Bạn thường trong trạng thái không biết mình là ai, không hiểu rõ bản thân, mình thật sự thích gì, muốn điều gì và đang như thế nào...
Bạn không có mục đích sống, không ước mơ hoài bão và kế hoạch cho cuộc đời, luôn sợ người khác không hài lòng với mình, nghi ngờ năng lực bản thân, không có niềm tin trong cuộc sống thì có khả năng bạn đang đối mặt với sự khủng hoảng nhận dạng hay còn gọi là khủng hoảng danh tính (Identity crisis).
Khủng hoảng nhưng không bế tắc
Khủng hoảng nhận dạng thường xuyên xảy ra ở mỗi người, nó có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi, giai đoạn nào đó trong cuộc sống của mỗi người. Nhưng nó phổ biến ở độ tuổi dậy thì và khi bắt đầu bước vào giai đoạn trưởng thành (tuổi 20). Sự khủng hoảng này góp phần tạo nên sự thay đổi và phát triển về tâm lý và nhân cách cho mỗi cá nhân.
Đây là lúc chúng ta rơi vào hoàn cảnh hỏi xem mình là ai trong xã hội này, vị thế của bản thân và những bước đường tương lai, có người cũng sẽ chênh vênh về cả bản sắc giới. Nghe đến việc rơi vào khủng hoảng thì chắc hẳn sẽ rất tồi tệ nhưng đây là quá trình để bạn nhìn nhận và đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân.
Erik Erikson, nhà tâm lý học người Mỹ gốc Đức, là người đã sáng tạo ra thuật ngữ "khủng hoảng nhận dạng", học thuyết của ông về "8 giai đoạn phát triển tâm lý" cho rằng mỗi giai đoạn cuộc đời sẽ xuất hiện một sự khủng hoảng và chúng đều có những nhiệm vụ nhất định cần phải hoàn thành.
8 giai đoạn phát triển tâm lý, thì giai đoạn khủng khoảng nhận dạng được xem là giai đoạn thứ 5 trong cuộc đời mỗi người.
Cuộc khủng hoảng thứ năm, từ 12 đến 20 tuổi, được gọi là khủng hoảng nhận dạng, là giai đoạn thanh thiếu niên tìm cách phát triển bản sắc cá nhân và lựa chọn cho mình định hướng nghề nghiệp, hình thành nhân cách cũng như các hành vi tính dục.
Các bạn thanh thiếu niên trong giai đoạn này thường cố gắng tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau để tìm hiểu khám phá bản thân mình. Mặc dù tham gia vào nhiều hoạt động, nhiều vai trò khác nhau, nhưng chúng ta chỉ gắn kết trong giai đoạn ngắn, chứ chưa cam kết lâu dài.
Điều này dẫn đến việc ta luôn đặt ra câu hỏi "Tôi là ai" và "Tôi muốn gì". Chúng ta ai cũng muốn giữ thế chủ động cho cuộc đời mình nên sẽ cảm thấy bức bối khi bị gia đình, nhà trường và xã hội kiểm soát kìm kẹp.
Mục tiêu của giai đoạn này là xây dựng sự tự chủ cho các bạn trẻ bằng để họ độc lập và tự do suy nghĩ và hành động, tuy nhiên nên có sự hướng dẫn, giám sát và đồng hành của người lớn trong một giới hạn nhất định.
Giải quyết khủng hoảng thành công và vượt qua mỗi giai đoạn giúp ta tạo nên một nhân cách lành mạnh để giúp chúng ta giải quyết những cuộc khủng hoảng tiếp theo. Thất bại trong việc hoàn thành một giai đoạn có thể làm giảm khả năng hoàn thành các giai đoạn tiếp theo.
Khi nào thì khủng hoảng, ai cũng sẽ khủng hoảng chăng?
Khủng hoảng bản sắc, khủng hoảng nhận dạng sẽ tuỳ thuộc vào mỗi người với những căn tính khác nhau, có người sẽ thuộc căn tính mờ nhạt, họ dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, không hiểu rõ bản thân và dễ rơi vào khủng hoảng bản sắc ở tuổi mới lớn.
Có người sẽ thuộc căn tính nhận sẵn, họ thường sẽ chủ động được trong cuộc sống của mình, gần như hoàn toàn không bị tác động của khủng hoảng. Bên cạnh đó còn có căn tính đình hoãn và căn tính đạt thành.
Khi nào chúng ta sẽ đối mặt với khủng hoảng nhận dạng?
Dấu hiệu 1: Sức khoẻ suy giảm
Luôn cảm thấy cơ thể mệt mỏi, năng lượng ở mức thấp, rối loạn chức năng hô hấp và tim, không cảm thấy sức mạnh từ cánh tay, lòng bàn tay và chân. Cảm nhận sự nóng rát, nhiệt độ cao ở một số bộ phận trên cơ thể. Đau ở vùng lưng cổ, vai hoặc cột sống.
Dấu hiệu 2: Cảm xúc không ổn định
Lo lắng và trầm cảm có thể xuất hiện do sự thiếu tự tin, nghi ngờ khả năng của bản thân. Chúng ta dễ hồi hộp, dễ cáu gắt bực bội, dễ nổi giận hoặc dễ cảm thấy tổn thương. Cảm xúc thay đổi liên tục sáng nắng chiều mưa lúc vui lúc buồn khiến chúng ta không còn nhận ra chính mình.
Dấu hiệu 3: Dễ bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh
Chúng ta chơi với một nhóm bạn trầm tính và im lặng, chúng ta bị ảnh hưởng và cũng sẽ trở nên trầm tính và im lặng. Hoặc khi chúng ta làm việc ở một nơi cần phải xã giao và sôi nổi, chúng ta cũng buộc phải trò chuyện xã giao vui vẻ với mọi người.
Mặc dù chúng ta thích sáng tạo bay bổng và muốn trở thành hoạ sĩ, nhưng gia đình hướng ta đến một công việc ổn định như kỹ sư, bác sĩ, kế toán, chúng ta đành chấp nhận quên đi niềm vui thích của mình, gồng mình trở thành một con người khác.
Dấu hiệu 4: Có cảm giác bế tắc hoặc hối tiếc
Bạn cảm thấy hối tiếc vì bạn chưa dám thử sức, chưa theo đuổi hoặc bỏ lỡ một cơ hội, thú vui hay công việc nào đó và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Bạn cũng có giảm giác bế tắc như thể mình đang bị mắc kẹt trong một khoảng trống vô định mà không biết rồi cuộc sống của mình sẽ đi về đâu.
Dấu hiệu 5: Nghi ngờ những giá trị của bản thân
Do bản thân cảm thấy bấp bênh và hoang mang, bạn bắt đầu nghi ngờ liệu chính mình đang cản trở bản thân. Bạn cảm thấy bất an cả với những suy nghĩ, ước mơ, đam mê, kế hoạch và dự định của mình, lo lắng không biết liệu mình có đủ khả năng để thực hiện chúng hay không, bạn hoài nghi về giá trị của bản thân và không biết liệu mình có xứng đáng được sống hạnh phúc...
Chúng ta sẽ không dễ chịu gì khi lúc nào cũng bị dằn vặt bởi hàng tá những câu hỏi về cuộc đời trong khi tất cả những kinh nghiệm và kiến thức tích cóp được trong cuộc đời ngắn ngủi của mình vốn đã ít ỏi lại dường như càng trở nên mơ hồ, làm chúng ta càng thêm lo lắng và sợ hãi.
Nhưng nếu nhìn vào mặt tích cực, thì ngay tại thời điểm chúng ta biết đặt ra những câu hỏi tự vấn bản thân – thì cũng chính là thời điểm mà chúng ta đang trở thành một con người mới.
Tất cả những sự khát khao tìm ra câu trả lời này giúp chúng ta mở ra những cánh của mới, chào đón chúng ta đến mới những cuộc phiêu lưu khám phá bản thân mình.
Nguồn: TH&PL