Bạn có từng phải làm việc cùng với những người đồng nghiệp thế này chưa?
Công sở là nơi nhiều người tập hợp lại để làm việc vì những mục tiêu chung. Vì vậy, không thể tránh khỏi việc tiếp xúc với người khác. Mặc dù cùng làm việc trong một công ty nhưng việc hòa hợp với những người có tính cách hoàn toàn khác nhau cũng không phải là một việc dễ dàng.
Đó là lý do tại sao nhiều nhân viên công sở cho rằng mối quan hệ với người khác là một điểm khó khăn trong cuộc sống nơi làm việc. Dù vậy, hầu hết các nhân viên văn phòng đều tôn trọng, quan tâm lẫn nhau và cố gắng làm việc cùng nhau. Tuy nhiên, có những người lại làm lu mờ nỗ lực này hoặc làm cho người khác không muốn cố gắng hòa đồng.
1. Người bi quan
Một trong số những kiểu đồng nghiệp mà chúng ta không muốn làm việc cùng nhất chính là người bi quan. Những người bi quan thường đưa ra những dự đoán tiêu cực như thói quen mỗi khi làm việc.
Họ làm mất hết tinh thần làm việc của người khác bằng những câu nói như: "Cái này không được, cái kia không thể, trước đây tôi đã từng thử làm rồi nhưng không ổn",... Những người nghe cũng muốn gắt gỏng một câu, nhưng họ lại không thể nói ra lời nào vì sợ rằng bầu không khí sẽ trở nên ngột ngạt do cãi vã.
Những người bi quan trong công việc hầu như chỉ là do họ không muốn chịu trách nhiệm hoặc họ thấy sợ hãi. Trên thực tế, nếu cả nhóm không thể đạt được mục tiêu như họ đã nói thì họ sẽ không chịu trách nhiệm cùng những người khác. Họ sẽ nói rằng "Thấy chưa? Đã bảo là không được mà" rồi bảo vệ bản thân trước tiên. Ngược lại, nếu thành công đạt được mục tiêu thì họ sẽ coi đó là do may mắn.
2. Người thích xen vào chuyện của người khác
Nếu làm việc với những người thích "chĩa mũi" vào chuyện của người khác như thể chuyện của bản thân thì bạn cũng sẽ trở nên khó chịu. Đó chính là những người dù không phải lĩnh vực công việc của họ, cũng không phải là họ có quyền quyết định phương hướng công việc, cũng không phải là công việc mà họ hiểu rõ nhưng lại cứ giả vờ là biết tuốt "Phải làm như này, như kia mới đúng", "Cách tiếp cận của mọi người sai rồi"...
Không bàn đến trường hợp đối tượng đó là một người kỳ cựu nhiều kinh nghiệm hoặc có đủ năng lực, nhưng thực sự sẽ rất khó chịu khi đó là một người năng lực thì không bằng ai nhưng cứ ra vẻ ta đây biết hết.
Kiểu người này muốn tự xác nhận rằng bản thân vượt trội hơn người khác. Vấn đề là rõ ràng cần phải phán đoán thông qua đánh giá khách quan để khẳng định xem họ có vượt trội hay không, nhưng họ lại cố gắng tạo ra một chiếc khung rằng bản thân họ vượt trội và đặt chiếc khung ấy vào giữa mọi người. Tất nhiên, với tư cách là tiền bối và người có kinh nghiệm, có nhiều người đưa ra lời khuyên thiện ý với mong muốn giúp đỡ.
3. Người hay làm quá
Mặc dù làm việc giống như những người khác nhưng lại luôn cường điệu một cách lạ thường khiến người khác chẳng muốn làm việc cùng. Họ thể hiện bản thân đang làm việc kiểu "Nhiều việc quá", "Một mình làm hết nên mệt muốn xỉu", "Những việc khó thì toàn tôi làm".
Thực ra nếu không biết rõ nội dung công việc mà người đó đảm nhiệm thì chúng ta có thể nhầm lẫn giữa việc họ thực sự mệt mỏi và việc họ cố tình "làm lố".
Tất nhiên, họ có ý đồ khi cố tình làm quá lên như thế. Thứ nhất là để những người xung quanh nhận ra họ là "một nhân viên nhiệt huyết" hay "một nhân viên vất vả". Thứ hai là chiến lược "tự chấp". Tự chấp là một chiến lược tâm lý nhằm hạ thấp năng lực của bản thân rồi đổ lỗi rằng thất bại bản thân gặp phải là do những yếu tố từ bên ngoài.
4. Người làm việc không hiệu quả và người thích hưởng lợi ích “chùa”
Người không làm việc hiệu quả cũng có nhiều loại. Những người không thực hiện đúng nhiệm vụ mà họ đảm nhận, người làm việc không có tiến triển, người không quan tâm đến công việc, người làm việc theo ý muốn mà không hề căng thẳng...
Không thể khẳng định rằng năng lực làm việc của những người này thấp hay họ có phẩm chất kém. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng rằng họ là những người không có tình cảm với công việc mà họ đang làm và chỉ chịu đựng cuộc sống công sở từ ngày này qua ngày khác.
Ngoài ra, những nhân viên này còn có xu hướng hưởng lợi ích "chùa", dò hỏi về thành quả của người khác. Một dạng người "không làm mà muốn có ăn", không tham gia vào công việc của đội nhóm nhưng lại muốn hưởng thành quả.
5. Người hay đổ lỗi cho người khác
Khi làm sai hoặc bị khiển trách một chút là liền đổ lỗi cho những đồng nghiệp cùng làm việc, hành động này dễ khiến người khác thấy tức giận và phẫn nộ.
Nơi làm việc không phải là nơi mọi người tập hợp vì mối nhân duyên đặc biệt mà là nơi những nhóm người tình cờ ký hợp đồng lao động với cùng một tổ chức. Và tổ chức này không chỉ đơn thuần là nơi tập hợp mọi người mà còn cần phải kết hợp và đoàn kết mọi người lại với nhau để tổ chức phát triển.
Nội dung liên quan
Bạn có thể tránh những lời chỉ trích và khiển trách trong một thời gian, nhưng cuối cùng bạn sẽ chỉ mang tiếng xấu mà thôi. Người khác chỉ ra khuyết điểm là để chúng ta rút kinh nghiệm và cố gắng phát triển và hoàn thiện hơn nữa, nếu không tiếp thu thì chúng ta sẽ không thể tiến về phía trước.
Con người chúng ta ai cũng có lúc đặt bản thân lên hàng đầu. Tuy nhiên, chủ nghĩa tự kỷ trung tâm vô trách nhiệm và thờ ơ với mọi thứ xung quanh cũng không hơn gì chủ nghĩa thực dụng nông cạn. Đã gia nhập vào một tập thể thì chúng ta nên cố gắng hoàn thành công việc hiệu quả nhất có thể, vì bản thân chúng ta và vì công ty. Hãy cố gắng phát triển, đừng biến bản thân thành một phiên bản mà người khác phải ngán ngẩm và không muốn làm việc cùng.
Nguồn: TH&PL