Có không ít ý kiến cho rằng: "Tấm bằng đại học vô dụng" vì ra trường vẫn đầy sinh viên thất nghiệp. Vậy sinh viên thất nghiệp là lỗi của tấm bằng sao?
Nên học đại học hay không nên học đại học đang trở thành vấn đề tranh luận lớn hiện nay. Điều đó tạo nên một mối băn khoăn lớn trong lòng giới trẻ đặc biệt là 2k3 đang chuẩn bị bước vào kì thi trọng đại nhất cuộc đời. Chọn ngành học đã khó nay lại băn khoăn học đại học có thật sự cần thiết. Và có người nhanh chóng khẳng định luôn rằng: "Tấm bằng đại học vô dụng" liệu có đúng?
Không có vé làm sao vào cửa?
Bằng đại học là tấm vé vào phỏng vấn đối với một số công ty và là điều kiện bắt buộc đối với một số ngành nghề. Chẳng hạn đối với các ngành nghề như bác sĩ, giáo viên, công an,... bằng đại học là điều kiện bắt buộc phải có thậm chí phải là một tấm bằng loại giỏi. Hay trong yêu cầu ứng tuyển có ghi "Ứng viên dự tuyển cần có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng". Vậy trong những trường hợp này và nhiều trường hợp khác nữa chẳng phải bằng đại học đang đóng vai trò quyết định đối với công việc của bạn đó sao? Cơ hội tốt không đến nhiều lần, bạn sẽ để lỡ bao nhiêu cơ hội vì không có bằng Đại học.
Còn với những ngành nghề, công ty không yêu cầu bằng đại học bạn nói chỉ cần chuẩn bị kĩ năng là còn có thể có công việc tốt hơn cả người có bằng đại học. Vậy cần chuẩn bị bao nhiêu là đủ? Nên nhớ, một tấm bằng đại học cũng nói lên bốn năm học tập và rèn luyện của một sinh viên, dù thế nào lượng kiến thức và kĩ năng họ có cũng không phải ít. Thời gian phỏng vấn ngắn như vậy bạn chứng minh bạn hơn họ bằng cách nào.
Ai cũng nói bằng đại học không quan trọng nhưng ai cũng xem trọng nó. Không phải tự nhiên mà người ta lại bỏ nhiều công sức và tiền bạc để học đại học như vậy. Tại các nước phát triển người có giáo dục bậc cao chiếm tỉ lệ khá lớn như Canada 56,27% dân số, Nhật Bản 50,5% dân số, Anh 45,96% dân số,... trong khi đó tỉ lệ này ở các nước đang phát triển thấp hơn khá nhiều.
Ở Việt Nam tỉ lệ người học đại học thuộc hàng thấp trên thế giới, nhà Nước và Bộ Giáo Dục đang đặt ra những chỉ tiêu thúc đẩy lượng người học đại học, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước: "Các em cần được trang bị kiến thức kĩ năng mới. Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay đầu tư cũng rất đúng hướng, từ giảng viên đến cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm các cơ sở đào tạo tiêu chuẩn quốc tế hội nhập với thế giới để các em có thể lựa chọn, từ đó khuyến khích người dân tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao" - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học.
Đừng mơ đến "số ít" người bỏ học Đại học như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steve Jobs vẫn trở thành tỷ phú
Bill Gates, Mark Zuckerberg hay Steve Jobs đều không có bằng Đại học nhưng đang làm ông chủ của rất nhiều người có bằng đại học của các trường top đầu thế giới. Nhưng trên thế giới có bao nhiêu người bỏ học đại học mà thành công được như họ? Hơn thế ngôi trường đại học mà họ bỏ dở cũng không phải tầm thường. Bill Gates và Mark Zuckerberg bỏ học tại Harvard-một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới. Steve Jobs thì bỏ học đại học Reed- trường mỹ thuật hàng đầu của Mỹ.
Hơn thế nếu nói họ bỏ học đại học rồi thành công. Có phải vì họ bỏ học đại học nên mới thành công không hay còn phải trải qua quá trình học tập khác gian khổ hơn, khó khăn, áp lực và chịu thất bại nhiều hơn rất nhiều so với các sinh viên ngồi trên giảng đường học tập, đi làm thêm và lo lắng về việc trượt môn.
Và dù bỏ học để theo đuổi sự nghiệp của mình thì sau cùng cả ba người họ đều thừa nhận giá trị của việc học Đại học. Thậm chí Bill Gates còn từng nói rằng: "Hãy ở lại trường hỡi các bạn sinh viên. Mặc dù tôi đã bỏ học và may mắn thành công khi theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực phần mềm. Nhưng một tấm bằng đại học vẫn là con đường chắc chắn và an toàn nhất để thành công".
Thật vậy, đừng chỉ nhìn vào số ít những người bỏ học đại học mà vẫn thành công, bởi họ chỉ là một trong cả trăm, cả triệu người không học đại học. Còn với những người học Đại học, tỉ lệ thành công của họ cao hơn khá nhiều.Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy 94% lãnh đạo Mỹ, bao gồm các nhà báo hàng đầu, các chính trị gia và CEO, đều học đại học. Và "học Đại học" mà tôi muốn nói đến là học thật sự chứ không phải chỉ đến giảng đường cho có. Cầm một tấm bằng loại kém và rồi kêu trời rằng tôi học Đại học mà chẳng được gì. Bởi "Không phải con bò nào đi qua cổng trường đại học, rồi cũng trở thành kỹ sư"- Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống.
Chọn học Đại học chậm mà chắc hay vượt rào để "nằm gai nếm mật" rồi thành công?
Người không học đại học có thể bắt tay ngay vào những công việc mà họ mong muốn và sau 4 năm làm việc đó họ sẽ tiến tới những dự định mới lớn hơn. Không học đại học còn có thể tiết kiệm chi phí, sử dụng ngay khoản tiền có thể lên tới cả trăm triệu mà đáng ra sẽ dùng cho 4 năm học đại học để đầu tư kinh doanh cũng là một cơ hội. Những người nổi tiếng thành đạt dù không học đại học cũng ngày càng nhiều như Ellen DeGeneres, Ted Turner hay Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và rất nhiều người là minh tinh nổi tiếng, là chủ của những nhãn hiệu lớn khác.
Gen Z là thế hệ năng động, sáng tạo cũng là thế hệ có điều kiện và môi trường sống khác hẳn các thế trước. Họ được tiếp xúc với công nghệ cao từ nhỏ, có điều kiện sống tốt hơn, có nhiều lựa chọn mới cho hướng đi trong tương lai đồng thời cũng là thế hệ phải chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch. Những thay đổi quá lớn của thế giới khiến Gen Z phải suy nghĩ lại về giá trị thực sự của bằng đại học: Liệu mình có còn nhiều thời gian để mài dũa kiến thức tận 4, 5 năm tại Đại học hay không?
Về bản chất có bằng đại học vẫn là một điều tốt, nó khẳng định người đó có kiến thức và kĩ năng nhất định ở lĩnh vực nào đó. Không phải tự dưng đại học sinh ra lớp Văn bằng 2 dành cho các những người đã đi làm, thậm chí toàn ông to bà lớn chỉ để lấy được cái bằng. Bởi tấm bằng sẽ phát huy tối đa giá trị của nó khi bạn lao vào cuộc chơi thăng tiến, cuộc chơi mà chỉ những người ngồi ở vị trí nhất định mới hiểu được. Còn có bằng đại học mà vẫn thất nghiệp là lỗi của người sở hữu hay giá trị của tấm bằng thì đến đây hi vọng các bạn đã có cho mình một câu trả lời đúng đắn nhất.
Nguồn: TH&PL