Gán cho peer pressure tính từ phù phiếm bởi không phải là lớp bọc "thúc đẩy động lực", nó thực chất là thứ cảm xúc độc hại không nên tồn tại.
Peer pressure /cụm danh từ/: "áp lực đồng trang lứa" là loại cảm giác tổng hợp từ những cảm xúc tiêu cực khác nhau: buồn chán, ghen tỵ hay cảm thấy hụt hẫng, thất vọng, trách móc bản thân bởi ty tỷ thứ mà những người cùng độ tuổi đã có được, còn bản thân thì không.
Nếu bạn hiểu được câu nói "Khi thấy bạn bè đạt được thành tích cao trong cuộc sống, chúng ta thực sự mừng cho họ trong độ khoảng một phần nghìn giây rồi lại bắt đầu nghĩ về chính mình" của nhân vật Ted trong sitcom đình đám How I met your mother thì đó chính là biểu hiện của peer pressure.
Peer pressure tồn tại ở mọi khía cạnh từ học hành, công việc, tài chính cho đến ngoại hình, tình cảm. Peer pressure không mới, tuy nhiên khoảng thời gian gần đây, với sự bùng nổ của mạng xã hội giúp cụm từ này trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Đồng hành cùng trong bức tranh peer pressure, ba nhân vật muối, Vừng và Phúc sẽ vào vai họa sĩ.
Peer pressure đều bắt đầu bằng chữ P, vậy "luật chơi" cho 3 "họa sĩ" của chúng ta hôm nay là phác họa những đường nét về nỗi áp lực này bằng chữ P tương ứng và tự kể lại về các chữ P đó. Từ đó, mọi người sẽ thấy vì sao peer pressure lại phù phiếm.
Phải - không phải ngẫu nhiên khi muối chọn từ này.
Dưới góc nhìn của muối, áp lực đồng trang lứa là điều ai cũng "phải" gặp trong cuộc sống. Đây cũng là điều kiện cần, "phải" có peer pressure thì mới thúc đẩy mỗi cá nhân chinh phục ước mơ một cách nhanh chóng và đạt kết quả cao hơn.
Vì mình thường xuất hiện trên mạng xã hội với hình tượng học sinh tiêu biểu, đạt vô vàn những thành tựu nên ít người biết rằng mình cũng trải qua khoảng thời gian tiêu cực với peer pressure.
Thuộc GenZ - thế hệ thường được khen gợi như sự hòa trộn thú vị giữa giỏi, giàu và thành công, mình cũng tích đủ cho bản thân những nốt trầm của cả bản giao hưởng đầy thăng hoa trong học tập.
Mình nhận thấy có sợi dây vô hình được tạo nên bởi những khuôn mẫu của xã hội, muốn gò ép chúng ta. Đó là những tiêu chuẩn tưởng chừng lý tưởng nhưng lại khắt khe khiến mình khó lòng phá bỏ và phải bật hết công suất để đạt được.
Mình hay các bạn mình đều đến từ môi trường có rất nhiều luồng áp lực để phải đạt được kết quả cao nhất có thể. Nên từ đó, áp lực đồng trang lứa cũng được sinh ra.
muối cảm thấy peer pressure rõ nhất là giai đoạn thi cấp 3 và thi đại học. Thời điểm này hình thành những dấu mốc lớn và cũng là bàn cân chung của xã hội. Đương nhiên, đây không phải sân chơi duy nhất để đánh giá khả năng, nhưng theo tiêu chuẩn chung của xã hội thì những kì thi này áp lực rất cao.
Qua các năm, những kỳ thi càng khắc nghiệt hơn khiến cho học sinh như mình lao đầu vào ôn thi với mong muốn đỗ đạt cao để bản thân, cha mẹ hãnh diện.
Mình liên tục so điểm số, cảm thấy bồn chồn khi bạn bè xung quanh nhận được tin tốt. Đồng thời luôn lo lắng cho tương lai, buồn bực vì những thứ nhỏ nhặt nhất như thay vì được 9 điểm lại chỉ được 8,5.
Mình tin khái niệm "áp lực đồng trang lứa" đã xuất hiện từ lâu, cả bố mẹ hay ông bà chúng mình cũng từng trải qua cảm xúc ấy. Chẳng qua, dạo gần đây, khái niệm này mới cụ thể hoá hơn.
Từng học ở Ams, rồi đến sang du học, peer pressure là thứ tồn tại hết sức thực tiễn trong môi trường của những "người chăm chỉ". Các bạn đừng lo rằng bản thân đang tụt lại phía sau, vì cả những người làm việc ở NASA họ còn lo về peer pressure cơ mà!
muối nhận thấy hầu như khi các bạn phải chịu ảnh hưởng của peer pressure sẽ sinh ra những cảm xúc tiêu cực và dần mất định hướng trong cuộc sống. Bản thân mình cũng trải qua nên mình không nói điều này là xấu, chỉ đơn giản là bản năng tự nhiên thôi, nhưng phải công nhận đây là chuỗi cảm xúc không đáng có.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, mỗi người một đường, mỗi người một lối, chả ai giống ai, vì nếu giống thì ta đã chả cần phải phấn đấu để có một tương lai tốt làm gì rồi! Nên là cứ tự tin thôi, cứ là chính mình và phấn đấu để có thể cảm thấy mãn nguyện với bản thân nhất có thể.
Vừng chọn Phai để phác họa cho bức tranh peer pressure. Phai của mình nghĩa là phai nhạt. Đúng là cảm giác đấy mình từng có, nhưng bây giờ thì không. Hiện tại, mình không để peer pressure can thiệp quá sâu vào hành trình.
Vừng thấy peer pressure trong lúc các nền tảng xã hội phát triển như cá gặp được nước.
Khoảng 10 năm trước, mọi người thường dùng Yahoo, khi kết bạn thì mới tiếp cận tin tức về mình. Còn bây giờ, mạng xã hội gợi ý cho người dùng về cả những thứ chưa từng xem. Đặc biệt là LinkedIn, chúng ta còn thấy những lời chúc mừng khi người khác đạt thành tích nào đó. Có thể nói, đây là nền tảng gây nhiều áp lực nhất.
Cho nên mình chẳng bất ngờ khi mức độ peer pressure ngày càng tăng lên.
Khi tiếp xúc với nhiều người giỏi, mình sẽ tự phản ánh lại bản thân và cảm nhận được peer pressure rõ rệt hơn bao giờ hết. Sức ảnh hưởng peer pressure thì độ tuổi nào cảm nhận được. Nhưng peer pressure thay đổi theo từng nhóm tuổi. Khi học tiểu học, thứ định hình sự thành công là điểm cao, hay đi đôi giày đẹp. Khi lớn lên, lại có nhiều thứ so sánh hơn như đến tuổi mua nhà, mua xe, cưới hỏi, chứ không chỉ dừng lại ở GPA hay công việc.
Đó là sự so sánh với người không cùng hoàn cảnh và mục tiêu với mình.
Thực ra, Vừng gặp peer pressure mạnh nhất là cấp 2, hồi lớp 6, 7. Mình có cô bạn thân nhưng cạnh tranh nhau gay gắt. Trường có chương trình học bổng dành cho thủ khoa, mình và bạn luôn tranh phần thưởng. Nhưng phần lớn, bạn thân mình là người nhận học bổng. Lúc đó mình rất buồn và cảm thấy kém cỏi.
Đến tầm lớp 8 - 9, mình nhận ra không có lý do gì cho những cảm xúc tiêu cực như vậy. Mình tìm kiếm các hoạt động khác xây dựng tự tin. Đây là thời điểm mình hiểu được hai đứa có điểm mạnh khác nhau và ngừng so sánh.
Vừng từng xem clip của chị Khánh Vy về 50 điều đã làm trong 10 năm. Ở độ tuổi 20, chị ấy đã tậu hẳn chiếc ô tô, chị làm MC cho nhiều chương trình. Lúc đó trong đầu mình đã nhảy ra 1001 câu hỏi so sánh: Vì sao tiếng Anh mình cũng tốt nhưng tại sao chưa thể mua được xe và nổi tiếng như vậy?
Nhưng thực ra, lúc đó mình chưa nhận được điều cốt lõi. Lĩnh vực thành công của hai người là hoàn toàn khác nhau. Cả hai có mục tiêu, mong muốn đóng góp khác. Mục tiêu khác sẽ dẫn tới con đường đi khác và tạo nên những thành công khác nhau.
Dần dần trong tư tưởng mình có những thay đổi, giúp bản thân thoát khỏi vòng quay của thành tích hay hào nhoáng của người khác.
Cấp 3, mình đi du học Nhật, tiếp xúc với những người giỏi. Họ đã thực sự truyền cảm hứng cho mình bằng cách họ luôn chọn đón nhận những cảm xúc tích cực và cố gắng cho đam mê.
Ở nền văn hoá nào cũng có nhiều người cạnh tranh, nhưng phải công nhận các bạn người Châu Á, đến từ những nước đang phát triển thì độ cạnh tranh và nguồn năng lượng quyết tâm rất mãnh liệt.
Điều này cho thấy cụm từ này gần như chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Bố mẹ so sánh con cái mình với gia đình khác.
Và peer pressure cũng phụ thuộc vào ngành học. Ngành mình học về Humanities, mọi người có thiên hướng hợp tác và trao đổi vấn đề với nhau nhiều hơn. Còn những ngành tự nhiên, các bạn ấy thường làm việc làm cá nhân, độ cạnh tranh sẽ cao hơn.
Mình đã vượt qua giai đoạn cảm nhận mạnh mẽ về peer pressure hồi cấp 2, nên mình biết luôn có người giỏi hơn trong tất cả hoạt động. Ở Cornell đã có quá nhiều bạn giỏi, nếu dành thời gian cho peer pressure thì mình sẽ bỏ lỡ cơ hội học hỏi, lắng nghe.
Một lần đi thực tập, mình nhận thấy đa số những người mình tiếp xúc là những anh chị đi trước. Họ là người mentors, là kho tài liệu để mình có kỹ năng cho bản thân.
Mình thấy 2 cụm này không phổ biến nhưng gần đây xuất hiện rất nhiều. Khi học cùng lớp với người giỏi, mình được lắng nghe phát biểu của họ và từ đó cũng có thêm những kiến thức mới. Từ đấy giúp độ hiểu biết giữa mình và bạn ấy được rút ngắn. Hay các bạn có thể nhắn tin cho các anh chị để hỏi thăm hay có những chương trình peer mentorship để được hướng dẫn cách nộp hồ sơ vào trường.
Khi đi phỏng vấn, mình luôn trả lời thế mạnh là "reflective", có thể tạm dịch là khả năng suy ngẫm về những thứ đã học, đã trải nghiệm. Hàng ngày chúng ta học rất nhiều thứ, nhưng không phải ai cũng dành thời gian chiêm nghiệm và đánh giá lại.
Có thể những bạn không "reflective" sẽ tự ti hơn vì chưa hiểu rõ bản thân là ai. Đây cũng tạm coi là nguyên nhân cho cảm giác thua thiệt với mọi người.
Thực ra, cốt lõi mà ít ai thấy khi đối diện với peer pressure là điểm xuất phát. Ví dụ mình là du học sinh, chậm hơn về lịch sử Mỹ. Nếu quên điều ấy mà luôn cảm thấy bản thân tồi tệ thì mình sẽ buồn cả năm mất. Nếu nghĩ theo cách khác, trước khi học mình không có kiến thức gì, nhưng sau đó, mình đã nâng cao hiểu biết. Nhìn lại chặng đường đã qua, khoảng cách mà mình đi được rất xa.
Có hằng hà sa số những cách giúp bạn vượt qua áp lực đồng trang lứa. Nhưng dù là gì đi nữa, các bạn nên tập trung vào chính mình, ưu tiên thế mạnh bản thân. Bức tranh sáng màu nào cũng có mảng tối, thử nhìn lại quãng đường đã đi, so với phiên bản trong quá khứ thì mình đã tiến bộ rồi.
Trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân - liều thuốc cho áp lực đồng trang lứa.
Sẽ thật "phí" nếu dành cả thanh xuân sống chung với peer pressure. Khi nhìn lại cả chặng đường bản thân đã rèn luyện, rong ruổi với những thứ được xem là thành tích hào nhoáng. Phúc thấy cứ mãi chạy theo hình mẫu của người khác, rồi cũng sẽ đến lúc chúng ta cần tập trung vào chính bản thân mình.
Trong thời buổi người người dùng mạng xã hội việc vô tình bắt gặp thành tựu của ai đó có thể nói là nhiều như cơm bữa, cộng thêm tâm lý con người hay có thói quen so sánh bản thân với người khác. Cả hai kết hợp lại thì như thêm dầu vào lửa, dầu "thành tựu" đổ vào lửa "so sánh" thì peer pressure bùng nổ lên cũng không có gì lạ.
Ứng với cái tên peer pressure, thì độ tuổi nào cũng cảm nhận được áp lực này. Nhưng nếu để nghĩ về một độ tuổi mà người ta cảm thấy vấn đề này nghiêm trọng nhất thì chắc là độ tuổi hai mươi mấy - sau khi tốt nghiệp đại học. Khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường, cấp 1, cấp 2, cấp 3 hay thậm chí là khi lên đại học thì con đường các em đi về cơ bản nó được vẽ ra bởi nhà trường.
Còn khi ra đời rồi thì không còn ai vẽ đường cho mình nữa, phải tự nghĩ con đường và chọn phương hướng để đi. Peer pressure trong tình huống này trở nên khó khăn hơn, bởi giờ đây mọi việc không còn đơn giản như thời đi học.
Nếu coi peer pressure như một môn học với mức điểm tối đa là 10 thì chắc mình là học sinh cực kỳ tệ với mức điểm 1 hay thậm chí là 0. Đến hiện tại, mình không còn quan tâm về những thành tựu của người khác nữa, họ không phải là mình, mình cũng chẳng phải là họ, cho nên bản thân đã không còn áp lực đồng trang lứa nữa.
Nhưng phải thừa nhận rằng, trước đây, mình từng có khoảng thời gian chịu đựng loại áp lực này. Tuy nhiên nó không nằm ở vấn đề công việc hay thành tích, áp lực đồng trang lứa mình gặp phải xoay quanh chủ đề tình cảm.
Thường những người trong độ tuổi như mình, họ sẽ ở trong một mối quan hệ hoặc ít nhất là họ từng quen, hay dành cảm xúc cho đối phương. Còn mình, đến hiện tại, vẫn chưa từng ở trong mối quan hệ nào cả. Cũng vì thế, mình từng có những suy nghĩ tiêu cực. Mình đặt ra muôn vàn câu hỏi: Tại sao người khác đã có người yêu, còn mình thì không? Liệu có phải tính cách mình có vấn đề khiến những người xung quanh không muốn bước vào mối quan hệ với mình? Hay bởi vì bản thân có ngoại hình không ưa nhìn?
Cứ như thế, mình biến bản thân thành nạn nhân, tự tạo áp lực cho mình bởi những suy nghĩ vớ vẩn như vậy. Rồi mình bắt đầu thực hiện phép so sánh với người này, người kia, cân đo đong đếm bản thân có gì thua với A hay hơn B ở điểm gì. Thậm chí còn lấy ngoại hình của họ để làm thước đo. Một khi đã đem bản thân ra so sánh, mấy ai hài lòng về mình đâu? Thế là lại kéo về cho bản thân những cảm xúc tự ti, đố kị.
Tuy nhiên, khi rơi vào vũng bùn nào, dù cho có lầy lội đến mấy thì sau một thời gian, ta cũng sẽ làm quen, học cách đứng vững và rồi từng bước vượt ra khỏi nó. Mình cũng vậy. Sau thời gian "sa bùn", mình dần nghiệm ra bản thân không phải là vấn đề. Nhìn nhận lại bản thân và cho mình thời gian chính là chìa khóa để mình chữa lành những áp lực đó.
Đối với mình...
Đã đặt vấn đề thì phải giải quyết, tuy nhiên, mình không nghĩ có một lời khuyên chung nào cho tất cả những người đang gặp phải áp lực này. Họ - những người đang chịu cảm giác peer pressure, phải tự mình nhận thức về vấn đề gặp phải.
Cũng như câu "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ", lời khuyên thì cũng chỉ là thoáng qua bởi những người trong cuộc họ vẫn còn đang xoay vòng giữa những nỗi niềm đó. Chỉ có tự mình trải, tự mình ngẫm thì mới từ từ bước ra khỏi vũng lầy áp lực.
Mỗi người có một cái đồng hồ riêng, có thể là thời điểm này người khác đạt được những thành tựu đó bởi nó phù hợp với thời gian trên đồng hồ của họ.
Qua mỗi chữ "P", mỗi góc nhìn, mỗi câu chuyện của cả ba họa sĩ, có lẽ chúng ta đã khắc họa được phần nào bức tranh peer pressure ngổn ngang. Từ đó, ta cũng thấy được chiếc chìa khóa vạn năng để khép lại mọi vấn đề peer pressure là tập trung vào chính mình. Vốn dĩ, những người nổi tiếng trên mạng xã hội, những nhân vật bạn cho là hoàn hảo cũng có những nỗi niềm riêng với áp lực đồng trang lứa. Đây là cảm xúc không chỉ riêng bạn đối mặt.
Nguồn:TH&PL