Chất lượng giấc ngủ và hiệu suất công việc có mối quan hệ chặt chẽ hơn trong giai đoạn người người nhà nhà Work From Home.
Bắt đầu từ những đợt bùng dịch đầu tiên, cụm từ Work From Home (làm việc tại nhà) đã không còn xa lạ với nhiều người. Nhiều công ty, doanh nghiệp đã cho nhân viên của mình làm việc tại nhà ngay từ rất sớm. Dần dần việc này tạo ra một văn hóa làm việc mới mà trong đó mọi người chỉ gặp nhau trên Zoom, Google Meet...
Đối với một số người, việc không cân bằng được giữa công việc và sinh hoạt tại gia sẽ khiến họ gặp nhiều vấn đề hơn khi đặt lưng lên giường. Việc thiếu ngủ hoặc có chất lượng giấc ngủ kém dẫn đến hiệu suất công việc bị giảm đi. Dưới đây là một vài lý do khiến bạn khó ngủ khi bắt đầu làm việc tại nhà.
1. Thời gian tiếp xúc với máy tính, điện thoại quá lâu
Nhiều nghiên cứu cho thấy loại ánh sáng xanh phát ra từ màn hình máy tính, điện thoại và máy tính bảng làm giảm hoặc trì hoãn quá trình sản xuất melatonin của cơ thể. Đây chất rất quan trọng giúp chúng ta dễ đi vào giấc ngủ. Việc thiếu melatonin khiến ta cảm thấy khó ngủ và các chuyên gia khuyên rằng hãy tắt thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi ngủ để có cơ thể sẵn sàng chìm vào giấc ngủ.
2. Mất cân bằng trong ăn uống
Làm việc tại nhà cũng chính là cơ hội để những bữa ăn nhẹ xuất hiện thường xuyên hơn trong giờ làm việc. Không ít người cảm thấy bản thân đã không còn giữ được thói quen ăn uống đúng giờ như trước đây. Sự cám dỗ từ việc không chịu sự quản lý xuyên suốt của cấp quản lý và chiếc tủ lạnh luôn đầy ắp đồ ăn khiến nhiều người luôn trong tình trạng thừa năng lượng dẫn đến việc ngủ trễ giấc.
3. Nơi bạn dành để nghỉ ngơi nay lại thành "công sở mini"
Di chuyển bàn làm việc từ công ty về nhà là một điều không tưởng nên nhiều người tận dụng ngay căn phòng ngủ làm văn phòng mới cho mình. Và chính trong căn phòng đó có...chiếc giường thân yêu của bạn, nơi mà bạn luôn tìm về sau những ngày làm việc vất vả. Lý do những văn phòng được thiết kế chỉn chu tại công ty bạn là để bạn có được không gian làm việc phù hợp và có thể ngôi nhà của bạn không thực sự quá phù hợp để bạn có thể tập trung làm việc trong thời gian dài.
4. Phân chia thời gian không hợp lý
Thức dậy vừa đúng giờ vào họp, không dành thời gian cho các hoạt động thể chất, phân chia thời gian xử lý công việc không hợp lý,...đây chính là những nguyên nhân dẫn đến việc ngủ không đúng giấc và chất lượng giấc ngủ bị giảm sút. Việc có một thời gian biểu phù hợp sẽ hạn chế một cách tốt nhất những cơn buồn ngủ giữa giờ làm việc và những giờ thức đêm không tốt cho sức khỏe.
Cách để có được những giấc ngủ ngon khi vẫn đang WFH
1. Hãy để mắt được xả hơi
Khi nhận thức được tác hại của ánh sáng xanh từ màn hình máy tính, điện thoại và máy tính bảng, việc đầu tiên nên làm trước khi bạn muốn có được giấc ngủ nhanh chóng hơn là hãy hạn chế tiếp xúc với chúng trước khi chuẩn bị đi ngủ. Bạn có thể dùng nước lạnh vẩy nhẹ lên mắt để máu có thể tuần hoàn tốt hơn cũng như áp dụng các biện pháp mát-xa nhẹ vùng mí mắt sẽ giúp mắt bạn đỡ căng và mỏi hơn.
2. Soạn một thời gian biểu hợp lý
Sắp xếp công việc một cách phù hợp sẽ giúp bạn nhanh chóng hoàn thành những nhiệm vụ được giao để dành thời gian còn lại trong ngày cho các sinh hoạt khác. Việc tạo được một kế hoạch trong ngày cho bản thân cũng không hoàn toàn là một việc quá khó khi hiện tại có rất nhiều ứng dụng hữu ích sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/7. Hay đơn giản hơn là một quyển sổ tay để bạn luôn nắm được những việc gì mình cần phải xử lý trước khi lên giường.
3. Thực hiện các bài tập nhỏ trước khi ngủ
Chỉ từ 2 phút thực hiện những động tác giãn cơ đơn giản trên giường sẽ giúp bạn xua tan những cơn áp lực từ những giờ ngồi làm việc với máy tính. Hãy cho phép các thớ cơ của mình được xả hơi. Hít thở đều và hạn chế để tâm trí mình ngập tràn suy nghĩ sẽ giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
Chất lượng giấc ngủ và hiệu suất công việc luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do đó, hãy giữ cho mình những thói quen sinh hoạt lành mạnh để có thể đạt được hiệu quả cao trong công việc mà vẫn giữ được sức khỏe thật tốt trong thời gian làm việc tại nhà này.
Nguồn: TH&PL