Shark Thái Vân Linh: Các bạn trẻ đi làm không nên về trước 7h tối, như vậy là quá sớm!
Những ngày gần đây, câu nói của Shark Linh về việc "đi làm phải về trễ mới thật thành công" lại vướng nhiều tranh cãi: "Điều cơ bản nhất là các bạn đi làm từ 9h sáng đến 6h chiều về, nhưng sau đấy các bạn phải làm thêm cái gì đó nữa. Nghĩa là các bạn không nên về trước 7h, giờ đó là quá sớm. Các bạn có thể ở lại làm thêm công việc khác, trả lời email, nghiên cứu thêm, tới khi về cũng có thể nghiên cứu thêm nữa".
Lập tức có nhiều ý kiến trái chiều với quan điểm này vì giờ đây nhiều bạn trẻ đang "anti" cuộc sống văn phòng và không có nghĩa về sớm mới thành công được, đó là một nhận định chưa thật sự khách quan.
Năng suất công việc là một khía cạnh cực kỳ mang tính cá nhân cao
Mark Manson, tác giả cuốn sách "Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm" có chia sẻ về quá tring ra đời của cuốn sách này: "Tôi tốn mất 18 tháng để viết cuốn "Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm". Trong suốt thời gian đó, tôi đã viết cho cuốn sách này được đâu đó khoảng 150,000 từ (khoảng 600 trang sách). Và phần lớn trong con số 150.000 đó được viết ra trong 3 tháng cuối cùng. Thậm chí, tôi có thể tự tin khẳng định là phần việc mình đã làm trong 3 tháng cuối cùng đó còn nhiều hơn cả 12 tháng đầu cộng lại".
Vậy rõ ràng khi nói về năng suất công việc, mọi thứ không nhất thiết phụ thuộc vào thời gian mà chúng ta hoàn thành nó. Bởi lẽ, năng suất công việc là một điều mang tính cá nhân sâu sắc. Tất cả chúng ta đều có một bộ não khác nhau và do đó có những sở thích, quan điểm, thời gian, môi trường để làm việc hiệu quả nhất. Hơn thế nữa, người trẻ ngày nay đang từng bước phá vỡ những nguyên tắc làm việc "bán thời gian" chốn công sở, khai phóng một chủ nghĩa làm việc mới mang tên "deep working".
Thuật ngữ deep working (làm việc sâu) cũng giống như deep learning (học sâu), đề cập tới khả năng học hay làm việc một cách vô cùng tập trung. Không nói đấy là môi trường công sở hay khi ở một mình - cái đó tùy vào mỗi người. Nhiều người thực sự có thể làm tốt nhất công việc của mình khi ở nhà hay ở quán cà phê vì những không gian làm việc như thế này giúp họ phát huy hết năng suất.
Người trẻ giờ đây đã quá ngán ngẫm với cảnh đồng hồ mong đến giờ tan ca, 8 tiếng nhìn đồng nghiệp cau có ủ mày. Nếu hiệu quả công việc là thứ được ưu tiên hàng đầu, vậy quan điểm đi làm không nên về trước 7h tối có còn hợp lý không? Khi nhân viên có nhiều thời gian làm việc tập trung và hiệu quả năng suất cao thì làm việc ở nhà hay văn phòng không phải điều quá quan trọng.
Việc rời văn phòng trễ và dậy sớm gần như không có tỉ lệ thuận nào với sự "thành công". Một ngày thường mỗi người sẽ có 8 tiếng để giải quyết phần việc được giao ở chốn công sở. Nếu việc không xong thì có 2 khả năng, một là việc giao quá nhiều, hai là nhân viên quá kém không thể hoàn thành.
Nhân viên làm việc về trễ chưa chắc đã là nhân viên giỏi, đơn giản chỉ vì cùng một khối lượng công việc như thế nhưng đồng nghiệp đã xử lý xong trước đó nhưng mình thì lại cày mãi đến tận khuya mới cơ bản hoàn thành. Vì thế khen những người "tắt điện văn phòng" đôi khi lại không công bằng với những người làm việc thông minh, sáng kiến chỉ vì giờ tan sở họ đang đang bia hơi chém gió hoặc chơi đá bóng với bạn bè.
Nội dung liên quan
Liệu chúng ta đâu chỉ sống "bán mạng" cho công việc?
8 tiếng ở văn phòng mỗi ngày đã trở thành một cực hình đối với người trẻ. Vì người ta đã quá sợ hãi với những "phòng giam lỏng". Có nhiều người đang "bỏ trốn" khỏi nơi làm việc vì không muốn tăng ca, ghét kỷ luật văn phòng, từ chối cống hiến vì đang bị vắt kiệt sức lực và thời gian. "Các bạn có thể ở lại làm thêm công việc khác, trả lời email, nghiên cứu thêm, tới khi về rồi cũng có thể nghiên cứu thêm nữa" có đang quá đè nặng lên vai của người trẻ?
8 tiếng ở văn phòng khiến nhiều người không còn đủ thời gian để chăm lo cho đời sống cá nhân. Họ rơi vào trạng thái hỗn độn của guồng quay công việc khi giờ tan sở đã không còn nhìn thấy mặt trời, đường thì kẹt xe, cơm thì chưa nấu, công việc còn chưa giải quyết xong. Một cuộc sống máy móc vô nghĩa lặp đi lặp lại quá lâu khiến nhiều người bị vắt kiệt sức, ngán ngẫm chốn văn phòng.
Mặt khác, chúng ta cũng cần có thời gian để nghỉ ngơi. Sẽ ra sao nếu bạn chạy liên tục trong 1 giờ? Bạn rõ ràng là đang gắng sức, nhưng nhiều khả năng lợi ích từ việc chạy bộ vẫn chỉ đến từ 10 phút đầu tiên của bài tập. Đa phần các công việc đều vận hành theo cách này.
Bởi như cơ bắp, đầu óc của bạn cũng sẽ mệt mỏi dần. Và nếu bạn chỉ thách thức não bộ của mình bằng việc giải quyết vấn đề, hay đưa ra những quyết định quan trọng, bạn đang giới hạn những công việc mà bạn có thể hoàn thành một cách hiệu quả trong ngày.
"Điều cơ bản nhất là các bạn đi làm từ 9h sáng đến 6h chiều về, nhưng sau đấy các bạn phải làm thêm cái gì đó nữa", có phải là đang áp đặt lên đời sống của người trẻ?
Chúng ta tôn vinh trên phạm vi toàn cầu cái ý tưởng rằng tuổi trẻ là phải làm việc không ngừng, làm việc hết sức mình nhưng chúng ta đâu biết rằng người trẻ đang áp lực như thế nào. Đâu phải cái gì "thêm" cũng tốt và cứ thế chúng ta ngày càng đặt lên vai người trẻ những tiêu chuẩn có phần áp đặt.
Tuy vậy, dù làm việc bất cứ ở môi trường nào, hãy nhớ rằng, miễn là bạn biết rằng mình đã trang bị những kĩ năng cần thiết, chân đủ vững để không chùn bước trước những rào cản trên con đường làm việc tự do vốn không ràng buộc ấy, bản thân bạn thật sự thoải mái với loại công việc không đòi hỏi phải liên quan đến tập thể, đủ tỉnh táo để không bị cám dỗ bởi một cơn buồn ngủ hay thói chần chừ, lười biếng… thì cứ thẳng tiến trên con đường ấy thôi!
Nguồn: TH&PL