Trẻ em vốn dĩ vô tội trước mọi lỗi lầm của người lớn, nếu họ đủ trách nhiệm yêu thương thì những sự việc đau lòng đã không diễn ra.
Thông tin về bé gái bị nhân tình của mẹ đóng đinh vào đầu một thời gian gây ra sự bức xúc trong dư luận, sau một thời gian tích cực điều trị thì phép màu đã không thật sự xảy ra. Vào 19h15 ngày 12/3, bé gái đã mãi mãi ra đi để lại sự xót thương cho những người ở lại, kết thúc cuộc đời với những giọt nước mắt hối hận của người mẹ.
Nội dung liên quan
Sự ra đi của một cuộc đời ngắn ngủi nhưng đã đủ lớn để giúp mỗi người lớn nhận thức được trách nhiệm trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng con cái của mình. Tội ác được xảy đến là điều đôi khi chẳng một ai mong muốn, nhưng nếu mỗi phụ huynh và gia đình hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình, dành nhiều sự quan tâm hơn cho con cái thì cái ác sẽ không thể nào được diễn ra.
Sự ra đi để giải thoát cho một cuộc đời với nhiều đau thương
Cuộc đời đã cho em một gia đình không trọn vẹn khi còn quá sớm để chứng kiến cảnh cha mẹ ruột chia tay, nhưng rồi đến cơ hội để được sống cũng nhẫn tâm lấy mất đi bởi sự tàn độc và ích kỷ của người lớn. Mãi mãi sẽ chẳng ai biết được trước khi sự việc vỡ lẽ ra thì những em nhỏ trong các vụ bạo hành, xâm hại đã phải trải qua những đớn đau và tổn thương như thế nào.
Điểm chung trong sự việc bé V.A bị dì ghẻ bạo hành và bé gái bị đóng 10 chiếc đinh vào đầu chính là đều ra đi dưới bàn tay thủ ác của những người mà các em xem như gia đình. Có những đau xót và tiếc thương cho những bông hoa chưa kịp nở đã sớm lụi tàn, nhưng đâu đó thì đây như một sự giải thoát để ở một nơi nào đó các em có cuộc sống tốt hơn.
Không phải những người thân hay biết các em từ trước, nhưng khi chứng kiến được hình ảnh được đăng tải cùng thông tin gây bức xúc, nhiều người không khỏi xót xa và tiếc thương. "Thôi thì cái chết là để giải thoát cho con đến với một thế giới có thể cho con được cuộc sống tốt đẹp và gia đình hạnh phúc", một bình luận để lại của cư dân mạng.
Đúng là hy vọng sống vẫn nên được thắp lên từng ngày nhưng liệu khoảng thời gian sau này của các em có thật sự ổn, khi ở đó là những ám ảnh về khoảng thời gian bị bạo hành, chứng kiến cảnh gia đình ly tán hay những di chứng để lại sau hành vi bạo hành. Tất cả đều có thể xảy ra, để chúng ta nhìn nhận sâu sắc, lên án và bài trừ hành vi bạo hành bởi chúng chính là một tội ác.
Nội dung liên quan
Mọi yêu thương muộn màng, cùng những day dứt sẽ mãi ở đó
Theo thông tin từ Zing, chị Nguyễn Thị Luyến (mẹ của bé A ) ngồi khóc nức nở trong lúc chờ thi thể của con, trong khi bản thân chỉ vài ngày nữa là đến ngày sinh con – đứa con giữa chị và kẻ thủ ác. Chị kể lại chỉ được 3 lần thăm con, chứng kiến cảnh con gái trên giường đã không khỏi xót xa.
"Tôi được vào với con 5 phút, chỉ kịp sờ tay cháu chứ không được ôm hôn. Đó là lần cuối cùng tôi được gặp con", chị khóc nức nở.
Mọi lời nói, giọt nước mắt hiện tại sẽ mãi mãi không thể thay đổi được những gì đã xảy ra, chúng chính là cái giá quá đắt cho sự vô tâm của người mẹ trước cuộc đời của con mình. Những ám ảnh này chắc chắn sẽ đeo bám chị suốt cả cuộc đời để bản thân có trách nhiệm hơn với những đứa trẻ sau này.
Tội ác sẽ được pháp luật trừng trị thích đáng, những tiếng khóc lóc và than vãn đôi khi chỉ còn là sự biện minh. Tuy nhiên, thứ mà họ sắp phải đối mặt không phải là một mức án tù hay sự xử lý, mà chính là tòa án lương tâm – nơi mà họ sẽ phải đấu tranh "phần người" với những gì bản thân đã gây ra.
Những đau thương có thể sẽ cần một thời gian đề cân bằng và ổn định, nhưng nỗi day dứt về sự thiếu trách nhiệm và vô tâm sẽ mãi ở đó cùng với con người. Chúng cũng chính là cái giá mà những kẻ gây ra tội ác với các em xứng đáng nhận được, hơn là một bản án về tội trạng của bản thân.
Nội dung liên quan
Nỗi ân hận của người mẹ là nhận thức trách nhiệm của người lớn
Sự việc lần này như một hồi chuông giúp nhận thức trách nhiệm của phụ huynh được nâng cao, một bài học chung cho cả xã hội trong việc nuôi dưỡng con cái. Khi đã gọi nhau bằng những tiếng thiêng liêng thì hãy nên có nghĩa vụ với cuộc đời của chúng, có thể sẽ không mang đến cho con một gia đình trọn vẹn, nhưng hãy nhắc nhở bản thân trong việc bảo vệ chúng.
Đồng thời, bảo vệ trẻ em cũng là trách nhiệm chung của cả cộng đồng vì các em chính là một mầm non của tương lai, đừng vì sự ích kỷ mà lựa chọn im lặng trước những hành vi bạo hành và xâm hại. Con cái của chúng ta cũng có thể vô tình trở thành nạn nhân trong số đó, nên hãy đề phòng tránh mọi rủi ro có thể xảy đến.
Nên nhớ trẻ em luôn vô tội, chúng có thể sai trong những tình huống của cuộc sống nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc ta có thể tùy ý xử phạt chúng. Hãy lựa chọn một cách giáo dục văn minh và yêu thương hơn, thay vì phải sử dụng đến bạo lực hay đòn roi bởi chúng tiềm ẩn nhiều rủi ro về bạo hành.
Sau những cuộc hôn nhân tan vỡ, chúng ta nên có trách nhiệm với con cái, những đứa trẻ là kết quả của tình yêu của chúng ta, đừng vô cảm từ chối hết thảy trách nhiệm và đừng lựa chọn im lặng khi chúng đang bị bạo hành. Bất cứ khi nào không còn đủ khả năng bảo vệ, hãy nhờ đến sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là tổng đài quốc gia 111.
Nguồn: TH&PL