Tiến sĩ nói về "tiên học lễ, hậu học văn": Mất chữ "lễ" thì xã hội chỉ toàn robot!

Trong bối cảnh tranh cãi về việc có nên bỏ "tiên học lễ, hậu học văn", Tiến sĩ Phí Hồng Minh đã có những chia sẻ và lời khuyên gửi đến các bạn trẻ.

Hội thảo giáo dục "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hôm 21/11 gây chú ý với đề xuất của Giáo sư (GS) Trần Ngọc Thêm: Cần chấm dứt câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo.

GS Thêm kiến nghị: "Chừng nào còn đề cao chữ 'Lễ' để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển". 

Tuy nhiên, dư luận đang có nhiều phản ứng gay gắt, trái chiều trước đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" của GS Trần Ngọc Thêm.

đã liên hệ với Tiến sĩ Phí Hồng Minh - Nguyên Giảng viên khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn - Đại Học Nông Lâm Thái Nguyên để trao đổi về quan điểm này.  Được biết, cô đã có đến 20 năm kinh nghiệm giảng dạy Đại học, năm 2010 cô đi học Tiến sĩ Quản trị Kinh Doanh ở Đại học Southern Luzon, Philippines. Đến 2018 cô nghỉ dạy Đại học và chuyển hướng sang công việc kinh doanh đến nay. 

tien si noi ve tien hoc le hau hoc van mat chu le thi xa hoi chi toan robot - anh 0
Tiến sĩ Phí Hồng Minh với 20 năm giảng dạy tại Đại học

Sự lễ phép của người trẻ bây giờ chỉ mang tính qua loa, chứ không còn câu nệ như ngày xưa

Thưa cô, dưới góc nhìn của một giảng viên Đại học 20 năm, cô nghĩ sao về tầm quan trọng của "Tiên học lễ, hậu học văn" trong thời đại ngày nay?

Tại sao các cụ ngày xưa lại nói rằng "Tiên học lễ, hậu học văn" và câu nói này trở thành câu khẩu hiệu cho ngành giáo dục của mình. Trước hết, chúng ta phải hiểu "Lễ" là gì? Tức là mình phải hiểu về lễ nghĩa, đạo đức, phải biết kính trọng thầy cô, người lớn tuổi và rèn giũa nhân cách con người. Tất cả những điều đó gọi là "Lễ". 

Còn "văn" là gì? Là mình học cách để trưởng thành, để có tư duy, kiến thức và trở thành người có ích cho xã hội. 

Các cụ nói rằng, phải có đạo đức trước thì mới có thể trở thành người thành công. Đó mới là quan niệm đúng về "Tiên học lễ, hậu học văn". Kể cả trong cuộc sống bây giờ vẫn vận hành quan niệm "thành nhân trước khi thành công". Có nghĩa là chúng ta phải trở thành người có đạo đức có nhân cách trước khi trở thành một người thành đạt. 

Nhưng có vẻ rất nhiều người đã hiểu sai ý nghĩa của khẩu hiệu này thành việc phải biết hiếu nghĩa với thầy cô trước đã...

Đúng là có nhiều người cho rằng "Tiên học lễ, hậu học văn" phải là biết hiếu nghĩa với thầy cô trước hết, rồi mới đến học "văn". Tuy nhiên, đó chỉ là một quan niệm máy móc với nghĩa đen của câu nói này.

tien si noi ve tien hoc le hau hoc van mat chu le thi xa hoi chi toan robot - anh 0
"Tiên học lễ, hậu học văn" - khẩu hiệu tiên phong trong môi trường giáo dục bao đời nay.

Trong cuộc đời của tôi, tôi có gặp một người thầy đã nói với tôi rằng: Con đường duy nhất để đi đến sự thành công đó chính là trở thành một người tốt. Tức là muốn trở thành một người thành công và giữ được thành công của mình thì bắt buộc chúng ta phải trở thành một người tốt, có tâm và đức. Cho dù mình có giỏi bao nhiêu, có thông minh như thế nào nhưng nếu chúng ta không có lễ nghĩa, không có nhân cách thì sự thành công của chúng ta sẽ không tồn tại. 

Vậy cô cảm thấy chữ "lễ" của giới trẻ ngày nay như thế nào?

Tôi cảm thấy các bạn đã dần mất đi cái sự lễ phép và chỉ mang tính qua loa chứ không còn câu nệ như ngày xưa nữa. Bản thân tôi đã từng là cô giáo, tôi đã dạy qua rất là nhiều thế hệ học trò, kể từ năm 1997. Tôi cảm nhận thấy các bạn học sinh, sinh viên thời đó rất yêu quý cô giáo của mình. Thậm chí đến bây giờ, tình cảm vẫn rất sâu đậm. Nhưng mà ngày nay, tôi thấy tình cảm của các bạn lại không được như ngày xưa, tức là nó không được gần gũi, chân tình và trở nên xa cách.

Tuy nhiên thời đại bây giờ chúng ta bắt buộc phải hội nhập với một xu hướng sống mới đó chính là sống nhanh qua công nghệ thông tin. Là con người ai cũng thế, chúng ta không thể chỉ đến gặp nhau, đến chơi nhà nhau thì mới gọi tình cảm được. Nhưng bây giờ các bạn trẻ lại bị cuốn quá sâu vào việc sử dụng công nghệ thông tin, chính vì thế các bạn đang sống trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác với ngày xưa. 

tien si noi ve tien hoc le hau hoc van mat chu le thi xa hoi chi toan robot - anh 0
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Báo Lao động)

Mất chữ "lễ" thì xã hội chỉ toàn robot

Cô có nghĩ khi đạo đức xã hội càng đi xuống thì đề cao lễ nghĩa trong nhà trường cần phải chú trọng hơn? 

Ngày nay, chúng ta không thể đánh giá cái "đạo đức" của con người có bị suy giảm đi hay không mà quan trọng nhất là quan niệm của mỗi người phải rạch ròi thế nào là "đạo đức" và thế nào là "tình cảm". Có nghĩa là khi thế giới đang ngày càng phát triển theo chiều hướng công nghệ thông tin thì con người của chúng ta cũng bị công nghệ hoá theo. Chúng ta sẽ không còn sống theo cái tình cảm đơn thuần, phải gặp nhau và trao cho nhau những lời nói yêu thương… công nghệ hoá đã làm cho con người xa nhau về tình cảm và đạo đức. 

Theo tôi, xã hội càng tiên tiến, càng hiện đại thì chúng ta càng phải giữ cái lễ nghĩa và tình cảm con người. Điều đấy rất quan trọng, bởi vì chúng ta không thể sống trong một xã hội hoàn toàn là công nghệ và robot. Tức, lúc đó chẳng còn tồn tại tình cảm con người nữa. Con người mà giống như robot thì sẽ ra sao?

Chính vì thế, việc chúng ta quay trở lại giáo dục thế nào là tình yêu, tình yêu thương giữa con người với con người, thế nào là đạo đức và lễ nghĩa,... thì nó lại quan trọng hơn cả ngày xưa rất nhiều.

tien si noi ve tien hoc le hau hoc van mat chu le thi xa hoi chi toan robot - anh 0
Ảnh minh hoạ

Theo cô, lễ nghĩa và tri thức cái nào quan trọng hơn? 

Hai vế này cần được xem là hai mặt không thể tách rời như hai mặt của bàn tay. Có nghĩa là chúng ta phải có cả lưng bàn tay và lòng bàn tay, không thể thiếu một trong hai được. Lễ nghĩa là đạo đức thì nó phải song song và đồng hành cùng việc học tri thức. Con người càng có tri thức thì càng hiếu nghĩa và ngược lại. 

Sẽ rất khó để nói cái gì đi trước và đi sau. Nếu chúng ta dạy một con người chỉ biết ngoan ngoãn, lễ phép nhưng không có tri thức thì đó cũng chỉ là một sự lễ nghĩa máy móc. Và chính các bạn ấy cũng không hiểu rằng tại sao chúng ta phải lễ phép, đạo đức và biết yêu thương người khác. Thì cái phần "tại sao" ấy đó lại là tri thức.

Đứa con thứ hai của tôi chỉ mới học lớp 3, nhưng mỗi lần cháu làm gì tôi luôn đặt ra cho cháu câu hỏi tại sao lại làm như vậy và tại sao con phải làm như vậy. Và khi các bạn hiểu được lý do tại sao thì các bạn sẽ tự động làm. 

Ví dụ con tôi rất thích chơi điện tử chẳng hạn. Thì tôi luôn giải thích với con rằng, chơi điện tử thì sẽ phải gặp những hệ luỵ gì như việc con bị hỏng mắt, bị sống ảo và nó sẽ không tốt cho cuộc sống của con. Tức là chúng ta phải luôn trả lời cho con câu hỏi tại sao thì cái đó mới chính là cốt lõi của tri thức. 

tien si noi ve tien hoc le hau hoc van mat chu le thi xa hoi chi toan robot - anh 0
Ảnh minh hoạ

Vai trò của thầy cô chỉ là một người dẫn dắt chứ không phải dạy cho tất cả học trò sự đạo nghĩa

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, càng đề cao lễ nghĩa thì người học càng bị trói buộc trong một mối quan hệ và trở nên thụ động. Vậy thì sự thoải mái trong giáo dục là như thế nào, thưa cô?

Vị GS đó nói rằng là nếu như cho con người được thoải mái trong vấn đề tri thức và quá trình học thì họ sẽ tự biết cách lễ nghĩa như thế nào. Còn nếu như chỉ đề cao lễ nghĩa thôi thì người ta sẽ đóng khung trong quan niệm "thầy là nhất", tất cả phải tuân thủ theo thầy và không được sáng tạo theo cái phương pháp học của mình. Nhưng quan niệm này không đúng. 

Vai trò của một người thầy chỉ là một người dẫn dắt chứ không phải là một người thầy dạy cho tất cả học trò sự đạo nghĩa và tri thức trong cuộc sống. Mỗi chặng đường mà chúng ta đến ví dụ như cấp 1, cấp 2, cấp 3 rồi đại học thì mỗi người thầy đó chỉ giống như một người dẫn dắt, dẫn đường để chúng ta đến với bến bờ của tri thức đó.

Sẽ không có người thầy nào dạy chúng ta cả đời cả. Nếu là thầy trong môi trường học thì người thầy càng chỉ đóng vai trò dẫn dắt cho chúng ta ở một quãng thời gian nhất định.

tien si noi ve tien hoc le hau hoc van mat chu le thi xa hoi chi toan robot - anh 0
Ảnh minh hoạ

Ngày nay, hình ảnh người thầy, người cô đa phần đều khiến học trò thấy sợ hơn cha mẹ của mình, điều đó có đến từ việc chúng ta quá đề cao chữ "lễ" trong học đường?

Thật ra vấn đề này nó không liên quan đến lễ nghĩa. Nếu chúng hiểu về lễ nghĩa và đạo đức thì chúng phải yêu quý thầy cô và không sợ thầy cô nhưng vấn đề ở đây là học trò rất sợ thầy cô. Cái sợ đó là sợ bị phạt, sợ bị mắng,... thì những điều này không phải gọi là lễ. 

Cái sợ đó liên quan đến cách giáo dục hiện tại. Ví dụ khi tôi đến trường học của con tôi thì thấy rằng có những đứa trẻ chỉ vừa mới đến cổng trường thôi đã phải khóc nức nở vì đi muộn. Việc đến muộn làm chúng đã không muốn vào học nữa rồi. Bởi vì nó biết đến lớp là cô sẽ mắng. Vì quy định của thầy cô là phải đi học đúng giờ, không được đi sai giờ,... nếu đi sai giờ sẽ làm ảnh hưởng đến thành tích của lớp. 

Đó không phải là lễ mà là sự sợ hãi. Vấn đề ở đây là giáo viên đã làm cho chúng cảm thấy sợ, và dĩ nhiên điều này không tốt bằng việc là giải thích vì sao chúng phải đến đúng giờ và đúng giờ để làm gì? Là để xây dựng con trở thành một người có nguyên tắc và có ý thức trong cuộc sống thì đó mới trở thành người có lễ, có nghĩa. 

tien si noi ve tien hoc le hau hoc van mat chu le thi xa hoi chi toan robot - anh 0
Ảnh minh hoạ

Vậy là phụ huynh thì chúng ta cần làm gì để con cái giữ "lễ" trong gia đình?

Con của tôi đều nghe lời tôi 100%, khi chúng làm điều gì đó sai và tôi nói rằng: "Mẹ không hài lòng, con như thế là mẹ không vui nhé" là con tôi không làm nữa. Chứ không bao giờ tôi mắng hay nặng lời với con mình nhưng con tôi lại cực kỳ ngoan. 

Bởi vì tôi dạy chúng bằng tình yêu, bằng trái tim của mình. Kể cả thầy cô cũng thế, chúng ta phải công nhận rằng lúc đi học nếu gặp những thầy cô luôn mắng nhiếc thì chúng ta sẽ không thích thầy cô đó, nhưng chúng ta chỉ yêu những thầy cô nào hết lòng yêu thương mình và đến mãi mãi sau bao nhiêu năm chúng ta vẫn nhớ đến thầy cô đó. 

Lại phải nhấn mạnh một lần nữa, đó mới chính là lễ, là đạo đức. Lễ nghĩa không phải là khuôn phép, không phải nhất nhất tôn trọng thầy như một robot khi đến trường. Mà quan trọng nhất của chữ "Lễ" là chúng ta phải có được một tình yêu thật sự trong trái tim. Nó sẽ rất khác biệt so với việc chúng ta sợ thầy cô. 

tien si noi ve tien hoc le hau hoc van mat chu le thi xa hoi chi toan robot - anh 0
Ảnh minh hoạ

Vậy theo cô, cuối cùng chúng ta có cần bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ hậu học văn" trong nhà trường? 

Không, theo tôi thì không nên bỏ tí nào vì điều đó rất quan trọng với một đứa trẻ mới trưởng thành. Một đứa trẻ mới trưởng thành làm gì có tri thức? Nhưng nếu một đứa trẻ không hiểu vì sao phải học hành, phải có lễ nghĩa thì đứa trẻ đó không thể học tập một cách nghiêm túc được. 

Ví như mở Mỹ, giáo dục luôn đề cao sự tự do và việc dạy lễ nghĩa cho con trẻ là trong mỗi gia đình nhiều hơn là ở trường. 

Nếu thầy cô muốn học trò "tiên học lễ" là phải lễ phép với mình thì thầy cô phải biết rằng mình xứng đáng để cho người ta tôn trọng mình. Ở thời đại này, việc guồng ép khuôn mẫu đó đã không thể được nữa. Có thể ngày xưa, tất cả đều răm rắp nghe thầy, nghe cô,... và họ cũng không thể có được tư duy phát triển như bây giờ. Nhưng với thời đại bây giờ, nếu như người thầy, người cô không xứng đáng thì cũng khó mà kỳ vọng được người học trò đó có lễ nghĩa với mình.

Con người là con người, con người không thể nào là robot được dù xã hội có tiên tiến và phát triển như thế nào đi chăng nữa thì ai cũng cần phải có tình yêu thương. Cảm xúc là một thứ không có loại trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được cả.

Cảm ơn những chia sẻ của cô cùng !

Tiến sĩ, nguyên giảng viên Đại học: "Các ông bố, bà mẹ hãy tỉnh ngộ đi"

"Tiên học lễ, hậu học văn": Có gì sai mà sao phải bỏ?

Tranh cãi đề xuất bỏ khẩu hiệu: "Tiên học lễ, hậu học văn"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ