Tối 19/11, cả nước cùng tắt đèn và thắp nến cho một mất mát không của riêng ai!

Hơn 3.000 đèn hoa đăng được thả xuống kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từ chùa Pháp Hoa (Q.3, TP.HCM) để tưởng niệm hơn 2 vạn đồng bào đã mất vì Covid-19

Lễ tưởng niệm những người đã mất vì Covid-19 đã chính thức khép lại. Đâu đó đã có những giọt nước mắt rơi xuống vì tiếc thương, nhưng cũng có những giọt nước mắt được "nén" lại để gượng dậy mạnh mẽ sau những tổn thương quá lớn. 

Nhưng hơn hết, ai nấy cũng đều cảm thấy nhẹ lòng hơn khi ngọn đèn hoa đăng được thả trôi và làm tròn nghĩa vụ của nó: giúp ấm lòng người đi, chia sớt phần nào nỗi đau với người ở lại. 

toi 19 11 ca nuoc cung tat den va thap nen cho mot mat mat khong cua rieng ai - anh 0
Những ngọn đèn hoa đăng nối đuôi nhau hoàn thành nghĩa vụ của mình

Lễ hoa đăng kết thúc, có người vẫn còn nhìn theo mãi chiếc đèn hoa sẽ trôi xa đến đâu như dõi theo hành trình cuối cùng của người mình đưa tiễn; cũng có người vội vã trở về với cuộc sống hằng ngày kèm giọt nước mắt đã vơi đi và nụ cười ở lại. Có lẽ ai cũng hiểu, cuộc chiến phía trước còn rất dài, bổn phận là những người ở lại cần mạnh mẽ vượt qua và bước tiếp. 

Cả nước đã cùng tắt đèn và thắp nến cho một mất mát chung

Điểm 8h30 phút ngày 19/11, hàng loạt nhà thờ, ngồi chùa, bến cảng,... đã cùng đánh chuông, kéo còi trong giây phút thả hoa đăng thiêng liêng để tiễn đưa những người đã mất. Tiếng chuông ngân vang còn khiến lòng người lắng lại và cũng để "cảnh tĩnh" đến những người đang sống: không được lơ là chủ quan vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường.

toi 19 11 ca nuoc cung tat den va thap nen cho mot mat mat khong cua rieng ai - anh 0
Chùa Pháp Hoa (Quận 3, TP.HCM), nơi diễn ra lễ thả hoa đăng trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Có mặt tại chùa Pháp Hoa (nơi thả hoa đăng tại TP.HCM) từ khá sớm, cô Bùi Thị Thuỷ (47 tuổi) trú tại quận 10 TP.HCM đã cùng chồng và con đến để tưởng niệm những người thân đã mất vì Covid-19. Cô kể từ đợt dịch bùng phát lần thứ tư này, gia đình cô có đến 3 người tử nạn vì dịch. Đau đớn hơn khi khoảng thời gian đón nhận những tin tức đau buồn liên tiếp chỉ trong vài ngày đến nửa tháng. 

toi 19 11 ca nuoc cung tat den va thap nen cho mot mat mat khong cua rieng ai - anh 0
Cô Bùi Thị Thuỷ (47 tuổi) trú tại quận 10 TP.HCM đến tưởng niệm cho bố, mẹ và chị hai của mình 

"15/7 là mẹ mất, 30/7 là cha mất, 3/8 là chị hai mất. Tất cả đều đi vô bệnh viện và chết luôn tại đó chẳng kịp nhìn mặt lần cuối. Phần tro cốt đều đã được nhận về, đỡ một phần vì có nhà nước lo cho việc đó chứ cũng không biết phải làm sao. Bản thân cô cũng bị nhiễm, khi nghe tin người thân mất nói chung là gượng không nổi... Còn bây giờ chỉ có thể sống cho hiện tại thôi và cố gắng vượt qua" - Cô Thuỷ tâm sự.

toi 19 11 ca nuoc cung tat den va thap nen cho mot mat mat khong cua rieng ai - anh 0
Nhiều người đã đứng nghiêm trang bên cạnh hai bờ kênh để ngắm nhìn những ngọn hoa đăng đang được thả trôi xuống dòng kênh

Rất nhiều người đến với lễ tưởng niệm bằng một niềm vui khó tả nhưng sâu trong ánh mắt và giọng nói là một nỗi đau mất người thân khó có thể nguôi ngoai 

toi 19 11 ca nuoc cung tat den va thap nen cho mot mat mat khong cua rieng ai - anh 0
Cậu bé Minh Tuấn (11 tuổi) đến chùa Pháp Hoa để tưởng niệm người bố của mình

Là một người từng ở nơi tuyến đầu chống dịch, anh Phạm Trọng Tín hiện đang công tác tại Bệnh viện An Bình (Quận 5) đến với lễ tưởng niệm bằng một cảm xúc vui buồn đan xen. Vui vì thành phố đã tổ chức cho những người đã mất một ngày lễ để tưởng nhớ đến họ, còn buồn vì suốt thời gian chống dịch vừa qua chính bản thân anh đã phải chứng kiến quá nhiều những mất mát, trong đó cả người thân của mình.

toi 19 11 ca nuoc cung tat den va thap nen cho mot mat mat khong cua rieng ai - anh 0
Anh Phạm Trọng Tín hiện đang công tác tại Bệnh viện An Bình (Quận 5)

Nói về điều khắc nghiệt nhất phải trải qua ở nơi tuyến đầu chống dịch, anh Tín cho biết: "Khắc nghiệt thì rất nhiều, đếm không thể xuể nhưng khắc nghiệt nhất có lẽ là việc chứng kiến cả người thân của mình trút hơi thở cuối cùng nhưng vẫn phải nén cảm xúc để tiếp tục nhiệm vụ chống dịch. Có khóc, có gục ngã, có tuyệt vọng nhưng con đường chống dịch còn dài lắm... mình không làm gì được hết ngoài việc phải mạnh mẽ để phục vụ nơi tuyến đầu". 

Được biết anh Tính cùng đồng đội của mình đã bắt đầu chống dịch từ ngày 26/5 trong những ngày đầu tiên TP.HCM "rục rịch" bùng phát dịch. Và đến thời điểm hiện tại, dù cuộc sống đã trở lại bình thường mới nhưng anh vẫn tiếp tục công tác phòng dịch trong đội cơ động lấy mẫu, vận chuyển F0 và tham gia chống dịch trong khu điều trị. 

Hoa đăng gửi trao niềm tin và hy vọng với lời cầu siêu dành cho những người đã mất vì Covid-19

toi 19 11 ca nuoc cung tat den va thap nen cho mot mat mat khong cua rieng ai - anh 0
Anh Phạm Ngô Đình Ẩn hiện đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đã đến tưởng niệm những người thân của mình

Nói về khoảng thời gian thành phố mở cửa trở lại, anh vừa mừng vừa lo: "Trong những ngày tháng thành phố phong toả thì tụi mình luôn mong ước Sài Gòn có thể trở lại trạng thái bình thường. Nhưng khi mở cửa rồi lại kèm với những nổi lo vì không biết người dân của mình đã có được ý thức về phòng chống dịch này chưa? Và liệu sài gòn có thực trở về lại như trước hay không?" - Anh Tính tâm sự.

Những chuyến xe giúp đỡ đồng bào vẫn tiếp tục lăn bánh...

Lễ tưởng niệm khép lại, nhiều người đã tạm an lòng vì những mất mát đã qua. Gọi là "tạm" vì nỗi lo dịch bệnh vẫn còn luôn hiện hữu và chẳng ai biết nay mai con virus ấy liệu có tìm đến mình?

Hôm nay cả nước tưởng niệm 23.476 đồng bào đã mất vì Covid-19, nhưng ở ngoài kia... con số ấy đâu phải đã dừng lại? Tại tuyến đầu hay tận cùng ngõ ngách của cả nước vẫn còn rất nhiều những đồng bào F0 đang chờ vực dậy mạng sống của mình khỏi cơn đại dịch. 

Hình ảnh Hội trường Thống nhất TP.HCM - nơi diễn ra lễ tưởng niệm đồng bào và những chiến sĩ đã tử nạn trong đại dịch Covid-19

Giặc gì ấy, chẳng nhìn rõ, chẳng súng ống đánh bom. Vậy mà bao nhiêu người ngã xuống chẳng thấy đường về. Mấy đứa nhỏ cứ ngóng cha ngóng mẹ, người đi rồi trở về chỉ là hũ tro cốt, rồi cũng không biết tương lai ra sao, tất cả chỉ là một mớ hỗn độn!

Tuy vậy, những người lính thời bình, áo trắng áo xanh vẫn miệt mài trên những chiếc xe truy vết F0, xe mang táng và cả những chiếc xe đưa tro cốt của đồng bào trở về nhà. Tất cả vẫn tiếp tục lăn bánh để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình. 

Sẽ chẳng ai được phép bị lãng quên, lễ tưởng niệm được tổ chức nhưng một đại tang lễ cho hơn 23.000 nghìn cuộc đời đã phải "dừng chân" vì Covid-19. Những dòng tưởng niệm đã được gửi trao từ những người ở lại, những ngọn nến hoa đăng sẽ là sự đưa tiễn ấm lòng nhất để xoa dịu những mất mát. 

Đợt dịch thứ 4, mất mát chẳng thể đong đếm nhưng nén đau thương nhiều gia đình có người thân hy sinh vì Covid-19 đang nỗ lực vươn lên. Họ không chỉ sống cho mình mà còn phải sống tiếp vì những trách nhiệm, ước mơ còn đang dang dở của những người đã mất. 

Ngày hôm nay, cả nước bắt đầu vào một giai đoạn mới: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Mỗi người dân cần ý thức để bảo vệ chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Cuộc sống đang dần hồi sinh ở tâm dịch lớn nhất cả nước và chúng ta có quyền tin tưởng, hy vọng vào những sự phục hồi sau đại dịch. 

Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ