Cuộc sống đại dịch không nhất thiết chỉ là để tồn tại. Bạn có thể trở nên mạnh mẽ và sẵn sàng hơn với những thử thách tiếp theo.
Sức khỏe tâm thần đã trở nên khủng hoảng trong thời kỳ đại dịch, với tỷ lệ lo lắng, trầm cảm và kiệt sức tăng vọt. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy một phần đáng kể người trưởng thành đã tìm ra cách để hoạt động và thậm chí phát triển, bất chấp việc phải đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và các biến động xã hội.
Có thể nói, xu hướng này minh họa cho tiềm năng của con người, điều mà các nhà tâm lý học gọi là khả năng phục hồi từ những trải nghiệm tiêu cực và chịu đựng nghịch cảnh.
Giống như với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, một số người thậm chí còn trở nên mạnh mẽ hơn trước đại dịch - với những thay đổi tích cực trong cách họ nhìn nhận bản thân, cảm nhận về cuộc sống hoặc các mối quan hệ của họ. Các nhà tâm lý học gọi hiện tượng này là "sự tăng trưởng sau chấn thương" (post-traumatic growth).
Tin tốt là cả khả năng phục hồi và khả năng tăng trưởng từ nghịch cảnh đều có thể được trau dồi, cho dù đang ở trong thời điểm thích hợp nhất hay đang ở giữa khủng hoảng. Các nghiên cứu đề xuất một số chiến lược - như tìm kiếm sự hỗ trợ từ xã hội, nuôi dưỡng cái nhìn tích cực về cuộc sống và làm gián đoạn căng thẳng - có thể giúp bạn mạnh mẽ, hoặc thậm chí là trở nên mạnh mẽ hơn trong những thời điểm khó khăn.
Tiến sĩ Steven Southwick, bác sĩ tâm thần có chuyên môn về căng thẳng sau sang chấn tại Trường Y Yale cho biết: "Khả năng phục hồi là một tập hợp các kỹ năng mà một người phát triển. Và hầu như bất kỳ ai cũng có thể học cách kiên cường hơn".
1. Xây dựng một mạng xã hội mạnh mẽ
Một tuần sau khi Canada thực hiện giãn cách xã hội do Covid-19 vào tháng 3/2020, Simon Coulombe, một nhà nghiên cứu tâm lý và quan hệ lao động tại Đại học Laval, ở Quebec và Tyler Pacheco, một nghiên cứu sinh tại Đại học Wilfrid Laurier, ở Waterloo, bắt đầu khảo sát hơn 1.000 người Canada trưởng thành về mức độ hạnh phúc của họ. Họ tiếp tục làm như vậy vào vài tuần sau đó và một lần nữa vào hai tháng sau khi đại dịch bắt đầu.
Những người tham gia cho biết họ chịu rất nhiều căng thẳng do công việc không ổn định hoặc sợ hãi virus và đối với nhiều người, những căng thẳng này có liên quan đến cảm giác rằng cuộc sống đã mất đi một số ý nghĩa vốn có của nó. Tuy nhiên, hỗ trợ xã hội và tương tác xã hội lại chính là điều bảo vệ mọi người khỏi một số căng thẳng đó.
Ngay cả trong vài tuần đầu tiên, theo dữ liệu mà các nhà nghiên cứu chưa công bố chính thức, gần một nửa số người tham gia khảo sát cho biết họ có các dấu hiệu của sự phát triển sau chấn thương - chẳng hạn như cảm giác rằng họ đã giúp đỡ người khác - và một lý do chính cho điều đó là gia đình và mạng lưới bạn bè. Xu hướng đó vẫn tiếp tục tồn tại trong nhiều tháng, Tiến sĩ Coulombe nói.
Ông nói thêm rằng một số người bẩm sinh đã kiên cường hơn những người khác, nhưng vẫn có rất nhiều điều để chúng ta có thể trau dồi, phát triển bản thân và xây dựng sự hỗ trợ xã hội là một trong những yếu tố mang tính bảo vệ lớn nhất, theo nghiên cứu trong suốt nhiều thập kỷ.
2. Tìm kiếm khoảnh khắc để lạc quan
Ở Hoa Kỳ, sau vụ khủng bố ngày 11/9, các cuộc khảo sát cho thấy, có tới 70% mọi người nói rằng họ cảm thấy chán nản. Nhưng 60% số người tham gia cũng cho biết mối quan hệ của họ trở nên bền chặt hơn, và dành nhiều tình cảm cho người thân hơn.
Dựa trên một nghiên cứu của hàng chục sinh viên đại học vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng lòng biết ơn, tình yêu và những cảm xúc tích cực khác trong những tuần sau sự kiện khủng bố, ngay cả khi mọi người bị khó ngủ và khó tập trung, đã cung cấp một bước đệm quan trọng giúp họ chống lại bệnh trầm cảm.
Để nuôi dưỡng sự tích cực, các nhà nghiên cứu khuyên bạn nên tìm kiếm sự thoải mái trong niềm tin tâm linh hoặc tôn giáo, thực hiện các hoạt động thú vị và trò chuyện về những khoảng thời gian tươi đẹp nhất. Theo các nghiên cứu từ những năm 1990, sự hài hước, thư giãn và suy nghĩ lạc quan có thể giúp khơi gợi sự tích cực và tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta có thể đối phó với những thời điểm khó khăn.
George Everly Jr., nhà tâm lý học và chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Trường Y Đại học Johns Hopkins, người đã thực hiện nghiên cứu với bệnh nhân chạy thận và cựu chiến binh, cho biết ngay cả khi sự lạc quan không đến với bạn một cách tự nhiên thì đó vẫn là một kỹ năng mà bạn có thể nuôi dưỡng.
Ông nói: "Có nghiên cứu khoa học thần kinh chỉ ra rằng ngay cả khi bạn sinh ra là một người bi quan, bạn vẫn có thể trở thành một người lạc quan. Chúng ta phải nhìn vào hoàn cảnh và hỏi rằng: Điều mà chúng ta học được là gì?".
Nhìn vào mặt tích cực của sự việc có thể giúp mọi người hiểu được những gì đang xảy ra, Tiến sĩ Coulombe nói. "Đại dịch gây ra nhiều vấn đề và gián đoạn, một số người đã tận dụng sự gián đoạn đó như một cơ hội để bắt đầu một điều gì đó mới mẻ".
3. Gián đoạn chu trình căng thẳng
Tiến sĩ Southwick, nghiên cứu của ông bao gồm cả người còn sống sót sau thảm họa thiên nhiên, cho biết, việc giảm bớt căng thẳng trong bạn trước những sự kiện gây chấn thương có thể giúp bảo vệ bạn về mặt tâm lý.
Ông nói, trong não bộ, căng thẳng mãn tính có thể làm tăng kích thước của một số vùng gây thiệt hại cho những vùng khác, có thể làm giảm khả năng điều chỉnh cảm xúc của chúng ta, cùng những tác động khác.
Tuy nhiên, các kỹ thuật như chánh niệm và các bài tập thở (thở chậm, sâu hoặc thở dài) sẽ kích hoạt các vùng não chịu trách nhiệm về sự chú ý, cảm xúc và nhận thức về bản thân. Những thay đổi này có thể làm gián đoạn quá trình tiến triển từ sợ hãi đến lo lắng và giúp chúng ta phục hồi dễ dàng hơn.
Các chuyên gia nói rằng chúng ta cần bắt đầu thực hiện các biện pháp ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe tinh thần của chúng ta trong tương lai.
4. Tận dụng những sự kiện làm thay đổi cuộc sống
Tiến sĩ Southwick nói rằng bạn không nên cảm thấy tồi tệ vì bạn thấy buồn, thấy chán nản. Sự đau khổ tột độ là tiền đề cho sự phát triển sau chấn thương và có thể mất vài tháng hoặc vài năm để sự phát triển đó xảy ra. Sự căng thẳng và việc đối phó với nó thường diễn ra cùng một lúc. Nhưng một sự thay đổi đột ngột và mạnh mẽ trong cuộc sống có thể khiến bạn đánh giá lại những điều quan trọng và đó có thể là một điều có ảnh hưởng tốt đối với bạn.
Ông chia sẻ thêm: "Chúng ta thấy điều đó ở những người sống sót sau khi mất người thân, sau thảm họa thiên nhiên, tai nạn xe cộ hay bệnh tật" và ở các cựu chiến binh và những người làm việc trong lĩnh vực y tế. "Họ có thể thấy bản thân nghĩ rằng: Tôi dễ bị tổn thương hơn tôi nghĩ. Nhưng tôi cũng mạnh mẽ hơn so với những gì tôi từng tưởng tượng", ông nói.
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.
Nguồn: TH&PL