Ngành Y khoa là một trong những ngành học có điểm đầu vào cao nhất cả nước, đi kèm với đó là thời gian đào tạo được ví là "hết cả thanh xuân". Vậy sự thật về ngành học này như thế nào?
Khái niệm về ngành Y khoa
Y khoa hay Y đa khoa (Medicine hay General Medicine) là ngành học đào tạo bác sĩ đa khoa với các kỹ năng khám, tổng hợp và diễn giải thông tin lâm sàng, cận lâm sàng, chẩn đoán chính xác các bệnh lý phổ biến của bệnh nhân.
Top 10 trường đào tạo Y khoa tốt tại Việt Nam
Trường Đại học Y Hà Nội: Là một trong những trường đào tạo ngành Y - Dược tốt nhất ở Việt Nam. Với bề dày truyền thống, lịch sử lâu đời bậc nhất trong các trường đại học trong nước. sinh viên trường Đại học Y Hà Nội có chất lượng đầu vào khá cao với điểm thi THPT xét tuyển thuộc top đầu cả nước.
Nội dung liên quan
Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh: Được mệnh danh là trường đại học y khoa hàng đầu khu vực miền Nam cũng như cả nước. Sau hơn 70 năm hình thành và phát triển, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh hiện là một trong những trường đại học công lập lớn nhất của nước ta trong lĩnh vực y tế. Cùng đội ngũ giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên có tỉ lệ khoảng 80%, giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ có tỉ lệ 28%. Vây nên chất lượng đầu vào của trường cũng đạt top đầu của cả nước
Học viện Quân y: Với đặc thù là trường quân đội, Học viện đặt ra tiêu chuẩn đầu vào khắt khe cũng như môi trường đào tạo và rèn luyện mang tính kỷ luật cao. Là trường trọng điểm quốc gia Việt Nam trực thuộc Bộ Quốc phòng. Học viện Quân Y đào tạo bác sĩ, dược sĩ, y sĩ trình độ trung cấp, đại học, sau đại học phục vụ quân đội và nhân dân. Ngoài ra, nghiên cứu khoa học và điều trị cũng là hai chức năng quan trọng của nhà trường.
Trường Đại học Y Dược Cần Thơ: Mang giá trị cốt lõi "trách nhiệm - chất lượng - phát triển - hội nhập", Trường ĐH Y Dược Cần Thơ trở thành nơi đào tạo Y - Dược tốt nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Trường giảng dạy với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực y tế trình độ đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và trên cả nước.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch: Là trường đại học công lập nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta. Trong hơn 20 năm hình thành và phát triển, trường đã cung cấp hơn 8.000 điều dưỡng và trên 500 bác sĩ tuyến y tế cơ sở bổ sung cho nguồn nhân lực y tế cho vùng sâu vùng xa của các tỉnh thành phía Nam từ Đà Nẵng trở vào.
Nội dung liên quan
Trường Đại học Y Dược Huế: Nơi đây là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Y - Dược và nghiên cứu khoa học của miền Trung - Tây Nguyên. Nhằm đào tạo nguồn nhân lực về y tế với chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai, trường đã phát triển Bệnh viện Trường theo cả hai định hướng Trung tâm là "Trường - Viện".
Trường Đại học Y Dược - ĐHQG Hà Nội: Với tiền thân là Khoa Y dược được thành lập theo quyết định của giám đốc ĐHQG Hà Nội. Hiện tại trường đang hướng tới mục tiêu đào tạo chất lượng cao, đảm bảo chất lượng đầu ra tốt nhất. Đồng thời, phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu tiên tiến, hướng tới các sản phẩm nghiên cứu y dược có thể chuyển giao thương mại hóa sản phẩm.
Khoa Y - Đại học Quốc gia TP.HCM: Khoa Y là đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, với định hướng là một đơn vị đào tạo tiên tiến, chất lượng cao dựa trên mô hình Trường – Bệnh viện, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đối với sinh viên theo học, ngay từ năm nhất đã có cơ hội tiếp xúc với các vấn đề sức khỏe, bệnh tật, bệnh nhân và cơ sở y tế.
Trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên: Trường hướng đến sứ mệnh đào tạo cán bộ y tế với trình độ đại học, sau đại học. Từ đó, hỗ trợ phát triển hệ thống y tế, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Với mục đích chủ yếu cung cấp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho các dân tộc khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Nhiều năm liền trường luôn nằm trong top có chất lượng đào tạo về Y khoa của cả nước.
*Top 10 trường mang tính chất tham khảo
Nội dung liên quan
Sinh viên nói gì?
Trần Ngọc Hoàng Thành, sinh viên năm 3, khoa Y - ĐHQG TP.HCM, hiện đang theo học ngành Y đa khoa. Chia sẻ về lý do chọn học ngành Y khoa, Thành cho biết ban đầu vì nhận thấy bản thân giỏi những môn học khối tự nhiên và cảm thấy các bác sĩ khi làm phẫu thuật rất "ngầu". Thế nhưng sự ra đi đột ngột của bà nội là lý do khiến Thành quyết tâm nhất khi đến với ngành học này.
"Cái duyên với ngành y của mình cũng bắt đầu từ những bộ phim vào những năm đầu cấp 3 và bản thân cũng khá giỏi các môn tự nhiên toán, hoá, sinh. Nhưng mình ý thức được những khó khăn và áp lực mà mình phải chịu khi học y nên việc theo y vẫn còn là một ngã rẽ chưa rõ câu trả lời. Cho đến năm cuối cấp 3, khi bà nội mình bị đột quỵ và ra đi chỉ trong một đêm, mình đã nghĩ nếu là một bác sĩ, phải chăng sẽ cứu được bà? Đó chính là khoảnh khắc mình quyết định sẽ thi vào trường y", Thành chia sẻ.
Nội dung liên quan
Được biết đến là ngành học có điểm đầu vào luôn nằm top trong các khối ngành bởi đào tạo nên một bác sĩ có đủ tài - đức vẹn toàn không phải là việc dễ. Chính vì vậy chương trình học của ngành Y khoa được đánh giá là khá nặng với bằng cử nhân 6 năm đào tạo.
Tuy nhiên đây cũng là ngành được cho là có mức lương ổn định sau khi sinh viên ra trường và đi làm. "Mình học Y là vì thấy được sau khi ra trường sẽ có công việc tốt cùng với mức lương ổn định. Thêm nữa là do bản thân học tốt nhất các môn khối B (Toán, Hóa, Sinh)", bạn Ngọc Phương (sinh viên năm 3, ngành Y đa khoa, trường ĐH Tây Nguyên) cho biết.
Thực tế là…
"Mình từng nghĩ học y cũng không khó như lời đồn, khi năm đầu tiên mình vẫn đạt được học bổng. Cho tới năm 2, mình rớt môn chuyên ngành đầu tiên. Mình đã không biết nên như nào khi đối diện với một lượng kiến thức khổng lồ. Thậm chí, mình từng nghĩ đến việc chuyển ngành vì áp lực. Nhưng sau cùng mình đã vượt qua và tiếp tục với con đường bản thân đã chọn.
Chưa hết, bản thân đã nghỉ việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân là chuyện dễ dàng khi được học. Cho tới khi mình phải vật lộn với 1 ca lâm sàng mà bệnh nhân chỉ có 1 triệu chứng là đau đầu. Có lẽ đây là một trong những lý do mọi người nói ngành Y khoa khó. Nhưng đó cũng là động lực để mình cố gắng hơn", bạn Hoàng Thành kể.
Nội dung liên quan
"Lầm tưởng ban đầu, mình nghĩ làm bác sĩ thì lương cao ổn định. Nhưng sau khi vào ngành thì mới biết bác sĩ mới ra trường lương chỉ khoảng 3 triệu, thậm chí phải đi làm không lương khoảng 2 năm. Đó là mức lương quá ít so với thời gian và công sức học ngành Y. Nếu khi ra trường muốn ổn định hơn thì phải đi học lên thêm nhiều năm, nên mình cảm thấy có chút nản lòng", bạn Ngọc Phương tâm sự.
Vậy nhưng ngành học này lạ có những niềm vui "đặc trưng". Bên cạnh những câu lạc bộ thì cảm giác chẩn đoán đúng và giúp bệnh nhân khỏi bệnh là một điều hạnh phúc đối với sinh viên ngành Y khoa.
Nhớ về những kỷ niệm vui, bạn Thành cho biết: "Những câu chuyện của thầy cô trong những khoảnh khắc cứu sống bệnh nhân, khi mình chẩn đoán ra bệnh và được thầy cô khen. Hơn hết là những lúc người thân mình bị bệnh thì mình chẩn đoán đúng và làm cho người thân mình khỏi bệnh. Đó là những niềm vui mà Y khoa đã mang lại cho mình".
"Có bệnh nhân mình gặp, trên bụng xăm chữ 'đói', 2 đầu gối xăm dòng chữ 'mỏi gối vì đời', những khoảnh khắc như vậy mình cảm thấy rất vui trong thời gian mệt mỏi khi đi trực ở bệnh viện", Ngọc Phương vui vẻ kể lại câu chuyện về bệnh nhân vui tính mà mình gặp.
Nội dung liên quan
Thầy cô nói gì?
Yêu cầu về chất lượng khám, chữa bệnh ngày cao, ngành Y khoa là một trong những ngày có đầu vào cạnh tranh nhất ở nước ta. Thời gian đào tạo của ngành học này cũng được cho là lâu nhất với chương trình đào tạo hệ cử nhân chính quy khoảng 6 - 7 năm.
Vì là ngành đặc thù nên hiện nay đa số sinh viên Y khoa sau khi tốt nghiệp sẽ học thêm 3 năm chuyên sâu. Ông Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trường Trường Đại học Y Hà Nội cho biết riêng ngành Y khoa cần có khung đào tạo riêng, chính vì thế thời gian đào tạo cũng có phần kéo dài hơn so với những ngành học khác. Và từ năm 2016 trường Đại học Y Hà Nội đã đề ra chiến lược đào tạo sinh viên Y khoa theo mô hình 6+3. Như vậy, sinh viên ngành Y khoa muốn thành bác sĩ phải học đến 9 năm.
Bên cạnh thời gian, học phí của ngành học này cũng thuộc mức cao. Bởi là ngành đặc thù nên đòi hỏi về đầu tư cho chất lượng giảng dạy cũng như cơ sở vật chất. "Yêu cầu về chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao hiện nay. Thì sẽ là môi trường cạnh tranh cho các bạn học ngành Y khoa. Những sinh viên theo học ngành này buộc phải giỏi và gia đình cũng có điều kiện để đầu tư lâu dài", thầy Thanh Hiệp (giảng viên khoa Y, trường ĐH Tây Nguyên) chia sẻ.
Ai phù hợp?
- Thứ nhất, bạn cần giỏi về kiến thức chuyên môn. Bởi để khám và chữa bệnh cho bệnh nhân không phải điều dễ dàng. Nó đòi hỏi cần có kiến thức nền tảng và vận dụng sự liên kết các kiến thức với nhau.
- Thứ hai, bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn. Một bác sĩ giỏi cần phải có tâm, có đạo đức cao, thái độ làm việc tốt.
- Thứ ba, bạn cần có một sức khỏe tốt để sẵn sàng chiến đấu với những đêm trực tại bệnh viện, những ca cấp cứu mọi lúc. Chỉ khi bản thân mình khỏe mạnh mới có thể giúp người khác khỏe mạnh.
Nội dung liên quan
Cơ hội việc làm
Thầy Nguyễn Thanh Hiệp (giảng viên khoa Y, trường ĐH Tây Nguyên) nhận xét về cơ hội việc làm của ngành Y khoa. Có trên 90% các sinh viên ra trường sẽ trở thành bác sĩ, đây được đánh giá là tỷ lệ làm đúng ngành khá cao. Tuy nhiên cũng có số ít sinh viên làm việc trái ngành vì nhiều lý do khác nhau.
"Trong thời gian sắp tới, việc đào tạo về ngành Y sẽ được nâng cao. Nhiều trường y mới ra đời cũng như một số trường cũng mở khoa Y. Điều này đồng nghĩa sinh viên mới tốt nghiệp phải cạnh tranh về vấn đề việc làm vì trước nguy cơ dư bác sĩ", thầy Thanh Hiệp đánh giá về cơ hội việc làm của ngành Y khoa trong tương lai.
Thu nhập cao không?
Khác với sự tưởng tượng ban đầu về mức lương của nghề bác sĩ. Được biết, sinh viên y sau khi ra trường cần phải học thêm chứng chỉ mới có thể hành nghề cũng vì vậy mức lương của nghề này ban đầu sẽ không cao. "Bác sĩ mới ra trường phải tốn tiền để lấy chứng chỉ hành nghề nữa. Nên theo mình khoảng thời gian đó gọi là chưa có lương", bạn Hoài Nương (sinh viên năm 4, ngành Y đa khoa, trường ĐH Trà Vinh) cho biết.
Mức lương cũng khác nhau đối với những nơi công tác khác nhau. Tại các bệnh viện công, lương cứng của các bác sĩ rơi vào khoảng 8 triệu - 9 triệu đồng/tháng.
Bác sĩ tại các bệnh viện tư nhân thường có mức lương cao hơn, đặc biệt với những bạn học chương trình sau đại học thì mỗi tháng lương sẽ trên 20 triệu đồng. Tuy nhiên đi kèm với đó là công việc sẽ nặng hơn và cơ hội để vào làm những bệnh viện tư nhân cũng được đánh giá là không dễ dàng.
Tóm lại: Y khoa hay Y đa khoa là một ngành có tính chất đặc thù, đòi hỏi chất lượng ở đầu vào và cả đầu ra. Chính vì vậy, sinh viên ngành Y đòi hỏi có sự kiên trì về cả thời gian học tập cũng như tài chính. Dù vậy, đây vẫn là ngành học với cơ hội việc làm cao, bên cạnh đó còn mang ý nghĩa sâu sắc.
Nguồn: TH&PL