Chỉ với 25 nghìn đồng một kiểu ảnh, ai nấy cũng hài lòng với tấm ảnh in nhận lại từ chiếc máy ảnh đời cũ của cụ Diên hơn 10 năm về trước.
Tìm gặp người thợ chụp ảnh dạo cuối cùng tại Bưu điện TP.HCM vào một buổi chiều thứ 4 trong những ngày vội vã gần cuối năm, ai nấy cũng đều hối hả để "hồi phục" cuộc sống sau gần nửa năm dịch bệnh. Cụ Diên cũng thế, dù đã 80 tuổi nhưng ông vẫn "bám trụ" với công việc "thất thế" này đã gần 30 năm như một sự lựa chọn cuối cùng của mình.
Câu chuyện về cụ Diên chụp ảnh dạo ở khu vực Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố bất ngờ được nhiều người chú ý sau những bài chia sẻ trên mạng xã hội. Chúng tôi gặp gỡ ông chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, nhưng cứ chừng 15 phút lại có một cuộc gọi đến hỏi thăm, người thì gửi vài trăm ủng hộ, người thì "lấy cớ" đến chụp ảnh để "gửi thêm" cho ông là chính.
"Được nhiều người quan tâm và ủng hộ, tôi vui lắm và trân trọng từng sự giúp đỡ của mỗi người" - Cụ Diên chia sẻ với .
Giờ điện thoại của lớp trẻ còn xịn hơn máy ảnh của tôi...
Ông Nguyễn Văn Diên (80 tuổi), người đã gắn bó với công việc chụp ảnh dạo gần 30 năm. Một công việc đã gần như thất thế trước thời đại khi ai cũng có cho mình một "chiếc máy ảnh riêng". Nhưng không biết làm gì khác ngoài công việc này, cụ Diên xem đó là một phần của tuổi già của mình.
"Vợ mất sớm, con của ông thì đang ở xa, mà cũng nghèo à chứ không có giúp được cho ông. Từ ngày làm cái nghề này đến bây giờ là 30 năm rồi đều do ông tự lực cánh sinh thôi chứ mấy đứa con không giúp gì được hết, do nó cũng không có gì" - cụ Diên tâm sự.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Diên vẫn ngày ngày đeo máy ảnh đời cũ Canon 30D, máy in ảnh và một tập giấy in... trên chiếc Dream cũ và đến khu vực trung tâm này để ghi lại những khoảnh khắc cuộc sống của từng vị khách ghé đến.
Liên tục xuýt xoa trước chiếc máy ảnh "xịn xò" của chúng tôi, cụ Diên chắc mẩm: "Cái máy ảnh này của ông đã hơn chục năm rồi, sao làm lại với máy ảnh đời mới với những chiếc điện thoại của lớp trẻ bây giờ. Nhiều người đến để ủng hộ ông thôi chứ bây giờ ai chụp hình kiểu này nữa".
Kể với chúng tôi về cuộc đời của mình, cụ Diên cho biết hồi đó ông chạy xe cấp cứu cho Sở Y tế ở quận 10, rồi đi sửa xe, làm rẫy, làm mướn... và đủ thứ nghề. Cho tới lúc thấy hơi yếu người, không làm được những công việc đó nữa nên ông mới bắt học nghề chụp hình này ở đường Sương Nguyệt Ánh tại hội nhiếp ảnh thành phố. Học được 3 tháng rồi bắt đầu làm tới bây giờ cũng đã 30 năm.
Đã qua rồi thời vàng son lúc điện thoại thông minh còn chưa thịnh hành như bây giờ, những người thợ chụp ảnh dạo vì không thể tiếp tục "bám trụ" với nghề mà dần từ bỏ. Chỉ còn mỗi cụ Diên chọn ở lại vì không biết bỏ nghề rồi sẽ phải làm gì.
"Cuộc đời của ông buồn nhiều hơn vui cháu ơi"
Ngồi trước Bưu điện Thành phố để chờ khách, nhìn người đến rồi đi vắng vẻ mà lòng ông nặng trĩu. Đang nói chuyện với chúng tôi mà thấy có người đến chụp ảnh thì ông lại nhanh chân đến mời chào. Nhưng chỉ nhận lại một cái lắc đầu từ chối.
Những tháng ngày dịch bệnh vừa qua, có người thương cho ông ở nhờ không lấy tiền, vơi bớt gánh nặng cho ông. Nhưng sự cô quạnh tuổi già thì ngày càng lớn.
"Hồi dịch, ông chỉ nằm ở nhà ăn mì, cơm chỉ nấu cũng không có gì để ăn mà chỉ ăn với nước tương. Không đi chợ, không đi mua gì được. Hai ba tháng đó khổ dữ lắm, nằm có một mình thôi. Lắm lúc bệnh có mất đi cũng không ai hay..." - cụ Diên tâm sự.
Trong suốt cuộc trò chuyện với cụ Diên, chúng tôi không đếm được bao nhiêu lần ông nhắc đến cụm từ "tới đâu hay tới đó" - một câu nói thể hiện sự mơ hồ về tương lai của một cụ già với sức khoẻ yếu ớt. Ông nói: "Giờ ông chỉ biết cầu xin trời phật che chở sống được tới đâu hay tới đó. Mà năm nay còn bám trụ được chứ sang năm không biết có làm được hay không. Chứ sức khỏe càng ngày càng tệ lắm rồi… nếu làm không nổi nữa cũng không biết sao đây".
Tuy là người gốc Sài Gòn, cụ Diên đã lăn lộn kiếm sống với nghề chụp ảnh ở nhiều nơi. Ông đã từng ra Phú Quốc (Kiên Giang) hay Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) chụp hình cho khách du lịch tại bãi biển hay những địa danh du lịch nổi tiếng tại các tỉnh miền tây. Nhưng ngày càng ế ẩm, ông quyết định về lại Sài Gòn và chọn đây là nơi bám trụ cuối cùng với nghề.
"Cuộc đời của ông buồn nhiều hơn vui. Giờ mà nghỉ nghề này chỉ có đi bán vé số chứ đâu làm được gì nữa cháu. Mình giờ làm tới đâu hay tới đó, người ta thương thì người ta giúp đỡ" - Cụ Diên Tâm sự.
Bên cạnh những sự yêu thương từ cộng đồng mạng, cũng có không ít ý kiến nói rằng ông kể khổ để được thương: "Người ta nói tôi già rồi còn muốn làm giàu, tôi nghe tôi chỉ biết cười. Tôi cảm ơn những ai đã yêu mến và đến ủng hộ, giúp đỡ cho tôi. Tôi bây giờ sống nay chết mai không ai biết, sức khoẻ thì yếu... tôi cũng mệt lắm rồi. Ai thương thì mình cảm ơn thôi".
Những gì "cuối cùng" luôn đắt giá
Hỏi ông có cảm thấy vinh dự không khi được nhiều người gọi là "người thợ chụp ảnh dạo cuối cùng tại Sài Gòn"? Ông thẳng thắn chia sẻ: "Ông thấy cái đó không có vinh dự. Cuộc sống của mình cũng khó khăn với nghề, chỉ biết ráng bám trụ và khắc phục thôi chứ không thấy có gì hãnh diện".
Nhưng đó là do ông nghĩ vậy thôi...
Nhìn những vị khách đến tìm ông để chụp ảnh, ai nấy đều xuýt xoa và thốt lên rằng: "Ảnh này bây giờ hiếm lắm!". Cái gì càng hiếm người ta càng trân trọng.
Là một trong những vị khách đến chụp ảnh gia đình tại Bưu điện Thành phố, chị Quỳnh, 34 tuổi, sống ở Bình Thạnh chia sẻ với rằng: "Mình thấy thông tin của chú trên mạng, nên hôm nay đã cùng gia đình ra đây để ủng hộ chú. Mình bảo rằng chú chụp bao nhiêu tấm cũng được, miễn đẹp là được. Và khi nhận được những tấm ảnh trên tay mình thấy rất trân trọng vì ảnh này bây giờ khó kiếm lắm".
Không chỉ riêng chị Quỳnh, mà còn rất nhiều bạn trẻ đến để gặp cụ Diên và xin chụp ảnh. Chỉ với 25 nghìn một kiểu, ai nấy cũng hài lòng với tấm ảnh nhận về trên tay. Hơn hết là nó có giá trị về thời gian và để nhắc nhớ chúng ta về một thời thịnh hành của chụp ảnh lấy liền như một nét văn hoá đã và đang bị mai một.
Tạm biệt cụ Diên và rời đi trong cơn mưa sắp rơi xuống của Sài Gòn, chúng tôi chỉ thầm mong tối nay cụ Diên sẽ có một bữa ăn ngon và thịnh soạn bằng cái nghề của mình.
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.
Nguồn: TH&PL