Liên tiếp những sự việc thương tâm xảy ra trong những tháng đầu năm mới liên quan đến căn bệnh trầm cảm như một hồi chuông cảnh tỉnh nhiều người.
Vào tháng 1 vừa qua, thông tin Hoa hậu Mỹ 2019 Cheslie Kryst qua đời vì tử tự - kết thúc cuộc đời ở tuổi 30 đã khiến nhiều người không khỏi chua sót. Theo thông tin từ mẹ cô cho biết, trước khi ra đi thì con gái bà đã phải đối diện với chứng trầm cảm nặng và hầu như là che giấu điều này với tất cả mọi người, đằng sau một nụ cười tự tin, cái ôm ấm áp và một bản lĩnh kiên cường.
Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây cũng đã ghi nhận rất nhiều những sự việc đau lòng từ chính căn bệnh trầm cảm, điển hình là nữ sinh ở Vũng Tàu đã nhẫn tâm hạ độc cha mình hay các sự việc liên quan đến mẹ sát hại những đứa con của mình sau sinh… tất cả đều đang cho thấy một "sát thủ" âm thầm điều khiển tâm trí con người, đó là trầm cảm. Trong xã hội phát triển như hiện nay, thì căn bệnh này đang dần trở nên phổ biến như một loại "bệnh dịch" mới của con người hiện đại.
Trầm cảm: căn bệnh cần được lưu tâm đối với con người
Đây được xem là một căn bệnh tâm lý phổ biến và khá nguy hiểm, chúng chính là chứng rối loạn cảm xúc trong một thời gian dài. Từ đó, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực để tư duy, hành vi cả trong suy nghĩ lẫn các vấn đề về thể chất, việc che giấu những cảm xúc và không có được sự giải tỏa các khó khăn cho những mối quan hệ xung quanh càng khiến căn bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Theo thống kê từ WHO thì nước ta có khoảng 3,6 triệu người đang mắc các vấn đề này, chiếm khoảng 4% dân số, đáng buồn là con số này đã đi kèm với 5.000 ca tự tử vì trầm cảm nặng. Theo TS Dương Minh Tâm chia sẻ trên VietNamnet: "Có đến 80% bệnh nhân trầm cảm ban đầu đi điều trị các bệnh lý, tìm đến bác sĩ nội, bác sĩ ngoại khoa để khám các triệu chứng cơ thể mà không quan tâm đến triệu chứng cảm xúc".
Những con số đáng báo động trên đã như sự cảnh tỉnh đến con người bởi tính nguy hiểm của trầm cảm, chúng có thể xảy ra đối với bất kỳ cá nhân nào và âm thầm tàn phá tâm trí của chúng ta. Trong rất nhiều những giai đoạn cuộc sống, ai cũng có thể sẽ trở thành bệnh nhân, nhưng tỷ lệ cao thường ở lứa tuổi 20 – 50, nhất là người dưới 20 tuổi, song đó thì nữ giới cũng thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
Có rất nhiều những triệu chứng khác nhau cho căn bệnh trầm cảm, tuy là những sự thay đổi nhỏ nhưng lại có một tác động vô cùng lớn đến tinh thần. Điển hình như rối loạn giấc ngủ, thường xuyên lo âu, mất hứng thú trong các hoạt động, tính tính thay đổi, thường xuyên có những suy nghĩ tiêu cực… đôi khi chỉ là những bất thường nhỏ về tâm lý và thể chất cũng có thể phản ánh dấu hiệu của căn bệnh này.
Xã hội ngày càng hiện đại, con người dần có nhiều áp lực
Nhịp sống hiện đại hối hả, vô số những áp lực và căng thẳng vô tình hình thành trong cuộc sống hằng ngày khiến bệnh lý về trầm cảm ngày càng gia tăng trong cuộc sống ngày nay, thậm chí còn trở thành một căn bệnh của thế kỷ. Chúng đến từ rất nhiều những nguyên do cụ thể khác nhau, ví như các yếu tố về di truyền, lạm dụng thuốc và chất kích thích, mất ngủ, chấn thương não…
Bên cạnh đó thì cũng có những nguyên nhân phổ biến như trải qua một sự kiện chấn động trong cuộc sống hằng ngày, từ đó khiến con người trở nên sợ hãi và ngại giao tiếp xã hội, điển hình là những tháng dịch bệnh vừa qua. Stress kéo dài trong cuộc sống, đó là những căng thẳng về tiền bạc, công việc và gia đình khiến trạng thái tâm lý trở nên mất căng bằng, nếu chúng cứ liên tục diễn ra trong thời gian dài sẽ gây ra chứng rối loạn cảm xúc dẫn đến trầm cảm.
Trong những sự việc phụ nữ sau sinh sát hại con mình cũng có thể thấy đến từ căn bệnh này gây ra, nguyên nhân là do sự rối loạn hormone ở nữ giới sau sinh, thói quen sinh hoạt đột ngột thay đổi, cảm xúc căng thẳng trong mối quan hệ gia đình, thiếu ngủ hay gặp khó khăn trong nhiều vấn đề chăm sóc và nuôi dưỡng con cái.
Với những nguyên nhân trên, con người thường có xu hướng co cụm lại, không muốn giao tiếp và hòa nhập với mọi người, điều này đã khiến những vấn đề trong suy nghĩ không có điều kiện được giải phóng. Khi những suy nghĩ tiêu cực luôn tồn tại và họ không tìm ra cách giải quyết thì những hành vi gây hại đến bản thân và những người thân xung quanh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Cần có cái nhìn tích cực hơn về các vấn đề về tinh thần
Con người thường không xem những thứ liên quan đến sức khỏe tinh thần, đôi khi cho rằng ai đó đề cập đến vấn đề này là đang làm quá câu chuyện lên. Những định kiến ăn sâu và sự ngại ngùng khi đối mặt với những khó khăn về tâm lý đã và đang tạo điều kiện cho căn bệnh trầm cảm có thể xuất hiện và tác động đến con người.
Một số người khi bị trầm cảm còn cố che đậy những triệu chứng của bản thân, tâm trạng cực kỳ tồi tệ nhưng người ngoài sẽ luôn thấy được vẻ hạnh phúc và hài lòng ẩn sau một nụ cười. Đó chính là sự nguy hiểm của căn bệnh này khi tưởng chừng là khỏe mạnh nhưng thật chất con người đã rất mệt mỏi với những suy nghĩ và tâm trạng của bản thân.
Sự quan tâm cần được đề cao đối với các vấn đề về tâm lý, không chỉ dành cho bản thân chúng ta mà còn là những người thân yêu xung quanh. Đôi khi chỉ là những câu hỏi thăm cũng có thể "cứu" một ai đó ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực, một lời động viên nhỏ của chúng ta trong cuộc sống cũng có thể trở thành một niềm an ủi lớn với nhiều người.
Đừng vì bất kể điều gì mà tránh né các vấn đề về sức khỏe tinh thần hay vô tâm bỏ qua những triệu chứng của người xung quanh. Tự nâng cao nhận thức trước các vấn đề về tâm lý, có cho mình những cách phòng tránh cùng các giải pháp chính là liều thuốc hiệu quả nhất để đẩy lùi căn bệnh thế kỷ mang tên trầm cảm.
Nguồn: TH&PL