#YouAreNotAlone: Cùng   chung tay chữa lành!

"Bình thường mới" sẽ như một lời trấn an và tự thắp lên một chút hi vọng của những tâm hồn sau nhiều thương tổn không thể nào khỏa lấp.

Chúng ta đang sống trong những thời khắc của lịch sử, tựa như một cuốn phim mà không ai biết kết thúc sẽ như thế nào. Cuốn phim mang tên Covid-19, dường như nó thuộc thể loại phim kinh dị vì nó vẫn đang hiện hữu trong cuộc sống, ở khắp mọi nơi và vô cùng "khắc nghiệt". 

1.224.110 người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 29/11/2021. Trong số đó, đã có 25.055 người ra đi mãi mãi vì đại dịch. Sự bùng phát nhanh hơn, mạnh hơn, khó kiểm soát hơn của dịch bệnh lần thứ 4 cũng làm cho tỷ lệ thất nghiệp lên đến 1,2 triệu người (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê). Nếu một trong chúng ta không phải là những người đã nhiễm Covid-19, hay bị nó lấy đi sinh mạng thì chí ít cũng đã bị cướp đi việc làm… hoặc đơn giản nhất là một cuộc sống có thể "hoàn toàn bình thường". 

Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên, cùng những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành lại nhanh chóng. 

you are not alone cung chung tay chua lanh - anh 0
you are not alone cung chung tay chua lanh - anh 0

TP.HCM những ngày giữa năm 2021, có lẽ đã để lại ký ức không thể quên được trong rất nhiều người. Tin khu phố mình phải phong tỏa, tin người xung quanh là F0 hay việc một ai đó là người quen qua đời vì Covid-19 đã chẳng phải chuyện xa lạ. Những đợt test covid-19 cộng đồng diễn ra khắp mọi nẻo đường thành phố, khiến cuộc sống như đóng băng, mọi hoạt động ngưng trệ. 

Cách đây 4 tháng, kể từ những ngày giãn cách xã hội đầu tiên, người ta thường trêu nhau bằng câu: "Ai rồi cũng phải bị chọt mũi". Chuyện bị chọt mũi thời điểm đó ví như một chuyện động trời để người ta than thở cho nhau nghe về sự đáng sợ của nó. Nhưng thay cho nỗi sợ hãi, giờ đây tất cả đã dần xem việc test Covid-19 như một thói quen phải làm, cứ đều đặn 3 ngày 1 lần… mỗi người dân đều trở thành một "thợ test Covid-19" đầy chuyên nghiệp giữa mùa dịch. 

Nhưng đó chỉ là một trong những thói quen rất nhỏ mà mỗi người "chịu khó" làm quen như một sự bảo đảm an toàn cho cuộc sống của mình. Và còn đó những "dư chấn" ám ảnh hơn...

you are not alone cung chung tay chua lanh - anh 0

Biết bao mối quan hệ thân tình bị cắt đứt và sinh ly tử biệt. Covid-19 đã làm những nạn nhân phải gục đi cùng với chiếc máy thở khi không có người thân bên cạnh. Và trong những giây phút cuối đời, người thân của họ cũng chẳng thể tìm thấy họ ở đâu giữa những trạm cấp cứu, cách ly, bệnh viện dã chiến luôn trong tình trạng quá tải người trong đợt dịch thứ 4.

Không có vòng hoa, không kèn trống, không viếng thăm, những lễ tang giữa đại dịch Covid-19 cứ lặng lẽ diễn ra. Gia đình có người mất không biết làm gì khác ngoài chờ đợi đội mang táng đến đưa thi thể người thân mình đi và tiếp tục chờ đợi tro cốt họ trở về. 

Covid-19 càn quét như một kẻ giết người hàng loạt để lại cha mẹ, vợ/chồng và rất nhiều trẻ nhỏ đã trở thành trẻ mồ côi giữa đại dịch. Một số em chưa kịp hiểu chuyện, chưa kịp cảm nhận hơi ấm gia đình, chưa kịp nhớ được mặt cha mẹ đã phải thốt lên câu hỏi ngô nghê: "Mẹ ơi, sao ba ngủ hoài vậy?".

you are not alone cung chung tay chua lanh - anh 0

Để giành lại sự bình yên "tạm thời" cho cuộc sống, đã có biết bao thứ phải đánh đổi. Ngày Sài Gòn "kiệt sức", lực lượng chi viện khắp mọi nơi đã đổ về tâm điểm dịch bệnh như một cuộc chạy đua để giành lại sự sống cho từng người dân. Lần đầu tiên lực lượng quân đội xuất hiện và sống cùng dân trong thời bình; lực lượng y tế phải ngày đêm canh từng hơi thở cho F0 tại các bệnh viện dã chiến và cả nỗi ám ảnh đồ bảo hộ, khẩu trang 3M của những tình nguyện viên nơi tuyến đầu.

"Tôi luôn lặng người khi bệnh nhân hỏi mình 'Kết quả của em sao rồi ạ?'. Đứng trước những ánh mắt ấy là một loại áp lực vô hình, nhiều khi nó siết chặt lấy cổ họng tôi. May quá, bộ đồ bảo hộ rất kín, tôi còn đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn nữa, mô hôi ra rất nhiều. Sẽ không ai phát hiện ra tôi lúc ấy lấy mẫu với hai hàng nước mắt chảy dài…". Đó là tâm sự của giảng viên Hòa Thị Hồng Hạnh cùng những cô cậu học trò trường Đại học Y Dược Thái Nguyên trong những ngày chi viện tại Sài Gòn. 

Chưa bao giờ hành trình này lại dài và khó khăn đến thế. Một chặng hành trình chẳng ai biết được mặt nhau hay nhớ tên hết tất cả sự cống hiến, nhưng chính họ cũng là những người tổn thương nhất vì phải luôn trong tâm thế "nén đau" bởi hai từ: trách nhiệm.

you are not alone cung chung tay chua lanh - anh 0

"Khắc nghiệt nhất có lẽ là việc chứng kiến cả người thân của mình trút hơi thở cuối cùng nhưng vẫn phải nén cảm xúc để tiếp tục nhiệm vụ chống dịch. Có khóc, có gục ngã, có tuyệt vọng nhưng con đường chống dịch còn dài lắm... mình không làm gì được hết ngoài việc phải mạnh mẽ để phục vụ nơi tuyến đầu" - Anh Phạm Trọng Tín hiện đang công tác tại Bệnh viện An Bình (Quận 5) nói với . 

you are not alone cung chung tay chua lanh - anh 0

Tiến sĩ Anthony Fauci đã nói trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng rằng: "Sẽ rất khó khăn - ít nhất là trong tương lai gần và có thể là không bao giờ - để thực sự loại bỏ virus có khả năng lây truyền cao này".

Có lẽ, niềm hy vọng dập dịch giờ đây giống như một điều gì đó bất khả thi. Nhiều quốc gia đã chọn "mở cửa" và sống chung với Covid-19 như một lẽ thường trong cuộc sống. Việt Nam cũng thế!

Đã 2 tháng bình thường mới trở lại kể từ đầu tháng 10/2021, cuộc sống đã dần hồi sinh với quyết tâm khôi phục kinh tế từ chính phủ đến người dân. Sài Gòn đã kẹt xe, nhiều người đã được trở lại văn phòng trong những ngày hành chính, người dân khắp tỉnh thành cũng bắt đầu "quay xe" về Sài Gòn làm việc với một tâm thế "mới": Chấp nhận sống chung với dịch! 

Chấp nhận chỉ như một sự chịu đựng bất đắc dĩ để vượt qua nỗi lo vì dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Những ám ảnh tâm lý đeo bám khiến nhiều người dần trở nên "rụt rè" với cuộc sống hơn trong những ngày trở lại. Người ta còn thấy một Sài Gòn như nhấn nút "reset" lại tất cả cho một trạng thái bình-thường-mới. 

you are not alone cung chung tay chua lanh - anh 0

"Có thực sự 'bình thường' không khi giờ đây những cái bắt tay, những cái ôm là những điều xa xỉ, và những lời chào hỏi chỉ có thể đối diện nhau với khoảng cách an toàn, những gương mặt quen giờ chỉ có thể nhìn nhau bởi lớp khẩu trang…" - Chia sẻ của Trương Minh Toàn, 32 tuổi, một Đạo diễn sân khấu cũng đang loay hoay "chắp vá" cuộc sống trong những ngày bình thường mới. 

Đó chỉ một trong số rất nhiều người mang theo những dư chấn tâm lý khi tiến đến một trạng thái bình thường trở lại. Dẫn lời chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM): "Đó là một làn sóng ngầm rất dữ dội, có sức tàn phá lâu dài hơn cả virus nhưng ít được nhận biết và can thiệp kịp thời", chuyên gia nhận định.

Dịch Covid-19 làm gia tăng nỗi lo về sự kỳ thị. Kế đến là sự sợ hãi và ám ảnh. Chính vì thế, một cuộc sống "cũ" sẽ rất khó để tìm lại khi dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, nhưng cuộc sống "mới" sẽ giúp mở ra cơ hội để chúng ta có thể làm lành những tổn thương. 

you are not alone cung chung tay chua lanh - anh 0

Nhờ bình thường mới mà cụ Diên (80 tuổi) - thợ chụp ảnh dạo cuối cùng tại Sài Gòn đã có thể tiếp tục hành nghề kiếm sống sau 4 tháng mắc kẹt một mình tại căn trọ ọp ẹp. Chia sẻ với , ông cho biết: "Hồi dịch, ông chỉ nằm ở nhà ăn mì, cơm chỉ nấu chứ không có gì để ăn mà chỉ ăn với nước tương. Không đi chợ, không đi mua gì được. Hai ba tháng đó khổ dữ lắm, nằm có một mình thôi. Lắm lúc bệnh có mất đi cũng không ai hay..." - cụ Diên tâm sự.

Nhưng kể từ ngày được "đi làm" trở lại, dù không quá đắt show nhưng ông được rất nhiều người giúp đỡ. Chúng tôi đến gặp gỡ ông chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, nhưng cứ chừng 15 phút lại có một cuộc gọi đến hỏi thăm, người thì gửi vài trăm ủng hộ, người thì "lấy cớ" đến chụp ảnh để "gửi thêm" cho ông là chính. Phải nhờ có "bình thường mới" thì cuộc sống của ông mới ổn hơn như vậy. 

Hay như câu chuyện về Irina - người phụ nữ Belarus (47 tuổi) đã hành nghề bán bánh dạo tại Sài Gòn kể từ tháng 3/2020 đến nay. Phải tạm dừng công việc mưu sinh trong suốt 4 tháng giãn cách xã hội và chỉ vừa bán bánh trở lại khi Sài Gòn vào nhịp bình thường mới, chị Irina đã trả lời thẳng thắn với chúng tôi  là "No!" khi được hỏi rằng chị có gặp nhiều khó khăn trong khoảng thời gian mắc kẹt tại đây vì dịch bệnh. 

Irina cho biết, mình là một trong những người đầu tiên trong thành phố tiêm vaccine Vero Cell. Chị đã được giúp đỡ bởi một người phụ nữ hàng xóm tốt bụng, họ đã luôn tận tình hỗ trợ chị trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, "...dù dịch bệnh có nguy hiểm thế nào thì tôi vẫn luôn cảm thấy được an toàn khi sống tại đây" - Irina chia sẻ.

you are not alone cung chung tay chua lanh - anh 0

Đúng với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau từ chính phủ, dù có cùng chung gốc gác hay ngoại tịch, tất cả đều sẽ được giang tay cứu lấy giữa cuộc sống thiếu an toàn nhưng thừa tình yêu thương này. Và cả những người không may đã ra đi vì Covid-19 cũng chưa từng bị lãng quên...

Ngày 19/11 vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Thành ủy TP.HCM tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 tại TP.HCM nhằm chia sẻ, động viên trước những mất mát, đau thương của hàng chục nghìn gia đình đã mất người thân.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã phát biểu rằng: "Tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ mất vì COVID-19 làm ấm lòng người đi, chia sớt phần nào nỗi đau với người ở lại". Hôm đó, nhiều người chọn mặc áo màu đen trong ngày đặc biệt này bằng tất cả sự tiếc thương và trân trọng. Hơn 3000 ngọn nến hoa đăng được thả trôi, gửi theo cả những giọt nước mắt "nén" đau mà gượng dậy cho một cuộc sống mới.

you are not alone cung chung tay chua lanh - anh 0

Giặc gì ấy, chẳng nhìn rõ, chẳng súng ống đánh bom. Vậy mà bao nhiêu người ngã xuống chẳng thấy đường về. Mấy đứa nhỏ cứ ngóng cha ngóng mẹ, người đi rồi trở về chỉ là hũ tro cốt, rồi cũng không biết tương lai ra sao, tất cả chỉ là một mớ hỗn độn!

Vậy làm cách nào để chúng ta có thể vượt qua? 

Câu trả lời duy nhất đó chính là: Cùng nhau đồng hành để cùng nhau tồn tại!

Dù cuộc sống đã bình thường mới, tuy vậy, những người lính thời bình, áo trắng áo xanh vẫn miệt mài trên những chiếc xe truy vết F0, xe mai táng và cả những chiếc xe đưa tro cốt của đồng bào trở về nhà. Tất cả vẫn tiếp tục lăn bánh để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình. 

you are not alone cung chung tay chua lanh - anh 0

Cuộc sống cũng đang dần hồi phục với một sự "reset" hoàn toàn mới. Việc Covid-19 có thể ở bên chúng ta mãi mãi là một điều chẳng ai mong đợi. Nhưng nó sẽ kéo đòn bẩy tinh thần để chúng ta cải thiện đáng kể khả năng ứng phó với đại dịch và áp dụng các biện pháp bảo vệ vào cuộc sống hàng ngày. 

Những trường học đã "mạnh dạn" mở cửa để giáo viên, học sinh, sinh viên lại được đến trường sau gần một năm "dán mắt" vào màn hình máy tính, điện thoại. Những sân khấu hạn chế người bắt đầu le lói những ánh đèn đầu tiên cho một sự khôi phục lại nền nghệ thuật. Những rạp phim cũng dè chừng mở cửa với hy vọng không bị xóa sổ khỏi thị trường giải trí sau một năm gần như thất thu về kinh tế. Và đã có rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống đang dần hồi phục. 

Nhưng điểm chung của sự hồi phục này không còn là một cuộc "chạy đua" về thành tích và kinh tế mà là ước mong mở ra một cơ hội tất cả có thể cùng nhau "sống tiếp"!

you are not alone cung chung tay chua lanh - anh 0

Qua rồi những cuộc "chạy đua" để xem ai sẽ chiến thắng, giờ đây, việc được trở lại trong cuộc sống bình thường mới khiến làng giải trí xem đó là một cơ hội để mang đến những món quà tinh thần "healing" cho khán giả sau rất nhiều tháng đằm chìm vào những "drama" mạng xã hội và sinh ly tử biệt trong đại dịch. 

Người ta nhớ đến ca khúc Bậu Ơi Đừng Khóc cũng cố nghệ sĩ Phi Nhung như một niềm an ủi cho những mất mát của bản thân sau đại dịch. Hay series hát ca tâm tình nhẹ nhàng Nằm Xuống Liu Riu từ nữ ca sĩ Bích Phương đều nhận được những phản hồi cực kì tốt từ công chúng. Kể cả bộ phim mang thông điệp tích cực như 11 Tháng 5 Ngày của truyền hình Việt cũng được nhiều khán giả đón nhận,... Tất cả cho thấy khán giả đang cần giải trí theo hướng "healing" và ổn định tinh thần để bước vào cuộc sống mới.

"Bình thường mới" sẽ như một lời trấn an, tự an ủi và tự thắp lên một chút hi vọng của những tâm hồn sau những thương tổn không thể nào khỏa lấp. 

you are not alone cung chung tay chua lanh - anh 0

Chính vì thế, đã khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục!

Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.  

_______

trân trọng cảm ơn hai họa sĩ Lê Sa Long và Ngọc Thành, với 2 bộ tranh vẽ về Sài Gòn sử dụng trong bài viết này.

Nguồn:TH&PL

Quỳnh Như|