Là ngành học còn khá mới tại Việt Nam, thế nhưng Văn hóa học đã có những bước tiến nhất định và đang trên con đường trở thành một ngành hot thu hút sự quan tâm của nhiều bạn sinh viên.
Ngành Văn hóa học là gì?
Văn hóa học là ngành khoa học nghiên cứu về nền văn hóa Việt Nam, nền văn hóa các nước trên thế giới, văn hóa trong bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội toàn cầu. Văn hóa học cung cấp cho sinh viên kiến thức sâu rộng về những giá trị văn hóa của Việt Nam và thế giới, tập trung và đẩy mạnh phát triển cho sinh viên năng lực nghiên cứu, sáng tạo.
Nội dung liên quan
Cử nhân Văn hóa học sau khi ra trường có thể làm việc tại các cơ quan các tổ chức, cơ quan Nhà nước về ngành văn hóa, thông tin, du lịch như: Sở Văn hóa – Thể thao Du lịch, phòng văn hóa thông tin... Ngoài ra sinh viên tốt nghiệp ngành Văn hóa học có thể làm việc tại các cơ quan báo chí và truyền thông.
Top 5 trường đại học đào tạo ngành Văn hóa học tại Việt Nam:
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM
- Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội
- Đại học Văn Hóa
- Đại học Nội Vụ
- Đại học Văn Hiến
Top 5 trường đại học đào tạo ngành Văn hóa học tại Việt Nam chỉ mang tính chất tham khảo.
Sinh viên nói gì?
Nguyễn Mai Huy sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM ngành Văn hóa học chia sẻ: "Ban đầu mình cứ nghĩ Văn hóa học sau khi học xong sẽ đi thực hiện nghiên cứu Văn hóa hay làm việc tại các bảo tàng, cơ quan hành chính... Thế nhưng bản thân bước vào ngôi nhà chung Văn hóa học và tiếp thu được kiến thức từ thầy cô thì mình đã có những suy nghĩ khác đi. Huy không ngờ Văn hóa học lại có nhiều điều hay ho hơn trong trí tưởng tượng ban đầu.
Trong suốt quá trình học cho đến hiện tại, từ môn học đầu tiên đến các hoạt động ngoại khóa thì mình cảm thấy bản thân được là chính mình. Điều mà mình thích nhất khi nhắc đến khoa chắc là hệ thống các môn học chuyên ngành, nó giúp mình học hỏi được nhiều kiến thức hơn" - Mai Huy chia sẻ.
Thầy cô nói gì?
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng khoa Văn hóa học (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết: "Ngành Văn hóa học kết hợp giữa nghiên cứu lý luận và thực tiễn, ngoài ra chương trình đào tạo chú trọng phát triển tư duy của sinh viên. Chương trình đào tạo coi trọng việc phát hiện và xử lý vấn đề của sinh viên ngành Văn hóa."
"Trong thời gian vừa qua sau khi lắng nghe ý kiến từ sinh viên, nên khoa Văn hóa học cũng đã định hướng rõ hơn về việc đào tạo mang tính ứng dụng, thực tiễn. Thứ nhất là văn hóa đại chúng và truyền thông, thứ hai là văn hóa quản lý, cuối cùng là văn hóa du lịch." - thầy Nguyễn Ngọc Thơ phân tích cụ thể hơn về những định hướng chính khi theo học chuyên ngành Văn hóa học.
Nội dung liên quan
Cơ hội việc làm
Cơ hội việc làm của ngành Văn hóa học là không có giới hạn. Bởi lẽ với chương trình đào tạo nhấn mạnh việc phát triển tư duy của sinh viên vì thế các công việc về lập bảng kế hoạch văn hóa hay các công việc liên quan đến biên tập nội dung văn hóa.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ cho biết hiện nay sinh viên Văn hóa học sau khi tốt nghiệp sẽ làm ở những lĩnh vực sau:
- Giao tiếp giao tế hay các công việc liên quan đến vấn đề Quản lý doanh nghiệp, nhà nước.
- Công tác văn hóa Quản lý văn hóa tại các địa phương
- Các công việc thuộc lĩnh vực Báo chí, Truyền thông.
- Viết kế hoạch hay đề án văn hóa.
- Các ngành nghề liên quan đến Hàng không và Du lịch.
- Giảng dạy về khoa học văn hóa tại các trường đại học, cao đẳng, các trường nghề, trường nghiệp vụ về văn hóa - thông tin, về chính trị hay hành chính Nhà nước và các tổ chức xã hội.
- Sinh viên cũng đã và đang thử sức ở các công việc thuộc lĩnh vực tổ chức sự kiện và đạt được nhiều thành tựu nhất định.
Mức lương như thế nào?
Thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Văn hóa học sẽ phụ thuộc vào vị trí công việc và lĩnh vực mà bạn lựa chọn, những con số về mức lương cũng sẽ không có giới hạn, quan trọng bạn phải thật sự có năng lực và đáp ứng những nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Nguyễn Thị Kiều Oanh (Tư vấn viên thuộc phòng tuyển sinh của trường Greenwich Việt Nam, cơ sở TP.HCM) - cựu sinh viên ngành Văn hóa học cho biết: "Hiện tại mức thu nhập của mình dao động trong khoảng 10 - 15 triệu đồng. Nhìn chung mình thấy mức thu nhập này cũng tương đương so với những bạn cùng trang lứa."
Ngoài ra Trưởng khoa Văn hóa học cho biết hiện nay khoa cũng đang kết nối với nhiều doanh nghiệp để đưa sinh viên tiếp cận gần hơn với thực tế, giúp sinh viên có cơ hội cọ xát và trải nghiệm, nâng cao cơ hội việc làm.
Ngành Văn hóa học đa phần đào tạo thiên về hướng tư duy và cung cấp kiến thức nền tảng về văn hóa nên các bạn học sinh có hứng thú tìm hiểu văn hóa thì có thể cân nhắc đặt nguyện vọng vào ngành Văn hóa học.
Nguyễn Thị Kiều Oanh - cựu sinh viên ngành Văn hóa học nhắn gửi đến các bạn học sinh đang bước vào kỳ thi Đại học đầy căng thẳng:
Với chị khi quyết định lựa chọn và theo học bất kỳ ngành nào nói chung và ngành Văn hóa học nói riêng chị rất mong các bạn luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng học hỏi. Vì môi trường đại học sẽ giúp các bạn hoàn thiện không chỉ về kiến thức chuyên môn theo ngành bạn chọn mà sẽ là nơi các em có thể tự tin thể hiện cá tính và thế mạnh của mình.
Dù là ngành nào thì chỉ cần các bạn có phương pháp học đúng thì đều giúp bạn thành công. Tự tin lên nhé vì ở đâu cũng sẽ có cơ hội cho người biết nỗ lực.
Nguồn: TH&PL