Học đại học là quãng thời gian nhiều sinh viên "khủng hoảng" với cuộc sống một mình của bản thân.
Đại học chưa bao giờ là một quãng thời gian dễ dàng đối với sinh viên, dù chỉ đơn giản là muốn sống thật tốt.
Bởi vì tuổi trưởng thành thôi thúc chúng ta kết bạn, làm quen, thử đi những bước chân đầu tiên ra ngoài thế giới rộng lớn. Nhiều lúc thấy sao mà lạc lõng, thấy sao lại quá cô đơn khi bỗng dưng ngoảnh lại thấy chơi vơi một mình: không bạn bè và không nơi tâm sự.
Nhiều sinh viên năm cuối vẫn thấy lạc lối trong chính cuộc sống của mình
Gần đây, trên một cộng đồng sinh viên có đăng tải ẩn danh câu chuyện của một bạn sinh viên năm cuối. Đây là bài tâm sự và xin lời khuyên về cách đối mặt với cuộc sống "một mình" khi không có bạn bè, thấy cô đơn và tính cách khó chia sẻ.
Chúng ta thường nghĩ rằng chỉ có sinh viên năm nhất mới dễ dàng bị "khủng hoảng" trong những mớ suy nghĩ, nhưng thực chất lại không phải vậy. Suy nghĩ và lo lắng trong chúng ta dường như có thể gọi là tăng theo độ tuổi vì càng trưởng thành, chúng ta lại trải qua nhiều chuyện và càng xuất hiện nhiều vấn đề khiến chúng ta bận tâm hơn nữa.
Và cuộc sống là một hành trình mà ở đó, chúng ta là những con người không ngừng cố gắng để sống thật tốt. Tìm kiếm bạn bè, gầy dựng các mối quan hệ, san sẻ mọi chuyện cùng người… lại là những vấn đề không phải chúng ta cứ muốn là đều có thể thực hiện được.
Nhiều người vì thế mà trở nên lo lắng, hoang mang về cuộc sống "một mình" khi cảm thấy cái bóng của sự cô đơn dần trở nên quá lớn.
Thực chất, "một mình" chưa bao giờ mang ý nghĩa hoàn toàn xấu
"Một mình" chỉ tiêu cực nếu chúng ta phóng đại và quan trọng hóa nó. Có lẽ, tâm lý sợ phải "một mình" của nhiều người người xuất hiện là bởi cho rằng "một mình" là tiêu cực. Cũng là vì họ đang tự gắn bản thân với "sự cô đơn" một cách quá mức hay quá để ý đến sự "cô đơn" và sự "một mình".
Nhưng có một sự thật là: Chúng ta càng để ý đến nó thì chúng ta càng thấy cô đơn và rằng sự cô đơn không quá quan trọng đến mức khiến chúng ta phải yếu đuối hay buồn bã.
Nhiều người thậm chí yêu thích và trân trọng cuộc sống, khoảng thời gian có thể tận hưởng một mình trong khi bản thân đủ hòa đồng, có những nhóm bạn thân và những mối quan hệ tốt. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là: Họ thấy ổn.
Có lẽ là bởi họ nhìn vào mặt tích cực của cuộc sống một mình này. "Một mình" còn có thể mang ý nghĩa là tự lập và cho chúng ta nhiều thời gian để làm việc gì đó hơn. Từ đó, chúng ta học được cách làm chủ cuộc sống. Điều chúng ta có thể làm một mình, chúng ta sẽ giảm dần đi những lần phải làm phiền tới người khác.
Việc có một mình hay không không quá quan trọng như chúng ta vẫn nghĩ và suy cho cùng, nó cũng chỉ là một lựa chọn mà thôi. Cuộc sống một mình cũng có thể mang đến cho chúng ta niềm vui nếu chúng ta thực sự trân trọng nó, trân trọng những điều nhỏ bé khiến chúng ta vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày.
Hãy "quật ngã" sự cô đơn chứ đừng để nó "nuốt trọn" lấy mình
Như đã nói ở bên trên, sự "một mình" mang ý nghĩa tích cực hay tiêu cực thực chất là do chúng ta lựa chọn. Vậy thì, tại sao chúng ta không dùng sự cô đơn đó làm "vũ khí" để khiến chúng ta mạnh mẽ hơn?
Một điều quan trọng mà mọi người nên nhớ là: Luôn có thể tồn tại một lý do nào đó khiến bạn không "một mình". Không phải cứ không có nhiều bạn bè để cùng đi chơi là cô đơn vì bạn hoàn toàn có thể dành thời gian đó cho đam mê, sở thích của riêng mình, cho những gì khiến bạn mỉm cười. Hay là không phải cứ không có ai nhắn tin với mình hay không có nửa kia sánh vai là lủi thủi một mình, vì hàng tá "meme" trên mạng xã hội vẫn có thể khiến chúng ta vui vẻ mỗi ngày…
Nếu bạn vẫn đang "mắc kẹt" ở đâu đó trong những mớ lo lắng, bạn có thể tham khảo một vài "tips" từ những sinh viên "từng trải" để bớt thấy cô đơn sau đây:
1. Viết nhật ký
Có thể nhiều người chưa biết, nhưng viết nhật ký là một trong những biện pháp rất hữu ích có thể giúp chúng ta giải tỏa tâm trạng hay cải thiện cách diễn đạt. Chúng ta sẽ luôn có những lúc không muốn tâm sự cùng bạn bè hay người thân hoặc không có ai để tâm sự. Những lúc ấy, chúng ta càng kìm nén suy nghĩ thì tâm trạng sẽ lại càng nặng nề hơn và có thể khiến chúng ta bị "stress". Vì vậy, nếu có thể, hãy "chia sẻ" cùng nhật ký nhé!
2. Tâm sự cùng người lạ qua các ứng dụng chat ẩn danh
"Chatbot" là một trong những ứng dụng quen thuộc đối với sinh viên. Ở đây tập trung sinh viên của rất nhiều trường đại học trên cả nước, thậm chí là người đã đi làm hay người chưa học đến đại học. Một mạng lưới giao lưu đủ rộng để bạn có thể tìm được một người nào đó nói chuyện "hợp gu" rồi chia sẻ về cuộc sống. Những câu chuyện mà bạn không muốn kể với người quen hoàn toàn có thể "xả" tại đây.
Tuy nhiên, vì đây là một mạng lưới tổng hợp của rất nhiều thành viên nên bạn cần lưu ý sử dụng một cách lành mạnh và an toàn nhé!
3. Học cách lắng nghe người khác
Thực chất, lắng nghe người khác không hẳn là một việc làm cần có "khiếu". Chỉ cần chúng ta đủ quan tâm, đủ chân thành với đối phương là chúng ta sẽ sẵn sàng lắng nghe mọi câu chuyện trải lòng của họ.
Và "lắng nghe" là một kỹ năng mềm có thể giúp chúng ta đạt được sự tin tưởng từ người khác và là bước đệm để tạo dựng mối quan hệ dễ dàng hơn.
4. Trân trọng các mối quan hệ hiện tại
Chúng ta thường lờ đi sự quan trọng của những mối quan hệ mà đã đi cùng chúng ta suốt một quãng thời gian dài, vì dễ dàng coi chúng là "điều đương nhiên". Nhưng không có điều gì là đương nhiên cả, mọi chuyện đều cần sự cố gắng.
Thi thoảng, vì những bộn bề, tiêu cực từ bên ngoài mà chúng ra "giận cá chém thớt" lên bạn bè, người thân và rồi kết quả là các mối quan hệ dần đổ vỡ. Vì vậy, một bài học quan trọng là chúng ta nên học cách kiểm soát lý trí, cảm xúc và suy nghĩ của bản thân hơn để trưởng thành hơn và không phải hối hận về sau khi đã đánh mất những người quan trọng.
Nguồn: TH&PL