Gen Z và nói dối: 'Nó cũng là liệu pháp giảm đau'

Lừa lọc, dối gian vốn không phải là điều tốt. Tuy nhiên vẫn có tình huống buộc chúng ta phải... nói dối. Vậy Gen Z nghĩ gì về những lời nói dối?

Không có lời nói dối nào là vô hại cả…

Nói dối là một thói quen xấu mà hầu hết mọi người đều "ghét". Những người hay nói dối không chỉ tự gây hại cho bản thân mà còn đánh mất lòng tin từ mọi người xung quanh. Nói dối đồng nghĩa với việc  không dám nhìn nhận sự thật, tự ảo mộng về những thứ viển vông, do đó gây ảnh hưởng đến người khác.

Khi chia sẻ cảm nghĩ về những lời nói dối, cô bạn Hoàng Yến rất dứt khoát:

"Theo mình không một lời nói dối nào là vô hại cả. Bởi vì khi nói dối 1 lần thì sẽ phải lấp liếm lại bằng vô số lần nói dối khác. Có thể mọi người đều nghĩ đến hướng bác sĩ và gia đình vì giấu bệnh nhân mắc bệnh nan y nên phải nói dối. Nhưng với mình thì sớm muộn gì họ cũng phải biết, nếu không muốn tạt gáo nước lạnh với người bệnh ngay từ đầu thì mình có thể chọn cách nói khéo, nói giảm nói tránh để bệnh nhân được lựa chọn cho mình hình thức chữa trị, tự quyết định cuộc đời của mình".

gen z va noi doi no cung la lieu phap giam dau - anh 0
Cô nàng Hoàng Yến (sinh viên năm 2) không lựa chọn nói dối trong bất cứ hoàn cảnh nào (Nguồn ảnh: NVCC)

Khi được hỏi thêm về "trường hợp ngoại lệ", khi nào sẽ lựa chọn nói dối, Yến chia sẻ:

"Mình sẽ không lựa chọn nói dối trong bất kì trường hợp nào. Mình có thể không trả lời tình huống đó bằng cách lái sang một tình huống khác, hoặc mình sẽ nói khéo, nói giảm nói tránh (nếu là vấn đề tế nhị). Mình nghĩ là nói dối sẽ không tốt cho ai cả, cả mình lẫn đối phương.

Có thể lần này mình chọn nói dối nhưng có thể lần sau khi bị vặn lại vì mình sẽ khó nhớ những gì bịa ra. Điều này chỉ làm cho hình ảnh và uy tín của mình trong mắt đối phương kém đi thôi. Sẽ chẳng ai muốn nói chuyện với một người mà chẳng biết lúc nào người đó nói thật lúc nào người đó nói dối cả".

Liệu pháp giảm bớt nỗi đau!

Nhưng thực tế, cuộc sống không hề màu hồng và diễn ra theo "đúng quy trình" chúng ta muốn. Đôi khi một lời nói dối đúng thời điểm lại được coi là sự an ủi vô cùng to lớn. Nói dối vẫn có thể xuất phát từ rất nhiều mục đích khác nhau và lời nói dối với ý định tránh gây tổn thương hay che giấu cảm xúc "lại là" những lời nói dối cần được sự đồng cảm.

Chia sẻ quan điểm của mình, cô nàng "phóng viên trẻ" Hồ Lam cho thấy một cái nhìn khá cảm thông:

"Đối với mình, trong một số trường hợp, nói dối không hẳn là xấu mà đôi khi nó là một liệu pháp để giảm bớt nỗi đau về tinh thần cho người đối diện. Ví dụ như bác sĩ phải giấu bệnh nhân về tình trạng sức khỏe không tốt của bệnh nhân để họ có thể yên tâm, lạc quan chữa bệnh.

Hay như chính bản thân mình cũng đã từng nói dối. Có những lúc mình nói dối ba mẹ về vấn đề sức khỏe và những áp lực riêng của mình, rằng mình vẫn tốt và vẫn ổn. Tất nhiên, những chuyện đó là chuyện nhỏ thôi và mình không muốn ba mẹ phải quá lo lắng cho mình".

gen z va noi doi no cung la lieu phap giam dau - anh 0
Đối với Trần Hồ Lam, lời nói dối đôi khi lại là một liều thuốc an thần rất lớn (Nguồn ảnh: NVCC)

Đúng là có những lời nói dối đôi khi xuất phát từ ý định tốt, đơn giản chỉ vì không muốn mọi người lo lắng cũng như giữ tinh thần tích cực nhất có thể. Cũng đồng quan điểm với Hồ Lam, Thùy An cho biết:

"Theo mình thì lời nói dối giống dao 2 lưỡi vậy. Lời nói dối nhỏ không khiến người khác tổn thương mà trở nên tốt hơn thì không đáng lên án. Nhưng nếu nói dối quá nhiều thì ta sẽ mất uy tín trong lòng người khác.

Quan trọng là chúng ta biết sử dụng đúng thời điểm và mục đích mà thôi. Mình hay nói dối vào những lúc muốn động viên hoặc muốn tạm thời né tránh sự thật tàn nhẫn. Đó cũng là một cách để mình bình tĩnh đối diện với khó khăn".

gen z va noi doi no cung la lieu phap giam dau - anh 0
Nguyễn Thùy An, cô bạn năng động đến từ trường ĐH KHXH&NV ĐHQG TP.HCM (Nguồn ảnh: NVCC)

Nói tóm lại, bất cứ việc gì cũng có hai mặt của nó. Những lời nói dối không phải lúc nào cũng xấu nhưng không phải bao giờ cũng được đồng cảm và tha thứ. Mọi việc làm cần được diễn ra trong khuôn khổ và thời gian nhất định. Hãy để lời nói dối trở thành trường hợp ngoại lệ chứ không phải thói quen.

Alo Gen Z: Sẽ thế nào nếu phụ huynh kỳ vọng sai cách?

‘Chỉ có học thôi mà cũng stress’: Gen Z đã trải qua những gì với áp lực học tập?

'Keo' là gì mà đến Lilthu, Thảo Nhi Lê cũng phải thắc mắc?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ