Khai tử... văn mẫu, cách nào?

Đọc chép "văn mẫu" cho học sinh bắt nguồn từ việc muốn hoàn thành tốt trách nhiệm của mỗi người.

Ngữ Văn được xem là một môn học đặc thù khác với những môn học khác, so với các môn khoa học tự nhiên, nơi các bạn có thể học công thức và tự do áp dụng thì môn văn luôn hướng đến cảm nhận riêng và những góc nhìn khác nhau qua từng tác phẩm, vấn đề được đặt ra. Nhưng liệu rằng điều đó đã và đang được diễn ra?

Trong phiên họp chất vấn Quốc hội sáng nay 11/11, các Đại biểu Quốc hội đã đưa ra câu hỏi và kiến nghị cần sự giải đáp của Bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của môn Ngữ Văn trong việc hình thành nhân cách, bồi đắp tình cảm, tâm hồn, năng lực thẩm mỹ, phẩm chất làm người cho học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu chấm dứt việc dạy Ngữ Văn theo văn mẫu. Bởi vì, việc dạy môn ngữ Văn theo hình thức đọc, chép "văn mẫu" cho học sinh học thuộc là rất tai hại tới việc phát huy tính chủ động, sáng tạo, cảm xúc, tình cảm chân thực, chân thành của người học.

khai tu van mau cach nao - anh 0

Cùng gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của những người dạy văn và học văn, họ nói gì về câu chuyện mãi vẫn chưa có lời hồi đáp!

"Dạy và chấm thi cũng nên xuất phát từ cảm nhận thì mới gọi là học văn, cảm văn”

Câu chuyện học văn và dạy văn vẫn luôn là một bài toán nan giải, vẫn chưa thể nào thay đổi một sớm, một chiều. Mục đích của bộ môn Ngữ văn đối với giáo dục đó là giúp người học có thể cảm thụ được các tác phẩm văn học. Nhưng với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nó đã dần trở thành một con đường mòn, sự rập khuôn mà cả giáo viên và học sinh vẫn mãi va vấp không tìm thấy lối ra. 

Giữa cơn bão táp của cải cách giáo dục, phê bình trường học, chạy đua thi cử,...bình thản ngồi trên ghế, đứng trên bục giảng hoặc đi lại dọc lớp tay cầm cuốn sách hay đọc cho học sinh nghe vẫn còn tồn đọng. Hình thức không thể thay thế nội dung mà phải biến nó thành nội dung. Mỗi giáo viên phải là những người tiên phong đi đầu trong cách thay đổi việc dạy và học bộ môn văn. 

khai tu van mau cach nao - anh 0

"Vấn đề này khá quen thuộc, phổ biến và đã - đang tiếp diễn. Nhìn vào nguyên nhân chúng ta thấy rõ  nó đến từ rất nhiều phía: Học sinh mải chạy theo điểm số,  sự bảo chứng cho quá trình học tập, chương trình hiện tại (cách ra đề thi), thái độ của học sinh khi học văn, áp lực điểm số từ giáo viên, gia đình; chỉ tiêu thi đua của giáo viên,... Nhưng gom chung lại thì vẫn bắt nguồn từ việc muốn hoàn thành tốt trách nhiệm của mỗi người. Nhưng trong học văn thì cách này không tốt" - Thế Sang (giáo viên tương lai) chia sẻ. 

Việc học sinh tiếp nhận một cách thụ động, bị áp đặt và ảnh hưởng nhiều từ cách hiểu của thầy, cô giáo hoặc phụ thuộc vào các tài liệu có sẵn trong các sách văn mẫu tràn lan trên thị trường và mạng internet. Mỗi thầy cô đều có những cách dạy học khác nhau nên cậu chuyện đọc chép "văn mẫu" cũng được xem như một trò chơi may rủi, nếu may mắn sẽ gặp được một giáo viên chủ động nhưng đôi khi lại được trở thành robot chép bài trong mỗi giờ Văn. 

"Từ rất lâu cô đã không dạy theo kiểu đọc chép, chẳng bao giờ dạy theo văn mẫu đừng nói là hiện nay. Cô luôn mong muốn học trò mình có sự khám phá, tìm và hiểu những cái mới, chấm thi cũng nên xuất phát từ cảm nhận thì mới gọi là "học văn, cảm văn" - cô Nguyễn Thu Hiền (Giáo viên bộ môn Ngữ Văn - trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển) cho biết.  

khai tu van mau cach nao - anh 0

Dù có khoảng cách về thế hệ nhưng cả cô Hiền và cô Tiên đều cùng có chung quan điểm trong việc giảng dạy và truyền đạt kiến thức đến học sinh. Giờ văn của hai cô phải là những sự kết nối, cùng nhau trao đổi. Một học trò của cô Hiền tâm sự: "Tiết học của cô trôi qua nhanh lắm, cô thương lắm là cho mẫu câu để tham khảo, còn lại chúng em vẫn tự lực cánh sinh". 

Với một giáo viên thuộc thế hệ trẻ, cô Cẩm Tiên cho rằng để ngưng việc đọc "văn mẫu" cho học sinh, "vấn đề này khá nan giải, cần thay đổi cách dạy, cách học, cách kiểm tra đánh giá. Đặc biệt là tôn trọng ý kiến riêng của học sinh. Lắng nghe những điều học sinh nói và cùng nhau tìm hiểu thì sẽ thú vị hơn là "đọc và chép" -  cô Quách Cẩm Tiên (Giáo viên bộ môn Ngữ Văn - Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển) chia sẻ.

khai tu van mau cach nao - anh 0

Sự gò bó trong môn Văn tại các cấp học phổ thông trực tiếp tạo nên việc thiếu những góc nhìn đa chiều, đồng thời tính cá nhân hoá của người viết gần như không còn, khi các bài văn chỉ rập khuôn theo những gì có trong giáo án. Để có được những sự tự do, khai phóng và không còn những câu chuyện học thuộc, đọc to và viết theo những gì được ghi chép có sẵn, đó là sự nỗ lực giữa thầy và trò trong từng tiết dạy, đổi mới và học cách thay đổi cho đúng với bản lề đã đặt ra với môn Ngữ Văn. 

"Ngừng yêu cầu khắt khe về bố cục thay vào đó chú trọng nhiều hơn về tư duy" 

Cách học sinh tiếp cận đến môn Văn ngày nay lại hoàn toàn đi ngược lại với những mong muốn ban đầu. Việc bó buộc và phụ thuộc quá nhiều vào giáo án mà buông bỏ những cái mới, cái tân tiến, dù xã hội vẫn đang thay đổi từng ngày khiến môn học ngày càng trở nên khiên cưỡng và khó tiếp thu trong mắt các bạn học sinh, cũng như đi ngược hoàn toàn mục tiêu của bộ môn khi được đưa vào chương trình học các cấp phổ thông.

Có thể thấy, câu hỏi luôn được đặt ra cho các bạn học sinh, liệu rằng khi ngồi trên ghế nhà trường, sẽ chẳng có miền đất màu mở nào cho những cây bút tự do? Không có chỗ cho những sự đột phá. Câu trả lời vẫn được xem là sự nửa vời, khó giải đáp. Chỉ vì mong muốn một chiếc học bạ "không vết xước", sự phụ thuộc văn mẫu và một thái độ thờ ơ với môn Văn đã biến những con người với đầy đủ khả năng nhìn nhận đa chiều, sáng tạo trở thành những phiên bản giống nhau trong mỗi câu chữ được viết ra. 

khai tu van mau cach nao - anh 0

Nhưng từ phía các bạn học sinh, mong muốn hơn hết vẫn là sự chuyển mình làm mới từ giáo viên để giờ học văn trở nên linh hoạt hơn là những cảnh thầy dạy trò ngủ, những tác phẩm văn học luôn được tạo ra để người đọc, người xem có thể cảm thụ theo cách riêng của mình, qua đó cũng làm phong phú thêm các góc nhìn, bên cạnh các tầng ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt. Để khác đi, ai cũng cần phải thay đổi.

Cậu bạn Tiến Anh (học sinh lớp chuyên Lý) tâm sự rằng: "Mình là một người học tự nhiên và mình cảm nhận rằng chương trình giáo dục nên giảm bớt sự khuôn khổ trong văn học. Mình thấy nó theo khuôn quá nên mình và hầu hết các bạn học sinh chỉ cần lên mạng chép 1 bài đủ ý thì cũng điểm ở mức khá rồi".

Chạy theo con điểm không sai nhưng có lẽ cách gieo vào đầu học sinh những kiến thức đã sẵn trên giáo án, đã có sẵn trong từng barem điểm liệu rằng có đúng? Cái đích cuối cùng của việc học Ngữ văn là học tiếp nhận, giả mã những cái hay, cái đẹp của văn bản văn học. 

khai tu van mau cach nao - anh 0

"Mình nghĩ người lớn, một số thầy cô ngừng yêu cầu khắt khe về bố cục thay vào đó chú trọng nhiều hơn về tư duy của học sinh trong cách nhìn nhận vấn đề và cách hành văn để trình bày quan điểm của mình, học sinh được tự do, khai phóng" - (Lâm Phan Nhã Uyên, lớp 12 Chuyên Văn - Chuyên Phan Ngọc Hiển) cho biết.

"Vấn đề nằm ở giáo viên, biện pháp tốt nhất mình thấy có thể áp dụng là cải cách tư tưởng. Cấm đoán thì không có khả năng, bởi sẽ không hiệu quả, bản thân người thực hiện không nhận thức được và không muốn giải quyết thì mọi biện pháp đều không thể hiệu quả hơn 50%" - (Nguyễn Mỹ Ngọc - Đội tuyển Học sinh giỏi Văn) chia sẻ.

Người thầy cứ dạy văn cho đúng là giờ văn, theo đúng các yêu cầu đổi mới, tạo được hứng thú cho học sinh...chương trình có đổi mới, sách giáo khoa có thay đổi nhưng hơn hết phải người thầy, người cô cùng đồng hành với trò để câu chuyện này sẽ được bước sang trang. Sự chuyển hoá của giáo dục dần được đổi mới, đây là lúc cả thầy và trò nên có những thay đổi cho chính mình.

"Bi hài" chuyện xài văn mẫu

Đề Văn tốt nghiệp: Sống cống hiến trong giai đoạn "nóng" của toàn xã hội

Văn học trong nhà trường: Cần lắm sự cởi mở qua những đề thi "mở"?

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ