Khi mặc áo blouse trắng, hãy là một bác sĩ giỏi. Khi làm người, hãy là một người biết yêu thương.
Khi cuộc sống đã dần trở về những ngày bình thường mới, những đoàn cán bộ, sinh viên tình nguyện cũng dần trở về với nơi mình thuộc về. Nhìn những con số đang lùi dần về 0 của các ca nhiễm, ca tử vong mỗi ngày, đó cũng là giờ phút các cán bộ y tế, thầy và trò các trường y mỉm cười thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ.
Với mong muốn TP.HCM sớm kiểm soát được dịch Covid-19, nhiều giảng viên ngành y dốc hết sức mình, "chia lửa" với thành phố trong những ngày "nóng" nhất của dịch Covid-19. Những chiến sĩ đã không ngại khó khăn gác lại tất cả vì Sài Gòn sớm khỏi bệnh.
Có những người thầy, người cô đã lặng lẽ vác ba lô lên cùng học trò vào thành phố chi viện, dẫu khó khăn khốc liệt, bao điều khắc nghiệt nhưng họ vẫn sẵn sàng vì miền Nam ruột thịt. Cô Hòa Thị Hồng Hạnh cùng những cô cậu học trò trường Đại học Y Dược Thái Nguyên có những ngày tháng gian nan "thử lửa" khó quên cùng nhiều cảm xúc vẫn đọng lại nên khoé mắt.
Hai năm Covid-19 trôi qua với bao kỳ học online, những tiếng "thở dài" ngao ngán trước màn hình máy tính khiến toàn ngành giáo dục trở nên nặng trĩu. Những công văn về việc mở cửa lại trường học vẫn chưa ấn định ngày, có nơi "mở" rồi lại "đóng" vội vàng vì có ca nhiễm… Khó khăn và áp lực hơn nữa, đè nặng lên thầy cô và các cô cậu sinh viên trường Y, gác lại những trang sách, trực bệnh viện mà bước ra thực tế, hỗ trợ và đẩy lùi dịch bệnh.
Ngày 20/11 năm nay lại đặc biệt hơn nữa, không chỉ là lời cảm ơn đến công tác giảng dạy mà còn là những ngày tháng thầy cô gồng mình chiến đấu với dịch bệnh, dìu dắt và là những "chiến binh" mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Cùng gặp gỡ cô Hồng Hạnh, Giảng viên khoa Y tế công cộng - Đại học Y Dược Thái Nguyên nhìn lại chuyến đi lịch sử, chuyến đi với những kỉ niệm khó lòng quên được.
Đầu tàu đồng hành cùng sinh viên vào tâm dịch
Nhắc lại kỷ niệm gần 2 tháng chống dịch tại TP.HCM, cô đã có những kỉ niệm như thế nào về "tâm dịch"?
Gần 2 tháng tham gia chống dịch tại thành phố Thủ Đức. 58 ngày đêm sống tại tâm dịch là một trải nghiệm đặc biệt khó quên trong sự nghiệp cũng như cuộc sống của tôi. Tôi muốn ghi nhớ mỗi ngày, mỗi thời khắc ở đó vì tất cả đều đáng trân trọng, đáng được ghi nhớ cả. Nên rất khó để lựa chọn được đâu là kỉ niệm nhớ nhất, vì điều nào cũng làm tôi nhớ.
Tôi nhớ hôm đó là buổi chiều muộn, phía ngoài cánh cổng đang khép lại ở một hộ dân phường Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức), giọng nói từ bên trong cánh cửa đập vào tai mình, hoặc có thể là cả trái tim mình.
"Thế còn con chó thì làm sao?"
Tiếng nói ấy vọng ra từ cánh cửa đang khép dở ở căn nhà mà tôi vừa thông báo kết quả xét nghiệm và dặn họ các việc cần làm, rồi chuẩn bị quần áo để vào khu cách ly. Nghe mà thấy lòng nặng trĩu. Bộ bảo hộ như dày thêm mấy lớp, ngột ngạt quá. Đang ở trong tâm dịch, lại tham gia công tác xét nghiệm. Việc gặp F0, F1 là công chuyện hàng ngày. Nhưng không phải, chuyện gì cứ làm mãi con người ta cũng "quen" được.
Tôi luôn lặng người khi bệnh nhân hỏi mình "Kết quả của em sao rồi ạ?". Đứng trước những ánh mắt ấy là một loại áp lực vô hình, nhiều khi nó siết chặt lấy cổ họng tôi. May quá, bộ đồ bảo hộ rất kín, tôi còn đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn nữa, mô hôi ra rất nhiều. Sẽ không ai phát hiện ra tôi lúc ấy lấy mẫu với hai hàng nước mắt chảy dài. Giờ về lại Thái Nguyên, mỗi lần nhớ lại tôi đều lặng người.
Trong quá trình đi chống dịch tại TP.HCM, các bạn sinh viên có tâm sự gì với cô về chuyến đi đặc biệt này? Và cô trò của Đại học Y Thái Nguyên có gặp khó khăn gì trong lần đầu tiên vào TP.HCM làm việc một thời gian khá dài như vậy?
Mỗi thầy/cô trong đoàn được phân công phụ trách một đội gồm 19 sinh viên trong gần 2 tháng chống dịch. Nhưng ngay từ giai đoạn chuẩn bị trước khi lên đường, các đội đã cùng nhau chia sẻ công việc. Vào đó, mọi người lại càng giúp đỡ, đoàn kết, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Vì hoàn cảnh dịch bệnh, cái nọ thiếu, cái kia không đủ. Nên tình cảm giữa cô - trò, giữa các thành viên trong đội rất gắn kết.
Khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Đoàn mình vào chủ yếu làm công việc lấy mẫu cộng đồng. Trước khi vào, các bạn sinh viên đã được tập huấn về công tác lấy mẫu tại trường. Tuy nhiên, thực tế sử dụng rất nhiều bộ kit-test khác nhau cộng với quy định, kế hoạch về lấy mẫu cộng đồng cũng thay đổi liên tục.
Nhưng chúng tôi đã kịp thích ứng về công tác đến đời sống. Cả đoàn cũng luôn dặn nhau tiết kiệm, cố gắng khắc phục làm sao để công việc được hoàn thành mà sức khỏe anh em trong đoàn cũng được đảm bảo nhất.
Tôi luôn động viên các bạn sinh viên cố gắng tranh thủ nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Uống bù nước, điện giải để đảm bảo sức khỏe, yên tâm làm việc. Riêng các bạn sinh viên, trong 2 tháng tham gia chống dịch, các bạn ấy phải dừng lại toàn bộ công việc học tập nên khi đi chống dịch về. Ngoài học chương trình trên lớp, các bạn còn phải học bù - thi bù, tôi thương các bạn lắm!
Người đầu tàu dẫn lối các bạn sinh viên vào tâm dịch, cô cảm nhận học trò của mình đã "được" những gì sau quãng thời gian tham gia chống dịch tại TP.HCM?
Các bạn sinh viên của tôi nhận được nhiều lắm, được trưởng thành, được học hỏi, được trải nghiệm, được yêu thương, và quan trọng nhất là được làm người. 58 ngày không quá dài trong cuộc đời của các bạn ấy, các bạn ấy cũng còn rất trẻ. Nhưng tôi tin, dù bao lâu đi nữa, các bạn ấy cũng sẽ nhớ mãi thời gian này.
Thời gian mà các bạn học được sự cống hiến vì cộng đồng. Ở đây là sức trẻ, là chuyên môn khi các bạn ấy đăng kí tham gia chống dịch. Mỗi một mẫu các bạn ấy lấy hàng ngày, mỗi một mũi tiêm vaccine các bạn ấy thực hiện, đều góp phần đẩy lùi dịch bênh, mang lại sức khỏe cho người dân.
Thời gian mà các bạn được biến những kiến thức tiếp thu từ mái trường Y - Dược thành những việc làm hàng ngày. Kỹ thuật lấy mẫu, đảm bảo an toàn sinh học, kỹ thuật tiêm, cấp cứu shock phản vệ…..
Thời gian mà các bạn ấy được yêu thương. Người dân trong Sài Gòn thương các bạn sinh viên lắm, "bé tí như vậy mà đi chống dịch rồi hả con" "thế ăn gì chưa" "mệt không"... tôi tin là, đây chính là động lực to lớn giúp các bạn ấy vượt qua mệt mỏi, áp lực của công việc.
Khi mặc áo blouse trắng, hãy là một bác sĩ giỏi, khi làm người, hãy là một người biết yêu thương
Ngành Y là một ngành đặc thù, cũng là ngành quan trọng nhất trong "trận chiến" chống dịch trên cả nước thời gian vừa qua. Ở vị trí vừa là một giảng viên, vừa là một bác sĩ, cô nghĩ như thế nào về những thay đổi và khó khăn trong ngành nghề của mình giữa giai đoạn dịch Covid-19?
Cuộc chiến chống dịch cần sự chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân. Bất kỳ một ngành nghề nào, bất kì một cá nhân nào cũng cần phải góp sức hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp để chúng ta có thể giành chiến thắng trước dịch bệnh. Ngành y cũng vậy. Những "chiến sĩ" áo trắng trong tuyến đầu chống dịch. Cuộc sống bị thay đổi, xáo trộn rất nhiều.
Ngoài làm công tác chuyên môn như điều trị thì các nhân viên y tế còn phải tham gia chống dịch nữa. Gần như công việc tăng lên gấp đôi, người ở nhà thì cố gắng hoàn thành cả công việc của những người đã đi chống dịch. Tại các khu vực có dịch, nhân viên y tế gần như không có ngày nghỉ, trực ở cơ quan cả ngày - cả đêm.
Về phần mình, là một giảng viên giảng dạy trong trường y, dịch bệnh cũng làm thay đổi nhiều vấn đề trong công việc. Gần 2 năm nay, chủ yếu là giảng dạy online vì yêu cầu phòng chống dịch. Các thầy cô giáo phải thay đổi, thích ứng rất nhanh từ hình thức giảng dạy truyền thống sang trực tuyến. Rất nhiều khó khăn vì có những đặc thù phải dạy trực tiếp.
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay diễn ra trong một giai đoạn hết sức đặc biệt. Là một giảng viên công tác trong ngành Y, cô cảm thấy như thế nào?
Thời gian chống dịch ở Sài Gòn, tôi có thêm những "học trò mùa dịch". Tôi gọi như vậy vì các bạn ấy là cán bộ, tình nguyện viện ở địa phương mình tham gia chống dịch. Thời điểm trước khi đoàn tôi rút về, địa phương có nhờ các thầy/cô trong đoàn hướng dẫn, giảng dạy cho các bạn ấy về công tác lấy mẫu.Dù các bạn ấy bao nhiêu tuổi, hay làm ngành nghề nào cũng đều gọi tôi là cô giáo.
Tôi về rồi, ngày các bạn ấy tổng kết hoạt động, được giấy khen đều chụp ảnh "khoe" cô, cảm ơn cô đã hướng dẫn. Làm tôi xúc động nhất là ở tờ giấy khen đó, bạn ấy luôn để cùng với tấm ảnh chụp cùng với tôi. Khoảnh khắc ấy tôi rất xúc động, và cảm thấy yêu nghề, tự hào về nghiệp mình đã chọn. Một cô giáo ngành Y.
Tôi tin, chỉ cần các sinh viên của mình mỗi ngày đều sống tốt, phát huy được những điều mà các thầy cô đã giảng trên ghế nhà trường. Biết trân trọng những điều đó, thì hôm nào với tôi cũng là 20/11. Bông hoa đẹp nhất mà các bạn sinh viên tặng mình, có lẽ là sự thành công của các bạn ấy.
Nghề nào cũng đủ đầy áp lực nhưng dường như nghề giáo đang ngày càng oằn gánh nặng áp lực lên vai, đặc biệt là nghề giáo trong ngành y trong mùa Covid-19. Cô có mong mỏi gì trong thời gian sắp tới?
Dịch bệnh mau kết thúc để cuộc sống trở lại bình thường. Sinh viên được đi học, đi viện. Thầy cô giáo lên giảng đường chứ không phải tất cả đều nhìn qua màn hình vi tính nữa.
Nhân dịp 20/11 chúc tất cả thầy/cô giáo nói chung, các thầy/cô giáo ngành y nói riêng sức khỏe, nhiệt huyết và yêu nghề. Chúc các nhân viên y tế, những chiến sĩ áo trắng luôn chân cứng đá mềm, vững vàng qua cơn đại dịch này.
Nhà giáo thuộc ngành Y, mọi người thường nói là một trọng trách quan trọng và nhiều áp lực vì Y học liên quan trực tiếp đến "mạng người". Khi tham gia giảng dạy, tiếp xúc với các bạn sinh viên trường Y, cô muốn truyền tải điều quan trọng gì đến sinh viên của mình nhất khi đứng trên giảng đường?
Khi mặc áo blouse trắng, hãy là một bác sĩ giỏi. Khi làm người, hãy là một người biết yêu thương.
Nguồn: TH&PL