Thời gian ở một mình cũng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tinh thần mỗi cá nhân, chất lượng cuộc sống nâng cao.
Kết nối xã hội là một yếu tố quan trọng trong sức khỏe tình cảm lẫn thể chất của con người. Tuy nhiên, thời gian ở một mình cũng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tinh thần mỗi cá nhân. Chúng ta ai cũng có nhu cầu được ở bên cạnh người khác, nhưng việc này cũng tạo ra những căng thẳng không thể tránh khỏi.
Bạn sẽ lo lắng về những gì mọi người nghĩ. Bạn thay đổi hành vi của mình để tránh bị từ chối và hòa nhập với những người còn lại trong nhóm. Những thách thức này chứng minh tại sao thời gian ở một mình lại có thể quan trọng đến vậy. Thời gian giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã cho thấy những thách thức của sự cô đơn và thiếu thời gian yên tĩnh chất lượng.
Chúng ta mất nhiều kết nối, dù mới hôm qua chúng làm ta "ngộp thở". Ranh giới giữa công việc và cuộc sống bị xóa nhòa. Nhiều người vật lộn với cảm giác bị "cô lập", những người khác phải đối mặt với nhiều thách thức khi đột nhiên dành nhiều thời gian ở gần các thành viên trong gia đình hoặc bạn cùng phòng.
Dành thời gian cho riêng bản thân giúp mỗi người có cơ hội thoát khỏi áp lực xã hội và khai thác những suy nghĩ, cảm xúc, lẫn trải nghiệm của chính mình. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu khám phá ý tưởng rằng một lượng thời gian chất lượng nhất định cũng quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất.
Tại sao thời gian ở một mình lại quan trọng?
Dành thời gian ở một mình có thể mang lại một số lợi ích, bao gồm:
Khám phá cá nhân
Dành thời gian cho bản thân là rất quan trọng cho sự trưởng thành và phát triển cá nhân. Thoải mái trong không gian cá nhân có thể đem đến cho bạn thời gian và sự tự do, để thực sự khám phá những đam mê của riêng mà không bị áp lực và phán xét do người khác áp đặt.
Thay vì lo lắng về nhu cầu, sở thích và ý kiến của người khác, thời gian ở một mình cho phép bạn tập trung vào chính mình. Đó có thể là một cách để thử những điều mới, những chủ đề nghiên cứu khiến bạn say mê, thậm chí là thu nhận kiến thức mới và thực hành chúng.
Sáng tạo hiệu quả
Thời gian một mình là cơ hội để tâm trí bạn đi lang thang tìm kiếm cảm hứng, và củng cố khả năng sáng tạo của bạn. Trong một nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nhận thức sự cô lập trong xã hội (hay còn gọi là "sự cô đơn") dẫn đến tăng hoạt động trong các mạch thần kinh liên quan đến trí tưởng tượng.
Nghiên cứu thực sự cho thấy rằng ở một mình có thể dẫn đến những thay đổi trong não giúp thúc đẩy quá trình sáng tạo. Khi thiếu sự kích thích xã hội, bộ não sẽ tăng cường mạng lưới sáng tạo của nó để giúp lấp đầy khoảng trống. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những người có xu hướng cố tình rút lui để dành thời gian ở một mình sẽ là những người có khả năng sáng tạo cao.
Năng lượng xã hội
Trong xã hội liên kết hiện đại, đôi khi sống một mình có xu hướng bị nhìn nhận dưới góc độ tiêu cực. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người sống một mình thực sự có thể có đời sống xã hội phong phú hơn và nhiều năng lượng xã hội hơn, so với những người sống chung với những người khác.
Trong cuốn sách Going Solo (tạm dịch: Đi Một Mình), nhà xã hội học Eric Klineberg lưu ý rằng cứ bảy người trưởng thành ở Hoa Kỳ thì có một người sống một mình. Klineberg nhận thấy rằng những người trưởng thành này không chỉ không cô đơn, mà ngược lại nhiều người thực sự có cuộc sống xã hội phong phú hơn.
Những lý do khiến việc một mình không phải lúc nào cũng dễ dàng
Thời gian ở một mình có thể là khó khăn đối với một số người vì nhiều lý do. Một nghiên cứu từng chỉ ra rằng có những người thà chọn chịu đựng cú sốc điện đau đớn hơn là chỉ ngồi một mình với những suy nghĩ của riêng. Một số lý do khiến mọi người có thể phải vật lộn với việc ở một mình bao gồm:
Thiếu kinh nghiệm ở một mình
Một số người có thể không quen với việc ở một mình vì họ đã quá quen với việc ở bên người khác. Sự vắng mặt đột ngột của sự kích thích xã hội có thể khiến họ cảm thấy bị tách rời hoặc mất kết nối.
Suy nghĩ và cảm xúc phiền muộn
Trong những trường hợp khác, việc ở một mình và tập trung hướng nội có thể khó khăn hoặc thậm chí gây đau đớn vì những suy ngẫm và lo lắng.
Sự đánh giá quá cao lợi ích của việc ở bên người khác
Giáo sư tiếp thị và nhà nghiên cứu Rebecca Ratner tại Đại học Maryland phát hiện ra rằng mọi người thường tránh làm những việc họ thích nếu họ phải làm một mình. Điều này đặc biệt đúng nếu đó là một hoạt động mà người khác có thể quan sát được, chẳng hạn như đi ăn tối, hoặc đi xem phim một mình.
Thêm một lầm tưởng thường thấy đó là người hướng ngoại sẽ không thích dành thời gian cho riêng mình. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học xã hội phát hiện rằng người hướng nội và hướng ngoại không thực sự khác nhau về mức độ tận hưởng mà họ có được khi sống một mình. Bất kể bạn thuộc loại tính cách nào, sẽ có lúc bạn cần khoảng thời gian chất lượng cho bản thân.
Nội dung liên quan
Dấu hiệu bạn cần một chút thời gian ở một mình
Một số dấu hiệu cần để ý bao gồm:
- Cảm thấy nóng tính
- Đôi khi dễ bị kích thích bởi những điều nhỏ nhặt
- Mất hứng thú làm việc với người khác
- Cảm thấy bị choáng ngợp hoặc bị kích thích quá mức
- Khó tập trung
- Lo lắng về việc dành thời gian cho người khác
Tin tốt là ngay cả khi bạn đang vật lộn với bất kỳ dấu hiệu nào trong số những dấu hiệu này, một chút thời gian ở một mình có thể có tác dụng phục hồi đáng kể. Trong một nghiên cứu, những người cho biết dành khoảng 11% thời gian ở một mình sẽ ít cảm thấy tiêu cực hơn trong những trải nghiệm xã hội đòi hỏi sau đó.
Cách dành thời gian ở một mình
Điều quan trọng là phải thực hiện "một mình" theo những cách có lợi cho sức khỏe tinh thần. Nếu ý nghĩ dành thời gian cho riêng mình khiến bạn cảm thấy buồn chán hoặc không thoải mái, hãy thử bắt đầu với một khoảng thời gian nhỏ cho phép bạn tập trung vào một nhiệm vụ cụ thể. Bạn cũng nên giữ cho bản thân sự chủ động quay lại cuộc sống xã hội của mình bất cứ khi nào bạn muốn.
Mỗi người có nhu cầu khác nhau về khung thời gian một mình, vì vậy hãy linh hoạt tìm ra "công thức" của riêng mình. Một số người chỉ cần vài phút "tự sạc" là đã có thể thiết lập lại tâm trạng, trong khi những người khác có thể cần nhiều thời gian ở một mình hơn. Khi đã làm quen với "một mình", bạn sẽ cảm nhận khoảng thời gian này giúp bản thân cảm thấy đổi mới và có cảm hứng hơn khi quay trở lại vòng tròn kết nối xã hội của mình.
Chọn khung thời gian
Tìm ra khoảng thời gian nào thì bạn muốn ở một mình. Lập kế hoạch cho khung giờ đó, và thông báo cho những người sống chung biết để họ không gián đoạn bạn trong thời gian ấy.
Tắt thông báo mạng xã hội
Loại bỏ tác nhân gây xao nhãng, đặc biệt là những so sánh trên mạng xã hội. Bạn nên tập trung vào suy nghĩ và sở thích của mình chứ không phải những gì người khác đang làm.
Lên kế hoạch cho việc gì đó
Không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi dành thời gian ở một mình, thế nên bạn có thể tận dụng khoảng thời gian "cách ly" này lên kế hoạch cho những việc mình muốn làm, như là thực hiện các hoạt động thư giãn, khám phá một sở thích yêu thích hoặc đọc sách, xem phim, nghe podcast.
Đi dạo
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc ở bên ngoài có thể có tác động có lợi đến sức khỏe. Nếu bạn cảm thấy gò bó và ngột ngạt vì giao tiếp xã hội quá nhiều, hãy dành một chút thời gian ra ngoài trời để tận hưởng sự thay đổi phong cảnh có thể có một tác dụng phục hồi.
Tuy nhiên, trong thời gian chấp hành chỉ thị giãn cách, đặc biệt là tại các tỉnh thành "cao điểm", ra ngoài không phải là một giải pháp.
Làm điều tương tự cho những thành viên sống chung
Nếu bạn cùng phòng hoặc thành viên trong gia đình sẵn sàng thực hiện các bước để đảm bảo bạn có thời gian ở một mình, bạn nên làm điều tương tự với họ. Có thể làm giúp họ một số công việc nhà hoặc giữ yên lặng trong khoảng thời gian người đó ở một mình.
Giãn Cách Không Sai Cách:Làm như thế nào để kỳ giãn cách xã hội của bạn không chìm trong mạng xã hội và những giấc ngủ? GenVie sẽ cùng bạn khám phá hàng loạt những hoạt động thú vị cho dịp ở nhà, cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích để có một mùa giãn cách "đúng cách".
Nguồn: TH&PL