Sự công kích do thù ghét cá nhân đã làm tổn thương cả một cộng đồng bằng những câu nói đùa… nhưng chưa chắc là đùa.
Trần Đức Bo, một cái tên không còn quá xa lạ với cộng đồng mạng Việt Nam những năm trở lại đây. Nổi lên bằng thị phi và thường xuyên có những chiêu trò gây sốc, "chưa bao giờ bình thường" có thể là cảm nhận của cư dân mạng đối với thảm họa "mèo méo meo mèo meo".
Không gây tranh cãi thì không phải là Trần Đức Bo?
Bỏ qua những "trò lố" và ồn ào trước đây, cuối cùng Trần Đức Bo cũng có một lần "nghiêm túc" với cộng đồng mạng và khán giả qua một bài phỏng vấn. Trong bài viết này, cậu bạn đã khẳng định mình là kiểu con trai truyền thống, vậy nên sẽ thích con gái để sau này lấy về làm vợ. Thậm chí, Trần Đức Bo còn tuyên bố sẽ lấy vợ vào năm 30 tuổi, còn giả gái chỉ để… chiều lòng người hâm mộ.
Lời tâm sự của Trần Đức Bo thu hút không ít sự chú ý của cộng đồng mạng, đa phần đều nửa tin nửa ngờ. Bởi từ trước đến nay anh chàng đều theo đuổi hình tượng giả gái, LGBT, Đức Bo có làn da trắng và sở hữu một body vô cùng "con gái"...
Trước lời tuyên bố của Trần Đức Bo, cộng đồng mạng ra sức bác bỏ giới tính thật của anh chàng bằng những lời lẽ khó nghe và mang tính giễu cợt. Những lời nói này, dù vô tình hay hữu ý cũng đã mang tính công kích cá nhân nặng nề và có lẽ chính cộng đồng mạng cũng không biết rằng: Sự công kích do thù ghét cá nhân đã làm tổn thương cả một cộng đồng người bằng những câu nói đùa… nhưng chưa chắc là đùa.
Ranh giới giữa việc nói đùa và kỳ thị giới tính
Ở thời đại mà thế hệ Gen Z - những người gần như cởi mở hơn về vấn đề giới tính và thoải mái phát ngôn về nó như một lẽ phải trong cuộc sống. Chúng ta đã từng tự do tham chiến vào những phong trào mang hiệu ứng đám đông - là khi ở trong một nhóm người mà ai cũng đồng lòng để làm một hành động… nghĩa là chẳng có ai làm sai cả. Việc bàn về giới tính của một ai đó giữa chốn đông người, rồi cùng nhau cười nói rôm rả cũng là một ví dụ cho hành động đó.
"Eo… bê đê thế"
"Bê đê mà cũng…"
Đây không phải câu nói trực tiếp hướng tới người đồng tính để công khai lăng mạ họ. Nó là câu nói đùa hài hước giữa những đứa bạn đang chơi với nhau, giữa những bình luận tràn lan trên mạng nhằm chọc cười và không mang ý thù địch ai. Hay ít nhất, đó là cách họ giải thích cho hành động của bản thân.
Nhưng hài hước ở đâu trong câu nói bốn chữ ngắn ngủi ấy? Liệu khi ta bỏ chữ "gay" và "bede" ra khỏi câu nói thì nó còn hay hước không? Có vẻ là không. Vì suy cho cùng cái người ta lôi ra làm trò đùa là xu hướng tính dục của người khác. "Con gái" ở đây, theo yêu cầu của định chuẩn hóa dị tính, phải là những người nhẹ nhàng, mềm mỏng. Mặt khác, xã hội lại kỳ vọng nam giới phải là những người mạnh mẽ, hùng hổ, ra dáng người làm chủ, và nếu họ có một biểu hiện nào giống với "tính cách con gái" thì đó là điều đáng chê cười, đáng hổ thẹn nhất. Những lời "hài hước" hay ho cũng từ đó mà ra.
Những người bị trêu là "bede" thường có hai phản ứng chính: hoặc là phản đối tức tối vì không muốn bị cười chê, hay chính xác ở đây là vì không muốn bị coi là "yếu đuối"; hoặc là cùng hùa vào với những người trêu mình, vì chính bản thân họ cũng không ý thức được cái sai trong lời đùa.
Chúng ta được nuôi dạy trong một môi trường nhiều định kiến khiến suy nghĩ sai lầm đã ăn sâu vào tư duy nhiều người, và chúng ta có thể không nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề. Dù chúng ta có thể không cố ý nhắm vào người đồng tính để chửi rủa, nhưng sự thật không thể thay đổi là có những người đang bị chúng ta xúc phạm. Thích chưng diện, thích trang điểm hay không là quyền của tất cả mọi người, và nó không ảnh hưởng tới việc họ là gay hay không.
Tạm kết
Câu chuyện của Trần Đức Bo chỉ là một ví dụ để chúng ta "ngẫm" lại hành động nói đùa của mình và cũng đừng vì một cá nhân mà trở nên kỳ thị hay có suy nghĩ sai lệch về chuyện giới tính. Suy cho cùng, cái chúng ta nên làm để giúp xã hội trở nên văn minh hơn là việc chấp nhận con người thật của mỗi cá nhân, nhìn nhận những gì họ đóng góp và giá trị họ đã làm ra, vì căn bản giới tính không phải là nguyên nhân của mọi vấn đề.
Nguồn: TH&PL