Tiến sĩ Lê Thái Hà: "Các bạn trẻ đừng làm việc để mong chờ sự công nhận một sớm một chiều"

đã có buổi trò chuyện cùng Tiến sĩ Lê Thái Hà, nghe cô kể về hành trình làm nghiên cứu khoa học và chia sẻ những kinh nghiệm quý giá dành cho các bạn trẻ Gen Z.

Tiến sĩ Lê Thái Hà hiện đang là Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên cao cấp của Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam. TS Hà có bằng Cử nhân (Honours Degree) và Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore.

Theo bảng xếp hạng của dự án Nghiên cứu kinh tế RePEC được công bố vào cuối tháng 9/2019, Tiến sĩ Lê Thái Hà đứng thứ 4 về công bố khoa học trong nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam tính từ trước đến nay và đứng thứ 2 tính trong 10 năm trở lại đây.

Mới đây, theo bảng xếp hạng được Tạp chí PLoS Biology công bố, năm nay có 29 nhà khoa học Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới, trong đó TS Lê Thái Hà là nhà khoa học nữ người Việt duy nhất được xướng tên.

tien si le thai ha cac ban tre dung lam viec de mong cho su cong nhan mot som mot chieu - anh 0
Tiến sĩ Lê Thái Hà hiện đang là Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên cao cấp của Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam

Lựa chọn "go hard" chứ không "go home''

Chào tiến sĩ Lê Thái Hà, đâu là điều khiến cô lựa chọn con đường làm nghiên cứu khoa học?

Mong muốn theo đuổi con đường làm nghiên cứu khoa học đến từ những trải nghiệm nghiên cứu với chương trình URECA (chương trình nghiên cứu dành cho sinh viên trong nhóm Dean's List – top 5% của khóa) khi tôi còn theo học chương trình cử nhân tại Đại học công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Sau đó, được thầy hướng dẫn luận văn tốt nghiệp khuyến khích và gia đình động viên, tôi đã quyết định nộp hồ sơ xin học bổng toàn phần chương trình nghiên cứu sinh PhD của NTU ngay sau khi hoàn thành chương trình cử nhân.

Cho đến giờ, sau gần 10 năm kể từ khi hoàn thành chương trình PhD và trở thành một giảng viên vừa giảng dạy vừa theo đuổi nghiên cứu khoa học, tôi vẫn thấy đây là một lựa chọn đúng đắn và phù hợp với bản thân.

Chỉ trong 2 năm, cô đã hoàn thành chương trình Tiến sĩ của Đại học Công nghệ Nanyang với kết quả điểm học các bộ môn coursework cao nhất khóa (4.92/5.0). Cô đã làm gì để có thể hoàn thành xuất sắc chương trình trong thời gian ngắn như vậy?

Tại thời điểm tôi nộp hồ sơ, việc được xét học thẳng lên chương trình PhD khi vừa hoàn thành chương trình cử nhân chưa phổ biến như bây giờ. Tôi thấy mình rất may mắn khi được học bổng toàn phần để theo đuổi ước mơ nghiên cứu đó. Tuy nhiên, không có con đường nào trải đầy hoa hồng. Một vài tuần đầu mới theo học, tôi cũng bị "khớp" vì độ thách thức của một số môn coursework, đặc biệt là so với các bạn cùng lớp đã học qua chương trình thạc sĩ nghiên cứu hay học song ngành về kinh tế và toán. 

tien si le thai ha cac ban tre dung lam viec de mong cho su cong nhan mot som mot chieu - anh 0

Sau khoảng thời gian bị sự lo lắng chiếm ngự, tôi tự nhủ: Mình không phải là người dễ dàng bỏ cuộc nên sẽ lựa chọn "go hard" chứ không "go home". Tôi đã gạt bỏ sự lo lắng và tự tạo nguồn cảm hứng cho bản thân khi giải quyết các thách thức trong môn học. Tôi tin, khi chúng ta tìm được sự thích thú hoặc ý nghĩa của việc mình theo đuổi, cách chúng ta nhìn nhận và đối mặt với khó khăn cũng sẽ trở nên dễ chịu hơn.

Thưa cô, phụ nữ lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học, chắc hẳn là vất vả lắm?

Trong một xã hội mà vai trò của người phụ nữ trong lực lượng lao động ngày càng được thể hiện rõ, có lẽ sự cân bằng giữa gia đình và công việc là một thách thức chung. Với đặc thù của nghiên cứu khoa học khi sự say mê, chăm chỉ, bền bỉ và tập trung là yếu tố quan trọng tiên quyết, thì thách thức này sẽ còn lớn hơn nữa. Quỹ thời gian của mỗi ngày là có hạn nên việc có thể sắp xếp và phân chia thời gian hợp lý theo mức độ ưu tiên ở từng thời điểm là rất cần thiết.

Một điều may mắn là theo các nghiên cứu khoa học, phụ nữ có khả năng multi-tasking (làm nhiều việc một lúc) tốt hơn so với nam giới. Nếu có sự đồng cảm và sẻ chia từ những người thân, tôi tin, những người phụ nữ đã có gia đình trong ngành này đều có thể sắp xếp để cân bằng giữa công việc và gia đình. Với tôi, sự ủng hộ từ gia đình và đặc biệt là người bạn đời đóng vai trò không nhỏ giúp tôi có thể sắp xếp thời gian, chu toàn giữa hoàn thành công việc và vun vén tổ ấm.

tien si le thai ha cac ban tre dung lam viec de mong cho su cong nhan mot som mot chieu - anh 0

Ngoài ra, nếu có thêm những hỗ trợ cụ thể từ chính sách hay giáo dục, vai trò của người phụ nữ trong nghiên cứu khoa học sẽ được nâng cao hơn và định kiến xã hội về sự tham gia của người phụ nữ trong ngành cũng dần thay đổi.

Gen Z là những bạn có sự năng động, độc lập và đa nhiệm

Công tác tại trường Đại học Fulbright University Vietnam là ngôi trường đại học khai phóng đầu tiên tại Việt Nam. Cô có thể chia sẻ cụ thể về mô hình "giáo dục khai phóng" không, thưa cô?

Giáo dục khai phóng khởi nguồn từ châu Âu và từ lâu đã có một vị trí vững chắc trong hệ thống giáo dục đại học của Hoa Kỳ. Mục đích của nền giáo dục khai phóng là đào tạo ra người có phẩm chất đạo đức tốt và hiểu biết về nhiều lĩnh vực.

Các chương trình giảng dạy khai phóng hiện đại cho phép sinh viên học được nhiều môn học hơn, với mục tiêu là phát triển những cá nhân toàn diện với kiến thức chung về nhiều lĩnh vực và khả năng thành thạo các kỹ năng có thể chuyển giao ("transferable skills" – những kỹ năng mà học viên sau khi tốt nghiệp và đi làm có thể đáp ứng cho bất kỳ công việc nào).

Một chương trình cấp bằng khai phóng điển hình có tính liên ngành, bao gồm các chủ đề trong khoa học nhân văn, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học chính thức. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo theo mô hình giáo dục khai phóng thường sẽ có sự khác biệt trong các môn học cụ thể trong chương trình.

tien si le thai ha cac ban tre dung lam viec de mong cho su cong nhan mot som mot chieu - anh 0

Nhiều người nghĩ rằng, giáo dục khai phóng làm lãng phí thời gian và tiền bạc khi phải học cả những môn không trực tiếp liên quan đến chuyên ngành, cô có ý kiến gì về điều này?

Thế giới ở thời đại này đang phát triển không ngừng và liên tục thay đổi. Nhiều công việc tồn tại hôm nay có thể sẽ không còn cần thiết vào ngày mai. Đồng thời, nhiều công việc sẽ cần đến trong tương lai gần mà chúng ta chưa thể tưởng tượng được ở hiện tại.

Vì vậy, thay vì lựa chọn chỉ một nghề nghiệp từ đầu, sinh viên của mô hình giáo dục khai phóng có xu hướng tập trung vào việc học và tích lũy kiến thức nền tảng vững chắc trong nhiều lĩnh vực. Điều này mở ra cho các em cơ hội trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Với các kỹ năng cần thiết được trang bị để thích ứng với một môi trường làm việc thay đổi, các sinh viên theo đuổi giáo dục khai phóng khi tốt nghiệp sẽ trở thành các ứng viên hấp dẫn trong mắt của nhà tuyển dụng. Ngoài ra, giáo dục khai phóng cung cấp nền tảng kiến thức đa dạng cho nghiên cứu sau đại học. Cuối cùng, giáo dục khai phóng mở rộng góc nhìn cá nhân, trang bị các kỹ năng, phẩm chất cho sinh viên để trở thành một thành viên có giá trị trong cộng đồng.

tien si le thai ha cac ban tre dung lam viec de mong cho su cong nhan mot som mot chieu - anh 0

Từng giảng dạy và tiếp xúc với nhiều bạn trẻ Gen Z, điều gì ở thế hệ trẻ này khiến cô cảm thấy ấn tượng?

Ấn tượng của với tôi Gen Z là các bạn có sự năng động, độc lập và đa nhiệm. Các bạn rất quan tâm đến những vấn đề xảy ra trong xã hội, của quốc gia, khu vực, thậm chí là của toàn cầu. Gen Z cởi mở trong việc bày tỏ chính kiến, quan điểm, suy nghĩ hơn thế hệ của tôi khá nhiều.

Các bạn có quyết tâm cao, tinh thần cạnh tranh để vươn lên, sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ cũng như chấp nhận đi ra khỏi vùng an toàn của mình để chinh phục những thử thách. Điều này có thể đến từ khả năng tiếp cận công nghệ của Gen Z khi các bạn có thể dễ dàng  trao đổi trực tuyến với những người bạn ở các quốc gia hay hoàn cảnh khác nhau.

Việc tiếp xúc với một thế giới trực tuyến luôn thay đổi từ khi còn nhỏ cũng khiến Gen Z trở nên rất linh hoạt. Dù vậy, việc quá phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ cao như điện thoại, máy tính, hay sử dụng quá nhiều thời gian trên mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, khiến nhiều bạn trẻ Gen Z cảm thấy cô độc, thậm chí là trầm cảm.

Nhìn chung, Gen Z còn rất nhiều việc phải làm để phát triển trong một thế giới ngày càng nhiều rủi ro và bất định như bây giờ. Nhưng tôi tin với những tố chất nêu trên của Gen Z, chúng ta hoàn toàn có thể nhìn thấy những nhà lãnh đạo trẻ, những người lao động có tâm có tài, góp phần xây dựng những điều tốt đẹp ở tương lai.

tien si le thai ha cac ban tre dung lam viec de mong cho su cong nhan mot som mot chieu - anh 0

Đừng làm việc để mong chờ sự công nhận một sớm một chiều

Sinh viên thường đạo văn trong những bài tiểu luận, báo cáo, nghiên cứu khoa học. Nhất là trong nghiên cứu khoa học, điều này là vô cùng cấm kị. Theo cô, vấn đề này liên quan đến đạo đức như thế nào? 

Tôi nghĩ hành vi đạo văn đến từ việc học viên muốn hoàn thành bài tập nhanh chóng mà không cần bỏ nhiều công sức. Do đó, cần tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này để có biện pháp khắc phục và có sự điều chỉnh hợp lý hơn.

Ví dụ, nhiều em sinh viên chưa hiểu về đạo văn và vô tình mắc phải lỗi này. Lúc này, vai trò của người giảng viên là cung cấp rõ thông tin về vấn đề đó cho các bạn, đồng thời liên tục nhắc nhở các bạn tránh phạm phải vấn đề này khi giao bài tập.

Trong một vài trường hợp, học viên phải đối mặt với một lượng bài tập khổng lồ cần hoàn thành trong khoảng thời gian quá ngắn và không còn cách nào khác, đành "rút ngắn" giai đoạn bằng đạo văn. Nếu vậy, các nhóm giảng viên bộ môn cần điều phối với nhau để đưa ra một lịch trình thi cử phù hợp hơn với các em.

tien si le thai ha cac ban tre dung lam viec de mong cho su cong nhan mot som mot chieu - anh 0

Nếu các bạn đã hiểu rõ vấn đề mà vẫn cố tình mắc lỗi này, bên cạnh việc giảng giải, sự kỷ luật nghiêm khắc là cần thiết để các bạn tránh tái phạm. Ở trường Chính sách công và quản lý Fulbright mà tôi đang công tác, đây là một lỗi vi phạm mà học viên sẽ nhận hình thức kỷ luật rất nặng, có thể phải rời chương trình nếu tái phạm sau khi đã được nhắc nhở một lần.  

Bằng trải nghiệm cá nhân khi từng hoàn thành vô cùng xuất sắc chương trình học tập và xuất sắc ở các nghiên cứu khoa học, theo cô, các bạn trẻ cần học tập và rèn luyện những kỹ năng gì để có thể hoàn thành tốt trong học tập và công việc?

Các bạn cần trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để theo đuổi lĩnh vực, chuyên ngành khoa học mà các bạn mong muốn. Làm nghiên cứu sinh tiến sĩ và có được tấm bằng PhD là sự khởi đầu cần thiết cho chặng đường này.

Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn giữa việc nghiên cứu ở chương trình PhD và nghiên cứu khoa học khi đi làm sau này. Đó là khi làm nghiên cứu sinh các bạn sẽ thường chỉ tập trung vào một chủ đề hay lĩnh vực hạn hẹp của chuyên ngành và làm việc một mình dưới sự hướng dẫn của giáo sư. Khi đó kỹ năng tổ chức, làm việc độc lập rất quan trọng.

tien si le thai ha cac ban tre dung lam viec de mong cho su cong nhan mot som mot chieu - anh 0

Còn khi đi làm sau này, các bạn sẽ thấy việc mở rộng ra nhiều lĩnh vực, chuyên ngành mang lại cho bản thân những sự hứng khởi mới và cơ hội mới. Sự hợp tác trong khoa học cũng rất quan trọng để kết hợp những điểm mạnh khác nhau của các cá nhân trong một nhóm nghiên cứu, để cùng nhau đi xa hơn. Lúc đó, kỹ năng điều phối, giao tiếp, làm việc nhóm sẽ trở nên cần thiết.

Để đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ định hướng theo nghiên cứu khoa học, cô muốn chia sẻ điều gì?

Các bạn cần hiểu nguyện vọng, đam mê, lĩnh vực mà các bạn có hứng thú cũng như là những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để phục vụ cho việc theo đuổi đam mê đó. Công việc nghiên cứu khoa học cần sự bền bỉ, chăm chỉ, sẵn sàng chấp nhận đối mặt với thách thức cũng như thất bại một cách thường xuyên.

Điều quan trọng nhất là luôn tìm cho bản thân một lý tưởng riêng để theo đuổi những gì các bạn mong muốn. Đừng làm việc để mong chờ sự công nhận một sớm một chiều, điều đó không sai nhưng có thể khiến bạn sẽ phải thất vọng và nản lòng khi may mắn không sớm mỉm cười. Hãy tin vào sự công bằng của cuộc sống. Khi bạn nỗ lực, chăm chỉ, kiên trì theo đuổi mục tiêu và đi đúng hướng, may mắn sẽ đến nhiều hơn và những nỗ lực của bạn cuối cùng cũng sẽ được đền đáp.

Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!

"Chị giáo dạy văn" Trúc Linh: "Đừng cố học văn như một nhiệm vụ gượng ép"

Nữ sinh trường Chu Văn An: "Giữa IQ và EQ thay vì lựa chọn hãy học cách để phát triển cả hai"

Nữ sinh Kiến trúc "review" công tác Đoàn Hội: "Làm dâu trăm họ nhưng trưởng thành"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ