Tại sao và từ đâu mà phụ nữ bị ví với đồ ăn, nhưng hàm ý của nó lại vô cùng tiêu cực?
Từ "trà xanh", "chăn rau", tiếp tục đến "mì tôm", không khó để tìm giải thích của những từ lóng kiểu như thế này. Chỉ bằng một cú search Google, chúng ta sẽ biết "trà xanh" là nói những cô gái "ra vẻ thanh cao, thuần khiết, mong manh nhưng thực chất lại rất toan tính, xảo quyệt".
Hay chuyển qua "chăn rau", "gái mì tôm",... cứ thế mà hàng loạt những định nghĩa mới ra đời, để ám chỉ người phụ nữ. Từ khi nào mà phái nữ được gọi như đồ ăn, với những nghĩa ẩn đùa giỡn, buồn cười, thiếu tôn trọng và phân biệt giới tính nặng nề như thế?
"Bộ từ điển" tiếng lóng chỉ đồ ăn dùng để gọi phụ nữ có đang ngầm miệt thị giới tính?
Được "chuyền tay nhau" sử dụng mạnh mẽ trên không gian mạng, điểm chung của "bộ từ điển" này là dùng một từ chỉ món ăn hay thức uống, sau đó gán chúng cho hình ảnh người phụ nữ. Thậm chí, nếu những từ vựng "trendy" này quá rối rắm, dễ làm người ta "tối cổ", thì có lẽ vẫn có "sẵn" hai hình ảnh món ăn "quốc dân" hơn để chỉ nữ giới, mà hầu như ai cũng biết: cơm và phở.
Dù những vấn đề riêng tư như tình cảm, đạo đức,... cũng đáng tranh cãi và bàn luận, tuy nhiên, việc dùng tên những món ăn để chỉ phụ nữ với hàm ý miệt thị về giới tính, lại là một vấn đề khác. Nó là "hiện tượng" đi kèm, nhưng bản chất hoàn toàn tách biệt. Ranh giới giữa việc liên tưởng trên mạng xã hội để đùa giỡn, đến việc nó trở thành một từ chính thống, là vô cùng mong manh.
Tại sao cũng là danh từ chỉ giới như nhau, mà nghe tới "đồ đàn bà" là người ta biết nó mang nghĩa "chửi", nhưng "đàn ông" lại được dùng để khen một người là phóng khoáng, lịch thiệp? Thế nhưng, điều đáng buồn nữa, đó là tiếng Việt không phải ngôn ngữ duy nhất "gánh" lấy "vấn nạn" này. Trong tiếng Anh, cũng có những từ ngữ chỉ động vật, được dùng để chê bai người phụ nữ, nhưng nếu dùng cho đàn ông, chúng lại không hề mang nghĩa tiêu cực.
Trên thực tế, các nhà nghiên cứu từ lâu đã ghi nhận có nhiều điểm lệch lạc và phân biệt giới nhất định trong những loại thuật ngữ, từ vựng mang nghĩa chê bai, xúc phạm,... Ngôn ngữ cũng cho chúng ta thấy những định kiến về khía cạnh xây dựng giới trong xã hội, và sau đó là để nó ăn sâu vào nhận thức. Những phiên bản biến tấu của từ vựng là "trào lưu" theo thời gian, nhưng tư duy khởi nguồn cho những suy nghĩ đó đã trở thành điều "bén rễ", rất khó thay đổi.
Tại sao những từ ngữ mỉa mai, miệt thị, khó nghe,... cứ đổ lên người phụ nữ?
Hình ảnh người đàn ông được kỳ vọng trong xã hội sẽ là mạnh mẽ và hiếu chiến, còn phụ nữ được kỳ vọng ngoan ngoãn, biết phục tùng. Quan niệm này là vô cùng nặng nề dưới thời phong kiến, thậm chí còn được xem như tiêu chuẩn của xã hội thời đó. Dẫu ở xã hội hiện đại, phụ nữ đã có tiếng nói và bình đẳng hơn, nhưng những luồng suy nghĩ mang ảnh hưởng từ quan niệm cũ vẫn không thiếu.
Ngôn ngữ là thù hình của tư duy. Do đó, kéo theo việc ngôn ngữ được sử dụng cũng thường ẩn chứa những thành kiến về giới tính, ngay cả khi người nói không để ý kỹ, và không phát hiện được chúng.
Theo nhà xã hội học Lalita Bashyal, xã hội gia trưởng sử dụng những từ ngữ như vậy là có chủ đích: "Bởi vì họ tin rằng, bằng cách sử dụng những loại ngôn ngữ này, họ có thể cho phụ nữ thấy vị trí của phái nữ là phải thấp hơn nam giới, cũng để nhắc nhở phụ nữ rằng phụ nữ là người sống phụ thuộc vào đàn ông, nên hãy hành động như một người dưới quyền. Cũng như gây áp lực cho phụ nữ về mặt nhìn nhận từ xã hội dành cho họ sẽ như thế nào, nếu người phụ nữ không tuân theo các chuẩn mực gia trưởng".
Tuy vậy, cũng theo Lalita Bashyal, trong xã hội hiện đại, người ta coi nhẹ việc sử dụng những từ ngữ này là vì "Các giá trị gia trưởng đã ăn sâu vào chúng ta, đến nỗi đôi khi mọi người sử dụng những từ như vậy một cách vô thức, mà không hiểu được ý nghĩa đằng sau. Có những người có thể quan niệm rằng, những từ ngữ này không cần phải tranh luận hay đặt nặng nghĩa đen của nó".
Nhà ngôn ngữ học Tara Mani Rai thì tin tưởng mạnh mẽ rằng ngôn ngữ và lời nói không tồn tại một mình, mà chúng phản ánh thực tế của xã hội: "Ngôn ngữ là một thành phần quan trọng của xã hội. Nó phản ánh trực tiếp cách thức hoạt động của xã hội và loại giá trị văn hóa xã hội mà nó có".
Hành trình thay đổi định kiến bắt đầu từ từng cá nhân, ở từng cô gái thực sự tự tin vào giá trị của mình
Với những "drama" liên quan đời tư liên tiếp xuất hiện trên mạng xã hội gần đây, cộng đồng mạng như có "đất" để vào buông những lời bình luận, hả hê, mỉa mai như "đồ gái mì tôm", "đồ trà xanh",... Nếu là một người bình luận tỉnh táo, chỉ dừng lại ở bàn luận, đánh giá vấn đề của câu chuyện đạo đức, xã hội,... thì người làm sai là một người làm sai, chứ họ không sai vì lý do người đó là đàn ông hay phụ nữ!
Trong cuốn sách Bức Xúc Không Làm Ta Vô Can của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả phân tích rằng: "Khi chê trách người khác, chúng ta cảm thấy ưu việt về mặt đạo đức, và tự hào vì thấy mình tốt đẹp hơn. Khi bức xúc, chúng ta phát ra tín hiệu chúng ta vô can và vô tội. Cảm giác mình tốt đẹp, đầy sự quan tâm, cộng với sự vô can, không liên đới, không chịu trách nhiệm, là một cảm giác êm ái".
Phân tích này phần nào áp dụng cho tâm lý dễ dàng buông lời chê bai người khác trên mạng xã hội. Phải chăng khi ở trong "guồng tư duy" chê bai, chúng ta mới dễ mắc "bẫy" dùng những từ ngầm miệt thị giới tính?
Một kết quả tử tế không đến trong ngày một ngày hai. Mà ngược lại, nó sẽ là một hành trình rất dài để tạo ra sức ảnh hưởng và sự thay đổi. Với mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội, chúng ta không còn cách nào khác ngoài can đảm đối diện, để tỉnh táo với những cảm xúc hả hê và đùa giỡn nhất thời của mình, hàng ngày.
Riêng về những cô gái, mong các bạn đừng bao giờ để ai đó tước đi sự tự tin giới tính mà mình được ban tặng. Sự tự tin thực sự của mỗi người sẽ mạnh mẽ hơn bất kỳ định kiến nào. Nếu vẫn đang coi trọng sự đánh giá của người khác và cảm thấy tổn thương khi không được công nhận, chúng ta vẫn sẽ dễ thỏa hiệp và đánh đổi những giá trị thật sự của tính nữ, của con người.
Khi chấp nhận "hùa" vào đám đông định kiến ấy, hoặc là chúng ta đã xuôi theo những kỳ vọng bất bình đẳng giới, hoặc là cũng dễ dàng buông ra lời miệt thị những cô gái khác. Đôi khi, con gái ghen ghét, ganh tị, chống lại nhau,... cũng là một định kiến, mà định kiến ấy cần sự can đảm, vững vàng nơi mỗi người phụ nữ, để dần xóa bỏ những mặc định tiêu cực về phái nữ của xã hội.
Định kiến như những "vết thẹo" dễ tổn thương, nhưng cũng là "lửa" thử sức những khối vàng ròng. Trong hành trình đó, kiến thức, tư duy mở, khả năng phản tư và phản biện, sự thấu cảm,... là những hành trang cần thiết để hun đúc lên một thỏi vàng, đứng vững trước những thách thức, những trò vui chê bai, miệt thị giới tính cám dỗ nơi mạng xã hội.
Nguồn: TH&PL