Chi một khoảng tiền không nhỏ cho âm nhạc cũng chính là việc mua lấy một liều thuốc tinh thần để chữa lành.
Với nhiều bạn trẻ thì những cái tên như Mây Lang thang, Lululola, Chợ Gạo… đã không còn xa lạ, đặc biệt với những tín đồ say mê âm nhạc. Có một thực tế là trong những đêm diễn tương tự như vậy, để có thể thưởng thức âm nhạc chất lượng thì chúng ta buộc phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ, đôi khi còn phải tranh vé mới có thể sở hữu được chỗ ngồi xem show.
Nội dung liên quan
"Ở nhà bật YouTube lên để nghe thôi, đâu cần hoang phí tiền như vậy?", sự so sánh này luôn được nhận thấy ở nhiều người khi biết được giá trị thật sự của một đêm diễn. Họ có thể bỏ tiền vào những mục đích khác, nhưng với âm nhạc đôi khi chần chừ và tiếc khi cho rằng chúng không tạo ra họ bất kỳ lợi ích nào, thậm chí chỉ cần ở nhà có wifi "đủ vạch" cũng đã có thể xem được.
Vậy lý do nào mà nhiều người có thể bỏ tiền ra để xem nghệ sĩ trình diễn?
Mua vé chỉ để được gặp thần tượng
Mối liên kết về mặt tình cảm giữa thần tượng với người hâm mộ luôn có điều gì đó rất đặc biệt, không dễ dàng để gặp được nhau nhưng luôn là động lực để cho nhau cùng phát triển. Nhiều người chỉ có thể gặp thần tượng mình thông qua Internet, nên việc xem hát đôi khi chỉ là cái cớ để được gặp gỡ thần tượng của mình một cách trực tiếp hơn.
Trên thực tế cũng có nhiều cách để gặp gỡ thần tượng khác nhau nhưng dường như điều này khá khó khăn, đặc biệt với những nghệ sĩ có đời tư kín tiếng và ít xuất hiện trước công chúng. Đó là cuộc sống cá nhân của riêng họ, đôi lúc người hâm mộ cũng phải nên tôn trọng.
Có vô số lý do để người ta tìm đến một đêm nhạc, nhưng đôi lúc thứ tìm đến lại là cái tên nghệ sĩ mà họ yêu thích, chúng ta say mê chàng ca sĩ vì họ nhảy đẹp, thích nữ ca sĩ đó vì tiếng hát trong trẻo, kể cả là việc nghệ sĩ đang hot trên mạng xã hội…
Thứ chúng ta mua đôi khi chỉ là một không gian không giới hạn, có âm nhạc và thần tượng, nơi mà bản thân không chỉ nghe, mà còn được nhìn. Một tấm vé xem hát có thể sẽ đắt với nhiều người nhưng chúng hoàn toàn xứng đáng với những ai yêu thích âm nhạc, hãy xem đó như một sở thích của cá nhân và bản thân ta được phép dành những điều tuyệt vời nhất cho mình sau những vất vả trong cuộc sống.
Nội dung liên quan
Thứ bán không phải âm nhạc, mà là… không khí
Giữa cuộc sống đầy những mệt mỏi và muộn phiền, ai cũng có những câu chuyện lòng của riêng mình, mà chẳng biết giãi bày cùng với ai. Âm nhạc chính là liều thuốc hiệu quả nhất để chữa lành hết thảy mọi tổn thương sau một ngày dài cố gắng của con người.
Một buổi tối cuối tuần lang thang vào một đêm nhạc, hay cùng người yêu và hội bạn thân tạm gác đi những ồn ào ngoài kia để hòa mình vào không khí của âm nhạc là một trải nghiệm tuyệt vời. Ở đó không còn muộn phiền, chỉ còn sự lắng đọng và da diết, như lời tâm sự của những người đang hát và người đang nghe.
Có nhiều người nói rằng thứ mà các đêm nhạc như vậy bán không phải là âm nhạc, mà là không khí. Chúng ta có thể nghe ở bất cứ đâu, nhưng để có được một không khí ấm áp, gần gũi hay sôi động, nhộn nhịp thì sẽ chẳng có bất cứ nơi nào hoàn hảo hơn những đêm nhạc. Không có những sự chỉnh sửa để hoàn hảo, họ đến với chúng ta bằng những sự chân thật nhất trong không khí.
Cảm giác được gần gũi với thần tượng, lắng đọng cùng những ca khúc sâu sắc của họ hay bất giác hú hét theo cùng khán giả xung quanh chắc chắn là một trải nghiệm ta không nên bỏ qua. Buổi trình diễn đôi khi không hoàn hảo như những gì ta thấy trên Internet, nhưng thứ cảm giác mà chúng mang lại sẽ vô cùng thú vị và khác biệt.
Nội dung liên quan
Vé đắt nhưng âm nhạc văn minh và chỉn chu
Bỏ tiền không thấy tiếc à?
Không, vì đây chính là thứ âm nhạc của những người biết thưởng thức, không chỉ là một đoạn trend trên "tóp tóp" vài giây, mà là một chỉnh thể hoàn chỉnh được hoàn thiện thông qua cả giai đoạn cố gắng của mỗi người, từ sự chỉn chu trong lời nhạc đến sự văn minh trong tiếng hát.
Giống như việc chúng ta mua một căn nhà, một chiếc xe sang thì việc mua vé cũng chính là việc ta mua lấy một tài sản của tinh thần và trí tuệ, là sự lao động của người khác để mỗi cá nhân có thể được thưởng thức mọi thứ một cách trọn vẹn nhất.
Trong sự việc Nam Em sử dụng ca khúc chưa xin phép, Kai Đinh viết trên trang cá nhân của mình: "Tài sản trí tuệ cũng là tài sản, những người thực hiện dự án như chúng tôi là những người đã phải đầu tư thời gian, tài chính, và công sức để cân đo đong đếm cách sản xuất một bài hát hoàn chỉnh, và mong muốn được khán giả công nhận những nỗ lực đó bằng sản phẩm chỉn chu nhất có thể".
Điều đó cho thấy để có được một đêm diễn hoàn hảo, một MV ca nhạc được nhiều người săn đón, một bài hát trở nên viral là cả một quá trình dài, chứ không đơn thuần là việc một ca sĩ chỉ lên sân khấu để cất giọng hát. Vì vậy, việc bỏ tiền mua vé xem một cách chính thống tại các đêm nhạc đôi khi lại là cách ta đang mua những giá trị đích thực mà con người tạo ra.
Nguồn: TH&PL