền và nhiều hơn thế nữa!
Bạn Nguyễn Huỳnh Tấn, một sinh viên từng chọn cách "bảo lưu" tại Đại học một năm để làm việc, kiếm tiền và chạy theo những giá trị thực tế trong cuộc sống. Sau đó, Tấn đã quay trở lại Đại học và tiếp tục con đường học vấn của mình vì nhận ra: "Kiến thức mới là phương tiện để giúp mình kiếm được tiền, mình vẫn cần có một tấm bằng Đại học".
Chia sẻ với về vấn đề gây tranh cãi trên, Tấn cho biết: "Câu này sẽ có nhiều góc nhìn, bạn học trường nào, năng lực của bạn tới đâu thì sẽ ra cái mức thu nhập đó. Kinh doanh sẽ khác nhiều so với làm công ăn lương thông thường. Việc cô bán bún bò có thu nhập cao hơn là hiển nhiên nhưng việc có nên học hay không học Đại học nó chẳng liên quan gì đến hình ảnh so sánh cô bán bún bò cả!"
Bằng đại học chưa chắc có giá trị, nhưng kiến thức có được trong quá trình học lên đại học, rèn luyện tư duy, sáng tạo, kiên trì bền bỉ là những thứ không thể so sánh được với bất cứ thứ gì kể cả tiền.
Tóm lại nghề nào cũng quý và không quá đề cao bằng cấp. Bạn có thể làm nông dân, tiểu thương… hay bất cứ một ngành nghề tự do nào bạn muốn, miễn là nó làm bạn hạnh phúc. Đừng mang giá trị đồng tiền ra so sánh, nó làm chúng ta nhìn lệch lạc và phiến diện!
Nguồn: TH&PL