Học văn chỉ thực sự trở nên có giá trị khi chúng ta nghe-nhìn-thưởng thức văn bằng mọi cảm nhận và giác quan của mỗi người.
Học giỏi, tham gia nhiều hoạt động, có nhiều thành tích trong những năm học không phải để tạo nên những áp lực đồng trang lứa mà cùng nhau tạo nên một môi trường cạnh tranh tích cực, lành mạnh.
Với tiêu chí đó, cô bạn 10X Nguyễn Lê Ngọc Thuận (sinh năm 2004) hiện là học sinh lớp 12 Văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đã có cho mình nhiều thành tích khủng trong học tập, được bạn bè đồng trang lứa đánh giá đúng chuẩn "con nhà người ta" để phấn đấu. Ngọc Thuận luôn học hỏi nhiều điều từ bạn bè và cũng là một điểm sáng để bạn bè nhìn vào, cùng nhau cố gắng.
Ngọc Thuận đã có cho mình những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ khi có một tình yêu vô cùng lớn với môn Ngữ văn, đồng thời đó cô nàng lớp chuyên này còn tích cực tạo ra những sân chơi văn học bổ ích, tham gia rất nhiều hoạt động, chương trình trên nhiều cương vị và vai trò khác nhau.
Bảng thành tích của Thuận đã giúp cho nữ sinh có thêm nhiều sự trải nghiệm, bạn bè và những bài học vô cùng bổ ích trong 12 đi học. Cùng gặp gỡ Ngọc Thuận và lắng nghe những chia sẻ của cô nàng liên tiếp gặt hái được những giải Văn và tham gia hơn 20 tổ chức, câu lạc bộ chia sẻ về tình yêu của 10X đối với môn Văn.
Văn hiện diện từ trong trang sách đến đời sống xung quanh
Niềm cảm hứng văn chương mà bạn có được là từ đâu? Và nó đã hình thành như thế nào suốt những năm học vừa qua?
Văn chương là điều gì đó đến với mình một cách rất tình cờ và tự nhiên. Mình bắt đầu có đam mê về văn từ những ngày còn ở Tiểu học và được cô khen vì viết văn tự nhiên, sáng tạo. Càng về sau này, mình lại càng tìm được nhiều nguồn cảm hứng hơn với môn học này bằng việc đọc truyện chữ - những quyển truyện ngắn hoặc tuyển tập truyện cổ của nước ngoài.
Mình nghĩ bản thân mình đã đến với Văn và yêu Văn không chỉ bằng việc học, việc viết mà còn từ việc cảm nhận cái hay của Văn và quan sát sự hiện diện của nó trong đời sống xung quanh.
Để học giỏi Văn và đạt được nhiều thành tích cao trong học tập, bạn đã những phương pháp học tập như thế nào?
Đối với môn Văn, quan điểm của mình là học phải sáng tạo, không ngừng tư duy, đặt câu hỏi và phát triển theo cách nghĩ, cách viết thể hiện được nét riêng, cá tính của mỗi người. Mình thường tìm nguồn cảm hứng khi viết văn bằng việc đọc sách và học hỏi chất văn của các tác giả, từ đó triển khai ý tưởng và viết bằng tất cả năng lực của mình.
Để có được những thành tích cao trong môn học này như hiện tại, đã có không ít lần mình phải sửa đi sửa lại một đoạn văn nhỏ hoặc gặp lúng túng khi diễn đạt ý, nhưng mình tin là mọi sai sót sẽ giúp bản thân mình hoàn thiện hơn từng ngày. Ngoài ra, mình cũng thường dành trọn vẹn một khoảng thời gian nhất định trong ngày để nghiên cứu và hiểu các tác phẩm, mình nghĩ điều này sẽ giúp việc học văn trở nên chủ động và linh hoạt hơn thay vì chỉ học theo văn mẫu.
Học Văn và yêu môn học này đã cho bạn những cơ hội, bài học gì trong cuộc sống?
Mình đã được nghe và nhận nhiều lời khuyên về việc học văn không có nhiều cơ hội, nhưng thực sự chính con đường Văn học đã tạo cho mình rất nhiều những thành công và trải nghiệm mới. Quan niệm ''văn học là nhân học'' của người xưa vẫn luôn đúng, vì văn đã giúp mình trưởng thành hơn, suy nghĩ chín chắn hơn và có những cái nhìn, sự đánh giá đúng đắn về những người xung quanh; chia sẻ về Văn với mọi người cũng giúp mình cởi mở và tự tin hơn rất nhiều.
Về cơ hội mà Văn tạo nên, mình nghĩ có hai cơ hội lớn nhất mà mình đã có được nhờ Văn, chính là Các kỳ thi học sinh giỏi và việc mình đỗ vào lớp Chuyên Văn của trường Chu Văn An. Hai cơ hội lớn đó đã giúp mình sống hết mình với văn chương và thể hiện được khả năng của bản thân trong môn học này.
Va chạm nhiều sân chơi tri thức về môn Văn, bạn thấy như thế nào khi người trẻ, bạn bè cùng lứa bảo Văn chán, văn khuôn mẫu?
Đối với bản thân mình thì mình thấy văn không hề khô khan hay khuôn mẫu. Tất nhiên khi học văn sẽ có những phần yêu cầu chỉn chu theo một dàn bài nhất định, nhưng học sinh vẫn được thỏa sức sáng tạo trong khuôn khổ cho phép.
Mình nghĩ việc coi văn là một môn học ''gây chán'' ít nhiều sẽ khiến mọi người học văn theo lối thụ động, không tư duy, rập khuôn, mà văn thì lại rất ''cởi mở'' trong việc cho phép con người đặt ra những chất vấn, suy luận và thoải mái triển khai ý tưởng. Thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về Văn và tiếp nhận Văn học trong từng khoảnh khắc của cuộc sống mới là ''chìa khóa'' giúp mọi người yêu văn.
''Trí tuệ'' và ''Tình cảm'' đều cần thiết với mỗi người khi đến với hành trình văn chương
Văn và sự sáng tạo được xem như kim chỉ nam trong quá trình học, bạn thấy nó đã được áp dụng trong việc học của bản thân nói riêng và Gen Z nói chung?
Cái này thì mình hoàn toàn đồng ý ạ. Với mỗi vấn đề, nội dung hay đối tượng mà văn học đem đến, chúng đều giúp cho con người liên tục tư duy, suy ngẫm để hiểu và tiếp nhận theo cách của riêng mình. Sự sáng tạo trong cách nghĩ, hiểu và viết văn cũng là điều then chốt để khẳng định được ''cá tính'' của riêng bản thân mỗi người trong việc học Văn.
Chính sự sáng tạo trong quá trình học Văn đã giúp không chỉ mình mà mỗi bạn trẻ được thoải mái bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình; tranh luận về một vấn đề nào đó giữa môi trường cởi mở, lành mạnh. Việc này không chỉ xuất hiện khi viết văn mà mình thấy còn hiện diện cả ở những bài viết trên mạng xã hội nữa, khi các bạn dám bày tỏ góc nhìn của mình với một vấn đề trên tinh thần lịch sự, tôn trọng thì điều đó cũng thể hiện sự sáng tạo của bạn với môn học này.
Nhiều người vẫn tồn tại quan điểm cũ kỹ, sai lệch rằng, môn văn là môn chỉ học thuộc. Vậy để trở thành một người giỏi Văn, yêu Văn theo bạn cần những yếu tố nào?
Mình nghĩ Văn không nên chỉ trở thành một môn học thuộc, học sinh chỉ nên nhớ những yếu tố cơ bản của một tác phẩm nào đó như: tên tác giả, năm sáng tác, nội dung chính,... Có rất nhiều người học văn chỉ để ''qua môn'' hoặc học đối phó, nhưng mình nghĩ nếu không đặt quá nhiều áp lực với bản thân trong việc học văn thì sẽ ''dễ thở'' hơn rất nhiều. Trở thành một người giỏi Văn không phải chuyện ngày một ngày hai là có thể đạt được vì điều này cũng giống như hành trình mỗi người ''chinh phục'' môn văn vậy.
Sẽ mất nhiều thời gian, nhưng mình nghĩ mọi người có thể bắt đầu từ những sự thay đổi rất nhỏ như: tìm hiểu về tác giả và các tác phẩm khác của họ để nắm bắt nhiều thông tin thú vị, thử đặt những câu hỏi xoay quanh tác phẩm đó như ''Vì sao, Lý do gì,..'' và sáng tạo trong quá trình học văn theo cách riêng của mình. Mình thấy có khá nhiều bạn học văn bằng sơ đồ tư duy hoặc powerpoint, video ngắn hoặc độc đáo hơn là chuyển tác phẩm thành một bài hát bắt tai, mình thấy đó đều là những cách rất hay để không những học văn tốt hơn mà còn khiến văn không trở thành điều gì đó ''nhàm chán''.
Đối với bạn một bài văn hay là bài Văn cần...
Một bài văn hay đối với mình trước hết phải là bài văn bám sát vào vấn đề cần phân tích, vì nếu ''lạc đề'' thì sẽ khó trong cách hiểu và tiếp cận. Ngoài ra mình nghĩ một bài văn nên là ''thành quả'' sáng tạo của riêng người viết, không nên chỉ là văn sao chép từ bên ngoài hoặc viết rập khuôn, gò bó, giống nhau. Điều quan trọng nhất khi viết văn là mỗi người có cách hiểu và phân tích các chi tiết bằng sự tìm tòi và hiểu biết của mình, đây cũng là một trong những cách khai thác tác phẩm mình thấy hiệu quả nhất.
Đứng trước ngưỡng cửa quan trọng của kỳ thi THPT, bạn đã có những sự chuẩn bị như thế nào cho kỳ thi quan trọng của với bản thân?
Trong tương lai thì bản thân mình có dự định thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội, còn ở hiện tại thì mình vẫn đang tiếp tục ôn luyện các môn thi chính cũng như tổ hợp thi. Mình cũng đã tham khảo và tìm hiểu trước về trường và ngành mình sẽ theo học cũng như xây dựng một kế hoạch ôn luyện hiệu quả để bài thi THPTQG đạt kết quả cao nhất. Trên hành trình đó, mình luôn có sự động viên đến từ mẹ và sự dạy bảo của các thầy cô giáo, vì vậy mình tin là mình đã có sự chuẩn bị đủ cả về kiến thức lẫn tinh thần.
Việc tham gia nhiều tổ chức, câu lạc bộ đã giúp bạn hoàn thiện bản thân như thế nào ở tuổi 17?
Được tham gia và trải nghiệm nhiều vị trí khác nhau trong các CLB và dự án đã giúp mình trưởng thành hơn không chỉ về suy nghĩ mà còn về hành động của mình.
Mỗi dự án đã dạy cho mình cách làm việc nhóm hiệu quả, xây dựng tinh thần hợp tác trong một tập thể và hoàn thiện hơn về kỹ năng sống. Có nhiều người cho rằng tham gia những tổ chức như vậy là ''vô bổ'' và ''lãng phí thời gian'', nhưng mình tin rằng trải nghiệm của mình ở bất cứ tổ chức nào cũng đã mang lại cho mình nhiều kỉ niệm đáng nhớ, những người bạn tốt và cả những thành công khó quên.
Từ một người không có chút kinh nghiệm nào, mình đã dần trở thành cố vấn, người hỗ trợ cho các bạn học sinh khác và chia sẻ những kiến thức quý giá để xây dựng nên nhiều hơn những cộng đồng dự án vững mạnh.
Đề văn về IQ và EQ dậy sóng những ngày qua, ý kiến của bạn như thế nào về hai chỉ số này khi phải lựa chọn?
Mình đã đọc qua về đề văn này khi nó vừa trở nên ''hot'' trên mạng xã hội. Cá nhân mình thì cả IQ và EQ đều quan trọng và có những ảnh hưởng lẫn nhau, và đã là con người thì không thể chỉ có một trong hai. IQ sẽ giúp con người suy nghĩ và đưa ra nhiều quyết định đúng dựa vào lý trí và biết xử lý một cách thông minh các vấn đề trong xã hội, còn EQ thì sẽ giúp con người sống tình cảm hơn, sống ''là người'' hơn và gây dựng tình yêu hơn, bao dung, sự thấu hiểu.
Mình sẽ không chọn giữa một trong hai, thay vào đó mình sẽ chọn cải thiện và phát triển cả hai yếu tố này. Thiếu IQ con người sẽ không thể tiếp nhận những vấn đề mới, nhưng thiếu EQ con người sẽ sống lạnh nhạt, thiếu tình người.
Và là người học Văn bạn nghĩ yếu tố nào quan trọng và cần có?
Riêng với người học Văn, mình nghĩ cả hai đều quan trọng và có ảnh hưởng riêng biệt - IQ giúp chúng ta tư duy với đề tốt hơn, EQ giúp chúng ta viết nên được một bài văn có cảm xúc hơn. Cả hai yếu tố về ''trí tuệ'' và ''tình cảm'' đều cần thiết với mỗi người khi đến với hành trình văn chương.
Nguồn: TH&PL