Lời review của các "idol Tóp Tóp" liệu có còn được tin tưởng sau drama "chấn động" những ngày qua.
Drama giữa quán chè Chang Hi và các TikToker thời gian qua khiến dư luận xôn xao. Sau khi Cô Gái Có Râu và Nờ Ô Nô chê quán chè Chang Hi đắt, quá ngọt, ế vì không biết tiếp thu ý kiến khách hàng, chủ quán này đã lên clip đáp trả với thái độ huênh hoang, cho rằng phải kiếm được tiền nhiều mới có quyền nhận xét quán.
Ngay sau đó, làn sóng tranh cãi liên tục nổ ra. "Chiến thần review" Võ Hà Linh cũng nhập cuộc vì "quán chè bất ổn" có thái độ xem thường khách hàng. Cũng từ đây, dân mạng đặt ra câu hỏi: "Có còn nên tin lời food review trên Tóp Tóp?".
Nội dung liên quan
Vỡ mộng vì tin lời reviewer
Khi thời kỳ của các "idol Tóp Tóp" lên ngôi, mỗi ngày có hàng loạt clip được ra đời với đủ loại content. Review là dạng nội dung được nhiều TikToker ưa chuộng trong thời gian dài. Bởi với nhiều người, trước khi quyết định mua hoặc trải nghiệm một sản phẩm, dịch vụ nào đó, họ thường tìm kiếm những đánh giá của người đi trước.
Dần dần, review trở thành "món ăn" không thể thiếu đối với người sáng tạo lẫn người tiếp nhận nội dung. Food review là dạng content được quan tâm hàng đầu vì nó là một trong những nhu cầu thiết yếu của đời sống. Review quán ăn, review quán nước, từ quán lề đường đến nhà hàng sang trọng, nơi nào cũng được các "idol Tóp Tóp" để tâm, đặc biệt là các quán ăn lạ, mới.
Đã không ít lần, cư dân mạng gặp tình huống dở khóc dở cười, bị ăn "một rổ cú lừa" vì tin lời reviewer và các "idol Tóp Tóp". Bởi khi nhận được booking quảng cáo, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội thường đến trải nghiệm, nhưng chủ yếu là khen quán chứ không đưa ra ý kiến khách quan, nêu những mặt chưa tốt.
Đa phần khán giả bị "vỡ mộng vì tin lời reviewer" bởi xem phải những clip sặc mùi quảng cáo, hoặc quảng cáo khéo léo, tinh vi đến nỗi họ không thể nhận ra điểm tệ cho đến khi đặt chân đến nhà hàng, quán ăn.
Nội dung liên quan
Dần dần, "nạn quảng cáo" tràn lan tên Tóp Tóp. Reviewer mặc sức nhận tiền rồi PR cho quán, mặc kệ chất lượng và trải nghiệm dở tệ, họ lên clip chỉ toàn khen theo ý của chủ quán, để lấy catse.
Lướt các trang mạng, đặc biệt là địa hạt của các food review - Tóp Tóp, 10 clip nhận xét quán ăn thì có đến 7 clip đã nhận booking, PR cho quán; 3 clip còn lại thì cũng "review thảo mai" để "kiếm đường sống", để lối sau này nhà hàng tìm đến mình, nhận booking. Bởi thế, người xem dễ dàng "bị dụ" khi tin lời reviewer Tóp Tóp.
Review thật, nhưng lắm drama
Giữa rừng người "sống vì kinh tế", review theo ý nhà hàng, vẫn có nhiều reviewer trải nghiệm và cho những đánh giá khách quan, thực tế. Khi không làm "vì kinh tế", nhận tiền của quán để review, các "idol Tóp Tóp" mạnh dạn nêu những điểm bất ổn của quán, để khán giả có cái nhìn bao quát, đúng đắn hơn.
Gần đây, trào lưu review chân thật, thậm chí "chê thậm tệ" được chú ý nhiều khi Nờ Ô Nô (Tuấn Brice) chiếm sóng Tóp Tóp. Những clip của TikToker này đa phần chê các quán ăn, từ gia vị, cách bài trí, màu sắc, nêm nếm đến cả cách phục vụ, không gian... Tuấn Brice chê đến nỗi, clip nào không chê ít nhất 3-4 điểm thì đó không phải là clip của anh, dần chê trở thành "thương hiệu".
Tuy nhiên, việc review này của Nờ Ô Nô cũng gây nhiều tranh cãi. Thời gian đầu, clip nào của anh lên cũng bị mang ra mổ xẻ, bởi bị cho là chê quá lố, quá đà. Với tuyên ngôn "trị những quán ăn coi thường khách hàng", Nờ Ô Nô dần trở thành nỗi ám ảnh của các cửa hàng mỗi lần xuất hiện vì toàn content chê.
Nhưng nhờ vậy, khán giả biết được mặt trái của các quán ăn, những điểm bất ổn, không chất lượng và tránh những nơi không hợp, kém chất lượng.
Nội dung liên quan
Bên cạnh đó, những food reviewer có tâm khác cũng hoạt động thường xuyên, mạnh mẽ trên social. Dù có nhận PR, họ cũng không khen quá lố, vẫn đưa ra những nhận xét khách quan để khán giả "còn niềm tin" và tạo uy tín.
Bởi thế, việc tin tưởng các food reviewer nên có chọn lọc, vì không phải reviewer nào cũng nêu đúng nhận định, đánh giá khách quan và không bị chi phối bởi kinh tế, đồng tiền. Hơn nữa, khẩu vị của từng người cũng khác nhau, đôi khi người này cảm nhận hương vị thức ăn ngon, nhưng người kia lại thấy không hợp miệng, nên lời của người review chỉ mang tính tương đối, khán giả nên tham khảo nhiều nguồn.
Food review là công việc được nhiều bạn trẻ ưa chuộng trong thời gian gần đây. Bằng việc đến quán ăn, trải nghiệm và đưa ra những nhận xét, người làm clip có thể thu về lượt tương tác khủng, đôi khi còn kiếm được nhiều tiền vì quán book để quảng cáo, PR.
Nguồn: TH&PL