GPA - những con số quyền lực trong việc quyết định cuộc sống đại học và bước đầu chập chững ra trường.
GPA (Grade Point Average), điểm tích lũy, điểm trung bình tích lũy là những cụm từ quen thuộc đối với mỗi sinh viên khi bắt đầu lên Đại học. Có 3 thang điểm GPA được sử dụng phổ biến ở Việt Nam là thang điểm 10, thang điểm chữ và thang điểm 4. Đây là một công cụ để đánh giá năng lực cho học sinh sinh viên nhưng tầm quan trọng của GPA ở đại học luôn là một chủ đề có nhiều bàn luận trái chiều.
Nội dung liên quan
Tùy vào năng lực của mỗi người nhưng có GPA cao là một lợi thế
Điều trăn trở của khá nhiều bạn sinh viên là các chi phí học tập, sinh hoạt. Các trường đại học sẽ trích một phần ngân sách cho Học bổng khuyến khích học tập (HBKKHT), dành cho một phần trăm nhất định nào đó cho mỗi lớp, mỗi khoa.
Mức học bổng này khá cao, thậm chí có thể ngang hoặc nhiều hơn cả tiền học phí. Nếu GPA cao và lọt top sinh viên nhận học bổng, bạn hoàn toàn có thể học đại học "free" hay xuất sắc hơn thì cũng có "lãi gói mang về".
"Nhân văn của mình HBKKHT nhiều hơn học phí ít nhất 1 triệu. Trường Y dược của em mình vừa rồi theo các thầy cô phổ biến thì học bổng cho sinh viên xuất sắc là 100% học phí, sinh viên giỏi là 75% học phí" – chia sẻ của bạn Khuê Sa.
"GPA mà cao là như ở trường mình riêng 4 năm học mà được học bổng 100% là 4 năm được 60 triệu luôn. Còn chưa kể tiền thưởng rồi mỗi năm, có học bổng từ các công ty đó nữa, nói chung là có tiền!" – chia sẻ của bạn Thư Thư.
Không chỉ học bổng ở trường, học bổng ngoài trường do các doanh nghiệp hay tổ chức đứng ra trao tặng có rất nhiều và giá trị lớn. Và hầu hết yêu cầu của các loại học bổng này chính là điểm GPA của bạn, thông thường thì ít nhất cũng phải 7.0 trên thang điểm 10 hay 3.0 trên thang điểm 4. Nhiều học bổng giá trị tính bằng đô la còn yêu cầu ứng viên xét tuyển có học lực giỏi trở lên cùng nhiều điều kiện khác.
Khi vừa ra trường, chưa nhiều kinh nghiệm thì bảng điểm là một trong những điều quan trọng giúp bạn chứng minh năng lực với nhà tuyển dụng. Nếu giữa hai ứng viên có kinh nghiệm ngang nhau, vừa mới ra trường thì chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ có những ưu tiên đầu tiên cho người có thành tích cao hơn.
"Lúc không có kinh nghiệm gì cả thì nhà tuyển dụng nhìn GPA chứ nhìn gì. Đồng ý là học xong quên hết cả thôi nhưng mà quá trình chăm chỉ ra sao thì cũng nói lên được gì đó chứ" – chia sẻ của bạn Nguyễn Bích Ngọc.
GPA cao cũng là một mục tiêu để bạn phát triển bản thân. Ít nhất là bạn có một mục tiêu cho tương lai gần và biết mình cần làm gì.
"Theo quan niệm của mình, những sinh viên giỏi họ vốn có ý thức rất rõ về tương lai của bản thân, tư duy của họ rất tốt, họ sẽ luôn phấn đấu để đạt thành tích cao nhất trong lĩnh vực họ theo đuổi. Và bằng chứng là những anh chị học xuất sắc mà mình biết không ai làm dở cả, người ta có việc làm ngay từ khi còn đi học với mức lương có khi đầu chục triệu rồi.
Thế nên là, đừng có lấy lý do GPA không quan trọng, có kinh nghiệm được rồi để phủ nhận nỗ lực của người khác và bao biện cho sự lười của bản thân. Vừa có GPA cao vừa dày dạn kinh nghiệm làm việc là hoàn toàn có thể, quan trọng là bạn có muốn hay không thôi" - chia sẻ của bạn Khuê Sa.
Nhưng cũng không vì chăm chăm phấn đấu cho chỉ duy nhất mục tiêu đó mà lơ là phát triển kỹ năng mềm cho bản thân. Kỹ năng mềm cũng không thể thiếu và giúp ích phần lớn cho những công việc mà bạn có sau này. Cân bằng giữa kiến thức học thuật và kĩ năng sống là một đích ngắm trọn vẹn cho 4 năm đại học.
GPA cao mang lại cho bạn nhiều lợi thế như giành được học bổng hay làm đẹp cho chiếc CV xin việc và đây là điều mà ai cũng muốn. Tất nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp không còn quá quan trọng đến mức độ bằng cấp nhưng GPA nói lên thái độ học tập và làm việc của bạn. Vì vậy, dựa vào thực lực của mình và phấn đấu một mức điểm xứng đáng.
Nguồn: TH&PL