Sinh viên ra trường làm việc trái ngành có phải là một thất bại?

Nếu bạn đang làm một công việc trái ngành và cảm thấy thất vọng vì tấm bằng đỏ của 4 năm đại học không giúp bạn có được một công việc đúng ngành nghề, đừng bi quan như thế!

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội thì có gần 70% sinh viên ra trường làm trái ngành, nhiều người tốt nghiệp kế toán lại đi làm sale, tốt nghiệp tài chính ngân hàng thì đi làm nhân viên kinh doanh bảo hiểm, tốt nghiệp công nghệ thông tin lại có thể nhận chức danh nhân viên chăm sóc khách hàng để làm,… nghe có vẻ vô lý nhưng đó là một “thực tế” xảy ra ở rất nhiều bạn trẻ ngày nay.

Vậy thật sự làm trái ngành có đáng sợ? Cơ hội nào cho những người “ngoại đạo” bước chân vào lĩnh vực mới?

Kịch bản chung của nhiều bạn trẻ ngày nay: Chọn sai ngành - học - làm trái ngành

Không phải ai cũng biết mình đam mê gì, giỏi gì ở năm 18 tuổi, phải lựa chọn nghề nghiệp ở giai đoạn chớm trưởng thành khiến nhiều bạn trẻ đưa ra quyết định vội vàng và chưa chính xác. Gần như, ai cũng phải thốt lên “mình chọn sai ngành học rồi” khi tiến thân vào nửa chặng đường năm nhất của ngành học. 

Nhưng không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để lựa chọn quay đầu và đi đúng với đam mê của mình. Họ có xu hướng an phận và “chịu trận” 4 năm đại học chỉ vì quyết định vội vàng, hay lệ thuộc vào sự lựa chọn của bố mẹ, hoặc tư tưởng quá hão huyền về tấm bằng đại học có thể kiếm việc sau khi ra trường, một số khác thì “nhắm mắt vơ bừa” theo trào lưu xu hướng... và vô vàn lý do khác. 

sinh vien ra truong lam viec trai nganh co phai la mot that bai - anh 0
Kịch bản chung của giới trẻ hiện nay: Chọn sai ngành-học-làm trái ngành - Ảnh minh hoạ 

“Năm 18 tuổi, với học lực khá giỏi, tôi gần như được định hướng vào ngành ngân hàng, ở quê hay nói kiểu “học ngân hàng sẽ ngon”, “nhà có người quen”... Tôi khi ấy chưa biết mình muốn gì nên cứ đi học theo ý người khác” - chị Trần Đặng Kim Phụng (25 tuổi), chuyên viên marketing thương hiệu, kể lại.

Nhìn ở một góc độ khác, hầu hết sinh viên, học sinh không có điều kiện được tiếp cận, giới thiệu về các ngành nghề đa dạng từ khi còn nhỏ. Các cuộc hội thảo hướng nghiệp nhiều khi còn mang tính tự tâng bốc, giáo điều, chưa có phương hướng thực sự phù hợp để sinh viên hiểu hơn về năng lực bản thân. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành ngày một tăng cao. 

Nhưng làm việc trái ngành thì đã sao? 

Không ai phí hoài công sức của mình bằng việc định hướng học ngành A để làm ngành B, nhưng điều đó không có nghĩa cứ làm việc trái ngành là thất bại! 

Phần lớn người làm việc trái ngành đều lo sợ cả đời “giậm chân tại chỗ” vì thiếu kiến thức chuyên môn, nhưng điểm mấu chốt là khi đã tìm thấy công việc yêu thích, người làm trái nghề thường hăng say học tập, tự giác tích lũy kinh nghiệm hơn hẳn người làm đúng chuyên ngành mà không đam mê công việc đó. 

Jonathan Rosenberg tác giả của quyển sách “How Google Works” cho rằng: “Điều cần quan tâm là bạn đang sống trong một thế giới năng động, với điều kiện và môi trường thay đổi nhanh tới mức chóng mặt. Những thứ như kinh nghiệm hay cách thức chúng ta làm việc sẽ không quan trọng bằng khả năng tư duy. Trên thực tế, chính kinh nghiệm và kiến thức cũ khiến chúng ta không muốn thử các giải pháp mới”Đ

sinh vien ra truong lam viec trai nganh co phai la mot that bai - anh 0
(Ảnh minh hoạ)

Khi dám tiến thân làm một công việc không đúng với chuyên môn, đừng vội nản chí và cho rằng mình không sẽ không cạnh tranh lại với những người đã có sẵn chuyên môn. Nỗ lực là điều tất yếu bạn phải làm, nhưng hãy nhìn lại xem bạn hơn người khác ở điểm gì? 

Đó chính là kiến thức, kĩ năng bạn có được ở ngành học của mình. Mọi lĩnh lực đều có sự giao thoa lẫn nhau, bạn hoàn toàn có thể áp dụng kĩ năng phân tích, tư duy của một nhà kinh tế để làm tiền đề phát triển khả năng sáng tạo trong nghệ thuật. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng khả năng phán đoán trí óc con người của một cử nhân tâm lý học để nhìn nhận mong muốn của khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh,... 

sinh vien ra truong lam viec trai nganh co phai la mot that bai - anh 0
Đừng để trái ngành trở thành nỗi lo cho tuổi trẻ của bạn - (Ảnh minh hoạ)

Anh Ngô Nguyễn Tú Kha, từng tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Địa lý môi trường (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TP.HCM), hiện anh đang làm nhân viên truyền thông và phát triển nội dung cho doanh nghiệp. Trải qua 3 năm làm việc trái ngành, anh có những chia sẻ khá khách quan về vấn đề này: “Mọi người cứ nghĩ môi trường và truyền thông là hai lĩnh vực đối lập nhau, nhưng tôi nghĩ là không. Kiến thức 4 năm ở đại học bổ trợ cho tôi rất nhiều trong công việc hiện tại. Tôi có được nhiều kỹ năng mềm lẫn kỹ năng cứng, tôi được học về giáo dục môi trường, quản trị học, những môn học về phân tích, đánh giá vấn đề,... Và kiến thức chuyên ngành đó đã và đang phục vụ rất nhiều cho công việc truyền thông của tôi hiện tại. Với tôi, mọi sự đánh đổi đều có giá trị của nó”. 

Thực tế, tất cả các kiến thức chuyên ngành đều có sự liên quan nhất định với nhau, quan trọng là chúng ta có biết cách khai thác, tận dụng để làm mới bản thân của mình hay không. Đó chính là minh chứng lớn nhất để trả lời cho câu nói “Làm việc trái ngành là uổng phí 4 năm đại học”. 

Hãy học tập và giỏi nhiều hơn một ngành nghề 

Các bạn trẻ thường thất bại vì sự ngại ngần, thiếu tự tin hơn là do năng lực kém. Thực tế dù bạn học đúng ngành hay trái ngành thì các doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Kiến thức ở đại học luôn có độ vênh so với thực tế và chúng ta học nhiều hơn từ quá trình “nghề dạy nghề”. Đừng nghĩ học ở trường là đủ đi làm, đủ giỏi. Không hẳn. Ai rồi cũng phải học nữa, học mãi để dễ thăng tiến trong sự nghiệp. 

Hơn nữa, chúng ta dù chọn đúng ngành, nhưng ai đảm bảo sau 4 năm học sẽ không có gì thay đổi, nghề chúng ta chọn sẽ không lạc hậu? Câu hỏi này đặt ra rất thực tế giữa bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ diễn ra và thay đổi không ngừng, khi các công việc đơn giản cứ lặp đi lặp lại sớm bị thay thế, đồng thời phát sinh nhiều yêu cầu đổi mới sáng tạo hơn cho người "cần việc". 

Chính vì thế, làm trái ngành không chỉ là do “dòng đời xô đẩy” mà còn là xu thế tất yếu thay đổi về cơ cấu lao động đang diễn ra. 

sinh vien ra truong lam viec trai nganh co phai la mot that bai - anh 0
(Ảnh minh hoạ)

Để tồn tại và phát triển, khả năng thích nghi và tự nâng cấp mới là yếu tố then chốt. Ông bà ta thường nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng xã hội đang đòi hỏi mỗi người phải học và giỏi nhiều hơn một ngành nghề. Có không ít sinh viên “chủ động” làm việc trái ngành chỉ để được trải nghiệm nhiều môi trường, “rong ruổi” để thử sức với nhiều lĩnh vực. Họ giàu đam mê và đủ năng lực cho những công việc có tính chất khác nhau. Từ những trải nghiệm làm việc, càng ngày họ càng tích lũy thêm nhiều kiến thức cho ngành nghề mình yêu thích nhất. 

“Tôi bước vào ngành học Địa lý với mục tiêu ban đầu là sẽ làm giáo viên hoặc hướng dẫn viên du lịch. Sau khi hoàn thành vừa xong năm 4 tôi đã học thêm nghiệp vụ du lịch để lấy thẻ hành nghề và cũng hoàn thành khóa nghiệp vụ giáo viên như mình mong muốn. Nhưng bản thân tôi lại muốn chinh phục những thứ mới hơn, lúc đấy ngành truyền thông đang “hot”, tôi muốn thử lĩnh vực này trong khi bản thân tôi còn chưa rõ khái niệm truyền thông là gì nữa? Tôi đã tự tìm tòi, học hỏi, khám phá,... xem đây là một cơ hội mới để chinh phục bản thân.” - Anh Kha chia sẻ. 

sinh vien ra truong lam viec trai nganh co phai la mot that bai - anh 0
(Ảnh minh hoạ)

Nhìn chung, làm việc trái ngành hay đúng ngành không quyết định sự thành công của bạn. Xã hội ngày càng phát triển, có việc làm đúng ngành hay trái ngành không còn quá quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta phải xác định được đam mê, dù sớm hay muộn, dù trước đại học hay sau đại học. Và phải đặt câu hỏi rằng mình có dám làm không? Nếu dám thì đừng ngại thử thách vì chẳng ai biết được giới hạn của bản thân mình cả.

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ