Tâm trạng bất an luôn thường trực, dẫn tới mất ngủ, căng thẳng kéo dài, nên làm gì để quên đi điều đó?
Giãn cách xã hội vì dịch bệnh khiến nhiều người bị stress nặng do quá nhiều nỗi lo vô hình. Tâm trạng bất an luôn thường trực, dẫn tới mất ngủ, căng thẳng kéo dài.
Những ngày gần đây, dịch Covid-19 diễn tiến ngày càng phức tạp. Ai cũng lo lắng thấp thỏm khi chứng kiến con số ca bệnh tăng lên mỗi ngày. Chống Covid-19 là cuộc chiến kéo dài bởi chúng ta chưa thực sự tìm ra giải pháp hữu hiệu. Đó cũng là lý do tại sao việc bình ổn tâm lý thực sự quan trọng, nếu không, việc ngã quỵ trước căng thẳng là điều khó thể tránh khỏi.
Tâm trạng bất an - thực tại có thật
Thành phố Hồ Chí Minh những ngày nay có lẽ đang "gồng mình" chống chọi hơn bao giờ hết. Kể từ khi giãn cách, nhiều người luôn phải sống trong sự căng thẳng, mệt mỏi. Cô bạn A.T, sinh viên, hiện đang thuê trọ tại Q.Bình Thạnh chia sẻ rằng việc sống trong nhà nhiều, hạn chế tiếp xúc với mọi người và lo lắng về việc học hành khiến bạn luôn dễ rơi vào tình trạng cáu gắt, bất an.
"Xa nhà vốn tủi thân, vậy mà giờ đây ngày ngày buộc phải đối mặt với 4 bức tường của căn phòng trọ, mình sợ bị trầm cảm. Điều mình lo nhất là sáng dậy thấy dãy trọ bị giăng dây, nếu chuyện đó xảy ra thì không biết mình sẽ sống thế nào".
Những bạn gen Z vừa mới bước chân vào đời sống công sở cũng là nhóm người dễ gặp stress trong thời điểm này. K.H vừa mới tốt nghiệp Đại học vào đầu năm nay và chỉ mới đi làm được vài tháng. Giãn cách xã hội khiến cậu phải chuyển qua làm việc tại nhà. Hàng ngày, H. hoàn thành công việc được giao, họp cùng đồng nghiệp qua Zoom, rảnh rỗi thì theo dõi tình hình dịch bệnh, thi thoảng xuống sảnh chung cư mua sắm thực phẩm.
"Những ngày làm việc trong nhà khiến mình hiểu ra giá trị của sự bình yên. Trước đây, tan sở mình sẽ tụ tập bạn bè hay đồng nghiệp để hội họp, bây giờ điều ấy lại trở thành mong ước. Khi cuộc sống bình thường trở lại, chắc mình sẽ ôm hôn từng người mất, cảm thấy thật trân quý từng giây phút giản đơn của hạnh phúc mà trước đây mình chưa từng hiểu".
Bình ổn tâm lý mùa dịch - Điều cần làm
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối tương quan giữa dịch bệnh và các vấn đề về tâm lý lên sức khoẻ con người. Trong mùa dịch, con người luôn phải đối mặt với những nỗi lo vô hình. Từ những vấn đề vĩ mô như nỗi băn khoăn không biết bao giờ dịch bệnh mới kết thúc?
Liệu kinh tế các quốc gia có thể phục hồi? cho đến những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống mỗi người như Liệu mình có nguy cơ mắc bệnh? Phải làm sao nếu công ty phá sản và mình thất nghiệp?,... - tất cả đều trở thành nỗi sợ hãi to lớn mang tên: Ám ảnh do Covid-19.
Trong cuộc sống, những chuyện không như ý vẫn luôn có thể xảy ra, dịch bệnh cũng nằm trong số đó. Thay vì quá lo lắng vì những điều vĩ mô không nằm trong tầm với, bạn nên cố gắng tập trung giải quyết vào những gì mình có thể làm được . Bạn có thể nhận biết nỗi lo mình đang có, rồi xác định xem nguồn gốc sâu xa của nỗi lo đó là gì, nó đến từ đâu.
Cách làm này sẽ giúp bạn tìm ra được biện pháp giải quyết đúng đắn. Đối với những lo lắng to lớn, hãy đặt lòng tin và hợp tác với chính quyền hoặc tổ chức y tế sở tại để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Với sức khỏe cá nhân, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, không tụ tập đông người, tập trung rèn luyện thể chất và tinh thần đồng thời học cách sắp xếp lại cuộc sống để nhanh chóng thích ứng với hoàn cảnh mới.
Dịch bệnh cũng là thời điểm bạn ngập chìm trong "đại dương thông tin", từ chính thống đến các tin đồn chưa được kiểm chứng. Dù xuất phát từ bên nào, những thông tin này đều có thể ập tới mọi lúc, mang theo sự căng thẳng tới từng tế bào thần kinh.
Đồng ý rằng việc cập nhật tin tức giúp bạn nắm rõ tình hình, dù vậy, liên tục nạp thông tin một cách thừa thãi chỉ mang lại mệt mỏi và lo lắng cho bản thân. Để tránh tình trạng "bội thực", không nên quá chăm chăm đọc tin tức 24/7, hãy lựa chọn những kênh truyền đáng tin cậy và theo dõi chúng từ 1-2 lần trong ngày là đủ.
Dịch bệnh là thời điểm nhạy cảm với nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, đó lại là cơ hội cho phép bạn được trải nghiệm những điều đặc biệt theo cách riêng của mỗi người. Khi bị căng thẳng, các tín hiệu truyền thần kinh sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, gây ra các vấn đề về dạ dày, đường tiêu hoá, da liễu, thậm chí rối loạn chức năng sinh sản,...
Để tránh những ảnh hưởng không đáng có, hãy dành thời gian nhiều hơn để thực hiện các bài tập tại nhà. Khoa học đã chứng minh, luyện tập nhiều sẽ giúp cơ thể giải phóng endorphin và sản sinh thật nhiều hormone hạnh phúc.
"Thời gian rảnh rỗi, mình thường cố gắng tập luyện thật nhiều để cho ra mồ hôi. Sau mỗi lần tập luyện, mình cảm thấy yêu đời và vui vẻ hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, mỗi lúc căng thẳng quá mức, mình thường tập thiền ngắn trong vài phút, điều đó giúp mình tập trung cũng như buông bỏ mọi phiền mọi trong cơ thể". (T.M, sinh viên tại TP. HCM chia sẻ)
K.L chia sẻ rằng từ nhỏ, cô bạn đã có thói quen viết nhật ký từ nhỏ. Sau này, dưới sự phát triển của mạng xã hội, cô bạn lập một trang blog riêng trên Facebook, thậm chí xây dựng cả một kênh Youtube riêng để chia sẻ những cảm xúc, hoạt động đơn giản hàng ngày. Các vlog chia sẻ hàng tuần cũng là kênh thông tin độc đáo giúp L. cập nhật tin tức thường xuyên tới gia đình hay bạn bè trong thời gian giãn cách xã hội.
"Đối với mình trước đây, viết ra được điều thầm kín trong lòng giúp tâm trạng ổn định hơn rất nhiều. Bây giờ giãn cách, mình có nhiều thời gian hơn, không chỉ viết mà còn học cách lập một kênh Youtube. Làm vlog bây giờ cũng là trào lưu thú vị, cứ cần mẫn quay dựng hàng ngày cũng khiến mình thấy thời gian trôi nhanh hơn, không còn ngồi một chỗ lo lắng linh tinh như trước nữa".
Dịch bệnh gây ra những sự bất bình, những tâm trạng lo lắng không thể gọi tên. Tuy nhiên thay vì nổi cáu, bạn hãy cố gắng kiên nhẫn và chữa lành tâm trạng mình ổn định nhất nhé.
Nguồn: TH&PL