Hơn 23.000 cuộc đời đã "dừng chân" vì Covid-19: Không ai bị lãng quên!

19/11 - Ngày được chọn làm lễ tưởng niệm những người đã mất vì Covid-19. Đó là đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong một cơn đại địch khốc liệt.

23.476 người đã mất vì Covid-19 tính đến 19/11. Con số "chưa tin được" để nói về sự mất mát của cả nước trong thời gian ngắn ngủi vừa qua. Trong đó có những người thân, bạn bè, những người mà ta từng quen biết hay đó là một người lạ đi chăng nữa thì ai cũng đều xót xa. Dãy số này có lẽ chưa thể dừng lại trong một sớm một chiều, nó sẽ còn tăng theo thời gian khi dịch bệnh vẫn còn tồn tại. Và chúng ta, buộc phải chấp nhận sự thật ấy như một mất mát đau thương nhất. 

hon 23 000 cuoc doi da dung chan vi covid 19 khong ai bi lang quen - anh 0
Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 diễn ra lúc 20 giờ ngày 19/11 tại Hội trường Thống Nhất (TP. HCM) và Công viên Thống Nhất (Hà Nội)

Hôm nay, ngày tưởng niệm của cả nước vì những mất mát vô cớ và cũng là ngày để chúng ta nhắc nhở về tương lai: "Hãy thấy may mắn, trân trọng và yêu thương những người còn đang bên cạnh mình".

Những gia đình đã "khuyết" 

Điểm qua 0h ngày 19/11, khắp mọi nơi trên mạng xã hội đã phủ sóng một màu đen của sự mất mát. Tất cả chúng ta đều là nạn nhân của dịch bệnh và những tổn thương này đều là sự mất mát chung... kể cả bạn vẫn còn "đầy đủ" những người thương yêu bên cạnh. 

"Không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau mất người thân", chắc hẳn ai cũng từng nghe rất nhiều người nói như vậy và dĩ nhiên không ai muốn trải qua rồi mới hiểu cảm giác nó đau như thế nào. 

hon 23 000 cuoc doi da dung chan vi covid 19 khong ai bi lang quen - anh 0
Covid-19 đã khiến tất cả chúng ta chứng kiến sự mất mát theo một cách tàn khốc nhất (Ảnh: Thành Uỷ TP.HCM)

Covid-19 đã bắt rất nhiều "nếm trải" cảm giác mất người thân theo cách tàn khốc nhất: không thể bên cạnh, cũng chẳng thể thấy trọn vẹn hình hài. Thứ họ nhận lại được chỉ là một dòng báo tử và hũ tro cốt sau vài ngày được đưa đến tận tay. Đối với những người đã khuất, họ cũng ra đi trong một nỗi cô đơn không người thân bên cạnh. 

"Khoảnh khắc được nhìn thấy bố lần cuối, đó là lúc có xe đến đưa bố đi cách ly... và rồi không có sau đó nữa. Nếu biết đó là lần cuối, mình sẽ chẳng ngại con virus đang dính trên người bố mà ôm ông ấy thật chặt. Mình còn chưa kịp nói gì mà..." - Ngọc Vân (22 tuổi, TP.HCM) tâm sự. 

Con mất cha mẹ, vợ mất chồng, cháu mất ông bà,... và không thể kể hết những mối quan hệ tình thân vô tình bị cắt đứt vì đại dịch. Những gia đình với nhiều khoảng trống chẳng thể nào lấp đầy được nữa. 

hon 23 000 cuoc doi da dung chan vi covid 19 khong ai bi lang quen - anh 0
Thứ mà nhiều người nhận lại được chỉ là một dòng báo tử và hũ tro cốt sau vài ngày được đưa đến tận tay (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Minh Hiếu - cậu sinh viên năm cuối tại TP.HCM - đã kể cho tôi nghe rằng: "Kể từ ngày mẹ mất, gia đình mình chẳng ngày nào được yên ấm". Hiếu kể, mẹ cậu mất cách đây hai tháng tại bệnh viện Chợ Rẫy vì Covid-19. Ngày nhận tin báo, cậu như chết lặng đi. Sau hơn 2 tháng, đến giờ cậu bạn vẫn chưa tin rằng mình đã mất mẹ. Một điểm khuyết rất lớn trong gia đình mà chẳng có ai thay thế được.

"Gia đình mình kể từ ngày đó chẳng còn tiếng cười nữa, mọi thứ trong nhà cũng lộn xộn đi... mình rất khó khăn để vực dậy tinh thần một chút, để hoàn thành nốt khoá luận cuối kì để còn tốt nghiệp. Mình đã tưởng tượng rất nhiều đến ngày tốt nghiệp và có mẹ, có ba cùng chụp hình vui mừng. Nhưng giờ chắc không thể nữa rồi, mình chỉ biết cố phần còn lại để mẹ được vui ở nơi nào đó..." - Hiếu tâm sự.

hon 23 000 cuoc doi da dung chan vi covid 19 khong ai bi lang quen - anh 0
Covid-19 đã bắt rất nhiều "nếm trải" cảm giác mất người thân theo cách tàn khốc nhất: không thể bên cạnh, cũng chẳng thể thấy trọn vẹn hình hài (Ảnh: Báo VnExpress)

Lễ tưởng niệm trân trọng từng sinh mạng - không bỏ ai lại phía sau!

Không có vòng hoa, không kèn trống, không viếng thắm, những lễ tang giữa đại dịch Covid-19 cứ lặng lẽ diễn ra. Những gia đình có người mất vì Covid-19 không biết làm gì khác ngoài chờ đợi đội mang táng đến đưa thi thể người thân mình đi và tiếp tục chờ đợi tro cốt họ trở về. 

Nhưng chẳng vì thế mà tất cả họ đều bị lãng quên như chính sự ảm đạm của dịch bệnh. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp Thành ủy TP.HCM tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 tại TP.HCM lúc 20h tối nay 19/11 nhằm chia sẻ, động viên trước những mất mát, đau thương của hàng chục nghìn gia đình đã mất người thân.

hon 23 000 cuoc doi da dung chan vi covid 19 khong ai bi lang quen - anh 0
Lễ tưởng niệm sẽ được diễn ra tại Hội trường thống nhất TP.HCM (Dinh Độc Lập)

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã phát biểu rằng: "Tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ mất vì COVID-19 làm ấm lòng người đi, chia sớt phần nào nỗi đau với người ở lại". 

TP. Hồ Chí Minh - Trọng điểm của dịch bệnh gần nửa năm qua đã có đến hơn 17.000 người tử vong vì Covid-19. Lực lượng chi viện khắp mọi nơi đã đổ về tâm điểm dịch bệnh của cả nước để giành lại sự sống cho từng bệnh nhân, từ lực lượng quân đội đến lực lượng y tế và cả sức trẻ của những tình nguyện viên. 

Trong những tháng dịch bệnh đó, từ Chính phủ đến các địa phương đã nỗ lực hết mình để hỗ trợ bà con với nhiều chính sách và số tiền hỗ trợ lớn chưa từng có. Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, đã có khoảng 10 triệu lượt người nhận hỗ trợ với tổng số tiền khoảng hơn 64.000 tỉ đồng. Và hàng loạt những hoạt động thiện nguyện khắp mọi nơi để bớt lại nhiều nhất có thể những người sẽ phải ra đi vì Covid-19.

hon 23 000 cuoc doi da dung chan vi covid 19 khong ai bi lang quen - anh 0
TP. Hồ Chí Minh - Trọng điểm của dịch bệnh gần nửa năm qua đã có đến hơn 17.000 người tử vong vì Covid-19

Bằng sự hợp lực của cả nước, dịch bệnh đã dần được khống chế vào những ngày đầu tháng 10 khi TP.HCM chính thức gỡ "băng gạc" và trở về một cuộc sống bình thường mới. Tuy vậy những di chứng từ đại dịch vẫn còn ở lại và cần rất nhiều thời gian để phục hồi.

"Dịch bệnh cũng dần được khống chế, kinh tế rồi sẽ phục hồi nhưng những di chứng từ đại dịch sẽ còn ám ảnh mãi, hằn sâu trong tim hàng triệu người, có khi đến cả cuộc đời. Nhất là với những ai có thân nhân đã hóa thành tro cốt, mãi mãi trong họ là nỗi day dứt vì không được nhìn mặt, tiễn đưa người thân về cõi vĩnh hằng" - lời phát biểu của chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 8 Trần Thanh Hà. 

Sẽ chẳng ai được phép bị lãng quên, lễ tưởng niệm được tổ chức nhưng một đại tang lễ cho hơn 23.000 nghìn cuộc đời đã phải "dừng chân" vì Covid-19. Những dòng tưởng niệm đã được gửi trao từ những người ở lại, những ngọn nến hoa đăng sẽ là sự đưa tiễn ấm lòng nhất để xoa dịu những mất mát. 

hon 23 000 cuoc doi da dung chan vi covid 19 khong ai bi lang quen - anh 0

Cuộc chiến hẳn sẽ còn dài, nhưng kim chỉ nam "không ai bị bỏ lại phía sau" vẫn sẽ tiếp bước với nhiệm vụ mà cả nước còn đang gồng gánh. Vẫn có những người đồng hành cùng nhau để trải qua dịch bệnh, thành phố vẫn ở bên người dân và trân trọng từng sinh mạng. 

Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 diễn ra lúc 20 giờ ngày 19/11 tại Hội trường Thống Nhất (TP. HCM) và Công viên Thống Nhất (Hà Nội).

Hình ảnh giữa Sài Gòn: Một dòng chữ xúc động trước cửa Dinh Độc Lập!

Hôm nay là một ngày 20/10 không trọn vẹn...

Sài Gòn đang dần "bình phục" nhưng sẽ không thể quên đi những mất mát, đau thương

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ