Từ vụ nam sinh Hà Nội tự tử: Đừng tìm lỗi, cùng tìm cách!

"Thông cảm" và "rút ra bài học" là điều duy nhất mà những người ngoài cuộc có thể làm.

"Bố ra xem cuối quyển vở địa con viết gì?", cậu bé nói với bố mình rồi không chần chừ lao ra ban công và nhảy xuống.

Trong ngày 1/4, cả cộng đồng mạng như lặng đi sau khi chứng kiến câu chuyện đau lòng về nam sinh cấp 3 tự tử tại Hà Nội. Sự việc đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, nhiều người "nghẹn đắng" đi khi thấy hành động của cậu bé và cả sự gào thét trong vô vọng của người bố khi tận mắt thấy con trai mình nhảy từ ban công xuống.

tu vu nam sinh ha noi tu tu dung tim loi cung tim cach - anh 0
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Daily Sabah)

Trách móc, giận dữ, tiếc thương và dày xéo... cả cộng đồng mạng lao vào cuộc để truy tìm nguyên do cho câu chuyện. Đoạn clip 7 phút từ camera trích xuất đã khiến nhiều người "tự cho rằng" cậu bé vì áp lực học hành từ bố mẹ nên mới đi đến bước đường cùng.

Rồi khi chứng kiến sự đau lòng của bố mẹ - người ở lại - cộng đồng mạng cũng "lời ra tiếng vào" chỉ trích cậu bé vì đã có hành động quá bồng bột mà không nghĩ đến nỗi đau của gia đình mình.

Đừng tìm lỗi... vì chúng ta đều là người ngoài cuộc!

Chưa từng có tiền lệ, thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc học sinh tự tử, thậm chí liên tiếp hai ngày 31/3 và 1/4 đều xảy ra sự việc đau lòng. Trước câu chuyện nam sinh nhảy lầu tự tử đang là tâm điểm hiện nay, còn là chuyện của nữ sinh lớp 8 treo cổ tự vẫn vào ngày 31/3 khiến dư luận không kịp nguôi ngoai. 

Những sự việc này vẫn còn đang trong quá trình điều tra để xác định rõ nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, khi chứng kiến quá nhiều câu chuyện thương tâm, cộng động mạng vừa xót xa nhưng cũng vừa "nổi trận lôi đình" với những nguyên do dựa trên suy đoán.

tu vu nam sinh ha noi tu tu dung tim loi cung tim cach - anh 0
Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ việc học sinh tự tử, thậm chí liên tiếp hai ngày 31/3 và 1/4 đều xảy ra sự việc đau lòng

Tuy nhiên, "thông cảm" và "rút ra bài học" là điều duy nhất mà những người ngoài cuộc có thể làm, thay vì truy cứu nguyên do theo cách mà chúng ta đang chĩa mũi dùi vào họ. 

Vì hơn ai hết, họ - những người ở lại - phải chịu sự dằn vặt của chính mình đã là một bi kịch. Và chúng ta không có quyền quy tội cho ai, đó là trách nhiệm của pháp luật. 

"Bố mẹ có đôi khi còn không hiểu con cái thì một người dưng sao hiểu hết câu chuyện", một bình luận vụt sáng lên giữa những tranh cãi trên mạng xã hội. Điều này minh chứng rằng, chúng ta có quyền bày tỏ niềm thương xót, nhưng chỉ nên dừng lại ở đó và đừng góp thêm "bạo lực mạng" lên chính những gia đình đang xảy ra bi kịch. 

tu vu nam sinh ha noi tu tu dung tim loi cung tim cach - anh 0
Bạo lực mạng đang diễn ra với gia đình của những đứa trẻ chọn tự tử để kết liễu cuộc đời của mình (Ảnh: Themillennials.life

Trước khi quyết định chia sẻ những đoạn clip và lá thư, hãy nghĩ đến việc gia đình họ sẽ phải sống với "vết thương" này cả đời. Và trước khi quyết định có một bình luận mang tính sát thương, hãy nghĩ đến việc chính họ mới là những người đang chịu nỗi đau thống khổ mất con hơn bất kỳ một người ngoài cuộc nào khác.

Cùng tìm cách để ngăn chặn!

Rõ ràng, đây không phải là lúc "vạch lá tìm sâu" cho một câu chuyện đã trở thành chủ đề muôn thuở. Mà hãy cùng nhau tìm cách để trả lời cho câu hỏi: Chúng ta cần bao nhiêu "bài học" nữa để rút ra kinh nghiệm? 

Theo PGS.TS Nguyễn Thành Nam, các nghiên cứu trong nước và trên thế giới đã chỉ ra nhóm tuổi có tỉ lệ tự tử cao nhất là từ 16 - 20 tuổi; nhóm có nguy cơ tự tử cao thứ hai từ 12-15 nhưng hiện đang có xu hướng trẻ hóa. Những trường hợp đã tự tử thành công được thống kê chỉ là con số nhỏ và những người nung nấu ý tưởng tự sát nhiều hơn từ 20-50 lần.

Những con số minh chứng có thể còn "khủng" hơn đến như vậy!

tu vu nam sinh ha noi tu tu dung tim loi cung tim cach - anh 0
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Pinterest)

Thực tế, để hạn chế những sự việc đau lòng như vậy là rất khó nhưng chẳng lẽ chúng ta bất lực để nó mãi tiếp diễn? Câu trả lời duy nhất cho việc này đó là mỗi cá nhân, mỗi gia đình phải chủ động thay đổi tư duy, hãy rút ra "bài học" từ những bài học có sẵn thay vì trải qua rồi mới bắt đầu hối hận thì đã quá muộn màng. 

Vì đôi khi sự muộn màng có thể đánh đổi bằng tính mạng! Tuy nhiên, muộn màng không có nghĩa là kết thúc, muộn màng để ở lại sửa chữa những lỗi lầm, muộn màng để có những suy nghĩ khác đi và thay đổi.

Tránh phán xét hoặc chinh phạt một ai, hãy cùng đồng cảm và nghĩ xem ta có thể cảm thấy thế nào nếu bản thân ở trong vị trí của họ. Trước sự gia tăng tự tử ở lứa tuổi thanh thiếu niên, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần thanh thiếu niên là một vấn đề quan trọng và cấp thiết.

Đừng tìm lỗi, cùng tìm cách! Để hạn chế hết mức những câu chuyện tương tự sẽ tiếp diễn trong tương lai. 

Nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh treo cổ tự tử với lá thư để lại: 'Việc con thành ra như vậy không phải do ai cả'

Người tung clip nam sinh nhảy lầu lên mạng xã hội sẽ bị xử lý như thế nào?

Công an truy tìm người phát tán clip nam sinh nhảy lầu và thư tuyệt mệnh

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ