"Mỗi ngày lướt gặp hàng tá những bạn cỡ tuổi mình làm được bao nhiêu thứ trong khi nhìn lại bản thân…, chỉ biết áp lực…!"
Áp lực thế hệ, áp lực đồng trang lứa hay "peer pressure" là những cụm từ luôn khiến chúng ta đấu tranh tư tưởng rất nhiều mỗi khi nhắc tới.
Lướt một hồi trên các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bài viết có title kiểu: "Tôi kiếm 10 triệu 1 tháng từ lúc 16-17 tuổi", "Tôi trở thành giám đốc A, trưởng phòng B khi 20 tuổi", "Tôi khởi nghiệp với số vốn cá nhân ít ỏi và đã thành công",… những câu chuyện thật giả lẫn lộn, chỉ lướt qua thôi cũng đủ để lại trong suy nghĩ của nhiều người những dấu chấm lửng.
"Mình hoàn toàn tin đó là nỗ lực của các bạn ấy, nếu không thật sự như vậy thì những chia sẻ của các bạn ấy cũng rất tích cực, rất đáng được trân trọng vì giá trị nó mang lại. Mình nhận ra thế hệ 'dẫn đầu xu hướng' giờ đây không chỉ hành động để hợp thời, để đổi mới nữa mà các bạn ấy đang khẳng định rằng là: À mình biết ý thức về cuộc sống, về tương lai và tài chính của chính bản thân nữa" - chia sẻ của bạn Tôn Lâm.
Bạn Thu Hà chia sẻ rằng trước những bạn như vậy thì chỉ luôn cảm thấy hâm mộ, không có chút peer pressure nào. Bản thân biết xuất phát điểm và môi trường của mỗi người không giống nhau, cho nên muốn so sánh thì cách tốt nhất là so sánh với chính mình của ngày hôm qua. Chỉ là chúng ta đang tạo áp lực cho mình.
Hay có cả những suy nghĩ ban đầu thiếu lạc quan, thiếu tích cực một chút không riêng gì của bạn Hạ Du mà còn nhiều người khác nữa: "Thật sự mỗi lần nhìn những bài viết này, mình cũng khá bối rối, có chút bất lực ban đầu, nhưng đều sẽ hướng suy nghĩ của bản thân lại rằng, mỗi người đều có cuộc sống và mục tiêu riêng. Thật ra thì, áp lực hay không cũng thế thôi".
"Tôi là ai" (by who) chứ đừng sống kiểu "Tôi là cái gì" (by what).
Suy cho cùng chỉ là sự đố kị không hồi kết và so sánh thua kém thiệt hơn hoặc đơn giản chỉ vì những lời tung hô khen chê quá đà và tác động của nhiều yếu tố môi trường bên ngoài khiến bạn đôi khi quên mất mình là ai và mình ở đâu chăng?
"Việc lẫn lộn giữa giá trị riêng biệt của chính mình và những giá trị "ảo" nâng đỡ mình là chuyện thường. Áp lực hay không là do tự ý thức được thôi. Một thần đồng đứng trước mặt ta thì có áp lực gì? Chỉ khi ta ganh tỵ và so sánh" – chia sẻ của bạn Vũ Đồng.
Thực ra biết mình là ai, ở đâu, làm được gì là sẽ ổn ngay.
Nhiều chuyện tuỳ thuộc vào cách chọn lựa của mỗi người. Hoàn toàn giống như kiểu đối với một số người hạnh phúc đôi khi là ăn đủ ngủ no, mặc đủ ấm, đầu óc thảnh thơi không có áp lực deadline công việc,... Nhưng với một số người lại là ăn ngon mặc đẹp, phấn đấu được những địa vị xã hội, họ đánh đổi thời gian, công sức, trí óc để đạt được điều đó.
Mục tiêu xuất phát từ chính mong muốn của bản thân bạn là gì? Liệu trong quá trình đi đến đó, đích đến đấy đã bị bóp méo, chệch hướng bởi "đứng núi này trong núi nọ", ganh tị, đố kị và ép bản thân chạy theo mục tiêu thoạt nhìn có vẻ là cao siêu, rộng mở hơn của người khác?
"Tôi ở quê và ngày bé rất thích đi cùng mẹ lên Hà Nội lấy hàng và đi chơi. Có 2 cách để tôi và mẹ lên Hà Nội đó là đi tàu và xe khách. Xe khách chỉ mất 2 tiếng rưỡi còn tàu thì mất 4 tiếng. Và tàu thì đi khá chậm nhưng mẹ con tôi vẫn chọn đi tàu vì mẹ tôi bảo mẹ đi ô tô say lắm và tôi cũng rất thích thú khi được đi tàu vì có thể ngắm những phong cảnh tuyệt đẹp của ruộng đồng, núi đồi. Cảm giác tàu đi chậm chậm lắc lư ngồi ngắm cảnh rất chill.
Nên là đi nhanh hay đi chậm và đi như nào đó là lựa chọn của mình, trải nghiệm cuộc sống là sự tự do lựa chọn của mỗi người. Có vẻ bây giờ con người họ đang đua nhau trở thành ông nọ bà kia và những vật chất. Và đem những vật chất đó ra để coi như đó là một sự đại diện thành công, một thành tựu trong cuộc sống. Đường ta, ta đi thôi các bạn. Các bạn chỉ cần biết là các bạn muốn đi một con đường như thế nào mà thôi!" – là câu chuyện của bạn Bảo Khánh.
Thực ra biết mình là ai, ở đâu, làm được gì là sẽ ổn ngay. Suy nghĩ đơn giản là 18-25 tuổi cũng chỉ là lúc chúng ta thực sự bước chân vào xã hội, trải nghiệm nó, làm cho nó có giá trị để có một bàn đạp cho các mốc phát triển khác được trôi chảy hơn. "Họ là họ và ta là ta", mỗi người có một mục tiêu và con đường riêng. Thay vì cảm thấy áp lực xuất phát từ đố kị thì hãy tập trung vào hướng đi riêng của chính mình.
Chúng ta là một thế hệ phát triển, chứ không phải một thế hệ tranh đua thiệt hơn.
Nguồn: TH&PL