Giữa tháng 10, nhiều đoàn y tế, tình nguyện viên chống dịch từ khắp nơi đã phải nói lời chia tay Sài Gòn để trở về cuộc sống thường nhật.
Đặt chân đến Hà Nội, vỡ òa cảm xúc khi sắp được gặp lại người thân, những chiến sĩ áo trắng chi viện cho miền Nam tiếp tục cách ly, sau đó trở về công việc thường nhật. Gần 20.000 cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế từ miền Bắc, miền Trung vào chi viện cho miền Nam nhiều tháng qua đã lần lượt rút quân khi dịch bệnh ở đây được kiểm soát, hoàn thành sứ mệnh cứu chữa người bệnh trở về.
Ngày rời đi, cũng là ngày hân hoan vì thành phố đã dần hồi sinh, hàng trăm nghìn mạng sống đã được giành lại từ đôi bàn tay của họ. Nhưng cũng đầy luyến lưu và nước mắt, họ thủ thỉ với người Sài Gòn: "Rồi sẽ lại vào thăm, nhưng chỉ 'thăm' thôi không phải đi chống dịch nữa!" .
Ngày Sài Gòn "giơ tay" kêu cứu
"Sau 12 tiếng kêu gọi, 1500 thầy trò Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai cấp tốc lên đường trong đêm chi viện cho TP.HCM". Những tiêu đề ấm lòng xuất hiện khắp muôn nơi ngày TP.HCM đang "căng thẳng" vì dịch bệnh nhất. Họ đến từ mảnh đất Hà Nội cách thành phố hàng ngàn cây số, là sinh viên hay những bác sĩ tương lai mang trong mình trái tim vì đất nước, sẵn sàng đồng lòng chung sức cùng Sài Gòn.
Ngày ra quân, TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTBXH nhấn mạnh: "Tại thời điểm khẩn cấp này, nhiệm vụ, trách nhiệm của đoàn học sinh, sinh viên tình nguyện y tế của Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai sẽ hết sức nặng nề. Hơn lúc nào hết, rất cần có sự đoàn kết, cố gắng, chung tay, chung sức của các thành viên trong đoàn công tác để hỗ trợ, giúp đỡ TPHCM và các tỉnh phía Nam vượt qua giai đoạn cam go này, nhằm nhanh chóng khống chế, ngăn chặn dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho người dân".
Và họ đã làm được! Đội ngũ y bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội đã "xuất quân" chi viện cho Sài Gòn thời gian vừa qua cùng những hành động của mình đủ để ta cảm nhận được thứ tình cảm mà họ dành cho đồng bào. Dịch Covid-19 đã vô tình khiến mọi người trở nên tiêu cực hơn rất nhiều, song đó ta lại có dịp chứng kiến chân thực thứ tình cảm thiêng liêng từ khắp mọi miền đất nước dành cho nhau.
Khi Sài Gòn giơ tay "kêu cứu" là hàng nghìn cánh tay nắm lấy và "vực dậy".
Một cuộc chiến cam go với nhiều mồ hôi và nước mắt...
Chưa bao giờ hành trình này lại dài và khó khăn đến thế. Một chặng hành trình chẳng ai biết được mặt nhau hay nhớ tên hết tất cả sự cống hiến, nhưng bóng hình của những chiến sĩ áo trắng và áo xanh vẫn luôn là hình ảnh khắc sâu trong tâm trí của đồng đội, bệnh nhân và những người dân Sài Gòn.
Để giành sự bình yên cho cuộc sống của mọi người cũng có biết bao thứ phải đánh đổi. Và chỉ có thể gọi những con người nơi tuyến đầu chịu đựng sự đánh đổi ấy là "Chiến sĩ thầm lặng"... Những chiến sỹ ấy đã nói "Để làm được nhiệm vụ, ngoài khả năng chuyên môn, tất cả chúng tôi đều cần có một thứ: Niềm tin!".
Kể về những ngày tháng chiến đấu trong khu vực điều trị bệnh nhân nặng, BS Hạnh - Trung tâm Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Việt Đức không giấu được những giọt nước mắt. Áp lực công việc lớn, mỗi ngày nhìn bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng trước sự cố gắng của đội ngũ thầy thuốc, nhiều bác sĩ, điều dưỡng trẻ đã bị trầm cảm. Có người bệnh vào đây luôn sợ hãi, hỏi "bác sĩ ơi bao giờ em chết". Có người đã vượt qua nguy kịch, sức khỏe khả quan hơn, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau lại rơi vào nguy kịch lần thứ hai và không qua khỏi.
Ở một nơi mà người ta chỉ nghe thấy tiếng chuông báo cấp cứu, tiếng máy trợ tim, máy thở, tiếng bất lực xen lẫn những lời động viên của những con người đang gồng mình chống dịch thì đâu đó lại len lỏi tiếng của sự sống. Đó còn là niềm tin chưa bao giờ chùn bước của đội ngũ y bác sĩ chi viện cho Sài Gòn.
Hạnh phúc ngày trở về của những "chiến sĩ áo trắng"
Những ngày giữa tháng 10, nhiều đoàn y tế hỗ trợ chống dịch đã có mặt ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và háo hức trở về nhà. Họ là nhân viên y tế, y bác sĩ của rất nhiều đoàn chi viện chống dịch cho TP.HCM thời gian qua: Cao đẳng Dược trung ương Hải Dương, đoàn y tế Bắc Kạn, y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đoàn y tế tỉnh Bắc Giang,...
Có mặt cùng với đoàn y tế Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) rời TP.HCM ngày 13/10, bác sĩ trẻ Trịnh Thị Hà My (25 tuổi) làm công tác điều trị cho bệnh nhân ở tháp điều trị cuối cùng của Bệnh viện dã chiến số 16 (quận 7) từ ngày 8-9 đến nay. Lần trở về này của cô bác sĩ trẻ mang theo rất nhiều nỗi niềm: "Có niềm vui khó tả khi bệnh nhân bình phục, và cả những bất lực khi đã cố gắng hết sức nhưng cuối cùng phải nhìn bệnh nhân ra đi trước mắt mình".
Với nhiều nhân viên y tế, có lẽ đây là lần đầu tiên họ đến với Sài Gòn, ấn tượng của họ với Thành phố lại chính là những bệnh nhân của mình. Điều dưỡng Bùi Thuý Điệp, khoa Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ: "Con người trong TP.HCM họ rất thân thiện, dù chỉ nhìn nhau qua ánh mắt nhưng vẫn có thể thấy được sự mến khách của họ. Giờ thành phố cũng đã ổn, chúng tôi về nhà thôi".
4 tháng chiến đấu trong dịch Covid-19 khốc liệt với biết bao mất mát, đau thương không thể kể xiết. Trong cuộc chiến ấy, sự hy sinh cao cả của người thầy thuốc đã đem lại cuộc sống cho biết bao người bệnh và nhiều gia đình được sum họp. Hơn 20.000 nhân lực y tế chi viện đã hoàn thành nhiệm vụ trở về, họ tự hào khi đã cống hiến một phần thanh xuân tươi đẹp vào những tháng ngày lịch sử không bao giờ quên.
Nguồn: TH&PL