Sài Gòn đã… kẹt xe trở lại!

“Nếu Sài Gòn kẹt xe trở lại, mình hứa sẽ không bực tức nữa" - nhiều người trầm ngâm bảo vậy. Cuối cùng, Sài Gòn đã kẹt xe trở lại, sau 4 tháng chờ đợi.

Sau khi bố mất, tôi mắc hội chứng sợ tiếng còi xe cấp cứu. Mỗi lần đang chạy xe ngoài đường, chỉ cần nghe văng vẳng tiếng còi xe cấp cứu và thấp thoáng bóng xe chạy đến, tôi sẽ nép sát vào lề đường với trái tim đập "thình thịch". Đó là nỗi ám ảnh khôn nguôi kể từ lần đầu tiên tôi trải qua cảm giác mất đi người thân vào năm 20 tuổi. Tiếng còi xe cấp cứu đã từng trộn lẫn tiếng xe cộ đi lại, tiếng nói chuyện, thậm chí tiếng nhạc của một cửa hàng nào đó trên đường phố. 

Cho đến năm 25 tuổi, lần đầu tiên, tôi chỉ nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu mà không bị trộn lẫn với một âm thanh nào khác trên đường phố Sài Gòn. Bất kể khung giờ - 7 giờ, 11 giờ, 23 giờ, thậm chí 3 - 4 giờ sáng, tiếng còi hú dồn dập ấy đều vang lên, không chỉ một chiếc xe mà nhiều chiếc xe qua lại dồn dập. Là một âm thanh từng khiến tôi sợ hãi, tiếng còi xe cấp cứu trở thành âm thanh gần như duy nhất vang lên một cách to, rõ ràng trong những ngày dài lặng thinh của nhiều người dân đang sinh sống tại Sài Gòn suốt vài tháng. 

Và chắc chắn, tiếng xe cấp cứu, hay hình bóng của những chiếc xe cấp cứu sẽ trở thành ký ức không thể nào quên trong cuộc đời của nhiều người khác, ngoài tôi. Họ đã mất người thân, mất bạn bè, hoặc mất đi một điều gì đó vốn quen thuộc đến mức chưa từng nghĩ nó sẽ biến mất ở cuộc sống trước đây. Vào ngày trở lại văn phòng sau 4 tháng nghỉ dịch, tôi nghe đồng nghiệp nói với nhau: "Trong chúng ta, không ai không biết một người nào đó đã chết vì Covid-19…".

sai gon da ket xe tro lai - anh 0
sai gon da ket xe tro lai - anh 0

Tính đến ngày 10/10, riêng TP.HCM ghi nhận 408.758 ca F0 và 15.834 người tử vong vì Covid-19. Đó là những con số mà ở thời điểm dịch bệnh vừa bùng phát cách đây hơn 1 năm, không ai trong chúng ta có thể tưởng tượng được. Một tuần, hai tuần, rồi ba tuần, từ chỉ thị 15 đến chỉ thị 16, rồi những ngày tháng "dừng mọi hoạt động không thiết yếu" sau 18 giờ, người Sài Gòn đã trải qua nhiều giờ phút lịch sử. Trong những ngày - người ta vẫn đùa là "Sài Gòn hết kẹt xe", không khí trong lành với chỉ số khói bụi giảm chóng mặt ấy, lại là ngày "kẹt" lại một cách âm thầm mà hối hả của Sài Gòn. 

Những bệnh viện điều trị Covid-19 "kẹt" giường cho F0, những điểm tiêm vaccine "kẹt" thuốc, những F0 "kẹt" một bình oxy để thở qua cơn nguy kịch, hay cả một con hẻm nhỏ "kẹt" lương thực… Và cửa ngõ thành phố, cũng không ít lần, "kẹt" cứng bởi dòng người đổ về quê hương. Dịch bệnh đã không còn là cơn ác mộng ngắn hạn, chịu khó ở yên trong nhà vài ba tuần rồi lại được tung tăng ra ngoài, mà trở thành cả một cuộc hành trình dài để trưởng thành với mỗi người, cũng là một cuộc chiến không thể nào quên với Sài Gòn. 

sai gon da ket xe tro lai - anh 0

Một người chị tôi quen vốn "bình tâm như vại", nói rằng sẽ không ai chết đói ở thời buổi này cả, nhưng cũng chính chị, vội vàng mua đồ ăn cho những "chấm đỏ" gần nhà trên bản đồ Zalo Connect. "Lần đầu tiên trong đời" có lẽ là câu nhiều người phải thốt lên khi nhắc về những trải nghiệm của họ trong kỳ nghỉ bất đắc dĩ này: lần đầu tiên thất nghiệp, lần đầu tiên tham gia chống dịch, lần đầu tiên không được tới siêu thị chỉ cách nhà ba bước chân, lần đầu tiên lạc mất người thân, hay cả lần đầu tiên nhìn thấy… người chết.

Group Giúp Nhau Mùa Dịch có hơn 170 nghìn thành viên chỉ sau một thời gian ngắn, và chủ đề được đăng tải nhiều nhất, cũng kỳ lạ nhất đối với tôi trong những ngày đầu gia nhập, chính là cần tìm người thân được đưa đi cách ly rồi "bặt vô âm tín". Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y Tế TP.HCM từng thừa nhận, trong thời điểm ca bệnh tăng nhanh, khi bệnh nhân chuyển đến bệnh viện không còn giường nên phải chuyển đến bệnh viện khác, thông tin về người bệnh bị "mất dấu" khi chuyển viện. 

sai gon da ket xe tro lai - anh 0

Rất nhiều điều đáng tiếc không ngừng xảy ra trong mùa dịch, với đội ngũ chống dịch và với từng người trong chúng ta. Sẽ thật bi quan nếu cứ nói với nhau hoài về cái chết, nhưng không thể nào phủ nhận: Cái chết chưa bao giờ gần với mỗi người đang sống ở Sài Gòn đến thế, theo mọi cách hiểu. 

Một sáng thức dậy, tôi thấy người quen đổi avatar màu đen trên Facebook - mẹ chị vừa mất chỉ vài ngày sau xét nghiệm dương tính. Một buổi sáng khác, tôi nghe chuyện cả dãy trọ gần nhà mình đều là F0, có một người đã không may qua đời trong phòng trọ. Hay chuyện một người quen của bạn tôi, trở về nhà trong hũ đựng tro cốt trên tay những chiến sĩ bộ đội và tiếng gào khóc "kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh". 

sai gon da ket xe tro lai - anh 0

Hơn 1500 trẻ em đã mồ côi sau dịch Covid-19 vì mất đi cha hoặc mẹ, bất hạnh hơn là cả hai. Mới một vài tuần trước, họ vẫn là một gia đình đầy đủ, quây quần bên mâm cơm tối, trở về nhà sau ngày làm việc mệt nhoài và không mường tượng được cảnh chia ly sẽ gấp gáp đến thế. Mất mát càng ập đến nhanh chóng bao nhiêu, sẽ càng gây nuối tiếc bấy nhiêu. 

Người ở lại nuối tiếc vì không thể bên cạnh người thân của mình vào những giờ phút cuối cùng, hay như người bạn của tôi, nuối tiếc vì không thể tổ chức một đám tang tử tế hơn cho mẹ. Hoặc chỉ đơn giản là sự nuối tiếc vì không làm điều gì đó nhiều hơn, hoặc tốt hơn ở thời điểm những điều không tưởng này chưa ập tới. Nhưng bên cạnh sự nuối tiếc, mất mát xảy ra để mang tới nhiều hơn một bài học giá trị cho mỗi người trong ngày "trở lại". 

sai gon da ket xe tro lai - anh 0
sai gon da ket xe tro lai - anh 0

Không phải bắt đầu cuộc sống bình thường, Sài Gòn chọn cụm từ "bình thường mới" để miêu tả "ngày trở lại" sau 4 tháng chờ đợi. Khác hoàn toàn với những lần "mở cửa" sau dịch bệnh trước đây - chúng ta có thể nhanh chóng ùa ra đường "xả hơi", thoả thích hẹn gặp bạn bè sau 2, 3 tuần yên ắng, hay rạng rỡ trở lại văn phòng và điềm nhiên sống tiếp thì hiện tại, mọi người đang ở Sài Gòn đều hiểu rằng, thành phố này sẽ không thể ngay lập tức khoẻ lại. 

Những ngày đầu tiên thực hiện chỉ thị 18, Sài Gòn không lập tức kẹt xe trở lại trong nội thành, mà gần như "kẹt cứng" tại nhiều cửa ngõ ra vào thành phố. Hàng nghìn người về quê tự phát bằng phương tiện cá nhân, thậm chí đi bộ nhiều giờ đồng hồ, quyết rời miền Nam để quay lại miền Tây, miền Trung hay cả miền Bắc xa xôi sau nhiều tháng thất nghiệp vì Covid-19. Họ đã không thể chờ đợi Sài Gòn "khoẻ lại" thêm một ngày nào nữa. 

sai gon da ket xe tro lai - anh 0

"Ở Sài Gòn không thiếu việc để làm, chỉ cần mày chăm chỉ" - đó là lời khuyên tôi nhận được từ một người quen khi "chân ướt chân ráo" vào Sài Gòn sinh sống. Những đứa trẻ háo hức theo đuổi giấc mơ, những người lớn tuổi tìm một nghề lao động kiếm sống… Sài Gòn có tất cả, và dành cho tất cả. Từng là vùng đất lý tưởng dành cho dân nhập cư, đến mức người ta còn đùa rằng "chỉ tới ngày Tết, thành phố này mới thuộc về người Sài Gòn", nhưng hiện tại, những người ở lại đã không còn chắc chắn về tương lai, và những người ra đi cũng đang tìm một nơi nghỉ ngơi an toàn sau tháng ngày oằn mình bám trụ.

Những chuyến "di cư" không thể xảy ra trước "cơn bão" như quy luật thông thường, mà trở nên mạnh mẽ hơn sau khi "cơn bão" dịch bệnh dần tan đã nhắc chúng ta về nỗi lo khôn nguôi cho tương lai phía trước. "Ngày mai, mình sẽ làm gì để kiếm sống? Ngày mai, có chắc rằng mình sẽ ra ngoài và luôn trở về an toàn với một xét nghiệm âm tính? Mình đành về quê, ít nhất để không phải đối diện với cảm giác căng thẳng không biết Sài Gòn sẽ ra sao, một lao động tự do như mình sẽ như thế nào" - Thư Quỳnh - cô gái 23 tuổi, quê ở miền Tây chia sẻ. 

sai gon da ket xe tro lai - anh 0

Sài Gòn bước vào trạng thái bình thường mới với sự vắng bóng của một lượng lớn dân nhập cư, nhưng cũng chính là tín hiệu của một cuộc sống bỗng hụt mất vài ba điều quen thuộc. Đường về nhà ngày đầu tiên trở lại văn phòng, tôi nhận ra quán cơm gà yêu thích của mình đã treo biển cho thuê nhà. Đó là quán ăn của một cặp vợ chồng miền Trung cùng hai đứa con nhỏ, rất dễ mến và luôn hỏi tôi "Tan làm muộn thế?" khi tôi ghé qua vào 4 tháng trước đây. 

Buổi sáng thứ hai đi làm sau nghỉ dịch, tôi lại nhận ra quán phở đông khách nhất nhì một ngã tư trên đường lớn đóng cửa vĩnh viễn. Trước cánh cửa xếp đóng im lìm, họ dán tấm bảng giấy nói gia đình đã trở về Nam Định và không biết tới khi nào quay lại: "Cảm ơn khách hàng đã ủng hộ quán trong 10 năm vừa qua. Gia đình chúng tôi đã trở về quê hương Nam Định trong mùa dịch. Nay thông báo quán không còn chi nhánh nào khác tại TP.HCM để khách hàng tránh nhầm lẫn về sau". 

sai gon da ket xe tro lai - anh 0

Một ngày sau "bình thường mới", chị Dương - chủ quán Sữa Tươi Mười ngậm ngùi xếp những vật dụng quen thuộc lên chiếc xe tải, đượm buồn dọn khỏi căn nhà thuê đã gắn bó với mình gần 20 năm trên đường Phùng Khắc Khoan: "Đóng cửa quán chị buồn lắm, nhưng chẳng còn cách nào khác, dịch này không ngờ nó dài tới vậy". 

Những lời chia tay vội vàng gây bàng hoàng liên tiếp đến sau ngày bình thường mới khiến chúng ta hiểu rằng, đó chính là một Sài Gòn "mới". "Mới" vì thiếu đi một vài địa điểm thân quen, "mới" vì những thói quen sinh ra sau quãng thời gian dài thận trọng chiến đấu với dịch bệnh, "mới" bởi vì những nỗi sợ cũ - sợ giăng dây, sợ rào ngăn cách và có thể là, sợ thêm một lần chia ly. 

sai gon da ket xe tro lai - anh 0
sai gon da ket xe tro lai - anh 0

Đó là chia sẻ đầy xúc động của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên trong buổi lễ Tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố:

 "Chắc chắn năm tháng sẽ đi qua, những cam go, khốc liệt, đau khổ do đại dịch sẽ dịu dần. Nhưng những hình ảnh cao đẹp của những chiếc sĩ tuyến đầu, nhất là lực lượng chi viện luôn được lưu giữ mãi. Những hình ảnh người lính đi chợ hộ rất dễ thương, hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện đều giống nhau trong một bộ đồ bảo hộ, lặng lẽ mà kiên cường, kiên trì bám trụ chiến đấu để cùng thành phố vượt qua khó khăn. Chúng ta sẽ giữ mãi ký ức đẹp và đầy bi hùng ngày hôm nay. 

Chúng tôi trân trọng mời các bạn trở lại thành phố với tư cách khách quý, ân nhân yêu quý của mình khi thành phố trở lại bình thường".

sai gon da ket xe tro lai - anh 0

Trải qua 4 tháng chống dịch với những thời khắc không thể nào quên trong ký ức của nhiều người, Sài Gòn đang từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Sau khi Sài Gòn hoàn thành thử thách lớn và cam go hơn - giảm số ca tử vong và F0 trở nặng, không để ai bị bỏ lại phía sau trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, "bình phục" sẽ trở thành một thử thách tiếp theo. Có lẽ, cần thêm một thời gian để Sài Gòn cùng tất cả những ai đang gắn bó với mảnh đất này thực sự bình phục về sức khỏe thể chất, tinh thần và cả vật chất. 

Nhưng ngày ấy, rồi sẽ đến. 

Những hương vị tích cực của một cuộc sống bình thường pha trộn sự mới mẻ đang len lỏi vào từng ngõ ngách trong cuộc sống mỗi người. Công viên, phố đi bộ dần vang lên tiếng cười hồn nhiên của lũ trẻ, thấp thoáng đằng xa là bóng dáng cô chú tập thể dục miệt mài. Con đường thân quen được gỡ bỏ hoàn toàn rào chắn kiên cố, như sự ghi nhận cho nỗ lực đẩy lùi dịch của cả cộng đồng. Và những khu chợ lớn nhỏ không còn ảm đạm vài hàng quán, thay vào đó là mùi đồ ăn thơm nức mũi cùng âm thanh mua - bán râm ran. 

sai gon da ket xe tro lai - anh 0

Không thể xoá nhoà những hậu quả đau thương của dịch bệnh, nhưng tới một ngày, thật mong điều chúng ta nhớ nhất trong quãng thời gian Sài Gòn không kẹt xe sẽ là hình ảnh của tuyến đầu chống dịch ngày đêm miệt mài, hay chú tổ trưởng "đi chợ hộ" mà nhầm đơn "tùm lum", anh bộ đội vượt cơn mưa tầm tã mang tới cổng nhà một túi gạo, và cả lần đầu tiên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh "phiếu đi chợ"... Những điều nhỏ bé chứa đầy tình người trong chuỗi ngày cam go đã trở thành sức mạnh để chúng ta vượt qua đại dịch. Và đáng để tất cả tự hào khi nhớ về. 

Thích ứng với cuộc sống bình thường mới cũng chính là nỗ lực để một ngày không xa, thành phố sẽ đón tiếp những "vị khách quý" từ mọi miền Tổ quốc trở lại: Đó không chỉ là lực lượng chống dịch như Bí thư Thành uỷ TP.HCM chia sẻ đầy xúc động, mà còn là các tân sinh viên đang háo hức được nhập học, những người trẻ theo đuổi đam mê giữa thành phố lớn, những người lao động tứ xứ cần một công việc chân chính… Tất cả họ - đều là những người làm nên Sài Gòn, theo một cách riêng. 

"Nếu Sài Gòn kẹt xe trở lại, mình hứa sẽ không bực tức nữa" - nhiều người trầm ngâm bảo vậy. Cuối cùng, Sài Gòn đã kẹt xe trở lại. Chắc chắn, sẽ có người quên mất lời hứa mà bực tức vào một sáng đầu tuần lỡ chen giữa dòng người trên đường Điện Biên Phủ, nhưng có hề gì đâu? Bởi đó cũng là một phần dư vị của cuộc sống bình thường mới. 

sai gon da ket xe tro lai - anh 0

Nguồn:TH&PL

Hạnh Moon|