Con cái hay chia sẻ chuyện của chúng cho bạn bè, nhưng đôi khi với bố mẹ lại thường chọn im lặng.
Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình luôn nhận lại được những sự yêu thương từ bố mẹ, song cũng vì khoảng cách thế hệ mà khiến tình cảm ấy không được biểu hiện đúng cách. Phụ huynh luôn muốn con mình hoàn hảo, con cái thì trách bố mẹ áp đặt… dường như trong mối quan hệ này chưa từng có những điểm chung để có thể thấu hiểu cho nhau.
Nội dung liên quan
Việc lắng nghe con cái của mình cũng dần trở thành một vấn đề khó khăn. Bởi lẽ chúng vẫn sợ bố mẹ không lắng nghe, lúc nào cũng bận hay chẳng thể thấu hiểu… có vô số nguyên do khác nhau khiến bố mẹ khó lòng "làm bạn" với con cái của mình.
Làm bố mẹ đúng cách đôi khi là thử thách lớn
Những đứa trẻ chưa từng là người lớn bao giờ, thì với một số phụ huynh đó cũng là lần đầu mà họ nhận được một "chức vụ" thiêng liêng và cao cả.
Có những hy vọng về một tương lai tươi sáng cho con cũng là nghĩ về cuộc sống sau này của chúng, nhưng hãy để điều này dựa trên sự tôn trọng những đứa trẻ. Xem xét những điều bản thân mong muốn có thật sự phù hợp với con hay chỉ đang áp đặt, cách yêu thương của chúng ta đúng cách hay đó chỉ là sự ích kỷ.
Làm bạn với con có vẻ khó nhưng đôi khi chỉ cần chúng ta có được sự lắng nghe những đứa trẻ, luôn sẵn sàng đồng hành cùng chúng trong những vấn đề của cuộc sống. Điều này có thể sẽ là một khó khăn với chúng ta, nhưng nó lại là cách hiệu quả nhất để dần thu hẹp khoảng cách thế hệ trong gia đình.
Nội dung liên quan
Ngoài ra, cũng cần đồng cảm và thấu hiểu hơn cho cuộc sống của những đứa trẻ, phải chấp nhận một thực tế rằng chúng sẽ không như chúng ta mong đợi bởi chúng cũng có lý tưởng riêng. Đừng mặc định đã là bố mẹ sẽ có quyền áp đặt con cái. Cho chúng một không gian để trưởng thành theo cách tích cực là điều ý nghĩa mà ta nên làm.
Những đứa trẻ cũng là "bản sao" của bố mẹ. Cứ xem đây như một điểm chung để có thể nhận thấy sự đồng bộ với con cái, thay vì tìm kiếm những sự khác biệt để buộc chúng thay đổi theo ý muốn của chúng ta.
Đừng "trừng phạt" nhau bằng tổn thương và day dứt
Bố mẹ cũng từng là con của ông bà, đã từng vì những điều nhỏ nhặt mà khó chịu với ông bà hay bất đồng với những người đi trước. Hiện tại con cái của chúng ta cũng sẽ như vậy, vốn dĩ ai cũng đều chỉ là những con người bình thường, việc biểu hiện cảm xúc là một lẽ tất yếu.
Một đứa trẻ có thể chưa ngoan, hôm nay chúng không được điểm 10 hay hôm sau bị phạt vì nghịch dại nhưng chúng ta không thể mãi chăm chăm vào lỗi sai đó mà chỉ trích, trừng phạt chúng. Những lời răn dạy thật tốt, nhưng phải giúp đứa trẻ ấy nhận ra lỗi sai của mình và tìm cách khắc phục, chứ không phải la mắng, đánh đập.
Dù là phụ huynh hay những đứa trẻ thì cũng đều là con người, ai cũng có những lỗi sai, nên đừng trừng phạt nhau bằng những án phạt day dứt cả cuộc đời, hãy trao nhau cơ hội để được tiếp tục yêu thương.
Trong Podcast mang tên Đừng Trừng Phạt Cha Mẹ Mình Như Thế", thầy Võ Anh Triết từng chia sẻ: "Chúng ta phải cho cha mẹ mình một cơ hội khác, để hiểu chúng ta hơn, vì nếu không thì làm sao mẹ cha hiểu được. Với những gì họ đã làm, dù đôi khi tiêu cực, cha mẹ vẫn xứng đáng có thêm cơ hội nữa. Chúng ta có thể tha thứ cho người lạ, vậy thì chúng ta tiếc gì với mẹ cha mình".
Có bạn là bố mẹ thật tuyệt vời: không ganh đua, cũng chẳng đố kỵ, luôn luôn an toàn tuyệt đối với chúng ta. Một người "bạn đời" là những đứa trẻ cũng không tệ, sẵn sàng lắng nghe và bên cạnh trong những ngày hạnh phúc.
Nguồn: TH&PL