Căng thẳng tâm lý có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, yếu tố quan trọng để bảo vệ con người không bị nhiễm bệnh.
Những căng thẳng luôn thường trực vào năm 2021, nó dường như hoàn toàn là điều không thể tránh khỏi. Giữa vô số những lo lắng về việc gia đình có thể bị ốm nặng, trách nhiệm chăm sóc tăng cao, mối quan tâm thường xuyên về thu nhập bị mất, nỗi đau mất kết nối xã hội và sự gia tăng của các biến thể mới… những yếu tố gây căng thẳng không bao giờ chấm dứt.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các cuộc khảo sát gần đây của Hoa Kỳ đã báo cáo rằng 55% dân số nói chung cảm thấy căng thẳng gia tăng trong đại dịch và sinh viên các trường đại học trên khắp thế giới đã báo cáo sự gia tăng trầm cảm và lo lắng liên quan đến đại dịch. Mặc dù nhiều người đã thừa nhận sự suy giảm sức khỏe tinh thần kể từ đầu năm 2020, nhưng điều hầu như không được nói ra là những cảm giác này có thể liên quan đến khả năng mắc bệnh.
Cách căng thẳng đang bào mòn sức khỏe con người
Trước đây, có thể chúng ta đã nghe nói rằng căng thẳng có hại cho con người, nhưng có lẽ ta vẫn chưa hiểu chính xác về cách thức mà chúng vận hành. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu cơ chế hoạt động của điều này trong nhiều thập kỷ. Bằng chứng đã chứng minh không cần bàn cãi rằng căng thẳng có thể gây ra những thay đổi gây hại cho hệ thống miễn dịch ở cả người và động vật.
Nhà khoa học tâm lý Sheldon Cohen đã tiến hành một số nghiên cứu trong đó những người khỏe mạnh bị nhiễm trùng đường hô hấp trên thông qua những giọt virus được đặt trực tiếp vào mũi của họ. Những người tham gia này sau đó được cách ly trong một khách sạn và được giám sát chặt chẽ để xác định ai bị bệnh và ai không mắc bệnh. Một trong những yếu tố quan trọng nhất dự đoán ai mắc bệnh và ai sống khỏe là căng thẳng tâm lý kéo dài.
Những người có tác nhân gây căng thẳng kéo dài từ sáu tháng đến hai năm có nguy cơ bị bệnh với tác nhân truyền nhiễm cao hơn gần ba lần so với những người không bị căng thẳng. Hiện tượng này đặc biệt được thúc đẩy bởi các yếu tố gây căng thẳng phổ biến đối với nhiều người trong chúng ta ngày nay, bao gồm thất nghiệp và những khó khăn phải chịu đựng với gia đình hoặc bạn bè.
Cohen giải thích rằng mặc dù coronavirus chưa được nghiên cứu nhiều như cảm lạnh và cúm, nhưng có thể tin rằng một số yếu tố bảo vệ tương tự sẽ có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các yếu tố bảo vệ lớn nhất bao gồm cảm giác được kết nối và hỗ trợ về mặt xã hội và ngủ ít nhất bảy giờ mỗi đêm, nhưng các nghiên cứu trong những năm qua cũng đã nhiều lần chỉ ra rằng các yếu tố như giảm căng thẳng và mức độ cảm xúc tích cực cao hơn cũng là chìa khóa để bảo vệ.
Vai trò của sức khỏe tinh thần với Covid-19
Làm thế nào để cảm giác căng thẳng hoặc trải nghiệm cuộc sống căng thẳng có thể thay đổi khả năng mắc bệnh của chúng ta? Một trong những yếu tố quan trọng là tình trạng viêm nhiễm. Nó sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển các tế bào miễn dịch trong cơ thể của con người để các tế bào phù hợp có mặt ở đúng vị trí vào đúng thời điểm và ở mức độ phù hợp.
Khi căng thẳng cao và kéo dài, các nội tiết tố trong cơ thể chúng ta mất cân bằng dẫn đến mức độ viêm cao hơn bình thường và một loạt các kết quả bất lợi cho sức khỏe. Khi nó xảy ra, nhiều tình trạng tồn tại liên quan đến các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng và nhập viện cũng liên quan đến mức độ căng thẳng và viêm cao hơn, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường và béo phì.
Người ta thậm chí còn đề xuất rằng Covid-19 kích hoạt chứng viêm theo cách tương tự như căng thẳng mãn tính và dẫn đến "cơn bão cytokine". Điều này có thể một phần là do hoạt động của các hormone căng thẳng như cortisol, được tiết lộ là cao trong những trường hợp nghiêm trọng nhất của Covid-19, bao gồm cả tăng nguy cơ tử vong.
Với những lý do trên, ta có thể dễ dàng thấy được mức độ liên kết của trạng thái tinh thần với Covid-19. Vì vậy, mỗi cá nhân không chỉ cần chú ý đến sức khỏe thế chất, mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe tinh thần thực sự hiệu quả để có thể tránh được những tác nhân gây bệnh, nhất là trong giai đoạn "bình thường mới", cùng những rủi ro về dịch bệnh.
Cần nghiêm túc hơn trước các vấn đề sức khỏe
Vấn đề căng thẳng và sức khỏe của chúng ta, đặc biệt là trong thời gian mức độ nhiễm Covid-19 đang có nguy cơ bùng phát trở lại và các biến thể mới trên khắp thế giới. Có một hệ thống miễn dịch hoạt động tối ưu chưa bao giờ lại quan trọng đến như vậy, thậm chí nó còn trở nên cấp thiết để con người có thể sớm ổn định cuộc sống.
Ngay cả khi đủ may mắn để sống ở một nơi nào đó với mức Covid-19 đã chững lại hoặc giảm xuống, hay việc đã được chủng ngừa, thì những vấn đề về tinh thần như: căng thẳng, cô đơn, khó ngủ… và các hiện tượng liên quan đến viêm nhiễm khác cũng là chìa khóa cho cách cơ thể của chúng ta có phản ứng tốt với việc tiêm phòng hay không.
Điều này mang lại một lý do khác để tập trung vào sức khỏe ngay bây giờ. Vì vậy, hãy làm theo lời khuyên từ nhiều nghiên cứu: Hãy nghiêm túc nhìn nhận sự căng thẳng của bản thân và bảo vệ sức khỏe trong thời gian căng thẳng triền miên. Giữ kết nối xã hội, tập trung vào những gì có thể kiểm soát hơn là những gì không thể. Dành thời gian mỗi ngày để làm điều gì đó hạnh phúc và ưu tiên giấc ngủ, cũng như tập thể dục.
Quan trọng nhất, hãy lắng nghe các chuyên gia sức khỏe cộng đồng, tiêm phòng, đeo khẩu trang và rửa tay, đồng thời cũng nên nhớ rằng đó không phải là dấu chấm hết của việc giữ gìn sức khỏe. Tâm trí sẽ ảnh hưởng đến cơ thể theo những cách quan trọng và liên quan đến Covid-19, vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe, nhất là mức độ căng thẳng luôn là điều cần thiết.
Nguồn: TH&PL