‘Chỉ có học thôi mà cũng stress’: Gen Z đã trải qua những gì với áp lực học tập?

Câu chuyện tự tử của nam sinh ở Hà Nội đã “gây bão” cộng đồng mạng. Từ vụ việc trên, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là trẻ em ngày nay đã trải qua áp lực học tập như thế nào?

Khác với thời xưa, giáo dục mỗi ngày càng được coi trọng và không ngừng nâng cao. Hầu như việc đi học đến trường trở thành điều tất yếu của các bạn nhỏ. Thế nhưng đi kèm với sự phát triển đó lại là "hàng tấn" áp lực đè lên vai. 

"Con nhìn bạn mà xem!", "học gì điểm thấp thế?", "sao không thấy học hành gì hết?", "Có học thôi mà cũng không làm được",... sự cạnh tranh trong học tập vốn được xem là động lực để thúc đây bản thân cố gắng hơn. Nhưng ngày nay chính sự cạnh tranh ấy như con dao hai lưỡi quay lại "bào nát" cả tuổi thơ của biết bao thế hệ học sinh. Có thể thấy áp lực trong học tập trở thành vấn đề lớn chi phối mọi mối quan hệ gia đình và xã hội.

Sợ bị thụt lùi phía sau…

Áp lực vốn không tự nhiên mà có, nó được hình thành từ nỗi lo sợ và mục tiêu của bản thân. Ở mỗi giai đoạn nhất định, con người sẽ có những áp lực khác nhau. Áp lực đến từ học tập có thể xem là cột mốc đáng sợ bậc nhất bởi đây là độ tuổi tâm lý con người đang biến động, rất nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Vì sợ thua kém với bạn bè, các bạn trẻ đã trải qua khoảng thời gian vô cùng chật vật.

Khi được hỏi về điều kinh khủng nhất đã qua trong những ngày tháng học hành thi cử, bạn Hồng Phúc không giấu được nỗi lòng mà kể:

"Mình vẫn thường lấy lý do áp lực cũng sẽ chính là nguồn động lực để mình cố gắng nhiều hơn. Nhưng áp lực vào năm 12 thật sự là vượt quá sức tưởng tượng của mình. Đi học thêm, học trên trường, ra chơi hay thậm chí ở nhà lướt Facebook, mình đều thấy mọi người xung quanh ôn bài. Nó làm mình lo lắng rằng mình đang bị lười biếng và thụt lùi đằng sau so với bạn bè.

Dù rằng cha mẹ mình không nói thành lời nhưng mình vẫn cảm nhận được sự buồn phiền của họ khi họ thấy điểm của mình bị sụt giảm ở một cái phẩy nào đó. Mình từng áp lực đến nỗi chỉ cần nhìn thấy họ im lặng, họ trầm ngâm hay thở dài ra sau khi nhìn kết quả là mình vô cùng thất vọng về bản thân".

chi co hoc thoi ma cung stress gen z da trai qua nhung gi voi ap luc hoc tap - anh 0
Hồng Phúc (sinh viên năm 2 trường ĐH Tôn Đức Thắng) từng trốn nói chuyện với tất cả mọi người mỗi khi làm xong bài kiểm tra (Nguồn ảnh: NVCC)

Đồng cảm với những chia sẻ của Hồng Phúc, bạn Tây An trải lòng khi cũng từng là "nạn nhân" của điểm số:

"Điều kinh khủng nhất thì chắc là rất nhiều bài tập dồn vào cùng một thời gian ngắn. Kiểu, deadline dồn dập luôn và lúc đó mình áp lực đến mức muốn bỏ cuộc, mặc kệ tất cả tới đâu thì tới. Nhưng mà nghĩ lại ba mẹ đã vất vả làm lụng để đóng tiền học, rồi trách nhiệm bài vở, điểm số các thứ nên vẫn phải cắn răng mà ráng".

chi co hoc thoi ma cung stress gen z da trai qua nhung gi voi ap luc hoc tap - anh 0
Vì sợ phụ lòng ba mẹ, Tây An (hiện đang theo ngành thú y) luôn gồng mình cố gắng (Nguồn ảnh: NVCC)

Không chỉ riêng Tây An và Hồng Phúc, Tiên Nguyễn cũng từng biến mình thành "cú đêm" với hàng "núi" bài vở xung quanh. Khi được hỏi về áp lực học tập, Tiên chia sẻ: 

"Trải nghiệm thi cử của mình nó hơi áp lực. Áp lực chủ yếu đến từ bản thân mình, vì muốn vào được ngành mình thích, nên mình đã đặt ra lịch học khá dày, học xuyên suốt từ sáng sớm đến tối. Bên cạnh đó áp lực từ phía bạn bè cũng nhiều, vì môi trường học của mình đa số là các bạn học sinh giỏi, xuất sắc, có bạn được tuyển thẳng,... vậy nên mình rất lo lắng và căng thẳng khi thấy các bạn có giấy thông báo trúng tuyển trước cả khi thi THPT".

Tưởng chừng là quá nhiều nhưng đó chưa phải là tất cả với Tiên khi bạn còn phải chịu áp lực đến từ chính gia đình:

"Về phía ba mẹ thì áp lực rất nặng nề luôn. Mình nhớ khi đó ba mẹ ko cho phép mình có thời gian nghỉ ngơi, chỉ cần thấy mình nằm nghe nhạc, lướt điện thoại hay thậm chí là đọc sách thì cũng sẽ dùng những lời khá khó nghe để ép mình vào bàn học. Năm 12 lẽ ra mình sẽ có khá nhiều kỷ niệm đẹp với bạn bè nhưng…. thậm chí việc đến trường học mình còn phải nhắn tin thông báo để mẹ giám sát.

Mình nhập viện 3,4 lần gì đó do hạ canxi máu. Bác sĩ có nói là mình bị stress quá dẫn đến hạ canxi, thì mẹ mình có nói lại là "nó có làm gì đâu mà stress? Ai bắt nó làm gì? Chỉ có học thôi chứ chả phải làm công việc nhà..."

Áp lực tạo nên kim cương

Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận sự thật là những người thành công đều được tôi rèn từ môi trường áp lực. Nó như "mồi bén" châm cho ngọn lửa ý chí của con người cháy thế nên với một số bạn trẻ áp lực học tập là thử thách bản thân để có kết quả tốt nhất.

Từng xuất thân từ ngôi trường nổi tiếng khắc nghiệt, "nhà tù" thứ thiệt của biết bao học sinh, THCS & THPT Nguyễn Khuyến, đối với Gia Huy học hành, thi cử không hề áp lực như mọi người nghĩ:

"Thực sự mà nói thì với mình áp lực thi cử là có, tuy nhiên nó không quá tới mức trở thành là điều kinh khủng. Bởi vì áp lực hay không, chính nhất vẫn là bản thân mình sẽ rắn rỏi qua những sự áp đặt, sự bắt buộc của người thân, gia đình.

Mình không bao giờ đổ thừa rằng sự ép buộc của gia đình là áp lực đối với bản thân mình bởi lẽ nếu mình đủ tự tin và bản lĩnh thì vượt qua thôi. Mình luôn giữ tâm thế thoải mái, bình tĩnh giải quyết vấn đề, cố gắng hết sức sẽ không thất vọng".

Tuy cũng chịu áp lực nhiều trong học tập nhưng sau cùng Khánh Đoan có những quan điểm khá tương đồng với Gia Huy:

"Nếu ngày đó mình buông thả bản thân thì sẽ không có mình như bây giờ, chính những áp lực mới cho mình vào ngôi trường cấp 3 mình mơ ước rồi từ đó mọi thứ đều suôn sẻ hơn nhiều. Thậm chí thi đại học cũng dễ thở hơn mọi người vì trường mình thuộc trường 'top' nên được sự ưu tiên".

chi co hoc thoi ma cung stress gen z da trai qua nhung gi voi ap luc hoc tap - anh 0
Khánh Đoan (thành viên CLB BigBoom trường ĐH KHXH&NV) rất biết ơn những áp lực trong  quá khứ để có thành công như hiện tại (Nguồn ảnh: NVCC)

Nhìn chung, học tập vốn không phải chuyện dễ dàng và sự cạnh tranh trong học tập là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên chúng ta có thể kiểm soát vì đây là cuộc sống của chính chúng ta. Động lực nếu ở đúng mức sẽ không thành áp lực. Cũng như hãy một lần mở lòng tâm sự với gia đình để họ có thể thấu hiểu những gì chúng ta đang trải qua. 

Đừng tự hành hạ bản thân quá mức cho phép vì ở từng cột mốc thời gian chúng ta chỉ có duy nhất một cơ hội để trải nghiệm mọi thứ. Cũng đừng trách cha mẹ vì họ chỉ muốn con mình có cuộc sống tốt hơn. Nhưng có lẽ cũng vì lần đầu lên chức phụ huynh, họ đã quên mất phải đặt suy nghĩ của mình vào các con.

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ