IELTS mở ra cho chúng ta rất nhiều cơ hội nhưng đừng vì thế mà chọn đại một trung tâm kém chất lượng và rồi thiệt cả công lẫn tiền
Biết được nhiều lợi thế khi thi chứng chỉ IELTS, giờ đây người người, nhà nhà đều đổ xô ôn thi IELTS như một trào lưu. Nắm được thời cơ chín mùi này, rất nhiều trung tâm luyện thi IELTS đã bắt đầu quảng cáo tràn lan các khóa học từ mất gốc đến các khoảng điểm khác nhau thậm chí là... các bé nhỏ học mẫu giáo vẫn có thể ôn thi IELTS.
Vẫn có những lớp học dạy IELTS cho học sinh tiểu học, liệu có chất lượng?
Trước nhiều lời kêu gọi như vậy chúng ta cần phải tỉnh táo trong việc chọn ra trung tâm ôn thi IELTS chất lượng để tránh trường hợp mất tiền oan phí. Nhiều nơi họ chỉ nhắm vào tâm lý muốn ôn thi và đạt kết cao trong thời gian ngắn của các khách hàng mà có những lời cam kết chẳng hạn như "Sau 3 tháng đạt IELTS 7.0".
Tuy nhiên chỉ là "treo đầu dê bán thịt chó", chúng ta dễ dàng bị chiêu dụ và lọt lưới những trung tâm kém chất lượng nhưng lại phải "cắn răng" đóng một số tiền lớn cho chúng.
IELTS lên ngôi như một hiện tượng "thần thánh" hoá
IELTS nổi lên như một cơn sốt dạo gần đây bởi lợi thế lớn mà tấm bằng ngoại ngữ mang lại, đạt được band điểm càng cao đồng nghĩa cơ hội mở ra cho bạn càng lớn. Được ưu tiên xét tuyển theo phương thức riêng vào các trường đại học lớn. Săn học bổng cũng như cơ hội ra nước ngoài du học, đặc biệt là có điểm cao trong mắt nhà tuyển dụng khi apply vào các công ty lớn, quốc tế vì họ hợp tác với những đơn vị nước ngoài nên có yêu cầu tiếng Anh cao.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của một chứng chỉ ngoại ngữ nào cả vì tiếng Anh vốn dĩ là chìa khóa then chốt mở ra cơ hội mới cho chúng ta hội nhập với quốc tế. Nhưng dạo gần đây mọi người có vẻ đang "thần thánh" hoá IELTS mà quên đi đây chỉ là một công cụ hỗ trợ công việc sau này, cốt lõi nhất vẫn là kỹ năng và kiến thức chuyên môn của mỗi người.
Hơn nữa với thời hạn hai năm thì số điểm IELTS vẫn không nói lên hết khả năng tiếng Anh của một người. Tiếng Anh là quá trình trau dồi và sử dụng lâu dài nên không lý gì mà IELTS lại trở thành một tấm bằng được "thần thánh" như thế.
Tại sao IELTS lại được "thần thánh" hoá đến như thế trong khi chúng chỉ là một công cụ?
Có thể nói chưa bao giờ trào lưu học tiếng Anh lại rầm rộ như bây giờ. Sau kỳ thi THPT quốc gia 2021 một chủ đề gây tranh luận nhiều là các trường đại học cộng điểm tiếng Anh cho học sinh cụ thể là điểm thi IELTS. Làm cho ai ai cũng muốn tập trung ôn luyện để có về bằng chứng chỉ kèm theo band điểm ưng ý.
Nhất là các học sinh cấp ba và sinh viên, đây hai đối tượng cần đến IELTS để tuyển sinh đại học, du học cũng như là đi làm sau này. Thậm chí là các bậc phụ huynh dù con vẫn nhỏ chỉ mới học cấp 1, cấp 2 vẫn được đưa đến các lò luyện thi IELTS.
Muốn là thế nhưng để tự học và đạt số điểm thi IELTS cao là một vấn đề lớn khác. Cần có lộ trình học chi tiết, nguồn tài liệu ôn thi chất lượng, kỹ thuật khi đi thi,... đó là những điều "bế tắc" mà rất nhiều người khi tự học gặp phải. Do đó mà đa số mọi người đều bỏ ra số tiền lớn tìm kiếm những trung tâm dạy và thi IELTS vì dù sao cũng hiệu quả hơn là phải tự thân vận động.
Cũng chính vì thế mà rất nhiều trung tâm dạy IELTS mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi người và trong số đó không tránh khỏi có những trung tâm "dỏm" lừa gạt lòng tin của người khác.
Cơ hội cho một số người trục lợi từ việc thi IELTS nổi lên như cồn
Chúng ta đều biết kinh phí dành cho một khóa học IELTS không hề rẻ vì thế mà các trung tâm mọc lên như nấm. Việc dạy IELTS cũng dần trở thành một ngành công nghiệp, một nghề hái ra tiền ở Việt Nam. Các khoá dạy dao động ở mức 10, 15, 20 triệu đồng mỗi khoá tuỳ vào năng lực của học viên. Và nếu có lượng lớn học viên đăng ký học thì chắc chắn lợi nhuận sẽ không hề ít.
Trước con mồi béo bở như thế sẽ có những mặt tối phía sau. Nhiều kẻ xấu sẽ lợi dụng cơ hội này để trục lợi cho bản thân, họ sẽ quảng cáo khoá học đến với khách hàng một cách tận tình và phóng đại những gì họ đang có để đánh lừa chúng ta. Thực tế đã có trường hợp thầy cô dạy ở trung tâm đã dùng bằng giả, dùng photoshop chỉnh sửa điểm để đi dạy… nhằm tạo lòng tin "giả" cho người học. Hay sử dụng hình ảnh người nước ngoài trái phép để PR cho trung tâm.
Nếu có được giảng dạy thì sau bao tháng ngày ôn luyện vất vả, bỏ cả công sức lẫn tiền bạc nhưng cuối cùng lại không đạt điểm mong muốn. Lúc đấy khi quay về phàn nàn thì chỉ nhận lại câu trả lời thờ ơ và không có thái độ hoàn tiền như đã hứa. Cuối cùng chúng ta lại là người chịu thiệt thòi khi vừa bị lừa cả tiền lẫn lòng tin của mình.
Nguồn: TH&PL