Hãy thử bắt đầu năm mới với một tâm hồn khỏe mạnh hơn với các tips dưới đây.
Năm 2021 là một năm mà hầu hết chúng ta đều trải qua những biến động trong cảm xúc. Từ những tin tức về dịch bệnh, biến thể mới, vaccine rồi đến những tin tức về mất mát, về xã hội, kinh tế xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội khiến chúng ta không thể tránh khỏi việc cảm nhận được cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, một tin tốt là trong đại dịch này, chúng ta đã bắt đầu cởi mở và quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần.
Trải qua hai năm sống dưới cái bóng của Covid-19, bước sang năm thứ ba, chúng ta đã có thể rút ra nhiều hơn những phương pháp có thể giúp bản thân giữ thăng bằng khi phải đối mặt với quá nhiều căng thẳng và lo lắng.
1. Đặt tên cho cảm xúc của bản thân
Vào tháng 4/2021, Tiến sĩ Adam Grant đã gọi tên cảm xúc trong đại dịch, ông nói: "'Languishing' có thể là cảm xúc chủ đạo của năm 2021". "Languishing" là một cảm xúc trung gian, cảm giác ngưng trệ và trống rỗng, không vui mà cũng không buồn. Mọi người chắc chắn biết rằng bản thân họ đang cảm thấy như thế nào đó, nhưng đấy không phải là kiệt sức, phiền muộn hay thậm chí là buồn chán.
Tiến sĩ Grant viết: "'Languishing' là đứa con trung gian bị bỏ quên của sức khỏe tâm thần. Đó là khoảng trống giữa phiền muộn và sự phát triển khỏe mạnh - chính là sự vắng mặt của niềm vui và hạnh phúc". Ông đã gợi ý một số mẹo để có thể giúp bạn thoát ra khỏi sự trống rỗng đó, nhưng bước quan trọng đầu tiên mà ông đề xuất lại chỉ đơn giản là đặt tên cho cảm xúc. Làm như vậy sẽ giúp chúng ta có "một khung cửa sổ rõ ràng hơn về những gì đã từng là một trải nghiệm mờ ảo".
2. Đặt tên cho bệnh tâm lý của bản thân
Tương tự như việc gắn nhãn, đặt tên cho cảm xúc, bạn cũng nên gắn nhãn, đặt tên cho bệnh tâm lý của chính mình. Nó sẽ giúp bạn xác định rõ rằng hội chứng hay căn bệnh tâm lý này tác động đến bạn như thế nào và ảnh hưởng tiêu cực đến bạn ra sao.
Đây cũng được coi là một bước quan trọng để giúp bạn cởi mở hơn về cuộc đấu tranh cho sức khỏe tâm thần của bản thân. Biệt danh hay một tên gọi khác có thể giúp bạn sáng tỏ hơn về góc tối của chính mình.
3. Tìm ra ý nghĩa trong các hoạt động hàng ngày
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng có rất nhiều điều đơn giản mà bạn có thể thực hiện để "sạc lại" cảm xúc và khơi dậy cảm giác hài lòng, có mục đích và hạnh phúc của mình. Cộng đồng tâm lý học gọi sự kết hợp tuyệt vời của cả thể chất, tinh thần và cảm xúc này là "sự phát triển khỏe mạnh" (flourishing).
Và có một cách dễ dàng để bạn có thể đạt được điều đó là thực hiện các hoạt động hàng ngày với nhiều mục đích hơn. Ví dụ, một việc đơn giản như dọn dẹp nhà bếp, dọn sân vườn, hoặc thậm chí chỉ là giặt vỏ gối cũng hoàn toàn có thể mang đến cảm giác thành tựu.
4. Thử thiền ở bất cứ đâu
Tiến sĩ Judson Brewer, giám đốc nghiên cứu và đổi mới tại Trung tâm Chánh niệm của Đại học Brown, cho biết bộ não của chúng ta giống như một chiếc máy tính và nó chỉ có một lượng trí nhớ ngắn hạn nhất định. Đó là lý do tại sao những cảm xúc tiêu cực như lo lắng và căng thẳng có thể khiến bạn khó suy nghĩ hoặc giải quyết vấn đề hơn. "Điều đầu tiên chúng ta phải làm là kiềm chế bản thân trong thời điểm hiện tại để có thể bình tĩnh trở lại", Tiến sĩ Brewer nói.
Ông khuyên mọi người nên thử thực hiện bài tập thiền với năm ngón tay, vì đây là bài tập rất dễ thực hiện, trong khi bạn có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Và như những bài thiền khác, bài tập này cũng có thể giúp bạn lắng đọng và bình tĩnh lại.
5. Cho phép bản thân buồn vì những mất mát "nhỏ"
Theo thứ bậc về nỗi đau mà con người phải trải qua trong đại dịch thì một buổi dạ hội, một kỳ nghỉ bị hủy bỏ, hoặc mất đi thời gian ở cạnh bên người thân nghe có vẻ không nhiều, nhưng các chuyên gia sức khỏe tâm thần nói rằng mọi sự mất mát đều cần được thừa nhận và đau buồn.
Một khi bạn chấp nhận rằng sự mất mát của mình là có thật, bạn sẽ có thể tìm thấy cách để vượt qua nó.
6. Nếu bạn cần, hãy sử dụng một "ngày buồn"
Khi bộ não và cơ thể của bạn cần nghỉ ngơi thì việc tận dụng ngày nghỉ phép trong quá trình làm việc hay học tập có thể giúp bạn nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng. Như một nhà tâm lý học lâm sàng đã nói rằng: "Bạn không cần cảm thấy tồi tệ khi dành thời gian nghỉ ngơi vì bị ốm. Bạn không nên cảm thấy tồi tệ khi dành thời gian nghỉ ngơi vì bạn thấy buồn". Bạn không cần phải nói cho bất kỳ ai về lý do tại sao bạn lại nghỉ.
Trong hầu hết các tình huống, chỉ cần nói rằng bạn cần nghỉ ốm trong một ngày và chỉ cần chia sẻ đến vậy là đủ. Tuy nhiên, bạn hãy cố gắng không dành một ngày đó để kiểm tra tin nhắn hoặc cảm thấy tội lỗi. Thay vào đó, hãy lập kế hoạch làm điều gì đấy sẽ có thể giúp bạn nạp lại năng lượng hơn.
7. Trước khi ngủ, hãy viết ra điều khiến bạn bận lòng
Việc thường xuyên không ngủ ngon không chỉ là một điều phiền toái, mà nó còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch, giảm trí nhớ, khả năng chú ý và làm tăng khả năng bị trầm cảm.
Anahad O'Connor, người đã báo cáo về hiện tượng gia tăng của rối loạn giấc ngủ trong đại dịch, nói rằng một trong những phương pháp điều trị "chứng mất ngủ Corona" (coronasomnia) hiệu quả nhất là liệu pháp nhận thức hành vi, hay còn gọi là CBT, bởi vì cách tiếp cận này giúp bạn nhìn nhận lại những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi mà không được thể hiện rõ ràng - những yếu tố đang phá hỏng giấc ngủ của bạn.
Một chiến lược lấy cảm hứng từ CBT là viết ra tất cả những suy nghĩ của bạn, đặc biệt là bất cứ điều gì khiến bạn bận tâm, vào khoảng hai giờ trước khi đi ngủ, sau đó, bạn hãy vò nát tờ giấy đó và vứt nó đi. Việc làm này có thể tiếp thêm cho bạn sức mạnh và giúp xoa dịu tâm trí của bạn.
8. Đếm cừu hoặc làm những điều tương tự khi mất ngủ
Bạn thường bị thức giấc vào lúc 3 giờ sáng? Anahad O'Connor cũng có lời khuyên cho tình trạng khó khăn này, chẳng hạn như hạn chế uống rượu và cà phê.
Maria De Angelo, một giáo viên ở Los Angeles, người cũng đang sửa sang nhà cửa, cho biết rằng khi mất ngủ, cô thường nhắm mắt lại và nghĩ về một sơ đồ đi dây điện phức tạp trong căn bếp mà cô từng sửa sang. Bài tập trí óc gây buồn chán như đếm cừu cũng giúp cô dễ ngủ hơn. Vào những đêm khác, De Angelo nhắm mắt lại và đọc thuộc lòng tên của từng bang ở Mỹ theo thứ tự bảng chữ cái. Cô nói: "Đến giờ, tôi vẫn chưa đọc qua chữ 'N'. Dù là thực hiện một hay cả hai phương pháp thì chúng đều có hiệu quả 95%".
9. Nếu có thể, hãy cho đi
Trước khi đại dịch ập đến khiến mọi người bị chia cắt với những người thân yêu của mình, các chuyên gia Hoa Kỳ đã cảnh báo về một "đại dịch của sự cô đơn". Và một phương pháp tiềm năng trong hoàn cảnh này chính là đối xử tử tế với người khác.
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc cho đi có thể cải thiện sức khỏe của chúng ta, giảm bớt cảm giác cô đơn và mở rộng mạng lưới xã hội của chúng ta. Bạn có thể bắt đầu bằng cách đặt ra một mục tiêu nhỏ, chẳng hạn như đi tình nguyện mỗi tháng một lần hoặc thậm chí ba tháng tháng một lần và dần dần hướng tới mục tiêu lớn hơn.
10. Để bản thân nghỉ ngơi
Trong quãng thời gian diễn ra đại dịch, chúng ta không ít lần nghe thấy những lời phàn nàn về việc tăng cân hoặc việc tập thể dục ít hơn khiến thân hình không còn được đẹp như trước. Tuy nhiên, có một sự thật rằng tự làm xấu bản thân lại là một việc làm phản tác dụng.
Thay vì chê bai và cảm thấy tự ti về bản thân, bạn hãy thực hành lòng trắc ẩn với bản thân. Một trong những cách đơn giản nhất để làm như vậy là tự hỏi bản thân rằng: "Điều tôi cần bây giờ là gì?". Bởi vì bạn hoàn toàn không cần phải luôn chạy theo những tiêu chuẩn của xã hội và đôi khi, được là chính bạn đã đủ là một điều tuyệt vời rồi.
Nguồn: TH&PL