Khi niềm vui và lời cảm ơn bỗng hóa thành nước mắt.
Mối quan hệ giữa người hâm mộ và thần tượng là một mối quan hệ mà có lẽ, nếu không phải là người từng trải thì sẽ không thể thực sự hiểu. Đây là mối quan hệ mà người ta sẵn sàng, tự nguyện trao đi tình cảm, trao đi thời gian và không tiếc công sức để ủng hộ người nổi tiếng.
Thậm chí, cảm xúc của họ còn vỡ òa khi được gặp thần tượng, khiến người ngoài cuộc không khỏi nhiều lần thấy khó hiểu và thậm chí còn cho rằng đó là một biểu hiện có phần thái quá: "Gặp được thần tượng thì phải vui mừng chứ, sao lại khóc?".
Nhưng thực chất, những cảm xúc của người hâm mộ thể hiện ra lại hoàn toàn là bản năng của con người.
"Happy tears": Giọt nước mắt hạnh phúc
Khi nhắc đến khóc, chúng ta thường nghĩ đến điều gì đó buồn hơn là vui, nhưng nhà tâm lý học Oriana R. Aragón, nghiên cứu về kiểm soát cảm xúc và biểu hiện trên khuôn mặt, từng nói rằng: "Mọi người có thể có biểu hiện tiêu cực, nhưng thực chất lại cảm thấy tích cực".
Nghĩa là ngoài buồn, chúng ta còn thường khóc vì hạnh phúc. Vậy tại sao chúng ta lại khóc khi thấy hạnh phúc, như việc người hâm mộ được gặp thần tượng?
Bà Aragón nói rằng câu trả lời rất ngắn gọn, vì khóc khiến chúng ta hạnh phúc hơn. Nước mắt của chúng ta tiết ra chất dẫn truyền thần kinh, được gọi là leucine enkephalin, có thể hoạt động như một loại thuốc giảm đau tự nhiên.
Do đó, khi mọi người khóc vì buồn, chất dẫn truyền này có thể khiến mọi người cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng khi mọi người khóc vì hạnh phúc, nó sẽ khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Hay nói cách khác, nước mắt khuyến khích chúng ta giải phóng cảm xúc.
Khóc còn giúp chúng ta khôi phục trạng thái cân bằng cảm xúc trong những tình huống mà chúng ta bị choáng ngợp bởi cảm xúc tích cực quá mạnh mẽ. Điều này biểu hiện trong nhiều tình huống như: Người hâm mộ vì quá hào hứng và hạnh phúc mà thường la hét và khóc trong các buổi hòa nhạc của thần tượng, hay một bạn nữ vì vui mừng khôn xiết khi được đoàn tụ với người yêu sau quãng thời gian yêu xa thật dài mà không kìm được nước mắt.
Hay một lời giải thích phức tạp hơn cho những giọt nước mắt hạnh phúc này là sự liên quan đến lý thuyết rằng bộ não của chúng ta không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được cảm xúc tích cực và tiêu cực.
"Yêu xa": Vỡ òa trong lần đầu gặp và trống rỗng khoảnh khắc chia ly
Bạn đã từng nghe ai nói rằng hâm mộ thần tượng cũng giống như "yêu xa"? "Yêu" vốn dĩ không phải là từ chỉ dùng để nói về cảm xúc của tình yêu đôi lứa, mà còn để nói về tình bạn, tình thân. Và ở một mối quan hệ thần tượng - người hâm mộ vừa phải, hai bên thường tự động coi đối phương là những người bạn, người anh, người chị hay người em. Tuy cách xa nhau ngàn dặm địa lý nhưng vì tình cảm được bồi đắp theo thời gian mà họ trân trọng và mong chờ lẫn nhau.
Và rồi, như bao mối quan hệ và đối tượng khác, lần đầu tiên gặp người mình "thương" đến từ một nơi thật xa vốn dĩ chứa đựng rất nhiều cảm xúc khó nói. Quen một người bạn ở phía còn lại của đất nước qua mạng, lần đầu tiên gặp đã bao hồi hộp và chờ mong. Huống chi người hâm mộ có thể gặp thần tượng - những người nổi tiếng và không dễ để được gặp mặt - họ sẽ lại càng trân trọng những cơ hội ấy hơn bất cứ ai. Có lẽ vì vậy mà cảm xúc của họ cũng phải thật nhanh chóng ùa tới như sóng biển vì khoảnh khắc ấy sẽ chẳng thể kéo dài.
"Nhớ lần đầu đi đón thần tượng ở sân bay, lần đầu nhìn thấy các anh ấy, mình thực sự đã khóc bù lu bù loa thật đó… Chắc là do tùy người, có người nhiều rất cảm xúc và có người thì không, hoặc có thể là do mình bị nhạy cảm quá cũng nên.
Lúc đó, mình cảm thấy hạnh phúc lắm vì những con người mà mình theo đuổi và ủng hộ suốt bấy lâu nay cuối cùng cũng xuất hiện trước mặt mình, với khoảng cách gần như thế. Có lẽ nó giống cảm giác vỡ oà sau một thời gian dài chờ đợi người thương…", Thủy Tiên, 23 tuổi, sinh sống tại Hà Nội, chia sẻ cảm xúc về lần đầu gặp thần tượng Hàn Quốc ở sân bay Nội Bài năm 2019.
Gặp gỡ thì ngóng trông còn chia tay thì lại đầy trống rỗng và hụt hẫng. "Lúc mới nhìn thấy thì vui lắm, nhưng mà lúc mọi người (thần tượng) chia sẻ những lời cuối cùng trước khi buổi biểu diễn kết thúc thì mình bắt đầu khóc. Vì lúc đó như kiểu bị kéo về hiện thực ấy, kiểu 'Vậy là hết rồi sao? Mới đó mà mọi người đã chuẩn bị đi rồi hả?'", Quỳnh Anh, 22 tuổi, đang sinh sống tại Đức, chia sẻ về lần đầu "chia tay" thần tượng khi kết thúc "concert".
"Yêu xa" vốn dĩ luôn như vậy. Chờ đợi thì rất lâu nhưng khoảnh khắc gặp gỡ lại quá đỗi ngắn ngủi.
"Nếu một người rơi lệ khi gặp ai đó thì có nghĩa là đối phương có vị trí quan trọng trong lòng họ"
Sự liên kết là một yếu tố không thể thiếu trong mối quan hệ giữa thần tượng và người hâm mộ. Đó có thể là sự liên kết về tâm hồn khi họ cùng yêu thích một thể loại nhạc, một thể loại sách. Cũng có thể là sự liên kết trong cuộc sống khi âm nhạc của thần tượng là thứ giúp người hâm mộ có thêm năng lượng và niềm vui mỗi ngày hay lời động viên của họ có thể phần nào đó giúp người hâm mộ mạnh mẽ vượt qua khó khăn và thử thách hơn.
Hẳn phải có nguyên do để người ta nói "âm nhạc là thuốc chữa lành tâm hồn". Con người là thực thể nhiều cảm xúc và rất dễ đồng cảm. Chúng ta dễ khóc, dễ cười khi nghe một bản nhạc hay xem một bộ phim. Và những cảm xúc đó hoàn toàn là thật.
Vì vậy, sẽ không quá khi nói rằng thần tượng và người hâm mộ luôn dành cho đối phương một vị trí đặc biệt. Có ai đó cũng từng nói rằng: "Nếu một người rơi lệ khi gặp ai đó thì có nghĩa là đối phương có vị trí quan trọng trong lòng họ". Thật vậy, một bên thì luôn ủng hộ và yêu thương bên còn lại hết mình, còn một bên thì lại luôn nhận được niềm an ủi và động lực trong cuộc sống.
Có lẽ, việc một người hâm mộ khóc khi gặp thần tượng không chỉ là biểu hiện của vui mừng, mà còn là lời cảm ơn trong phút chốc không thể diễn tả.
"Ước mơ" trở thành hiện thực
Ngay cả khi không phải là thần tượng đã "giúp đỡ" người hâm mộ điều gì đó thực sự to tát thì vì những người này đã dành rất nhiều thời gian để theo dõi cuộc sống của người nổi tiếng nên việc có thể gặp gỡ những người "xa vời" ấy là một trải nghiệm "không tưởng" với họ.
Từ những màn biểu diễn qua màn hình, từ những nụ cười rạng rỡ trong bức ảnh treo trên tường, giờ đây họ được gặp một phần trong cuộc sống của họ bằng "người thật" và có thể tương tác thật. Vì vậy mà việc cảm xúc vỡ òa là điều có thể hiểu được.
Với nhiều bạn trẻ, "gặp thần tượng" là một trong những điều mà các bạn ấy phấn đấu "nhất định phải làm". Bởi cuộc đời thực sự ngắn ngủi và sự nghiệp của người làm thần tượng cũng vô thường. Nhiều nhóm nhạc thậm chí còn đột ngột tan rã sau khi hoạt động được một vài năm và rồi, đối với những người hâm mộ "tới trễ", cơ hội được tham gia "concert" nhóm nhạc họ yêu thích bỗng chốc trở thành một ước mơ không bao giờ có thể thực hiện được.
Hâm mộ thần tượng luôn là một quá trình mà ở đó "idol" bạn trưởng thành và bạn cũng vậy. Sẽ đến một ngày, thần tượng bạn sẽ "nhường lại" vị trí đỉnh cao cho thế hệ nối tiếp, không còn mải miết ganh đua với sự khắc nghiệt của ngành công nghiệp giải trí để leo lên vị trí số một nữa.
Bạn cũng vậy, rồi đến một ngày nào đó, bạn cũng sẽ gói gọn lại sự cuồng nhiệt của một thời non trẻ xếp vào những chiếc hộp mang tên "kỷ niệm" để cùng thần tượng sánh những bước chậm rãi và yên bình hơn, như những người bạn.
Và tất cả những hỷ nộ ái ố bạn đã có đều xứng đáng được trân trọng. Miễn là bạn hiểu rõ được đâu là giới hạn của mình với tư cách là một người hâm mộ.
Nguồn: TH&PL