Mùa Vu Lan năm nay, "tự nhiên" có nhiều người phải đổi màu hoa hồng cài áo.
Những ngày dịch bệnh kéo dài, tự nhiên người ta thấy thương hơn hai tiếng "gia đình". Đau lòng - là cảm giác chung của tất cả chúng ta lúc này, chỉ khác một chỗ, có người đau lòng nhiều, có người đau lòng ít… cũng có người chưa kịp "hiểu chuyện" để mà đau lòng.
Đó là những đứa trẻ nhỏ tuổi "bỗng dưng" mồ côi vì Covid-19! Nghe hai từ "bỗng dưng" người ta lại càng xót xa vì sự tàn khốc của dịch bệnh. Nó đã đến và lấy đi của chúng ta quá nhiều thứ: một cách chóng vánh, vừa đau, vừa hụt hẫng, vừa chưa kịp chuẩn bị tâm lý đón nhận.
"Ba mẹ con đi đâu lâu quá vậy?"
Tính đến nay, tại Việt Nam đã có 7540 ca tử vong vì Covid-19, để lại cha mẹ, vợ/chồng - và rất nhiều trẻ nhỏ đã trở thành trẻ mồ cô hoặc chỉ còn cha hoặc mẹ, những người cũng đang khóc thương cho sự mất mát mà họ phải trải qua. Một số em còn không thể nhớ được mặt cha mẹ khi dịch bệnh xảy ra lúc các em còn quá nhỏ tuổi.
Giữa tháng 8 vừa qua, bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 đã cho xuất viện 2 bệnh nhân 13 tuổi và 7 tuổi về nhà tiếp tục cách ly. Được biết đây là hai bệnh nhi đã phải chịu cảnh mồ côi do dịch Covid-19 gây ra.
Cả nhà 5 người của em N. (13 tuổi) đều dương tính với Covid-19 vào giữa tháng 7. Do bệnh chuyển nặng nhanh, ngày 23/7, người bố qua đời. Bốn ngày sau, mẹ và ông nội của em cũng lần lượt ra đi.
Nhìn bé N. tay cầm chiếc quạt điện, tay dẫn em trai lên xe về với ông bà ngoại, các y bác sĩ đều xúc động. Một bác sĩ viết trên trang cá nhân: "Dịch bệnh khiến các em có thể sẽ không bao giờ nhớ mặt cha mẹ đã mất vì còn quá nhỏ…".
Hay như hoàn cảnh của gia đình em P. (8 tuổi), mẹ em được chẩn đoán dương tính với virus Covid-19 khi đang mang thai được 8 tháng. Sức khỏe mẹ em trở nặng nên bác sĩ chỉ định mổ lấy em bé và mẹ em cũng qua đời ngay sau đó. Ba em làm thợ hồ, đang thất nghiệp và dương tính với virus COVID-19, hiện điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung số 3. Còn em P. cách ly tại nhà cùng với ông bà nội.
Và còn biết bao nhiêu đứa trẻ, có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn hoàn cảnh "bỗng dưng" mô côi trong lúc tuổi ăn tuổi học, tuổi còn chưa kịp hiểu đã có chuyện gì xảy ra ở ngoài kia. Với sự ngô nghê đó, chúng chỉ biết thản nhiên đặt ra những câu hỏi mà người lớn chỉ chạnh lòng khi nghe thấy: "Sao ba mẹ con đi đâu lâu quá vậy ạ?, "Mẹ ơi, sao ba ngủ quài vậy?",...
Có lẽ ai trong chúng ta cũng cũng sợ phải trả lời những câu hỏi ngây thơ của con nít - cái đám trẻ suốt ngày vô tư, vô lo mà chẳng hề suy nghĩ bất kỳ điều gì quá sâu xa. Người ta "sợ" vì đôi khi những câu hỏi ấy rất ngang ngược hoặc cũng có thể nó vô tình khiến những "người lớn hiểu chuyện" phải đau lòng.
Vì Covid-19, đến giây phút cuối đời, người ta còn thất lạc nhau
Trong những ngày dịch bệnh kéo dài, người ta mới thấm thía hơn hai chữ "gia đình". Ngày trước, khi gia đình có người thân mất, người ta còn được cận kề chăm sóc, hay tổ chức đám viếng để những người thân quen đến "nhìn mặt lần cuối". Sống trong thời đại dịch bệnh, cái sự "nhìn mặt lần cuối" bỗng trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết. Vì điều cuối cùng người ta nhận lại chỉ là một hũ tro cốt từ người thân yêu của mình.
Thử tìm vào một hội nhóm giúp đỡ mùa dịch, không khó để bắt gặp những dòng trạng thái "cầu cứu" đến thê lương. Một tài khoản có tên N.T.P đã chia sẻ: "Chào mọi người, cách đây 4 hôm em có đăng bài tìm cách liên lạc với ba mẹ bị nhiễm Covid-19 đang cách ly và mất liên lạc. Tối qua bệnh viện báo mẹ đã mất và hỏa thiêu nhưng giờ không biết làm cách nào để đưa tro cốt của mẹ về… Khẩn nhờ anh chị trong nhóm hướng dẫn giúp em".
Hay như một dòng chia sẻ khác từ tài khoản N.T.T: "Mẹ mình ở Quận 6, nằm trong khu cách ly và trở nặng chuyển ra Chợ Rẫy xong không liên lạc được, không biết điện thoại hết pin hay không...Gia đình lo lắng, cố gắng liên lạc mấy ngày nay đều không được. Mọi người ai là bác sĩ chăm sóc F0 hoặc người nhà nào thấy giúp với ạ".
Có thể nói, dịch bệnh đã thực sự cướp đi của con người quá nhiều thứ, nhiều nhất là sức khỏe, tính mạng và cả những tổn thương tinh thần không biết đến bao giờ mới có thể chữa lành được.
Biết bao mối quan hệ thân tình bị cắt đứt và sinh ly tử biệt. Covid-19 đã làm những "nạn nhân" của nó phải "gục đi" cùng với chiếc máy thở khi không có người thân bên cạnh. Và trong những giây phút cuối đời, người thân của họ cũng chẳng thể tìm thấy họ ở đâu giữa những trạm cấp cứu, cách ly, bệnh viện dã chiến luôn quá tải người. Đôi khi người ta còn chẳng biết, người thân của mình liệu… còn sống hay không?
Tóm lại là… hãy cứ tin tưởng và hướng về những điều tích cực!
Dịch bệnh là điều không ai mong muốn với một ước mơ chung: Giá như Covid-19 chỉ là một giấc mơ, tỉnh dậy mọi thứ sẽ trở lại bình thường, chẳng có mất mát, chẳng có đau thương. Nhưng đó vẫn là một thực tế đau lòng mà chúng ta cần học cách chấp nhận và vượt qua.
Tháng 7 Âm lịch - mùa Vu lan năm nay có quá nhiều mất mát. Những bông hồng cài áo đổi sắc nhiều hơn với màu trắng tinh khiết - loài hoa chỉ cài lên ngực trái khi không còn cha mẹ trong ý nghĩa của Phật giáo. Tuổi nào mất cha mẹ cũng đau, tuổi nào xa cha mẹ cũng cay xé long. Những nỗi đau mất người thân vì Covid-19 mà chẳng thể bên cạnh và chăm lo là nỗi đau chẳng ai muốn trải qua lúc này.
Hãy cảm thấy may mắn khi chúng ta và cả những người thân yêu của mình vẫn còn khỏe mạnh. Dịch bệnh, không biết sẽ còn đi cùng với con người bao lâu nữa nhưng đã đến lúc chúng ta hãy học cách yêu thương, trân trọng cuộc sống nhiều hơn.
Nguồn: TH&PL