Thêm 1 vụ tự tử ở thanh thiếu niên, hồi chuông 'hiệu ứng dây chuyền' lại vang

Nghe tin về trẻ em tự tử, đau lòng thôi, vẫn chưa đủ.

"Sao lúc này nhiều trẻ tự tử vậy?", "Chuyện gì đang xảy ra với bọn trẻ?"

Đó chính xác là những dòng bình luận xuất hiện nhiều nhất ở bên dưới một bài đăng thông báo khi có thêm một trẻ em tự tử. Cứ dăm ba ngày lại nổi lên một dòng tin tức "tương tự nhau" như thế, điều này khiến nhiều người đang nghi ngờ đến một hiệu ứng tâm lý nghiêm trọng: Hiệu ứng Werther (Bắt chước tự sát).

Vừa nghi ngờ, bất an... từng vụ việc như "cứa" thêm vào nỗi lo của những người làm cha làm mẹ. Họ bắt đầu lo lắng: "Lỡ như con của mình cũng bắt chước tự tử?". 

Những đứa trẻ thường có thói quen "bắt chước", tự tử cũng không ngoại lệ...

Gần hai năm sau đại dịch, trẻ em trên khắp thế giới đang thể hiện sự lo lắng, sợ hãi, bất an ở mức độ đáng lo ngại. Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đại dịch đã như một "tên sát thủ" gây nguy hiểm đến đời sống sức khỏe lẫn tinh thần của chúng, nhiều trẻ em đã tự làm hại mình và có hành vi tự sát

Theo tài liệu của Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ, trẻ em phát triển những kỹ năng xã hội thông qua việc bắt chước hành vi và cảm xúc qua từng giai đoạn tuổi khác nhau. Chính vì thế, sẽ thật tai hại khi thói quen bắt chước của trẻ em được "củng cố" qua hành vi tự tử...

Đó có thể đang là một "hiệu ứng dây chuyền" không thể xem nhẹ ở trẻ vị thành niên hiện nay. 

them 1 vu tu tu o thanh thieu nien hoi chuong hieu ung day chuyen lai vang - anh 0
Ảnh minh hoạ

Cứ mỗi lần nghe tin một đứa trẻ rơi từ tầng cao xuống tử vong, nhiều người mong đó chỉ là một tai nạn trượt chân ngã thay vì là cố ý tự sát như những sự vụ trước đó. Vì người ta sợ, bọn trẻ đang bắt chước nhau...

PGS.TS Nguyễn Phương Mai đã viết trên trang cá nhân: "Tự tử có tính lây lan (hiệu ứng Werther). Thanh thiếu niên học theo những gì người khác làm, nhất là khi một người nổi tiếng tự tử. Ví dụ, cái chết của Marilyn Monroe dẫn đến khoảng 200 vụ tự tử diễn ra chỉ trong vòng một tháng sau đó. Điều tương tự xảy ra với cái chết của Choi Jin Sil, khiến tỷ lệ tự sát vọt lên 162%. Hiện tượng này cũng được ghi nhận bởi những người lính, học sinh và nhiều tầng lớp xã hội khác".

"Hiệu ứng Werther" được đặt theo tên nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết "Những Nỗi Buồn Của Werther Thời Trẻ" của Johann Wolfgang von Goethe. Thuật ngữ này để mô tả hiện tượng con người có xu hướng sao chép hành vi - dù là lành mạnh hay phá hoại. Bắt chước tự tử là một ví dụ về một trong những hình thức cực đoan nhất của nó.

them 1 vu tu tu o thanh thieu nien hoi chuong hieu ung day chuyen lai vang - anh 0
(Ảnh: BBC)

Dạo quanh các diễn đàn trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã bắt đầu "nhen nhóm" những nỗi lo sợ về hiệu ứng dây chuyền này. Phụ huynh Minh Ly (tại Hà Nội) chia sẻ rằng: "Ở lớp học, các con đã lan truyền câu chuyện về bạn nam sinh 16 tuổi tự tử và bàn tán với nhau, cả chi tiết nội dung... Thật sự quá lo lắng, điều này cũng làm tôi e ngại việc cho con đến trường học trực tiếp, gặp gỡ bạn bè".

Hơn nữa, việc chia sẻ quá nhiều thông tin chi tiết về một vụ tự tử trong các bài báo và phương tiện truyền thông đã vô tình dẫn đến việc phổ biến phương pháp tự tử đó trong tiềm thức của trẻ em. Hương Nguyễn (Đăk Lắk) - một phụ huynh bày tỏ nỗi lo lắng của mình như sau: "Việc chia sẻ video, chưa thấy cha mẹ rút kinh nghiệm đâu mà con trẻ đã bắt chước rồi. Giống như việc nhiều bé đã nhen nhóm nhưng chưa dám làm, sau khi xem xong thì quyết định dễ hơn, đau lòng thật sự".

Đau lòng? Vẫn chưa đủ!

Nghĩa là, mỗi cá nhân, gia đình và xã hội cần chung tay để góp phần ngăn chặn hành vi "bắt chước tự sát" đang trên đà lây lan ở trẻ vị thành niên.

Và tuyệt nhiên, không nên xem những vấn đề của trẻ em là "chuyện con nít". Vì "người lớn đã từng là trẻ con, nhưng trẻ con chưa bao giờ làm người lớn. Người lớn thấy vấn đề như miệng giếng, nhưng trẻ con coi đó là cả bầu trời".

Theo TS.BS. Nguyễn Thị Thanh Mai (Bộ môn Nhi - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, trong quá trình khám chữa bệnh rất thường gặp cảnh con bị trầm cảm nhưng phụ huynh lại thấy là "bình thường". Thậm chí đứa trẻ có ý định tự sát, từng rạch tay rất nhiều nhát mà bố mẹ chỉ coi là biểu hiện của sự thiếu nhận thức, học đòi theo bạn bè. Đó chính là sai lầm đáng tiếc của các bậc phụ huynh, người lớn.

them 1 vu tu tu o thanh thieu nien hoi chuong hieu ung day chuyen lai vang - anh 0
Ảnh: Retuers

Hiện nay, xã hội vẫn còn rất nhiều những cản trở trong quá trình giáo dục và định hình nhận thức của những đứa trẻ: giáo dục nặng thành tích; thiếu quan tâm sức khỏe tinh thần; thiếu phòng ban chức năng hỗ trợ phát triển thể chất, tinh thần cho học sinh; thiếu các tổ chức hỗ trợ cha mẹ... và còn hơn thế nữa.

Nhưng để chờ hệ thống cồng kềnh thay đổi thì không phải ngày một ngày hai. Vậy thì thành lũy an toàn nhất cho những đứa trẻ, bù đắp những thiếu sót kia chỉ có gia đình và bố mẹ. 

Có rất nhiều điều đã thay đổi giữa xưa và nay, nhưng tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là điều bất biến. Chỉ là, hãy yêu con theo cách con muốn chứ không phải cách cha mẹ muốn hay cách cha mẹ NGHĨ LÀ con muốn. 

Và đừng để tự tử trở thành một hiệu ứng dây chuyền về tâm lý.

Hiệu ứng Werther - Bắt chước tự sát là gì?

Anh Chánh Văn Hoàng Anh Tú: 'Tự tử có tính lây lan'

Nóng: Nam sinh lớp 6 ở Hà Nội rơi từ tầng 18 chung cư tử vong

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ