Áp lực là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Khi đối mặt với nó, nhiều người lựa chọn xóa mạng xã hội. Nhưng đó chưa hẳn là liệu pháp tối ưu nhất để chữa lành tâm hồn.
Sự phát triển không ngừng của mạng xã hội đã mang đến lợi ích trên nhiều phương diện. Đó là lý do ngày càng có nhiều người sử dụng chúng nhằm thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, từ học tập, làm việc đến giải trí.
Thế nhưng, mạng xã hội cũng có mặt trái. Nhiều áp lực của con người xuất phát từ mạng xã hội. Hoặc cảm xúc tiêu cực bên ngoài bị "phóng đại" thêm khi nhìn thấy điều không hay trên những nền tảng này.
Do đó, phương pháp trị liệu tinh thần được không ít người sử dụng là xóa chúng đi. Mắt không thấy thì tim không đau. Tuy nhiên, khi xem xét trên nhiều góc độ thì không nên làm như thế.
Áp lực không chỉ do mạng xã hội
Áp lực là lẽ tự nhiên và nó có thể xảy ra với bất kỳ ai. Không phải mọi điều tiêu cực đều bắt nguồn từ mạng xã hội. Chúng ta không thể đảm bảo sau khi mạng xã hội biến mất, con người sẽ không bao giờ gặp những phiền muộn trong cuộc đời.
Nội dung liên quan
Dù trên mạng xã hội hay trong thực tế, mọi áp lực đều chịu ảnh hưởng từ tâm lý cá nhân. Bạn không vui khi thấy người khác thành công, tức là bạn tự ti về chính mình. Bạn buồn bã khi bị chê cười, tức là bạn chưa đủ yêu bản thân. Bạn tuyệt vọng khi xem những điều không hay, tức là bạn thiếu vững vàng để đón nhận góc tối của cuộc sống.
Chúng ta không phủ nhận những mặt trái trên mạng xã hội. Nhưng đó chỉ là một phần trong bức tranh đa màu sắc. Cần nhìn nhận khách quan và rõ ràng, đâu mới là nguyên nhân cho những cảm xúc rối rắm trong bạn. Khi đó, ta sẽ thấy việc từ bỏ mạng xã hội không còn là giải pháp duy nhất để xoa dịu vết thương lòng.
Rời khỏi mạng xã hội sẽ gây cản trở về giao tiếp. Bạn có thể bỏ lỡ những cuộc trò chuyện với bạn hoặc người thân. Bên cạnh những bất lợi về giao tiếp và công việc, xóa mạng xã hội chứng tỏ rằng bạn đang chạy trốn khỏi những vấn đề. Nhiều người nghĩ chỉ cần nhấn nút "Delete" ứng dụng thì mọi phiền muộn sẽ theo đó mà biến mất. Nói một cách khác, nếu nó còn hiện hữu thì bạn sẽ tiếp tục gặp áp lực.
Trị liệu tinh thần chỉ có thể thực hiện khi có những việc làm cụ thể. Xóa đi mạng xã hội là một thao tác. Sau đó, còn nhiều điều phải làm và cần rất nhiều nỗ lực. Nếu chỉ xóa và chờ đợi sự chữa lành tự nhiên, bạn có thể xoa dịu những cảm xúc tiêu cực tức thời. Nhưng xét về lâu dài, gốc rễ của chúng vẫn tồn tại.
Rời xa mạng xã hội không thể xóa sạch mọi vết tích của những tổn thương. Sau khi nhận thức, thừa nhận vấn đề, bạn cần hành động để giải quyết vấn đề đó. Đừng nên chỉ xóa ứng dụng để tự huyễn hoặc rằng bản thân không còn áp lực. Vì như vậy, bạn chưa đủ can đảm đối mặt để gỡ bỏ khúc mắc trong lòng.
Đừng xóa, hãy thay đổi
Hãy dũng cảm đối mặt với những cảm xúc tiêu cực, thừa nhận rằng nó là một phần tất yếu của cuộc sống. Tổn thương nếu không được chữa lành thì dù cho có xóa mạng xã hội cũng sẽ không khiến cho mọi thứ tốt hơn. Vì nếu sâu bên trong bạn có một vết thương thì nó vẫn luôn ở đó.
Dám đối mặt với mặt tối từ sâu bên trong cũng chính là cách để tự phục hồi "thương tổn tinh thần". Bởi khi dám đối mặt với những điều xấu, đây chính là lúc bạn nhận ra và sửa đổi điều không tốt bên trong. Bất cứ điều gì cũng đều có hai mặt, mạng xã hội cũng vậy, đều có mặt sáng và mặt tối.
Thay vì xóa đi, bạn có thể thay đổi môi trường tiếp xúc trên mạng xã hội của chính bạn. Hơn ai hết, bạn là người có thể quyết định thay đổi bản thân. Bạn hoàn toàn có thể xoay chuyển, bài trừ những điều tiêu cực, đón nhận những điều tốt đẹp.
Follow những điều tích cực
Ta không thể phủ nhận mạng xã hội đã đem lại nhiều thông tin "độc hại" đến với con người nhiều hơn trước. Tuy nhiên, từ khi công nghệ và nền tảng trực tuyến ra đời đã đem đến nhiều lợi ích cho nhân loại. Cách tốt nhất để thay đổi chính là nên tìm và follow những điều tích cực.
Tại bất cứ trang mạng xã hội nào cũng đều luôn có những điều tích cực để bạn theo dõi. Với Facebook, bạn có thể tìm đến những page, hội nhóm có những content chữa lành. Bạn có thể tham khảo fanpage - A Crazy Mind. Tại đây, thông qua những bài viết mà các admin muốn hướng đến thông điệp: Bạn không cô đơn, có rất nhiều người gặp khó khăn, vấn đề giống bạn. Chúng ta cùng nhau vượt qua nó.
Hay tại nền tảng YouTube, bạn có thể xem những clip truyền động lực, cảm hứng với nội dung "with me" để cùng trải nghiệm những điều trong cuộc sống. Bên cạnh đó còn có loạt series "healumination" của kênh Bảo Bình Tarot nhằm giúp bạn tìm về góc tối và tự chữa lành.
Nếu bạn cần một người để nói chuyện, sao không thử tải ứng dụng Slowly. Đây là hình thức kết bạn qua thư vô cùng độc đáo. Và đó chỉ là một số ví dụ cụ thể để minh chứng rằng mạng xã hội cũng là "vùng đất màu mỡ" để giúp bạn chữa lành.
Bên cạnh đó, đại dịch đã thúc đẩy sự ra đời của các talkshow trực tuyến về trị liệu tinh thần. Đây cũng chính là 1 liệu pháp trị liệu tâm lý phổ biến hiện nay. Thông qua những buổi tọa đàm, bạn sẽ được lắng nghe các lời khuyên, sự tư vấn, được đặt câu hỏi cho các diễn giả. Hơn thế nữa, khi tham gia các buổi hội thảo về chữa lành, bạn có thể nhận được sự đồng cảm thông qua các câu chuyện của mỗi cá nhân. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy không đơn độc.
Tóm lại, việc xóa mạng xã hội sẽ không phải là giải pháp triệt để giúp "hồi phục tinh thần". Vấn đề vẫn sẽ "tồn đọng" nếu bạn cứ mải chạy trốn. Dám trực diện giải quyết vấn đề mới là phương thuốc hiệu quả. Hãy thay đổi những thông tin "xấu" mà bạn tiếp nhận hằng ngày bằng những điều lạc quan, vui vẻ.
Trái tim kinh tế của Việt Nam - TP.HCM - và phần lớn lãnh thổ đất nước vừa trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì đại dịch Covid-19. Tất cả hoạt động đang tái khởi động về trạng thái bình thường mới sau những cố gắng của chính phủ và người dân. Tuy nhiên, những dư chấn ám ảnh của đại dịch sẽ khiến cho thế hệ chúng ta không bao giờ quên. Hơn 23.000 người Việt Nam đã ra đi mãi mãi (thống kê cho đến tháng 11/2021) và những tổn thương từ thể chất đến tinh thần khó có thể nào lành. khởi động chiến dịch #YouAreNotAlone với một mục đích duy nhất: góp phần hồi phục và chữa lành tất cả tổn thương hiện hữu. Chúng tôi, ban biên tập cùng với những người bạn đồng hành, thật tâm mong rằng, tất cả cùng chung tay để không ai phải lẻ loi một mình khi cuộc sống dần hồi phục.
Nguồn: TH&PL