Sự vô tình của người lớn đôi khi lại mang đến tổn thương sâu sắc cho các đứa trẻ trong những lời tâm sự.
Dư luận những ngày qua chắc đã không khỏi xôn xao trước những thông tin về các vụ tự tử liên hoàn. Nhiều người bắt đầu trách cứ lẫn nhau, cho rằng một đứa trẻ dại dột hay đánh giá phụ huynh dạy con chưa đúng. Tuy nhiên, trước vô số những bộn bề của cuộc sống, đôi khi những tiếng nói của trẻ em vô tình bị quên lãng trước gánh nặng mưu sinh.
Nội dung liên quan
Những lời nói của trẻ sau những giờ tan học, các câu chuyện vốn dĩ rất bình thường hay suy nghĩ ngây thơ đều hàm chứa bên trong đó là những lời tâm sự cần được lắng nghe. Chúng ta không buộc nhau phải ngồi hàng giờ để giải bày cùng một đứa trẻ, nhưng hãy dành thời gian nhất định cho chúng và đừng bao giờ phớt lờ đi hết thảy những câu nói của trẻ.
Câu nói vu vơ đôi khi ẩn chứa muộn phiền
Giai đoạn dậy thì, trải qua vô số những sự thay đổi trong tâm sinh lý, khi quá trình cái tôi và sự tò mò được hình thành thì trẻ vốn dĩ rất nhạy cảm. Một câu chuyện vốn dĩ có thể rất bình thường nhưng đôi khi lại là sự xúc phạm, đả kích, thêm vào đó là vô số những áp lực khác từ học hành, gia đình và cuộc sống đè nặng.
Nội dung liên quan
Thứ những đứa trẻ cần lại đơn giản chỉ là những lời tâm sự của người lớn, không cần phải san sẻ những điều đó nhưng chỉ cần biết thấu hiểu. Tuy nhiên, dường như điều này lại không được quá nhiều người xem trọng, họ lấy những câu chuyện "chỉ có" người lớn mà vô tình phớt lờ đi những nỗi niềm của một đứa trẻ.
Trong những lời nói ngây thơ, xen lẫn chút ngỗ nghịch của tuổi dậy thì đôi khi lại chứa đựng cả một câu chuyện dài phía sau, thậm chí là sự dày vò đang chịu đựng. Việc thiếu đi một người đồng cảm, khiến trẻ có xu hướng im lặng trước các vấn đề của bản thân, từ đó loay hoay trong những đớn đau tinh thần mà chẳng ai biết.
Quan niệm cho rằng chúng chỉ là trẻ em đang khiến những tiếng khóc than vô tình bị lọt thỏm trong những nỗi lo của người lớn. Đúng là cuộc sống có nhiều thứ để quan tâm, nhưng cũng cần lưu ý rằng sức khỏe tinh thần của mỗi đứa trẻ là điều mà chúng ta cần lưu ý, bởi một câu nói "vu vơ" đôi khi lại được góp nhặt từ những vụn vỡ trong cảm xúc.
Thử lắng nghe và đồng cảm
Trầm cảm có thể gây ra những tác động rất lớn đến cuộc sống của mỗi người, đặc biệt với những đứa trẻ vốn chịu nhiều tổn thương. Chúng vốn dĩ cần nhiều hơn nữa sự quan tâm từ bố mẹ, không phải việc quá dành nhiều thời gian cho con cái, chỉ cần luôn biết cách lắng nghe và tâm sự với chúng về cuộc sống.
Đương đầu và vượt qua trầm cảm chưa bao giờ là một "công việc" dễ dàng, nó đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và kể cả là tiền bạc để chữa trị. Tuy nhiên, vẫn còn một số cách hiệu quả để chữa lành vết thương lòng, đó chính là luôn sẵn sàng để đồng cảm với những buồn phiền của con.
Ngoài ra, dạy cho trẻ cách biết ơn với mọi thứ xung quanh cũng là biện pháp chống và chữa trị trầm cảm hiệu quả. Khi có được lòng biết ơn sâu sắc, chúng sẽ có được sự thấu hiểu và trân trọng những điều bản thân đang có, học cách yêu thương, cũng như tăng cường sự gắn kết đối với cuộc sống xung quanh.
Các liệu trình, thuốc hay bác sĩ cũng là giải pháp hữu hiệu, nhưng không phải là tất cả nên đừng quá phụ thuộc vào chúng. Gia đình với những yêu thương vẫn là liều thuốc hiệu quả nhất để điều trị, căn bệnh về tinh thần và tâm lý của con người thì nên để cảm xúc chăm sóc những tổn thương đó.
Nguồn: TH&PL