Đến thời điểm hiện tại, tinh thần của Trịnh Công Sơn vẫn được duy trì xuyên suốt trong dòng chảy âm nhạc Việt.
Từ hạt bụi...
"Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi / Để một mai tôi về làm cát bụi" - câu hát huyền thoại của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại tiếp tục được vang lên vào ngày 1/4/2022 - mốc kỉ niệm 21 năm ngày mất của ông.
Cách chủ nhân của ca khúc Diễm Xưa đặt để và khai thác những hình ảnh về cát bụi luôn khiến khán giả phải kính nể vài phần.
Những hạt bụi của Trịnh Công Sơn đã theo cơn gió từ những tiếng đàn guitar của ông đi khắp các ngõ hẻm, ngôi nhà và hằn sâu những ký ức của khán giả về thứ âm nhạc được nhiều người tôn thờ và gọi với cái tên "nhạc Trịnh".
Những khán giả đó, ngày hôm nay, có những người đã trở thành các nghệ sĩ có vị trí rất cao trong âm nhạc. Nhiều thế hệ ca sĩ đã gắn bó, học tập và ảnh hưởng bởi nhạc Trịnh như: Cẩm Vân, Hồng Nhung, Quang Dũng, Lân Nhã, thậm chí là cả những rapper như Binz, Đen Vâu,...
Để miêu tả về âm nhạc của ông, hãy sử dụng cách Google Doodles lý giải việc tôn vinh nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông:
"Với một di sản để lại cho làng âm nhạc Việt Nam gồm hơn 600 ca khúc, trong đó có hơn 236 ca khúc được phổ biến rộng rãi và được công chúng tích cực đón nhận và yêu mến, cái tên Trịnh Công Sơn đã trở thành một huyền thoại trong làng âm nhạc Việt và là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam.
Nhạc của Trịnh Công Sơn giàu tính triết lý và sâu sắc, với dấu ấn rất riêng trong tư tưởng và ca từ, thể hiện tình yêu to lớn dành cho con người, quê hương Việt Nam và ca ngợi hòa bình cùng những bản tình ca nồng nàn, sâu lắng".
Sự nhạy bén với những thứ tưởng chừng là hữu hạn, vô thường và khó để diễn tả thành lời chính là thứ đã tạo nên phong cách của riêng Trịnh Công Sơn, và chỉ có thể tìm được ở nhạc Trịnh.
Chính nhờ sự thấu cảm đó, cố nhạc sĩ thu hút một lượng lớn sự hâm mộ từ khán giả. Chưa chắc ông đẫ là người giỏi nhất nếu so với những nhân vật cùng thời như Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh 9,... Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn chắc chắn là nhân tố đã để lại nhiều ảnh hưởng nhất lên âm nhạc của thế hệ sau.
Nội dung liên quan
... đến sự ảnh hưởng to lớn âm nhạc
Điều này có thể thấy rõ qua cách tư duy dấu lặng và những quãng ngắt, nghỉ của Binz. Có lẽ, anh lấy cảm hứng từ câu nói của Trịnh Công Sơn:
"Nếu trong âm nhạc không có những dấu lặng, dấu nghỉ, thì đó là một tai họa. Đám đông và sự ồn ào không phải luôn luôn là đại diện của sự sống. Ta cần sự nghỉ ngơi và tĩnh lặng không phải chỉ trong lúc nằm bệnh mà ngay cả trong lúc đang sinh hoạt bình thường".
Còn với Đen Vâu, việc anh trực tiếp làm lại ca khúc Quỳnh Hương với JGKiD (Da LAB), Dưới Hiên Nhà với một đoạn hát lại bài Ở Trọ của Thơm (Da LAB) và những lần nhắc nhớ đến cố nhạc sĩ như trong câu Rap: "Như Trịnh Công Sơn, anh muốn để gió cuốn anh đi".
Cách rap của Đen cũng mang đậm tính chiêm nghiệm và sâu sắc. Những khía cạnh được nam rapper này khai thác khiến nhiều khán giả so sánh anh như "Trịnh Công Sơn của nhạc Rap".
Đây có lẽ là một cách so sánh hơi... "quá". Nhưng nếu nhìn vào tinh thần trong âm nhạc của hai nhân vật này, rất dễ để thấy được những sự tương đồng về tính chiêm nghiệm, sự chữa lành,...
Tạm kết bằng câu nói của cố nhạc sĩ: "Tất cả mọi điều sẽ qua đi, sẽ biến mất, nhưng tiếng hát, câu ca, một khi đã được khai sinh với ngày thôi nôi huy hoàng của nó thì sẽ ở lại với đời mãi mãi.
Đó là một cuộc rong chơi ngậm ngùi của hữu hạn muốn chộp bắt cái vô hạn làm món quà thế chấp cho đời mình". Tư duy âm nhạc của ông vẫn đang được duy trì xuyên suốt thông qua những sản phẩm âm nhạc huyền thoại của mình như Diễm Xưa, Hạ Trắng, Biển Nhớ,...
Tất cả đều đã và đang thổi vào âm nhạc Việt những cảm xúc mới mẻ và khác lạ, nơi nhiều người tìm được nguồn cảm hứng để tiếp nhận, thậm chí là tham gia vào quá trình sáng tác nghệ thuật.
Nguồn: TH&PL