Trong bối cảnh thời đại số phát triển và sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, Marketing đang dần trở thành ngành nghề hot nhờ môi trường làm việc đa dạng và năng động.
Ngành Marketing là gì?
Marketing về bản chất đó là bao gồm tất cả các hoạt động nhằm thoả mãn nhu cầu và mong muốn của khách hàng thông qua quá trình tiếp thị, phát triển thương hiệu. Mục tiêu chính của Marketing là cầu nối bền chặt giữa doanh nghiệp với khách hàng.
Còn với ngành Marketing, đây là ngành chuyên đào tạo hệ thống kiến thức và nền tảng về Marketing hiện đại. Bao gồm nhiều phương diện như nghiên cứu thị trường, xây dựng và phát triển các mối quan hệ khách hàng, thiết kế chương trình phân phối sản phẩm, tổ chức phân phối sản phẩm,...Chương trình đào tạo về ngành Marketing tại các trường đại học thường có 3 phần chính: các môn đại cương, các môn về kinh tế căn bản và các môn chuyên ngành Marketing.
Nội dung liên quan
Trong đó những học phần trong chuyên ngành là quan trọng nhất. Ngoài các khóa học chính, tùy vào giáo trình của từng trường sẽ cho ra những các môn tự chọn khác nhau hay những chuyên ngành khác nhau.
Top trường đào tạo ngành Marketing
Trường Đại học Tài chính - Marketing (UFM): Đây luôn là ngôi trường nằm trong top đầu miền Nam lẫn cả nước về đào tạo Marketing. UFM sở hữu cơ sở đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế, tài chính và Marketing. Chương trình đào tạo ngành Marketing của trường đều đạt chuẩn quốc tế bởi có sự tham khảo, đúc kết từ giáo trình nước ngoài.
Trường Đại học RMIT: Điều đặc biệt làm nên sức hấp dẫn của ngành Marketing tại RMIT chính là chương trình đào tạo sẽ được tích hợp với nền tảng kỹ thuật số với đặc trưng của Digital Marketing - được coi là ngành hot nhất trong thời đại 4.0 hiện nay. Sinh viên sẽ có cơ hội được trải nghiệm các dự án Marketing thực tế chứ không chỉ gò bó trong các bài giảng mang tính lý thuyết mơ hồ.
Nội dung liên quan
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH): Khoa Marketing tại UEH là một trong những khoa có chất lượng đào tạo tốt nhất và đạt chuẩn chất lượng đầu ra tại TP.HCM. Các chuyên ngành vô cùng đa dạng, cho phép sinh viên có thể tự do lựa chọn chuyên ngành mình yêu thích. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được đào tạo bài bản về các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian, cập nhật thông tin,...Ngoài ra, việc chú trọng vào ngoại ngữ cũng là một yếu tố bảo đảm chất lượng đầu ra của sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (UEF): UEF là ngôi trường có bề dày lịch sử trong việc giảng dạy và đào tạo về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, thương mại. Có 4 chuyên ngành chính trong khoa Marketing của trường: PR, Marketing tổng hợp, Truyền thông Marketing, Quản trị thương hiệu. Sinh viên sẽ được đào tạo bởi đội ngũ giảng viên kinh nghiệm, được cung cấp những kiến thức hữu dụng để áp dụng cho ngành nghề sau này.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU): Đây là trường đại học luôn nằm trong top đầu cả nước. Với ngành marketing của NEU, các bạn sẽ được trang bị đầy đủ những kiến thức từ nền tảng đến nâng cao. Tùy từng chuyên ngành mà các bạn sẽ được rèn luyện cho mình những kỹ năng chuyên môn khác nhau. Hầu hết sinh viên sau khi ra trường tại khoa Marketing của NEU đều đảm nhiệm những vị trí cấp cao với mức lương vô cùng hấp dẫn cùng cơ hội thăng tiến cao.
Trường Đại học Thương Mại (TMU): Nhắc đến top những trường đào tại Marketing hàng đầu cả nước thì không thể bỏ qua trường Đại học Thương Mại. Trường đã vinh dự khi được lọt vào Top 5 những trường đại học đào tạo ngành Marketing uy tín và chất lượng nhất Việt Nam. Bên cạnh đó là đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, tận tâm, nhiệt huyết trong nghề và nhiều kinh năm lâu năm. Sinh viên sẽ có cơ hội được gặp mặt, giao lưu với các doanh nhân thành đạt, các doanh nghiệp nổi tiếng với những chuyên gia hàng đầu về Marketing.
Ngoài ra vẫn còn một số cái tên khác đào tạo ngành Marketing chất lượng không kém như trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU), trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học FPT,...
Sinh viên nói gì?
Lê Thị Thùy Hương, sinh viên năm 3 chuyên ngành Marketing của trường Đại học Quốc tế Miền Đông cho biết bạn chọn Marketing vì nhiều lý do khác nhau. Theo Thùy Hương, Marketing là ngành thiên về sáng tạo, khá tự do trong giờ làm việc. Ngành này đòi hỏi sự năng động, làm việc với các nhãn hàng.
Là một người yêu cái đẹp, Thùy Hương thích làm việc bên mảng thời trang và thiết kế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nào cũng cần Marketing nên cơ hội việc làm khá cao. Ngoài ra Thùy Hương còn có ý định tự kinh doanh và Thùy Hương nhận thức được Marketing chính là cốt lõi để thu hút khách hàng và sales.
Nội dung liên quan
Bạn bè học chung đều năng động, cởi mở, sáng tạo. Ai cũng giỏi, có người có thế mạnh về quay video, có người làm poster hoặc powerpoint đẹp. Có người thì có "mối quan hệ rộng" để tụi mình có thể tiếp xúc với những người có chức vụ cao trong doanh nghiệp để hỗ trợ mình làm project (kế hoạch).
Mình được đi nhiều nơi, và trải nghiệm nhiều dịch vụ từ bình dân đến sang trọng để quan sát đánh giá thị trường và phân tích các mô hình chiến lược marketing, khả năng giao tiếp, những bài học về bán hàng. Được tham gia các buổi workshop của những anh chị nổi tiếng trong ngành. Thầy cô thân thiện, dễ gần và rất trẻ trung như những người bạn với sinh viên. - bạn Thùy Hương chia sẻ về những trải nghiệm khi học Marketing.
Bên cạnh đó, bạn Lê Thị Kim Nguyên - sinh viên năm 3 ngành Marketing của Trường Đại học Tài chính - Marketing cũng chia sẻ rằng bạn cảm thấy bất ngờ vì Marketing là một ngành rất rộng và gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Mọi hoạt động trong cuộc sống hầu như đều có sự góp mặt của Marketing. Kim Nguyên cũng cho biết ngành Marketing phù hợp với cả người hướng nội chứ không chỉ với người hướng ngoại như những gì mọi người lầm tưởng.
Mình cảm thấy mọi người hay lầm tưởng rằng Marketing sẽ phù hợp với người hướng ngoại hơn. Còn theo mình thấy, thật ra người hướng ngoại hay hướng nội đều có thể làm Marketing, tùy theo định hướng sau này muốn làm gì. Ví dụ hướng ngoại thì làm về truyền thông, sự kiện,…Còn nếu hướng nội thì có thể làm nghiên cứu thị trường, planner chẳng hạn. Theo quan điểm của mình, mình đánh giá cao mấy bạn hướng nội ở phần quan sát, hiểu thị trường và có ý tưởng sâu sắc. Khi hiểu vấn đề rồi thì lúc lên kế hoạch sẽ đúng tâm lý người tiêu dùng hơn và có thể mang lại phần trăm thành công cao hơn. - Bạn Kim Nguyên chia sẻ.
Nội dung liên quan
Thầy cô nói gì?
Thạc sĩ Cindy Nguyễn - Giảng viên chuyên ngành Marketing của trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU) cho biết sinh viên ngành Marketing sẽ được theo học rất nhiều môn học và kiến thức ở nhiều mảng khác nhau. Tùy vào định hướng của sinh viên cũng như chương trình dạy của mỗi trường mà sẽ tập trung vào đào tạo những chủ đề chuyên biệt. Bên cạnh đó, cô Cindy Nguyễn cũng chia sẻ rằng học Marketing sẽ đem lại nhiều kiến thức và kỹ năng hữu ích. Nhất là trong thời đại số ngày nay.
Với xu hướng 4.0 đang diễn ra hiện nay, tôi có thể nói rằng các kỹ năng và kiến thức liên quan đến Digital và E-marketing chắc chắn rất hữu ích cho việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp của sinh viên. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh, lợi ích quan trọng nhất của bằng cấp về Marketing là các kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội mà sinh viên sẽ có được khi học trong các khóa học.
Cuối cùng, đối với bất kỳ sinh viên nào muốn đi theo con đường kinh doanh/quản lý, kỹ năng giao tiếp xuất sắc sẽ được yêu cầu. Do bản chất của Marketing, các kỹ năng xã hội và kỹ năng giao tiếp sẽ tự động có được khi sinh viên hoàn thành khóa học của mình. - Cô Cindy Nguyễn chia sẻ về những lợi ích khi học ngành Marketing.
Nội dung liên quan
Ngoài ra, cô cũng cho biết: "Marketing không chỉ mang nghĩa "tiếp thị" như cách hiểu trong quá khứ. Chuyên ngành này là một lĩnh vực rộng lớn mang đến nhiều cơ hội và kiến thức. Tôi đảm bảo rằng khi tốt nghiệp với tấm bằng ngành Marketing, bạn sẽ không phải lo lắng về vấn đề tìm việc làm. Ngoài ra, nhiều kỹ năng bạn học được trong Marketing sẽ mở ra cơ hội cho bạn làm việc trong nhiều lĩnh vực khác. Những kỹ năng mà bạn có được từ các khóa học Marketing sẽ khiến bạn trở thành một ứng cử viên sáng giá cho nhiều công việc."
Cựu sinh viên nói gì?
Đàm Anh Duy - Cựu sinh viên khoa Kinh tế - Quản trị, chuyên ngành Marketing của Đại học Hoa Sen đã có những chia sẻ chân thực với tư cách là đàn anh đã ra trường. Hiện anh đang làm Project Leader - một công việc đúng với ngành Marketing anh từng theo học.
Anh Duy cho biết, Marketing luôn hiện hữu trong nhiều ngành nghề và luôn là 1 ngành hot. Các bạn sinh viên có thể đi làm từ năm 2, năm 3 và được cọ xát với môi trường công việc từ sớm: "Đây là ngành mà bên cạnh việc bạn phải có tư duy tốt, bạn còn phải tự chủ động rất nhiều để có thể tìm tòi và học hỏi thêm từ các kiến thức xung quanh mình. Thế giới luôn thay đổi mỗi ngày, ngành Marketing cũng vậy. Vậy nên việc luôn trong trạng thái chủ động cập nhật và học hỏi cái mới luôn là cần thiết đối với những người theo học ngành này."
Đàm Anh Duy cũng chia sẻ rằng anh học được rất nhiều từ khi còn trên ghế nhà trường và vận dụng nhanh chóng kiến thức học được vào thực tế. Với công việc hiện tại, Anh Duy cho biết anh ứng dụng được khoảng 70%-80% kiến thức học được vào để làm việc.
Ai phù hợp?
- Hòa đồng, luôn thân thiện và tương tác với mọi người.
- Có khả năng thích ứng và sự nhẫn nại.
- Linh động trước các tình huống, sẵn sàng ứng phó trước các thay đổi bất ngờ.
- Không ngại thất bại, dám làm lại.
- Sáng tạo, năng động. lạc quan.
- Khả năng tự học hỏi, tiếp thu nhanh, biết nắm bắt và ứng dụng những xu hướng đang nổi.
- Biết nắm bắt tâm lý khách hàng, đối tác,…Nhạy bén với những biến động của thị trường.
- Có tính kỷ luật, tự giác, quyết đoán trong công việc.
Cơ hội việc làm
Theo cô Cindy Nguyễn, Marketing chính là một trong những ngành có cơ hội việc làm cao nhất hiện nay: "Có nhiều sự lựa chọn công việc khác nhau, từ các vị trí cấp đầu vào đến các vị trí quản lý và điều hành lĩnh vực Marketing. Một số ví dụ về vị trí công việc bao gồm Trợ lý Marketing, Giám đốc sự kiện, Chuyên gia quan hệ công chúng, Content Writer, Copywriter, Chuyên gia phân tích về Marketing, Giám đốc truyền thông xã hội, Nhà nghiên cứu tiếp thị, Đại diện thương hiệu, Giám đốc thương hiệu và nhiều hơn nữa".
Một trong những lý do lớn nhất mà có rất nhiều công việc phù hợp với ngành Marketing là bởi Marketing được xem như cốt lõi của tất cả các hoạt động kinh doanh. Bộ phận Marketing là bộ mặt của một công ty và là bộ phận giao dịch trực tiếp với người tiêu dùng. Họ là nhóm có thời gian tiếp xúc với người tiêu dùng nhiều nhất.
Nội dung liên quan
Trong bộ phận Marketing còn là Sales (Bán hàng) chịu trách nhiệm cho sự thành công của một công ty. Bất kể công ty chuyên về lĩnh vực gì và nếu họ bán dịch vụ hoặc sản phẩm vật chất, doanh số bán hàng phải có khả năng thực hiện doanh số bán hàng này để mang lại lợi nhuận cho công ty.
Mức lương như thế nào?
Ngành Marketing là một ngành rất rộng và có nhiều vị trí công việc khác nhau. Bên cạnh đó còn tùy vào năng lực, trình độ và tuổi nghề nên mức lương của Marketing là trải dài ở nhiều phân khúc khác nhau. Đàm Anh Duy - cựu sinh viên ngành Marketing cũng chia sẻ thêm rằng thử thách chông gai thường chỉ nằm ở những năm đầu. Về sau càng lên cao thì thu nhập càng tăng nhiều hơn.
Về những phân vân trong việc nên hay không nên học Markerting, Anh Duy cho rằng dù với công việc đúng ngành hay trái ngành thì việc có nền tảng Marketing sẽ giúp bạn dễ dàng và thuận lợi hơn so với các đồng nghiệp của mình. Dù là ngành gì đi chăng nữa, chúng ta chỉ có thể làm tốt nhất khi chúng ta yêu thích và cống hiến thật nhiều công sức cho nó. Nhân lúc còn tuổi trẻ nhiệt huyết, đừng nên ngại mà hãy dũng cảm thử sức.
Nguồn: TH&PL