Vụ nam sinh tự tử: Hãy “công bằng” với trầm cảm và dừng xem nhẹ sức khỏe tinh thần!

Sau khi được xác nhận là vụ tự tử, nhiều người bày tỏ sự chỉ trích nạn nhân nhưng sự thật thì khi đối mặt các vấn đề tâm lý không phải ai cũng đủ tỉnh táo để giải quyết.

Vụ việc nam sinh mất tích tại bến xe khi từ quê lên Sài Gòn nhập học và được tìm thấy xác trên sông đã được công an xác nhận nguyên nhân là do tự vẫn. Mặc dù động cơ khiến nam sinh thực hiện hành động trên vẫn chưa được làm rõ, ta vẫn thấy đâu đó là những lời bàn tán không hay, vô số những bình luận trách móc, thậm chí có cả hàm ý chỉ trích nạn nhân là ích kỷ và dại dột.

Từ đây ta cũng đang thấy được vấn đề sức khỏe tinh thần, đặc biệt là căn bệnh trầm cảm vẫn đang bị xem nhẹ trong cuộc sống, đôi khi chính thái độ thờ ơ đó cũng đã phần nào tiếp tay đẩy nạn nhân vào những quyết định đau đớn. Vì lý do đó, chúng ta cần nên xem trọng các vấn đề về tinh thần, nhìn nhận chúng như một căn bệnh và cần được chữa trị kịp thời, nhất là trong xã hội hiện đại khi con người có quá nhiều góc khuất.

vu nam sinh tu tu hay cong bang voi tram cam va dung xem nhe suc khoe tinh than - anh 0
Vụ việc nam sinh tự tử như một hồi chuông cảnh tỉnh nhiều người trong các vấn đề về tinh thần (Nguồn ảnh: Internet)

Nạn nhân những vụ tự tử đáng thương hơn đáng trách

Khác với các căn bệnh khác, chúng không có bất kỳ một biểu hiện nào rõ ràng, chẳng qua cũng chỉ là những sự thay đổi nhất định trong cảm xúc rất khó để nhận thấy. Điều này đã khiến sức khỏe tinh thần dần bị lãng quên và vô tình tạo điều kiện cho chúng trở thành một "sát thủ" âm thầm đi đến "gõ cửa", tước đoạt đi cuộc đời của rất nhiều người.

Những lời nói mang tính chỉ trích nạn nhân dại dột khi không can đảm đối mặt vấn đề, cho rằng tự tự là sự ích kỷ hay không đủ bản lĩnh luôn xuất hiện trong các vụ tử tử. Chính những điều này cũng đã vô hình khiến các nạn nhân của cảm xúc dần che giấu đi những khuất mắt của bản thân, một khi không tìm được cách giải quyết thì họ sẽ chấm dứt cuộc đời để cảm thấy được thanh thản.

vu nam sinh tu tu hay cong bang voi tram cam va dung xem nhe suc khoe tinh than - anh 0
Những lời đùa cợt và bàn tán khiến nạn nhân của trầm cảm thường có xu hướng che đậy cảm xúc bản thân (Nguồn ảnh: Health Harvard)

Đôi khi những thái độ thờ ơ, lời nói cay nghiến vô tình hay những sự đùa giỡn khi ai đó tâm sự về những cảm xúc của họ cũng có thể "giết chết" nạn nhân. Sự đau khổ họ đã trải qua, cùng với việc thiếu đi sự quan tâm và đồng cảm từ người xung quanh khiến họ không thể giải tỏa được những muộn phiền và căng thẳng của chính mình.

Cũng đừng nên so sánh cuộc sống của bất kỳ một ai trong xã hội vì mỗi cá nhân cũng có quyền được sống cho những suy nghĩ và cảm xúc chân thật của bản thân. Họ thật sự không muốn bỏ lại cuộc đời với nhiều điều tươi đẹp, đơn giản chỉ là muốn chấm dứt những đau khổ mà bản thân phải trải qua, vì vậy đừng dùng tư duy của chúng ta để nhìn nhận vấn đề mà hãy quan sát chúng ở khía cạnh những nỗi niềm luôn là một bí mật riêng.

Cần nhìn nhận tầm quan trọng của vấn đề sức khỏe tinh thần

Thống kê từ WHO thì nước ta có khoảng 3,6 triệu người đang mắc các vấn đề về tinh thần, chiếm khoảng 4% dân số, đáng buồn là chúng đang đi kèm với 5.000 ca tự tử vì trầm cảm nặng. Theo TS Dương Minh Tâm chia sẻ trên VietNamnet: "Có đến 80% bệnh nhân trầm cảm ban đầu đi điều trị các bệnh lý, tìm đến bác sĩ nội, bác sĩ ngoại khoa để khám các triệu chứng cơ thể mà không quan tâm đến triệu chứng cảm xúc".

Sự nguy hiểm của các vấn đề về sức khỏe tinh thần chính là chúng tác động từ bên trong một cách âm thầm và mạnh mẽ, đôi khi chính nạn nhân cũng không thể nhận ra những điều tồi tệ của bản thân. Đó là chưa kể, trong cuộc sống ngày nay, con người vẫn dùng thái độ tiêu cực đối với các vấn đề về tinh thần, họ nhìn nhận đây như một trò đùa hay đơn giản chỉ là sự yếu đuối.

vu nam sinh tu tu hay cong bang voi tram cam va dung xem nhe suc khoe tinh than - anh 0
Ta cần có đủ nhận thức và kỹ năng để giải quyết tình huống của bản thân, cũng như giúp đỡ người xung quanh (Nguồn ảnh: TED)

Chúng ta cần hiểu, không ai thật sự mạnh mẽ trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chắc chắn sẽ có những lúc bản thân đối mặt với các vấn đề tiêu cực của chính mình hay sự tác động từ môi trường bên ngoài. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của các căn bệnh về tinh thần, nên đừng xem nhẹ chúng, khi ta có nhận thức và kiến thức đầy đủ thì không chỉ bảo vệ được bản thân, mà còn là những người xung quanh.

Nhiều người thậm chí cũng có thái độ né tránh việc bản thân mắc các triệu chứng về tâm lý, tự cho rằng mình có thể giải thoát khỏi nó, nhưng trên thực tế việc ích kỷ với cảm xúc bản thân cũng có thể khiến căn bệnh trở nên tồi tệ. Hơn sự hỗ trợ từ người khác, mỗi cá nhân cũng cần tự nâng cao nhận thức, cùng với những kiến thức để hiểu được tính nguy hiểm của bệnh tâm lý.

Sự đồng cảm và sẻ chia là phương thức hiệu quả để chữa lành

Chúng ta hoàn toàn không thể thấu hiểu được nỗi đau hay trải qua những điều bên trong cuộc sống của họ, vì vậy hãy ngừng bàn luận và dành sự đồng cảm, sẻ chia những yêu thương nhiều hơn. Không có một liều thuốc nào thật sự hiệu quả cho các căn bệnh về tâm lý, giải pháp cho những vấn đề trên vẫn đến từ sự quan tâm của người xung quanh.

Đôi khi chỉ cần một lời hỏi thăm vào cuối ngày, lắng nghe người thân tâm sự hay chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống cũng có thể "cứu" một ai đó trước bờ vực của những quyết định đau lòng. Hãy dùng sự quan sát nhỏ trong cuộc sống để nhận thấy những sự thay đổi trong cảm xúc và tâm lý để kịp thời có những giải pháp hiệu quả.

vu nam sinh tu tu hay cong bang voi tram cam va dung xem nhe suc khoe tinh than - anh 0
Đôi khi sự quan tâm và động viên của chúng ta cũng có thể giúp đỡ một người thoát khỏi những quyết định đau lòng (Nguồn ảnh: The New York Times)

Việc chúng ta đồng cảm và giúp đỡ người khác cũng chính là đang tạo cho mình cơ hội để nâng cao sức khỏe tinh thần, tạo điều kiện để gắn kết các mối quan hệ, hơn hết là có sự nhìn nhận đúng hơn về các căn bệnh tâm lý. Điều này chắc chắn sẽ không quá khó, bất kể một việc làm nào xuất phát từ sự chân thành thì cũng mang đến những giá trị ý nghĩa và thiêng liêng cho cuộc sống.

Cuối cùng, tự tự trong những lý do về cảm xúc hay những căn bệnh tinh thần cần được nhận lại sự đồng cảm hơn là chỉ trích từ dư luận. Câu chuyện của tân sinh viên trên chính là một hồi chuông cảnh tỉnh nhiều người trong việc "công bằng" hơn với các vấn đề về sức khỏe tinh thần, xem chúng như một điều cấp thiết và cần được quan tâm trong cuộc sống mỗi người.

Vụ việc nam sinh mất tích: Đừng biến sự bức xúc thành hành vi chỉ trích vô cớ!

Sau vụ việc học sinh 8 tuổi tử vong: Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương cấp bách bảo vệ trẻ em

Vụ việc nam sinh lớp 6 bị đâm: Điều gì ẩn sau hành vi bạo lực của người trẻ?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ