Nên nhớ rằng, bạn không bao giờ một mình trong cuộc chiến chống lại trầm cảm.
Không phải đợi đến tin một ai đó chọn kết thúc đời mình vì áp lực, người ta mới nhận thấy áp lực kinh khủng đến mức nào. Rất nhiều người, đặc biệt là bạn trẻ đang ngày càng phải sống chung với áp lực, đối diện với nó không phải như người bạn mà là kẻ thù!
Dường như, mỗi ngày các bạn phải ra trận mà chẳng có vũ khí trong tay. Gen Z khủng hoảng tâm lý, cũng nhiều như hàng quán ngoài đường...
Nội dung liên quan
Một thế hệ lo âu chật vật gọi tên áp lực của chính mình
Bên cạnh những cái tên mỹ miều, Gen Z còn bị gắn những cái mác không ai muốn: thế hệ lo âu, trầm cảm, khủng hoảng, áp lực đồng trang lứa. Càng sống trong thế giới công nghệ, được tiếp xúc với những nội dung mở, Gen Z càng đơn độc và gồng gánh những trách nhiệm lớn lao.
Không chỉ công việc mà ngay cả trong học tập, Gen Z cũng không thiếu những nỗi lo. Tình hình dịch bệnh càng căng thẳng, kéo theo những mất mát và bất tiện càng làm tổn thương sâu sắc thế hệ này. Nhưng có lẽ điều đáng buồn nhất chính là Gen Z cảm thấy mình ít được đồng cảm.
Đó cũng là những nguyên nhân dẫn đến hệ lụy đau lòng mà cả người ra đi và người ở lại đều không thể sống yên ổn. Đối mặt với những điều đó, Gen Z có thể làm gì hay không thể làm gì để rồi dẫn đến những kết quả không thể tưởng tượng được?
Mở lòng để thấy ổn hơn
Thời đại mở, mỗi thứ ngày càng hiện đại hơn, Gen Z cũng không còn phải chiến đấu một mình. Hiện nay đang có rất nhiều cá nhân và tổ chức về các hoạt động tìm hiểu và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đó còn được gọi là hành trình đi về bên trong chính mình, để chữa lành và chấp nhận rằng chúng ta cũng chỉ là một bản thể khó có thể chịu được áp lực.
Ngày càng có nhiều bạn chủ động tìm hiểu vấn đề này, không kỳ thị các bệnh về tâm lý và chấp nhận thực hiện các phương pháp để bản thân có một cuộc sống tốt hơn, cởi trói khỏi những bóng ma ám ảnh ngày đêm.
Vì thế, đây là một phương pháp thiết thực mà bất cứ một bạn trẻ nào cũng nên làm. Hãy dũng cảm đối diện với thương tổn bên trong, tìm kiếm những khóa học chất lượng và phù hợp với chính mình. Rất nhiều tổ chức tâm lý có các hoạt động riêng tư, để đảm bảo mỗi một người đều có thể trải lòng mình ra mà không phải ngần ngại với điều gì.
Lắng nghe và thấu cảm
Cách tốt nhất để ổn định tâm lý của một người chính là sự lắng nghe. Khi một ai đó chú tâm đến lời nói của chúng ta, bản thân sẽ vô thức cảm nhận được sự động viên và quan tâm, rằng dù bạn có đang phải đối diện với điều gì, sẽ luôn có người ở đây nghe bạn kể.
Nếu người thân hoặc bạn thân của bạn đang phải đối diện với rối loạn lo âu hay họ đang trải qua dù chỉ một ngày bất ổn, hãy ở bên cạnh và lắng nghe họ. Đó là bước đầu để xây dựng niềm tin với những trái tim đầy thương tổn này.
Chuyên gia tâm lý Brandon Santan cũng cho biết: "Cách tốt nhất để thể hiện sự quan tâm với một người thân yêu đang trải qua trầm cảm là bày tỏ để được cùng tham gia các cuộc đấu tranh của họ. Hãy cho họ biết rằng bạn nhận thấy một điều gì đó đang diễn ra và đồng cảm với họ".
Nội dung liên quan
Chúng ta có thể không vượt qua, nhưng chúng ta vẫn sống
Với người đầy lo âu, trầm cảm hoặc đang phải đối diện với những điều tồi tệ trong cuộc sống thì đừng lựa chọn những lời khuyên sáo rỗng: "vui lên", "tích cực lên", "chuyện có gì đâu mà". Hãy hiểu rằng, bên ngoài họ vẫn thế nhưng bên trong sớm đã bào mòn kiệt quệ.
Có thể, trước áp lực dồn nén, những nỗi đau vô hình tấn công không ngừng nghỉ, chúng ta bật khóc, chúng ta mệt mỏi, chúng ta trốn tránh. Tất cả điều đó là hoàn toàn bình thường.
Vậy nên, không vượt qua cũng chẳng sao, đâu cần chúng ta phải cố gượng gạo để vui hay gồng mình để vượt qua. Cứ chầm chậm đúng nhịp độ của mình, bình tĩnh đối diện nỗi đau và cho phép bản thân yếu đuối. Than thở cũng được nhưng miễn là bạn hiểu được: chỉ cần bạn sống thì đó là điều tuyệt vời nhất trên đời.
Người trẻ, Gen Z hay bất kì ai cũng cần được nhắc nhở rằng họ không một mình trong cuộc chiến chống lại trầm cảm.
Nguồn: TH&PL